Kỷ niệm 78 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946-6/1/2024)

Nửa nhiệm kỳ nỗ lực thực hiện lời hứa trước cử tri

  • 06:02 | Thứ Bảy, 06/01/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đi qua nửa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, với sự quyết tâm, nỗ lực, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của các cơ quan Trung ương và địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh đã ghi nhiều dấu ấn đậm nét, góp phần hiện thực hóa lời hứa đại diện, chăm lo cho quyền lợi chính đáng, hợp pháp của cử tri, đặc biệt là các đối tượng yếu thế, người có công.
 
Thích ứng linh hoạt, đổi mới và sáng tạo
 
Bước vào nhiệm kỳ thứ XV với nhiều khó khăn, thách thức cả về khách quan và chủ quan, Quốc hội nước ta phải đối mặt với không ít áp lực, đòi hỏi sự đổi mới mạnh mẽ, thích ứng linh hoạt để đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng của cử tri và nhân dân, góp phần vào việc hoàn thành các chỉ tiêu của nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Đối với tỉnh Quảng Bình, yêu cầu đổi mới và linh hoạt càng cấp thiết hơn khi thiên tai, dịch bệnh… để lại nhiều hậu quả nặng nề.
 
Xác định được trọng trách của mình, trong nửa đầu nhiệm kỳ qua, để xây dựng một Quốc hội hành động và trách nhiệm, đồng hành cùng Chính phủ, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân, Quốc hội đã thực hiện nhiều đổi mới về phương thức hoạt động. Đóng góp vào nỗ lực đó, Đoàn ĐBQH tỉnh, dù có quy mô nhỏ, với hơn 66% đại biểu lần đầu tiên đắc cử, đã nhanh chóng kiện toàn về tổ chức, lề lối làm việc để bắt nhịp cùng Quốc hội đổi mới.
Đồng chí Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Minh Tâm trò chuyện với cử tri xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa).
Đồng chí Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Minh Tâm tặng quà cho hộ gia đình khó khăn tại xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa).

Các ĐBQH, từ đại biểu chuyên trách đến kiêm nhiệm đều tham gia đầy đủ, có trách nhiệm 6 kỳ họp thường lệ, 4 kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV, các kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức… Qua 10 kỳ họp, các ĐBQH đã phát biểu 59 lượt tại hội trường, 157 lượt tại tổ; trực tiếp chất vấn 24 lượt, 7 lượt gửi văn bản chất vấn tới các bộ, ngành.

Các ý kiến phát biểu đều xuất phát từ những vấn đề bức thiết của cuộc sống, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, mong mỏi của cử tri, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh, kinh tế khó khăn. Nhiều ý kiến tham gia của Đoàn ĐBQH tỉnh đã được các cơ quan soạn thảo, trình dự án luật và UBTVQH tiếp thu, đúng như tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri gửi tới diễn đàn của Quốc hội.

Sự thích ứng linh hoạt của Đoàn ĐBQH tỉnh cũng thể hiện thông qua việc đa dạng hóa các hình thức tiếp xúc cử tri (TXCT) để phù hợp với bối cảnh tình hình thực tế. Từ TXCT trực tuyến, thu thập ý kiến, nguyện vọng của cử tri thông qua các kênh điện thoại, tin nhắn, mạng xã hội… trong thời kỳ dịch bệnh, đến TXCT mang tính đặc thù (đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, đối tượng doanh nhân, công nhân, người lao động…) để nắm bắt tác động của chính sách, những khó khăn của cử tri, từ đó, thu thập những kiến nghị chất lượng, tập trung sát thực tiễn.
 
Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, đoàn đã tổ chức 10 đợt TXCT thường lệ (cả trực tuyến và trực tiếp), 3 đợt TXCT chuyên đề. Các ĐBQH tỉnh đã tiến hành 15 đợt TXCT tại nơi cư trú, nơi công tác với khoảng 70 điểm tiếp xúc. Từ đó, thu thập 154 kiến nghị gửi các cơ quan Trung ương, 140 kiến nghị gửi các cơ quan địa phương. Nhiều kiến nghị được lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh quan tâm, đôn đốc và theo đuổi dài hạn nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế chính sách, phủ lấp khoảng trống chính sách cho nhiều đối tượng đặc thù như đội ngũ cán bộ bán chuyên trách, đối tượng người có công.
 
Tham gia tích cực vào hoạt động giám sát, phản biện tại địa phương, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh đã thực hiện 2 cuộc khảo sát, 2 cuộc giám sát của đoàn, 12 cuộc giám sát của Quốc hội, UBTVQH; gửi đến các cơ quan chức năng 301 kiến nghị (86 kiến nghị gửi các cơ quan địa phương, 215 kiến nghị gửi các cơ quan Trung ương). Qua rà soát đã có 10 kiến nghị được hiện thực hóa thành văn bản, chính sách.
 
Đồng chí Nguyễn Minh Tâm, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh: “Những dấu ấn trong hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh khẳng định hiệu quả của việc cải tiến, đổi mới hoạt động của Quốc hội theo hướng linh hoạt, mang hơi thở cuộc sống dân sinh. Những nguyện vọng của cử tri được Đoàn ĐBQH tỉnh nắm bắt kịp thời và quan tâm, nỗ lực giải quyết. Công tác ASXH được tích cực chăm lo, góp phần đồng hành, chia sẻ khó khăn với những người yếu thế, người có công, được cử tri, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao!”.

Sự thích ứng linh hoạt của Đoàn ĐBQH tỉnh còn thể hiện qua hoạt động giám sát, như: Giám sát qua báo cáo; thu thập thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng; nghiên cứu tài liệu các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; gắn giám sát trực tiếp với khảo sát ý kiến, nguyện vọng các đối tượng chịu sự tác động của chính sách liên quan. Nhờ vậy, các kiến nghị, phản ánh của đoàn mang tính khách quan, tương đối khả thi, hiệu quả. Nhiều báo cáo giám sát của đoàn được các đoàn giám sát của Quốc hội, UBTVQH đánh giá, ghi nhận.

Tham gia tích cực vào quá trình rà soát văn bản quy phạm pháp luật là hoạt động được xem là bước tiến mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội nhiệm kỳ này, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp với các cơ quan địa phương để phát hiện bất cập, vướng mắc tại 34 luật, 3 pháp lệnh, 33 nghị định, 31 thông tư, 2 loại văn bản khác và đưa ra đề xuất sửa đổi, điều chỉnh.
 
Chú trọng an sinh xã hội
 
Bên cạnh hoạt động chuyên môn, Đoàn ĐBQH tỉnh xem công tác an sinh xã hội (ASXH) là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Không chỉ hưởng ứng tích cực các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Cả nước chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”, hoạt động ASXH còn là kênh thông tin quan trọng để nắm bắt độ thẩm thấu của chính sách tới đối tượng yếu thế, người có công, xem xét tính khả thi, kịp thời và hiệu quả của chính sách. Đây cũng là sự hiện thực hóa một trong những lời hứa của đại biểu khi ứng cử trước cử tri.
 
Trong gần 3 năm, Đoàn ĐBQH tỉnh đã kết nối, trao tặng gần 30 căn nhà "Đại đoàn kết" với tổng trị giá 3 tỷ đồng; trao tặng 2.500 suất quà của Quỹ Thiện Tâm trị giá 1,5 tỷ đồng; huy động, trao tặng hàng nghìn phần quà bằng hiện vật khác cho cựu chiến binh, người khuyết tật, trẻ mồ côi, đồng bào vùng dân tộc thiểu số biên giới gặp khó khăn do đại dịch…
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga trò chuyện với công nhân Tập đoàn Sơn Hải.
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga trò chuyện với công nhân Tập đoàn Sơn Hải.
Đoàn ĐBQH tỉnh cũng thường xuyên thăm hỏi các gia đình người có công trên địa bàn vào những dịp lễ tri ân. Thông qua hoạt động này, đoàn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri là người có công và tham gia kiến nghị chính sách có tình, có lý, lâu dài, hiệu quả. Điển hình là việc kiến nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Thủ tướng Chính phủ cấp bằng “Tổ quốc ghi công” cho 24 liệt sỹ thuộc lực lượng Bộ đội Biên phòng, trong đó có trường hợp liệt sỹ Trần Minh Lợi (Đồn Biên phòng Làng Mô, huyện Quảng Ninh), liệt sỹ Dương Xuân Hải (xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch).
 
Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã kiến nghị về trường hợp bà Phan Thị Hanh, có bố đẻ là liệt sỹ và con trai duy nhất là liệt sỹ Lê Hải Đức hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại Quảng Trị chưa thể đủ điều kiện tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” do những quy định tại Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Trên quan điểm mang tính nhân văn, để phù hợp với chủ trương, chính sách về dân số giai đoạn hiện nay là mỗi gia đình chỉ có 1 đến 2 con thì việc một người con hy sinh trong thời bình là nỗi mất mát rất lớn, không gì bù đắp nổi, Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị cần có sự tri ân xứng đáng. Hiện đoàn đang tiếp tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” phù hợp thực tế, đáp ứng yêu cầu đền ơn đáp nghĩa giai đoạn hiện nay, tri ân xứng đáng cống hiến của các cá nhân.  
 
3 năm không phải là khoảng thời gian dài khi so với chặng đường 78 năm lịch sử hình thành của Quốc hội Việt Nam. Song cùng với Quốc hội Việt Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có sự chuyển mình, đổi mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng, đồng thời khẳng định lời hứa của ĐBQH trước cử tri tỉnh nhà.
Ngọc Mai

tin liên quan

"Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua"

(QBĐT) - Khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua", Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình dù ở trong giai đoạn lịch sử nào cũng luôn nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn để viết nên những trang sử mới đa sắc màu của phong trào thi đua "Hai giỏi" trên quê hương.

Vững tin bước vào năm mới

(QBĐT) - Năm 2023, với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành, sự chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tỉnh Quảng Bình tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội.

Gió Đại Phong và phong cách Nguyễn Chí Thanh

(QBĐT) - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914-1967) là vị đại tướng thứ hai của Quân đội nhân dân Việt Nam sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông sinh tại làng Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên ngày 1/1/1914.