icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Nhà Trắng chỉ đạo NASA thiết lập thời gian chuẩn trên Mặt Trăng

  • 14:34 | Thứ Tư, 03/04/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Nhà Trắng chỉ đạo NASA thiết lập một tiêu chuẩn thống nhất về thời gian trên Mặt Trăng và các thiên thể khác, trong bối cảnh các quốc gia và các công ty tư nhân đang tăng tốc chạy đua khám phá vũ trụ.
Một chiếc máy bay bay qua Mặt Trăng ở Curitiba, Brazil ngày 8/2/2020. (Nguồn: Reuters)
Một chiếc máy bay bay qua Mặt Trăng ở Curitiba, Brazil ngày 8/2/2020. (Nguồn: Reuters)
Ngày 2/4, Chính phủ Mỹ đã chỉ đạo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) thiết lập tiêu chuẩn thời gian thống nhất cho Mặt Trăng và các thiên thể khác, trong bối cảnh các quốc gia và các công ty tư nhân đều đang tăng cường chạy đua khám phá vũ trụ.
 
Cụ thể, người đứng đầu Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ (OSTP) của Nhà Trắng đã đề nghị NASA phối hợp với các cơ quan khác trong Chính phủ Mỹ, đưa ra kế hoạch thiết lập Thời gian phối hợp Mặt Trăng (LTC) vào cuối năm 2026.
 
Lực hấp dẫn và các yếu tố trên Mặt Trăng và các thiên thể khác khiến thời gian trên các hành tinh này khác với Trái Đất.
 
Việc có thời gian chuẩn LTC có thể cung cấp tiêu chuẩn đo lường thời gian cho tàu vũ trụ và vệ tinh Mặt Trăng, vốn đòi hỏi độ chính xác cực cao khi thực hiện sứ mệnh ngoài không gian.
 
Một quan chức OSTP cho biết nếu không thiết lập được LTC, sẽ rất khó để đảm bảo việc truyền dữ liệu an toàn giữa các tàu vũ trụ cũng như đồng bộ hóa thông tin liên lạc giữa Trái Đất, các vệ tinh Mặt Trăng, căn cứ và phi hành gia.
 
Theo quan chức này, sự khác biệt về thời gian cũng có thể dẫn đến sai sót trong việc lập bản đồ và định vị các vị trí trên hoặc quay quanh Mặt Trăng. Do đó, việc triển khai đồng hồ nguyên tử trên bề mặt Mặt Trăng là điều cần thiết, nhất là khi các hoạt động thương mại mở rộng lên Mặt Trăng.
 
Việc thiết lập tiêu chuẩn thời gian thống nhất sẽ hỗ trợ điều phối các hoạt động, đảm bảo việc quản lý logistics.
 
Thông qua việc thực thi sứ mệnh Artemis, NASA đang đặt mục tiêu đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng trong những năm tới và thiết lập một căn cứ khoa học tại đây, tạo tiền đề cho các nhiệm vụ tiếp theo trên Sao Hỏa.
 
Hàng chục công ty, tàu vũ trụ và các quốc gia đều đã tham gia vào nỗ lực này.
 
Tháng 1/2024, NASA cho biết đã lên kế hoạch mang tên Artemis 3, đưa phi hành gia hạ cánh xuống Mặt Trăng vào tháng 9/2026, sau khi thực hiện sứ mệnh đầu tiên mang tên Apollo vào những năm 70 của thế kỷ trước.
 
Trước mắt, NASA dự kiến thực hiện sứ mệnh Artemis 2, đưa 4 phi hành gia bay quanh Mặt Trăng và trở lại Trái Đất vào tháng 9/2025.
 
Theo OSTP, việc xác định một tiêu chuẩn chung cho thời gian trên Mặt Trăng sẽ đem lại lợi ích cho tất cả các quốc gia trong cuộc đua vào vũ trụ.
 
Tuy nhiên, các nước sẽ cần đạt được thỏa thuận chung thông qua Hiệp định Artemis, liên quan đến cách thức hoạt động trong không gian và trên Mặt Trăng. Hiện đã có 36 quốc gia đã ký kết hiệp định trên.
Theo (TTXVN/Vietnam+)

tin liên quan

Tổng rà soát hệ thống an toàn thông tin mạng sau khi VNDirect bị tấn công

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông-TT&TT) vừa có công văn đề nghị các đơn vị, nhất là doanh nghiệp tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng đối với hệ thống thông tin sau khi Công ty chứng khoán VNDirect bị tấn công mạng.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến đo lường thời gian của thế giới

Tinh trạng băng tan ở Greenland và Nam Cực cũng như sự nóng lên toàn cầu, đã làm chậm lại quá trình quay của Trái Đất, từ đó làm hoãn nhu cầu bổ sung giây nhuận âm cho đến ít nhất là năm 2029.

Phát hiện mới về Hố đen ở trung tâm Dải Ngân hà

Ngày 27/3, Tổ chức Nghiên cứu thiên văn châu Âu tại Nam Bán cầu (ESO) cho biết, các nhà thiên văn học đã phát hiện ra các trường từ mạnh quanh hố đen nằm ở trung tâm Dải Ngân hà.