Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Kiểm tra Đảng (16/10/1948-16/10/2023)

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong tình hình mới

  • 14:05 | Thứ Sáu, 13/10/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từ những ngày đầu thành lập, công tác kiểm tra của Đảng được Trung ương Đảng và Bác Hồ quan tâm theo dõi, trực tiếp chỉ đạo. Ngày 16/10/1948, tại chiến khu Việt Bắc, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ký quyết nghị thành lập Ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan chuyên trách về kiểm tra đầu tiên của Đảng. Sự ra đời của Ban Kiểm tra Trung ương là một tất yếu khách quan nhằm đáp ứng yêu cầu công tác xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ đó, ngày 16/10 trở thành ngày truyền thống vẻ vang của ngành Kiểm tra Đảng.
 
Qua 3 kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình, lần thứ I đến lần thứ III (1948-1959), Tỉnh ủy phân công các đồng chí trong Tỉnh ủy phụ trách công tác kiểm tra; đến ngày 10/12/1956, Ban Kiểm tra Đảng chính thức được công nhận là một ban Đảng của Tỉnh ủy. Bước đầu mới thành lập, Ban Kiểm tra cấp tỉnh chỉ có 3 đồng chí và một số cán bộ giúp việc, đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV (năm 1961), Ban Kiểm tra cấp huyện, thị được thành lập. Từ sau Đại hội V của Đảng (1982-1986), Ủy ban Kiểm tra (UBKT) được tổ chức từ Trung ương đến đảng bộ cơ sở.
 
Đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước thống nhất, mở ra một thời kỳ lịch sử mới. Tháng 3/1976, tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và khu vực Vĩnh Linh hợp nhất thành tỉnh Bình Trị Thiên. Tỉnh ủy cử ra Ban Kiểm tra Tỉnh ủy, công tác kiểm tra của Đảng bộ tỉnh từ đây bước sang thời kỳ mới, vừa kiện toàn, củng cố bộ máy cơ quan kiểm tra của tỉnh, vừa xây dựng hệ thống kiểm tra các cấp đủ số lượng, bảo đảm cho công tác kiểm tra của Đảng bộ tỉnh, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của các địa phương, đơn vị, nhất là các đợt sinh hoạt chính trị quan trọng trong Đảng. Ngày 30/6/1989, tỉnh Bình Trị Thiên được tách thành 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế; từ ngày 1/7/1989, Quảng Bình trở về với địa giới cũ và tên gọi vốn có trong lịch sử.
 
Sau ngày tái lập tỉnh, hoạt động của UBKT từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm chỉ đạo nhằm phục vụ sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng lãnh đạo, xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ mới. Từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, cấp ủy các cấp đã chú trọng kiện toàn, phát triển bảo đảm số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ ngành Kiểm tra Đảng. Đến nay, toàn tỉnh có 1.452 cán bộ làm công tác kiểm tra, trong đó có 92 cán bộ kiểm tra chuyên trách.
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, kiểm tra, giám sát (KT, GS) là một khâu quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, quyết định chất lượng và hiệu quả làm việc của Đảng; chỉ rõ tầm quan trọng và mối quan hệ hữu cơ giữa công tác kiểm tra với định hướng đường lối, chính sách và tổ chức thực hiện. Người viết: “Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi. Song từ nguồn gốc đi đến thắng lợi thực sự còn phải tổ chức, phải đấu tranh. Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hay thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”.
 
Vì vậy, để nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, công tác KT, GS phải thực hiện tốt. Theo Người, lãnh đạo đúng nghĩa là “phải tổ chức sự kiểm soát” chặt chẽ. “Có kiểm soát như thế mới biết rõ cán bộ là nhân viên tốt hay xấu; mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các cơ quan; mới biết rõ ưu điểm, khuyết điểm của các mệnh lệnh và nghị quyết”. Cá nhân nào cũng phải chịu sự quản lý của pháp luật.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy quyết định nhiều nội dung quan trọng tại kỳ họp thứ XXIII.Ảnh: Ngọc Mai
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy quyết định nhiều nội dung quan trọng tại kỳ họp thứ XXIII. Ảnh: Ngọc Mai

Thấm nhuần lời dạy của Bác, những năm qua, Đảng bộ tỉnh Quảng Bình đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định, quy trình về công tác KT, GS; đặc biệt đã ban hành nghị quyết chuyên đề về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác KT, GS, thi hành kỷ luật trong Đảng. Nhờ vậy, công tác KT, GS được cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm hơn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng liên quan đến công tác KT, GS đến cán bộ, đảng viên; qua đó, công tác KT, GS từng bước được đổi mới theo đúng quan điểm của Đảng, ngày càng toàn diện, đồng bộ và đi vào nền nếp.

Các cấp ủy cũng chủ động hơn trong việc xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình KT, GS gắn với nhiệm vụ chính trị địa phương, đơn vị; củng cố, kiện toàn UBKT và cơ quan UBKT các cấp, cũng như trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ làm công tác kiểm tra; người đứng đầu cấp ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, trực tiếp tổ chức thực hiện công tác KT, GS; tạo điều kiện thuận lợi để UBKT thực hiện nhiệm vụ. Các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, nhân dân tích cực hơn trong việc tham gia giám sát, phản biện xã hội, phản ánh, cung cấp thông tin về những dấu hiệu vi phạm, giúp cấp ủy, UBKT kịp thời KT, GS, đánh giá đúng ưu điểm của tổ chức đảng và đảng viên để phát huy, phát hiện những thiếu sót, khuyết điểm để uốn nắn, khắc phục và xử lý nghiêm minh.

Sau đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, UBKT ba cấp đã chủ động tham mưu, giúp cấp ủy xây dựng chương trình, kế hoạch KT, GS toàn khóa. Theo đó, đã cụ thể hóa nhằm xây dựng kế hoạch KT, GS hàng năm để tổ chức thực hiện. Với phương châm “kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm”, “giám sát mở rộng”, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy các cấp và chi bộ đã kiểm tra 1.146 tổ chức đảng và 4.292 đảng viên; kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 1 tổ chức đảng và 3 đảng viên; giám sát 880 tổ chức đảng và 3.740 đảng viên.
 
UBKT các cấp đã tiến hành công tác KT, GS, kỷ luật Đảng một cách chủ động, khách quan, toàn diện, thận trọng và chặt chẽ các nhiệm vụ theo quy định của Điều 32, Điều lệ Đảng. Đã kiểm tra 47 tổ chức đảng và 132 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; kiểm tra 817 tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ KT, GS và 450 tổ chức đảng cấp dưới về việc thi hành kỷ luật trong Đảng; giám sát 753 tổ chức đảng và 1.235 đảng viên; giải quyết tố cáo 2 tổ chức đảng và 42 đảng viên; kiểm tra 39 tổ chức đảng về quản lý, sử dụng ngân sách Đảng; 644 tổ chức đảng về việc thu, nộp, quản lý và sử dụng đảng phí; giải quyết khiếu nại kỷ luật Đảng 3 trường hợp; kiểm tra 16 đảng viên, giám sát 3 đảng viên về việc kê khai tài sản, thu nhập.
 
Công tác giám sát, nhất là giám sát chuyên đề đã có chuyển biến tích cực và đi dần vào nền nếp; chú trọng KT, GS việc công khai minh bạch trong hoạt động quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý, sử dụng ngân sách; công tác phòng, chống dịch Covid-19; giám sát người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, việc kê khai tài sản, thu nhập. Tăng cường KT, GS việc thực hiện các thông báo, kết luận, quyết định của cấp ủy, UBKT cấp mình sau kiểm tra. Các tổ chức đảng có thẩm quyền đã thi hành kỷ luật 4 tổ chức đảng và 869 đảng viên.
 
Việc thi hành kỷ luật Đảng được thực hiện cơ bản kịp thời, đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc, thủ tục; việc xử lý kỷ luật Đảng cơ bản đồng bộ với kỷ luật chính quyền, đoàn thể nên đã có tác dụng giáo dục, ngăn ngừa vi phạm, góp phần giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Việc phối hợp giữa UBKT với các tổ chức đảng và các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ KT, GS, kỷ luật đảng có nhiều chuyển biến tích cực hơn.
 
Qua KT, GS đã kịp thời phát hiện, kết luận rõ, xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên có khuyết điểm vi phạm, kịp thời ổn định tình hình ngay tại cơ sở; đồng thời, phát hiện những sơ hở, thiếu sót về cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung theo quy định. Việc kịp thời công khai kết luận KT, GS trên các phương tiện thông tin đại chúng đã góp phần giáo dục, răn đe, hạn chế khuyết điểm, vi phạm, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, đánh giá cao.
 
Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: Công tác KT, GS, kỷ luật Đảng được tăng cường, có nhiều đổi mới, đạt kết quả quan trọng; chất lượng, hiệu lực, hiệu quả được nâng lên. Hoạt động KT, GS của cấp ủy, UBKT các cấp được đẩy mạnh, đạt kết quả khá toàn diện. Qua công tác KT, GS, kỷ luật Đảng, kỷ cương, kỷ luật trong Đảng được siết chặt hơn, có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa sai phạm đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác KT, GS vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm, như: Một số cấp ủy, UBKT, nhất là ở cơ sở chậm xây dựng kế hoạch KT, GS, hàng năm; việc xác định đối tượng, nội dung kiểm tra chưa trọng tâm, trọng điểm, chưa sát với tình hình thực tiễn và yêu cầu lãnh đạo của công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Công tác KT, GS các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy còn hạn chế. Việc lãnh đạo công tác KT, GS của ban cán sự đảng, đảng đoàn chưa rõ nét.
 
Việc thực hiện các nhiệm vụ KT, GS theo Điều 32, Điều lệ Đảng có nơi chưa toàn diện. Công tác nắm tình hình để phát hiện, quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên còn hạn chế; kết quả kết luận có vi phạm tỷ lệ còn thấp. Một số cuộc KT, GS, giải quyết tố cáo thời gian còn kéo dài; có cuộc chưa thực hiện đúng quy trình, chưa chú trọng thẩm tra, xác minh.
 
Việc xử lý kỷ luật một số trường hợp chưa đúng tính chất, mức độ, nguyên nhân vi phạm; một số trường hợp phải thay đổi hình thức kỷ luật sau khi UBKT cấp trên kiểm tra. Việc thực hiện Thông báo kết luận số 312-TB/TW, ngày 9/3/2010 và Quy định số 110-QĐ/TW, ngày 6/7/2023 của Ban Bí thư về luân chuyển cán bộ trong ngành kiểm tra Đảng chưa được nhiều. Việc giám sát tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên một số nơi còn thiếu quan tâm. Một số địa phương chưa chỉ đạo quyết liệt để giải quyết các điểm “nóng”, vụ việc phức tạp gây bức xúc trong nhân dân. Nội dung KT, GS của một số cấp ủy chưa trọng tâm, trọng điểm, những lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm.
 
Do đó, để tăng cường công tác KT, GS, kỷ luật Đảng và bảo đảm chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra Đảng từ tỉnh đến cơ sở trong thời gian tới, cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp cần chú trọng một số vấn đề sau đây:
 
Thứ nhất, phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác chính trị, tư tưởng, để tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò, sự cần thiết, tính cấp bách và xuyên suốt của công tác KT, GS trong tình hình mới; để thấy rõ quyết tâm chính trị của Đảng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm làm trong sạch nội bộ, kỷ cương, kỷ luật của Đảng; làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh để lãnh đạo đất nước, góp phần tạo môi trường minh bạch, lành mạnh để phát triển đất nước; củng cố niềm tin, sự ủng hộ của nhân dân đối với Đảng.
 
Thứ hai, công tác KT, GS phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ, trong đó lấy phòng ngừa, xây là chính, chú trọng việc nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng. Công tác KT, GS phải được tiến hành kịp thời, đúng lúc, đúng thời điểm, hình thức kiểm tra phải linh hoạt. Các cấp ủy, nhất là người đứng đầu cần tổ chức thực hiện tốt công tác KT, GS, thi hành kỷ luật Đảng theo chức năng, nhiệm vụ; mặt khác, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới thực hiện công tác kiểm tra; khắc phục ngay tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong công tác KT, GS. Coi trọng việc nắm tình hình hoạt động của các tổ chức đảng, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị để sớm phát hiện, ngăn ngừa, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm, nhất là các dấu hiệu vi phạm khi còn manh nha, để vi phạm không trầm trọng hơn.
 
Thứ ba, cần coi trọng việc phát huy vai trò, trách nhiệm của quần chúng trong cơ quan, đơn vị, vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân nơi cán bộ, đảng viên cư trú tham gia giám sát cán bộ, đảng viên. Chú trọng KT, GS các địa bàn, lĩnh vực dễ nảy sinh sai phạm, tiêu cực. Khi đã phát hiện dấu hiệu vi phạm phải nhanh chóng kiểm tra, làm quyết liệt, triệt để, giải quyết dứt điểm. Kết luận kiểm tra phải rõ ràng, minh bạch; xử lý phải công tâm, khách quan; kỷ luật phải nghiêm minh, thuyết phục; tránh tình trạng “trông chờ, nghe ngóng”, “nặng trên, nhẹ dưới”, “dĩ hòa vi quý”…
 
Thứ tư, UBKT các cấp cần kịp thời tham mưu, giúp cấp ủy xây dựng, củng cố, kiện toàn UBKT và cơ quan UBKT các cấp bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chú trọng công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, luân chuyển cán bộ kiểm tra của địa phương, đơn vị nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Tăng cường lực lượng KT, GS cả về số lượng, chất lượng cho UBKT các cấp, bảo đảm tương xứng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Xây dựng quy tắc ứng xử của cán bộ kiểm tra để tăng cường quản lý, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra.
 
Tăng cường luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp về làm công tác kiểm tra và cán bộ kiểm tra sang công tác ở các cấp, các ngành khác để đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ kiểm tra. Tiếp tục đổi mới nội dung chương trình, hình thức, phương pháp bồi dưỡng, kỹ năng nghiệp vụ và thường xuyên cập nhật kiến thức mới cho cán bộ kiểm tra; tạo điều kiện để phát huy đầy đủ năng lực, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Đó chính là nhân tố quyết định chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của công tác KT, GS của Đảng.
 
Qua thực hiện công tác KT, GS, phải khắc phục được khuyết điểm, hạn chế, yếu kém; nâng cao ý thức trách nhiệm, chấn chỉnh, đổi mới lề lối, tác phong, phương pháp công tác; rút ra những bài học kinh nghiệm về lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng và đảng viên, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.
Lê Văn Bảo
Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy

tin liên quan

Quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ

(QBĐT) - Trong suốt hành trình phát triển, Đảng ta luôn coi trọng công tác cán bộ, xem đây là khâu "then chốt của then chốt", là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, quyết định sự thành bại của cách mạng. 

Chuyển đổi số để bắt nhịp với nền nông nghiệp hiện đại

(QBĐT) - Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã vào cuộc cùng với các cấp, các ngành đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Phát huy truyền thống vẻ vang, tiếp tục có bước tiến mới

(QBĐT) - Tháng 10/1999, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã thống nhất lấy ngày 15/10/1930 là ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng và quyết định lấy ngày 15/10 hàng năm là "Ngày Dân vận của cả nước" để cùng nhau học tập và thực hiện những lời Bác Hồ dạy về công tác dân vận.