Hoạt động sản xuất, kinh doanh gạch, ngói xây dựng: Đang bí lối ra

Cập nhật lúc 10:34, Thứ Năm, 28/03/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Trước tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, thị trường mua bán, sản xuất vật liệu xây dựng trong năm qua cũng rơi vào tình trạng trì trệ. Nhiều doanh nghiệp sản xuất gạch, ngói ở tỉnh ta phải sản xuất cầm chừng, số lượng sản phẩm tồn kho trong thời gian qua khá lớn.

Tỉnh ta có trên 10 nhà máy sản xuất gạch, ngói tuynel. Trước đây, phần lớn các nhà máy thường hoạt động từ 150-200% công suất lò nung, nhưng hiện nay thì rất ít nhà máy khai thác đạt được công suất đó, sản lượng tiêu thụ cũng giảm hẳn.

Ông Hoàng Văn Hòa, Giám đốc Công ty TNHH thương mại gạch ngói tuynel Cầu Bốn (xã Thuận Đức, TP. Đồng Hới) cho biết: “Do gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ nên năm 2012 doanh nghiệp sản xuất trên 12 triệu viên gạch quy tiêu chuẩn (gạch 2 lỗ) nhưng chỉ tiêu thụ được khoảng 60% sản phẩm. Đáng ra sau Tết là thời gian cao điểm đốt lò làm gạch, tuy nhiên doanh nghiệp đã quyết định giảm công suất sản xuất với số lượng sản phẩm cầm chừng để tiêu thụ hết lượng sản phẩm còn tồn kho”.

Công nhân đang bốc gạch tại Công ty TNHH thương mại gạch ngói tuynel Cầu Bốn.
Công nhân đang bốc gạch tại Công ty TNHH thương mại gạch ngói tuynel Cầu Bốn.

Theo các chủ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng cho biết, nếu là những năm trước thì sau Tết Nguyên đán là thời điểm  bắt đầu “nóng” của thị trường vật liệu xây dựng vì khởi công nhiều công trình, dự án đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, năm nay, tại thời điểm này mặc dù sức mua của thị trường vật liệu xây dựng nói chung, lượng tiêu thụ gạch, ngói tuynel nói riêng có tăng nhưng về cơ bản thì các doanh nghiệp vẫn đang trong tình trạng trì trệ, ảm đạm. Sản xuất gạch làm ra tiêu thụ chậm, sản phẩm tồn kho nhiều, trong khi doanh nghiệp vẫn phải trả nợ ngân hàng, trả lương cho công nhân, nộp bảo hiểm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước...

Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng 1-5 (TP.Đồng Hới) là công ty làm ăn rất hiệu quả nhưng trong giai đoạn khó khăn này cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. So với năm 2011, năm 2012 sản lượng tiêu thụ gạch, ngói của công ty chỉ đạt khoảng 70%, công suất hoạt động của các lò nung cũng chỉ có 85% công suất. Sau thời gian nghỉ Tết, công ty đặt ra mục tiêu là tập trung vào việc tiêu thụ sản phẩm đang tồn kho, vừa tiến hành sửa chữa máy móc thiết bị, vừa duy trì sản xuất, tuy nhiên việc sản xuất sẽ cầm chừng để tránh hiện tượng nợ ngân hàng và các rủi ro khác có thể xảy ra.

Bà Nguyễn Thị Bích Dung, Giám đốc Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng 1-5 chia sẻ: “Trong lúc thị trường bất động sản đang đóng băng, tình hình kinh tế khó khăn kéo theo việc các công trình xây dựng giảm, ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ các loại vật liệu xây dựng. Chấp nhận trước khó khăn chung đó, công ty đặt ra mục tiêu chỉ sản xuất và tiêu thụ gạch, ngói để trả lương cho công nhân”. Bà Dung cũng cho biết thêm, trong năm nay, công ty sẽ từng bước tiếp cận thị trường mới để tháo gỡ khó khăn.

Theo đánh giá chung của nhiều doanh nghiệp thì đây là một trong những giai đoạn khó khăn nhất của việc sản xuất gạch, ngói, vì tại một số đơn vị giá bán chỉ bằng giá thành sản phẩm nhưng lượng tiêu thụ vẫn chậm.

Qua tìm hiểu, được biết, tại các vùng đất nổi tiếng có truyền thống làm gạch lâu năm như vùng Cầu Bốn (xã Thuận Đức, TP. Đồng Hới), xã Hòa Trạch (Bố Trạch)... đều xảy ra tình trạng gạch tuynel ế ẩm. Có đơn vị sản lượng của năm 2012 giảm đến 1/3 so với năm 2011 và dự báo trong năm 2013 sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Khó khăn hơn, nhiều doanh nghiệp, nhà máy lượng tiêu thụ sản phẩm quá thấp trong khi nguồn vốn không có nên phải “ngậm ngùi” dừng hoạt động.

Trước tình hình đó, nếu các doanh nghiệp không linh động có phương án đổi mới sản xuất, kinh doanh thì sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức và rất khó tồn tại. Hiện nay, sản xuất gạch không nung đang được các cấp, các ngành khuyến khích đầu tư với nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi, các doanh nghiệp biết nắm bắt thời cơ, chuyển đổi hướng phát triển phù hợp sẽ có được một thị trường đầy tiềm năng, hứa hẹn.

                                                                            Lê Mai






 

,
.
.
.