.

Dấu ấn 10 năm xây dựng và phát triển

Thứ Năm, 28/03/2013, 13:57 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được thành lập theo Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 4-10-2002 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, trên cơ sở tổ chức lại hoạt động của Ngân hàng Phục vụ người nghèo (NHNg).

Theo đó Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Bình cũng chính thức được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 29-3-2003 theo Quyết định số 46/QĐ-HĐQT ngày 14-1-2003 của Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) NHCSXH. Khi mới thành lập, bộ máy điều hành của NHCSXH Quảng Bình chỉ có 10 cán bộ từ Ngân hàng Phục vụ người nghèo tỉnh chuyển sang. "Neo người" nhưng họ phải điều hành với khối lượng lớn công việc trong điều kiện còn nhiều khó khăn và thiếu thốn. Được sự động viên, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp và sự phối kết hợp có hiệu quả của các ban ngành, đoàn thể có liên quan, sự nhiệt liệt hưởng ứng của người nghèo và các đối tượng chính sách trong toàn tỉnh, tập thể cán bộ viên chức NHCSXH Quảng Bình đã nỗ lực vượt khó, năng động, sáng tạo hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Từ khi thành lập, đơn vị xác định công tác tổ chức bộ máy là một trong những yếu tố căn bản tạo nên sự thành công của NHCSXH Quảng Bình. Toàn tỉnh có 1 Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh và 7 Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện, thành phố. Trong đó bao gồm một số lãnh đạo chủ chốt của chính quyền và đoàn thể các cấp, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban đại diện.

Các thủ tục cho vay nguồn vốn ưu đãi luôn tiện lợi và nhanh chóng.
Các thủ tục cho vay nguồn vốn ưu đãi luôn tiện lợi và nhanh chóng.

Trong 10 năm, ban đại diện các cấp đã hoạt động tích cực, hàng quý có các Nghị quyết chỉ đạo công việc của NHCSXH và tiến hành kiểm tra giám sát thường xuyên hoạt động của NHCSXH. Bộ máy điều hành tác nghiệp của NHCSXH Quảng Bình bao gồm Hội sở NHCSXH tỉnh kiêm chức năng, nhiệm vụ của NHCSXH tại thành phố Đồng Hới và 6 Phòng giao dịch NHCSXH tại 6 huyện, gồm 115 cán bộ nghiệp vụ, chủ yếu là đại học chuyên ngành tài chính - ngân hàng.

Sau 10 năm hoạt động, NHCSXH Quảng Bình đã thiết lập được mạng lưới hoạt động rộng khắp trong toàn tỉnh, vươn tới tận các xã vùng sâu, vùng xa thông qua các các tổ chức chính trị xã hội, tổ tiết kiệm vay vốn và điểm giao dịch cấp xã. NHCSXH Quảng Bình đã thực hiện cho vay theo phương thức uỷ thác từng phần qua Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên các cấp; đã phối kết hợp với chính quyền địa phương, tổ chức Hội thành lập được 2.742 tổ tiết kiệm và vay vốn để tập hợp, tạo cầu nối cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu vay vốn NHCSXH; đã thiết lập được 153 điểm giao dịch tại xã, 7 trụ sở phòng giao dịch NHCSXH tại các huyện, thành phố, thường xuyên giao dịch theo định kỳ vào ngày cố định hàng tháng (kể cả thứ 7, chủ nhật). Các cán bộ tín dụng sẽ đến tận nơi cư trú của các đối tượng thụ hưởng để trao vốn vay, tạo điều kiện cho họ được vay vốn, trả nợ, trả lãi một cách kịp thời.

Ngay sau khi đi vào hoạt động, NHCSXH Quảng Bình vừa cho vay mới, vừa tiếp nhận lại toàn bộ nguồn vốn, dư nợ cho vay hộ nghèo từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NHNo và PTNT), cho vay giải quyết việc làm từ Kho bạc Nhà nước bàn giao sang đúng tiến độ và không gây ách tắc, gián đoạn đến việc vay trả của khách hàng. Từ 02 chương trình tín dụng ban đầu với dư nợ 161,3 tỷ đồng, đến nay NHCSXH Quảng Bình đã có 12 chương trình tín dụng.

Tính đến ngày 31-12-2012, tổng dư nợ các chương trình cho vay đạt 2.047 tỷ đồng, tăng 11,7 lần so với ngày đầu thành lập, với hơn 135 nghìn khách hàng dư nợ, trong đó dư nợ uỷ thác qua tổ chức chính trị xã hội là 2.022 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 98,8%/tổng dư nợ. Cùng với việc tăng thêm các chương trình tín dụng, đối tượng thụ hưởng đa dạng hơn, cơ cấu sử dụng vốn đã có thay đổi.

Đến cuối năm 2012 tỷ trọng dư nợ cho vay hộ nghèo chỉ chiếm 37,3% (những năm trước đây chương trình này chiếm trên 80% dư nợ), dư nợ cho vay HSSV lớn nhất chiếm 39,8%/tổng dư nợ, còn lại dư nợ các chương trình tín dụng khác chiếm 22,9%/tổng dư nợ. Thị phần của tín dụng chính sách tại các xã vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng khó khăn tăng nhanh, bình quân chiếm hơn 70% dư nợ tín dụng trên địa bàn xã, một số xã chiếm 100%; bình quân 01 xã, phường, thị trấn có dư nợ NHCSXH từ 1 tỷ đồng đầu năm 2003 tăng lên 12,9 tỷ đồng cuối năm 2012 (+11,9 tỷ đồng); bình quân dư nợ một khách hàng từ 2,4 triệu đồng đầu năm 2003 nâng lên 15,1 triệu đồng cuối năm 2012 (+12,7 triệu/khách hàng). Nợ quá hạn luôn duy trì dưới 1,0% và giảm dần từ 1,8% khi nhận bàn giao xuống còn 0,7% cuối năm 2012.

Với sự ra đời và hoạt động của NHCSXH, các đối tượng cho vay đã được mở rộng, đáp ứng nhu cầu vay vốn cho nhiều đối tượng khác trên các lĩnh vực học tập, tạo công ăn việc làm, xuất khẩu lao động, cải thiện điều kiện sinh hoạt... Đây là những chương trình cho vay được các cấp chính quyền và nhân dân nhiệt tình đón nhận.

Đi đôi với công tác mở rộng và nâng cao chất lượng đầu tư tín dụng, công tác kiểm tra, kiểm soát các mặt hoạt động của NHCSXH luôn được quan tâm. Hàng năm, từ Ban đại diện HĐQT các cấp đến các NHCSXH tỉnh, huyện thực hiện kiểm tra về cơ sở theo chương trình kiểm tra đã được xây dựng ngay từ đầu năm. Qua các đợt thanh kiểm tra các đoàn đều có chung đánh giá: Hoạt động của các NHCSXH Quảng Bình đã thực hiện đúng các chủ trương, chính sách Nhà nước quy định; vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng; hộ vay đã sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, tạo được việc làm cho hàng chục ngàn lao động; hàng chục ngàn hộ đã thoát ngưỡng nghèo đói, hàng chục ngàn học sinh sinh viên khó khăn có cơ hội học tập không phải bỏ học vì thiếu tiền đóng học phí... Đồng thời qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện những tồn tại để khắc phục, sửa chữa, nhằm đưa hoạt động của NHCSXH ngày càng hoàn thiện hơn.

Với những thành tích đạt được trong 10 năm qua, NHCSXH Quảng Bình vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2005; hạng Nhì năm 2010 vì đã có thành tích góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, màng lưới hoạt động NHCSXH Quảng Bình không ngừng nỗ lực phấn đấu để phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh.

                                                         Nguyễn Hữu Lướng
                                              Giám đốc NHCSXH Quảng Bình