Quảng Ninh: "Dân vận khéo" sáng tạo, bám sát cơ sở

  • 07:05 | Thứ Năm, 14/12/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo, cấp ủy, chính quyền huyện Quảng Ninh đã tổ chức thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”, lan tỏa sâu rộng trong nhân dân. Từ phong trào đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), bảo đảm quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện.
 
Nhiều mô hình thiết thực
 
Quảng Ninh có 19 bản của 2 xã Trường Xuân và Trường Sơn có đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều sinh sống với hơn 1.000 hộ dân. Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Trung ương và các cấp, ngành, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, KT-XH ở các bản phát triển còn chậm và lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Hiện nay, vẫn còn 6 bản chưa có điện lưới quốc gia, 5 bản chưa có đường giao thông đến trung tâm xã, 9 bản có nhà sinh hoạt cộng đồng đã xuống cấp…
 
Để hỗ trợ, giúp các bản phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa và bảo đảm an ninh trật tự, an ninh biên giới, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch, giao cho cấp ủy, chính quyền 13 xã, thị trấn và các phòng, ban, đơn vị triển khai thực hiện mô hình “Dân vận khéo” giúp các bản. Trong đó, tập trung vào những nội dung: Thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý giúp đồng bào Bru-Vân Kiều hiểu rõ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển KT-XH gắn với quốc phòng-an ninh; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế...
 
Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Quảng Ninh Ngô Chí Huy cho biết, bản Hôi Rấy, xã Trường Sơn nằm cách trung tâm UBND xã khoảng 10km. Bản có 35 hộ đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều sinh sống với 138 nhân khẩu. Giao thông cách trở, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm 77,14%.  Ủy ban MTTQVN huyện và Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện đã trực tiếp về bản Hôi Rấy nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con để có kế hoạch giúp đỡ phù hợp.
 Ủy ban MTTQVN huyện Quảng Ninh trao tặng mô hình sinh kế cho bản Hôi Rấy, xã Trường Sơn.
Ủy ban MTTQVN huyện Quảng Ninh trao tặng mô hình sinh kế cho bản Hôi Rấy, xã Trường Sơn.
Bước đầu, Ủy ban MTTQVN huyện đã hỗ trợ thực hiện mô hình sinh kế cho 10 hộ gia đình tại bản. Mỗi hộ được hỗ trợ 3 con lợn, 30% thức ăn, 30% thuốc thú y cho vụ nuôi đầu tiên. Để bảo đảm vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, Ủy ban MTTQVN huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đàn lợn. Ủy ban MTTQVN huyện và Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện còn trao tặng quà cho bà con và hỗ trợ các thiết chế nhà văn hóa cho bản Hôi Rấy với tổng trị giá 114 triệu đồng.
 
Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện cùng Huyện đoàn Quảng Ninh được phân công giúp đỡ bản Dốc Mây, một trong những bản đặc biệt khó khăn của xã Trường Sơn. Giám đốc Ban Quản lý Phùng Trung Kiên chia sẻ: “Trực tiếp nắm bắt, tìm hiểu tâm tư của dân bản, chúng tôi được biết nguyện vọng lớn nhất của bà con là có công trình nước phục vụ sinh hoạt. Hiện, người dân phải đi một quãng đường rất xa để lấy nước suối về sử dụng. Sau khi bàn bạc, thống nhất, cán bộ, nhân viên của đơn vị và Huyện đoàn đã trực tiếp bám bản cùng với bà con thi công công trình nước sinh hoạt. Quá trình thực hiện công trình gặp rất nhiều khó khăn vì giao thông cách trở. Mọi người phải trực tiếp gùi từng viên gạch, kéo từng que sắt… băng rừng lội suối, đưa vật liệu lên đầu nguồn nước để xây dựng công trình. Sau gần ba ngày làm việc không ngừng nghỉ, công trình hoàn thành, nguồn nước sinh hoạt đã về đến từng nhà của người dân bản Dốc Mây”.
 
Để thay đổi nhận thức, tư duy làm kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số ở bản Thượng Sơn (xã Trường Sơn), xã Vạn Ninh đã mời 15 hộ dân và đại diện bản Thượng Sơn về học tập các mô hình phát triển kinh tế tại xã. Cùng với đó, cán bộ xã Vạn Ninh trực tiếp bám bản, hướng dẫn bà con dân bản cách làm chuồng, chăm sóc vật nuôi. Bước đầu, xã Vạn Ninh đã hỗ trợ xây dựng 6 mô hình nuôi gà cho bà con và tiến tới nhân rộng trên địa bàn. Để cải thiện đời sống của người dân, xã Vạn Ninh cũng đã hỗ trợ xây mới 10 công trình vệ sinh cho các hộ dân bản Thượng Sơn.
 
Mang lại hiệu quả tích cực
 
Các mô hình “Dân vận khéo” được các địa phương, đơn vị thực hiện tại 19 bản ở hai xã Trường Sơn và Trường Xuân đều gắn với thực tiễn đời sống lao động, sản xuất của người dân. Nhờ đó, đã mang lại kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển KT-XH, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.
 
Thực hiện mô hình “Dân vận khéo”, giúp các bản thuộc hai xã biên giới, miền núi Trường Sơn và Trường Xuân, các địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã triển khai nhiều công trình, phần việc giúp đỡ 19 bản với tổng trị giá gần 1,5 tỷ đồng.

Bí thư Đảng ủy xã Trường Sơn Nguyễn Văn Nhì chia sẻ, thực hiện kế hoạch của Huyện ủy Quảng Ninh, xã Trường Sơn có 15 bản được các địa phương, đơn vị giúp đỡ. Các mô hình đều bám sát thực tế nhu cầu của người dân, từ đó, có kế hoạch triển khai cụ thể, bài bản, mang lại hiệu quả cao. Sau khi được các địa phương hỗ trợ, giúp đỡ, đời sống vật chất tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Trường Sơn đã có sự cải thiện rõ rệt.

Nhiều bản đã được hỗ trợ các công trình nước sinh hoạt, cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, hệ thống máy bơm nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất, hệ thống loa truyền thanh… Đặc biệt, thông qua các mô hình “Dân vận khéo” đã góp phần tích cực trong việc thay đổi nhận thức, tư duy của bà con về cách tổ chức cuộc sống, sinh hoạt gia đình; nhất là việc tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế.

Theo Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh Trần Quốc Tuấn, mô hình "Dân vận khéo" giúp đỡ các bản khó khăn trên địa bàn hai xã Trường Xuân, Trường Sơn bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Việc triển khai các mô hình thu hút được sự tham gia nhiệt tình của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và nhân dân ở các địa phương, phát huy được tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Thông qua mô hình, nhiều bản vùng cao đã nhận được sự giúp đỡ, bằng những việc cụ thể, thiết thực, trực tiếp làm thay đổi bộ mặt KT-XH tại địa phương cũng như thay đổi tư duy, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian tới, Huyện ủy Quảng Ninh tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình tại các bản khó khăn ở xã Trường Sơn và Trường Xuân.
Lan Chi

tin liên quan

HĐND TP. Đồng Hới: Quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2024

(QBĐT) - Ngày 13/12, HĐND TP. Đồng Hới khóa XXII tổ chức khai mạc kỳ họp thứ 12 (kỳ họp thường lệ cuối năm) nhằm đánh giá kết quả hoạt động năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. 

Quảng Ninh: 15/16 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra

(QBĐT)- Chiều nay, 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Quảng Ninh, khóa XXV tổ chức hội nghị lần thứ 19 để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2023 triển khai nhiệm vụ năm 2024 và xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng khác.

Giải quyết cơ bản đầy đủ, rõ ràng các kiến nghị, đáp ứng mong muốn của cử tri

(QBĐT) - Sau kỳ họp thứ 10 đến kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVIII, cử tri trong tỉnh phản ánh, kiến nghị 82 nội dung, đề cập đến nhiều lĩnh vực.