HĐND tỉnh: Tiếp sức cho ngư dân và "phủ sóng" chính sách đến mọi đối tượng

  • 16:21 | Thứ Năm, 14/12/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Tại kỳ họp thứ 12 (kỳ họp thường lệ cuối năm), HĐND tỉnh khóa XVIII đã xem xét, thông qua 25 nghị quyết quan trọng, tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý, điều hành của UBND tỉnh và chính quyền các cấp. Đặc biệt, HĐND tỉnh đã thông qua nhiều nghị quyết nhân văn, đáp ứng lòng mong mỏi của cử tri, nhân dân và yêu cầu thực tiễn.

Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua nghị quyết tại kỳ họp thứ 12
Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua nghị quyết tại kỳ họp thứ 12.

Niềm vui của ngư dân

Là tỉnh có thế mạnh đặc biệt về đánh bắt, khai thác hải sản với lực lượng tàu cá hùng hậu, những năm qua, ngư dân Quảng Bình đã nhận được sự quan tâm từ những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, đời sống người dân và kinh tế-xã hội các địa phương vùng biển đổi thay mạnh mẽ. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi căn bản, các năm gần đây, hoạt động sản xuất, khai thác của ngư dân Quảng Bình vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai, thị trường tiêu thụ… Từ những tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, trong đó có ngư dân, nhiều nội dung kiến nghị, phản ánh đã được tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương quan tâm giải quyết.

Tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ cước thuê bao dịch vụ giám sát hành trình (GSHT) tàu cá tỉnh giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2026. Theo đó, hiện đã có 1.127/1.165 tàu cá lắp đặt thiết bị GSHT (đạt 96,7%). Để duy trì hoạt động của thiết bị, mỗi năm, 1 tàu cá phải chi trả cước thuê bao dao động từ 3 đến 6 triệu đồng, tạo thêm áp lực về kinh phí vươn khơi, bám biển của ngư dân trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 100 tàu cá mất kết nối dài ngày do không đóng cước thuê bao GSHT cho các đơn vị cung cấp thiết bị và con số này đang tăng lên do chủ tàu gặp khó khăn.

Nội dung nghị quyết quy định: Năm 2024, mỗi tàu cá được hỗ trợ 100% cước thuê bao dịch vụ GSHT theo hợp đồng và hóa đơn thực tế nhưng tối đa không quá 300.000 đồng/tháng/tàu. Lần lượt các năm 2025, 2026, số kinh phí hỗ trợ theo tỷ lệ là 70% và 50%. Tổng kinh phí hỗ trợ trong 3 năm là trên 9,2 tỷ đồng, được trích từ ngân sách tỉnh thông qua Sở Nông nghiệp và PTNT chi trả cho các chủ tàu cá theo quy định. Như vậy, nghị quyết không chỉ hỗ trợ ngư dân mà góp phần quan trọng phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn và chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), tiến tới gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu.

Ngư dân sẽ được tiếp thêm sức mạnh bằng chính sách hỗ trợ cước thuê bao dịch vụ giám sát hành trình tàu cá
Ngư dân sẽ được tiếp thêm sức mạnh bằng chính sách hỗ trợ cước thuê bao dịch vụ giám sát hành trình tàu cá.

Anh Nguyễn Tuấn Anh, xã Cảnh Dương (Quảng Trạch), là chủ 4 tàu cá khai thác ngư trường biển xa cho biết: Khi nghe thông tin này, tôi và ngư dân xã nhà rất phấn khởi. Dù thời gian gần đây, hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản đã từng bước được khôi phục nhưng ngư dân vẫn còn nhiều khó khăn. Trước mỗi chuyến đi biển, chúng tôi phải mua sắm nhiều nhu yếu phẩm, tiền dầu… với tổng chi phí rất lớn, chỉ có thể thanh toán sau khi kết thúc chuyến đánh bắt và có tiền bán sản phẩm. Một trong những yêu cầu quan trọng của tàu cá khai thác ngư trường biển xa là phải duy trì hoạt động của thiết bị GSHT, nên khi đi biển, nhiều chủ tàu phải vay mượn tiền để đóng phí thuê bao, có tàu còn phải “vay nóng” bởi nếu thiết bị không hoạt động sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an toàn tàu cá và các quy định về chống khai thác IUU. Chúng tôi rất cảm ơn sự quan tâm của tỉnh thông qua quy định cụ thể này bởi nó giúp ngư dân với bớt nỗi lo, an tâm vươn khơi bám biển.

Quan tâm chăm lo hệ thống chính trị và cán bộ cơ sở

Được xem là “cánh tay nối dài” của Đảng, Nhà nước và nhân dân, chế độ, chính sách đối với các tổ chức chính trị-xã hội (CT-XH) cấp xã và đội ngũ cán bộ cơ sở, đặc biệt là những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, bản, tổ dân phố (TDP), là những băn khoăn, trăn trở rất lớn của tỉnh, các sở, ngành, cử tri và nhân dân.

Nghị quyết của HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 12 tiếp tục khẳng định sự nỗ lực, quan tâm của tỉnh trong việc chăm lo cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Bên cạnh thực hiện Nghị định số 33/2023/NĐ-CP, ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, TDP (Nghị định 33), từ 1/1/2024, ngoài ngân sách Trung ương cấp, tỉnh sẽ trích ngân sách địa phương để khoán kinh phí cho các tổ chức CT-XH ở cấp xã và hỗ trợ người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, bản, TDP.

Cán bộ và người có uy tín của bản Cà Xen, xã Thanh Hóa (huyện Tuyên Hóa) đóng góp tích cực vào quá trình phát triển của địa phương
Cán bộ và người có uy tín của bản Cà Xen, xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa) đóng góp tích cực vào quá trình phát triển của địa phương.

Theo đó, mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức CT-XH ở cấp xã được quy định cụ thể: Loại 1 được khoán quỹ bằng 8 lần mức lương cơ sở/tổ chức/năm; loại 2 và loại 3 lần lượt bằng 7 và 6 lần. Mức hỗ trợ đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, bản, TDP (bao gồm các chức danh: Phó Bí thư chi bộ (Phó Bí thư đảng bộ bộ phận); Phó Trưởng thôn, bản, TDP; Chi hội trưởng các hội: Cựu Chiến binh, Nông dân; Phụ nữ, Bí thư chi đoàn) được hỗ trợ từ 0,3 đến 0,4 lần mức lương cơ sở/người/tháng theo quy định về quy mô, khu vực.

Với 5 tổ chức CT-XH ở cấp xã, dự kiến khoán kinh phí cho mỗi năm khoảng gần 10 tỷ đồng. Mỗi thôn, bản, TDP bố trí 6 chức danh trực tiếp tham gia hoạt động, số tiền hỗ trợ là trên 49 tỷ đồng. Như vậy, tổng số kinh phí trích từ ngân sách địa phương để khoán cho các tổ chức CT-XH ở cấp xã và hỗ trợ người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, bản, TDP là gần 60 tỷ đồng/năm.

Chia sẻ về nội dung này, ông Bùi Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Minh Hóa cho biết, chế độ, chính sách cho tổ chức CT-XH cấp xã và đội ngũ cán bộ thôn, bản, TDP là vấn đề được cử tri và nhân dân rất quan tâm. Cùng với thực hiện Nghị định 33, việc HĐND tỉnh ban hành nghị quyết với nội dung trích kinh phí khoán cho các tổ chức CT-XH ở cấp xã và hỗ trợ người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, bản, TDP sẽ tạo động lực quan trọng, nhất là đối với địa bàn còn nhiều khó khăn như Minh Hóa. Đặc biệt, các xã biên giới, các tổ chức CT-XH và cán bộ thôn, bản, TDP sẽ được tăng cường sức mạnh, qua đó củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên, nhân dân để thêm phần quyết tâm, nỗ lực trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Rộng mở “lối về” cho người nghiện ma túy

Cùng với hai nghị quyết nêu trên, kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVIII cũng đã thông qua nghị quyết quy định một số nội dung, mức hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy (CNMT) trên địa bàn tỉnh. Theo đó, người cai nghiện bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở CNMT bắt buộc được hỗ trợ chi phí cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí với mức 150.000 đồng/người/năm. Sau khi chấp hành xong quyết định và trở về địa phương nơi cư trú sẽ được hỗ trợ tiền mua quần áo với mức 400.000 đồng/bộ/người.

Người cai nghiện ma túy tự nguyện tích cực hợp tác cai nghiện với sự giám sát của nhân viên y tế
Người cai nghiện ma túy tự nguyện tích cực hợp tác cai nghiện với sự giám sát của nhân viên y tế.

Đối với hoạt động CNMT tự nguyện, nghị quyết quy định chính sách thù lao cho người được giao nhiệm vụ tư vấn tâm lý, xã hội, quản lý, hỗ trợ các đối tượng cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, đối tượng quản lý sau CNMT tại cấp xã với 0,3 mức lương cơ sở/người/tháng. Người tham gia CNMT tự nguyện tại cơ sở CNMT công lập được hỗ trợ tiền ăn, các vật dụng cá nhân bằng 70% mức hỗ trợ đối với người nghiện ma túy bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Kinh phí được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ và tùy theo số đối tượng hiện có để tăng hoặc giảm ngân sách hỗ trợ.

Nỗ lực “phủ sóng” chính sách đến mọi đối tượng, trong đó có người CNMT tiếp tục khẳng định sự quan tâm, chia sẻ của tỉnh nhằm mở ra lối về cho những người lầm lỡ, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy, giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân và tạo môi trường ổn định để phát triển.

Đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, cùng với nhiều chủ trương, chính sách đã ban hành trong thời gian qua, việc HĐND tỉnh khóa XVIII ban hành 3 nghị quyết nêu trên là kết quả của sự quyết tâm, nỗ lực quan tâm chăm lo, đồng hành của tỉnh đối với cán bộ, nhân dân trong sản xuất, đời sống. Đây là những nghị quyết xuất phát từ thực tiễn phát triển, đáp ứng nguyện vọng, mong muốn của cử tri và nhân dân tỉnh nhà. Có hiệu lực từ 1/1/2024, việc thực hiện hiệu quả các nghị quyết sẽ góp phần tạo động lực to lớn và sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân để thực hiện các nhiệm vụ được giao, góp phần đưa quê hương Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững.

Ngọc Mai

tin liên quan

HĐND TX. Ba Đồn: Lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức danh do HĐND thị xã bầu

(QBĐT) - Ngày 14/12, HĐND TX. Ba Đồn khóa XX tổ chức khai mạc kỳ họp thứ 10 (kỳ họp thường lệ cuối năm 2023), nhiệm kỳ 2021-2026. Kỳ họp đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức danh do HĐND thị xã bầu.
 

HĐND huyện Bố Trạch: Triển khai nhiệm vụ năm 2024

(QBĐT) - Sáng nay, 14/12, HĐND huyện Bố Trạch khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ 11 (kỳ họp thường lệ cuối năm) nhằm đánh giá kết quả hoạt động năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. 
 

Lệ Thủy: Tập trung thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội

(QBĐT) - Trong 2 ngày 14 và 15/12, HĐND huyện Lệ Thủy khóa XXI, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ 12 nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 và xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng.