Kỷ niệm 93 năm Ngày truyền thống Ngành Tổ chức xây dựng Đảng (14/10/1930-14/10/2023):

Quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ

  • 06:24 | Thứ Sáu, 13/10/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong suốt hành trình phát triển, Đảng ta luôn coi trọng công tác cán bộ, xem đây là khâu “then chốt của then chốt”, là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, quyết định sự thành bại của cách mạng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng khẳng định: Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Quán triệt sâu sắc tư tưởng, đường lối của Đảng và Bác Hồ, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ tỉnh Quảng Bình đã đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp với quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ (ĐNCB) ngang tầm nhiệm vụ.
 
Sáng tạo và đột phá
 
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định tầm quan trọng của công tác cán bộ (CTCB) trong giai đoạn mới, đặc biệt là việc xây dựng ĐNCB các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt, cán bộ cấp cơ sở, cán bộ nữ, trẻ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII cũng đã ban hành Chương trình hành động (CTHĐ) “Phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng CTCB, nhiệm kỳ 2020-2025”, một trong bốn khâu đột phá của nhiệm kỳ.
 
Để hiện thực hóa các mục tiêu CTHĐ đề ra, thời gian qua, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy đã ban hành các văn bản chỉ đạo và cụ thể hóa thành các đề án, CTHĐ, quy định, kế hoạch, hướng dẫn… nhằm nâng cao chất lượng của ĐNCB, nhất là đối với ĐNCB lãnh đạo, quản lý các cấp, với quyết tâm cao, cách làm mới, sáng tạo và mang tính đột phá. Nhờ đó, CTCB của tỉnh đã có những dấu ấn, những hiệu quả tích cực ngay từ đầu nhiệm kỳ.
 
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, BTV Tỉnh ủy ban hành 3 đề án về CTCB, gồm: Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 12/3/2021 “Kiện toàn ĐNCB lãnh đạo, quản lý cấp sở, ngành, địa phương gắn với tạo nguồn cán bộ nữ, cán bộ trẻ diện BTV Tỉnh ủy quản lý giai đoạn 2021-2025”; Đề án số 02-ĐA/TU, ngày 12/3/2021 “Đổi mới một số khâu trong quy trình bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử các chức danh cán bộ diện BTV Tỉnh ủy quản lý”; Đề án số 03-ĐA/TU, ngày 26/5/2021 “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý”.
Đồng chí Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Trần Vũ Khiêm phát biểu tại hội nghị công bố về công tác cán bộ tại huyện Quảng Ninh.
Đồng chí Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Trần Vũ Khiêm phát biểu tại hội nghị công bố về công tác cán bộ tại huyện Quảng Ninh. Ảnh: Ngọc Mai
Mục tiêu của các đề án đã bao quát được những nội dung cốt lõi trong CTCB. Đó là xây dựng ĐNCB lãnh đạo, quản lý đủ số lượng, có chất lượng, cơ cấu phù hợp, bảo đảm năng lực, trình độ. Kịp thời phát hiện, lựa chọn cán bộ có năng lực thực sự nổi trội, có phẩm chất tốt, trình độ chuyên môn vững vàng, có uy tín cao trong cơ quan, đơn vị. Các đề án đã chuẩn bị một bước nguồn nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ 2025-2030 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Trong đó, đã quan tâm ĐNCB trẻ dưới 40 tuổi và cán bộ nữ, có chiều hướng phát triển với các tỷ lệ cụ thể, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
 
Các đề án đã chú trọng đổi mới các khâu trong quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử để phát hiện lựa chọn, bổ nhiệm, bầu cử người thực sự có năng lực lãnh đạo, quản lý, am hiểu sâu sắc về chuyên môn, nghiệp vụ; có phẩm chất chính trị, đạo đức, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đồng thời bảo đảm tính công khai minh bạch và tạo đột phá trong CTCB. Các đề án cũng góp phần tạo chuyển biến thực chất, mạnh mẽ trong trang bị, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ về lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước; chuyên môn nghiệp vụ; kỹ năng lãnh đạo, quản lý gắn với nội dung bồi dưỡng, cập nhật thông tin, kiến thức mới để từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ.
 
Cùng với chỉ đạo triển khai hiệu quả các đề án về CTCB, BTV Tỉnh ủy đã ban hành mới, sửa đổi, bổ sung một số quy định, như: Phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ; trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Tỉnh ủy viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; luân chuyển cán bộ; quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý… nhằm cập nhật những quy định mới của Trung ương về CTCB, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Cấp ủy các cấp quán triệt, cụ thể hóa các đề án, quy định của BTV Tỉnh ủy phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị, bước đầu đã tạo những chuyển biến mới trong CTCB và xây dựng ĐNCB các cấp.
 
Những kết quả khả quan
 
Với các quyết sách thiết thực, cụ thể, phù hợp với yêu cầu phát triển, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quảng Bình đã hoàn thành hiệu quả các nhiệm vụ, gồm: Quy hoạch nhiệm kỳ 2025-2030 các chức danh thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý đối với các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh là 324 lượt đồng chí, trong đó, cán bộ nữ: 89 đồng chí (chiếm 27,5%), cán bộ trẻ từ 40 tuổi trở xuống: 38 đồng chí (chiếm 11,7%); đối với các huyện, thị xã, thành phố là 366 lượt đồng chí, trong đó, cán bộ nữ: 75 đồng chí (chiếm 20,5%), cán bộ trẻ từ 40 tuổi trở xuống: 40 đồng chí (chiếm 10,9%).
 
Quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có 58 đồng chí, trong đó, cán bộ nữ: 9 đồng chí (chiếm 15,5%), cán bộ trẻ dưới 40 tuổi: 4 đồng chí (chiếm 6,9%); đối với quy hoạch cán bộ ban chấp hành nhiệm kỳ 2025-2030 cấp huyện, cấp xã, tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, lần lượt là: Cấp huyện từ 27,17%-22,74%, cấp xã từ 42,11%-37,70%.
 
BTV Tỉnh ủy đã thực hiện quy trình đề nghị bổ sung 3 ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, 2 Ủy viên BTV Tỉnh ủy; điều động, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử 92 cán bộ; trong đó, tỷ lệ cán bộ nữ chiếm 18,5%, cán bộ trẻ chiếm 9,78%; có 39/39 cán bộ được bổ nhiệm lần đầu, giới thiệu ứng cử giữ chức vụ cao hơn thực hiện báo cáo chương trình hành động trước BTV Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy.
 
Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 lần lượt là: Cấp tỉnh 28%, cấp huyện 27,8%, cấp xã 24,5%; tỷ lệ cán bộ trẻ dưới 40 tuổi đại biểu HĐND các cấp: Cấp tỉnh 8%, cấp huyện 17,4%, cấp xã 29,4%. Quyết định bố trí 5/8 bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương (từ đầu nhiệm kỳ đã thực hiện bố trí 7/8 đồng chí); điều động, luân chuyển từ tỉnh về huyện 13 trường hợp, từ cấp huyện lên tỉnh 6 trường hợp.
Các học viên lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn cấp ủy tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030 và cấp trưởng các sở, ban, ngành nhiệm kỳ 2026-2031.
Các học viên lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn cấp ủy tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030 và cấp trưởng các sở, ban, ngành nhiệm kỳ 2026-2031.
Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tỉnh đã tổ chức 3 lớp bồi dưỡng dự nguồn, cập nhật kiến thức cho cán bộ quy hoạch cấp ủy (mục tiêu từ 5-7 lớp); 2 lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho 150 bí thư cấp ủy xã, phường, thị trấn, nhiệm kỳ 2020-2025; 1 lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn cấp ủy tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030 và cấp trưởng các sở, ban, ngành nhiệm kỳ 2026-2031 cho 104 đồng chí.
 
Lần đầu tiên, tỉnh đã phối hợp Học viện Chính trị khu vực III thí điểm mở 1 lớp đào tạo cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung, khóa học 2022-2023 tại tỉnh cho 50 học viên. Tỉnh cũng đã cử 225 cán bộ tham gia học cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung và hệ không tập trung; 195 cán bộ đi bồi dưỡng, cập nhật kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp, an ninh quốc phòng, chuyên môn nghiệp vụ cùng nhiều lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước hệ chuyên viên, chuyên viên chính, lãnh đạo cấp phòng, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã, cán bộ hội đoàn thể, theo vị trí công tác…
 
Với những nỗ lực quan trọng đó, đến nay, 100% cán bộ, công chức, viên chức đạt chuẩn về trình độ, phù hợp với vị trí việc làm và tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý; 100% cán bộ diện BTV Tỉnh ủy quản lý có trình độ đại học chuyên môn, cao cấp lý luận chính trị, quản lý nhà nước chuyên viên chính và tương đương trở lên, đạt mục tiêu CTHĐ đặt ra.
 
Đối với cán bộ cấp xã: Khu vực đồng bằng, có 96,85% trình độ chuyên môn đại học (chỉ tiêu phấn đấu trên 90%); các chức danh bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, chủ tịch, phó chủ tịch UBND có trình độ đại học 98% (chỉ tiêu 100%), 97% có trình độ lý luận chính trị trung cấp (chỉ tiêu 100%); khu vực miền núi, có 92% trình độ trung cấp chuyên môn và 78,8% trình độ đại học (chỉ tiêu 80% trung cấp và 70% đại học), các chức danh bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, chủ tịch, phó chủ tịch UBND có trình độ đại học 78,8% (chỉ tiêu 80%), 95% có trình độ lý luận chính trị trung cấp (chỉ tiêu 90%).
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trước mắt vẫn còn một số hạn chế, khó khăn trong công tác quy hoạch cán bộ, như: Vẫn còn một số cơ quan, đơn vị chưa chủ động phát hiện, giới thiệu nguồn nhân sự, thiếu tính kế thừa, phát triển; tỷ lệ nữ, trẻ có tăng nhưng vẫn còn thấp so với yêu cầu.
 
Việc bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ tham gia cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa đạt yêu cầu, nhất là đối với cấp tỉnh rất khó khăn. Thí điểm đổi mới một số khâu trong quy trình CTCB chưa thực hiện được toàn diện, đầy đủ. Công tác luân chuyển cán bộ thực hiện chưa mạnh. Công tác kiểm tra, giám sát cán bộ và CTCB ở một số cơ quan, đơn vị có trường hợp còn thiếu chặt chẽ.
 
“Đồng bộ, liên thông, toàn diện”
 
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới, xây dựng ĐNCB các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị cần triển khai, quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về CTCB một cách đồng bộ, liên thông, toàn diện, nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong CTCB. Ngoài những nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và sơ kết CTHĐ số 04-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cần tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
 
Một là: Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải xây dựng ĐNCB các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Thực hiện nghiêm, nhất quán nguyên tắc Đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện CTCB và quản lý ĐNCB. Xây dựng ĐNCB là trách nhiệm của hệ thống chính trị, trước hết là của các cấp ủy, tổ chức đảng, xuất phát từ thực tiễn, từ yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương.
 
Hai là: Các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương cần có quyết tâm trong việc phát hiện, bố trí, sử dụng cán bộ nữ, cán bộ trẻ; nhất là quan tâm thực hiện đề án kiện toàn ĐNCB lãnh đạo, quản lý gắn với tạo nguồn cán bộ nữ, cán bộ trẻ; phấn đấu nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ trong cấp ủy, lãnh đạo các cấp.
 
Ba là: Kịp thời chấn chỉnh và đổi mới phương pháp xây dựng ĐNCB thông qua đổi mới CTCB theo hướng đồng bộ, liên thông, nhất quán trong hệ thống chính trị và phù hợp với thực tế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ràng buộc trách nhiệm và kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Thực hiện chặt chẽ, đồng bộ, đúng quy trình, quy định các khâu của CTCB; tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển cán bộ; mạnh dạn thí điểm và thực hiện đổi mới ở một số khâu, mô hình có hiệu quả. Quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án của BTV Tỉnh ủy về CTCB, vừa để thực hiện kiểm soát quyền lực trong CTCB và chống chạy chức, chạy quyền, vừa tạo được ĐNCB lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực, uy tín. Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu kém về năng lực, phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.
 
Bốn là: Thực hiện tốt công tác quản lý cán bộ; tăng cường tính kỷ cương, kỷ luật trong công tác quản lý cán bộ. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện CTCB để kịp thời phát hiện, có biện pháp xử lý, bảo đảm tính nghiêm minh của kỷ luật Đảng nhằm răn đe, phòng ngừa vi phạm, sai phạm. Đây vừa là giải pháp, vừa là yêu cầu trong CTCB hiện nay. Bên cạnh đó cần phát huy vai trò giám sát của Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân.
 
Năm là: Nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ, sự gương mẫu, tinh thần phục vụ của ĐNCB, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt và người đứng đầu các cấp. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là người đứng đầu trong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ, lề lối làm việc... Tiếp tục chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong ĐNCB lãnh đạo, quản lý.
 
Sáu là: Chú trọng công tác sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng ĐNCB và CTCB; kịp thời đánh giá, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với thực tiễn để khơi dậy, phát huy thế mạnh của ĐNCB, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
 
Nhiệm vụ đặt ra trong nửa nhiệm kỳ còn lại của Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta là hết sức nặng nề, đòi hỏi phải có một ĐNCB các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Xây dựng ĐNCB và CTCB là khâu “then chốt của then chốt”, do đó, cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, chặt chẽ, thận trọng, không cầu toàn và không nóng vội. Để làm được điều này, đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng, quyết tâm của cấp ủy các cấp, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương, không ngừng đổi mới, quyết tâm cao, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong CTCB và ĐNCB của tỉnh nhà trong thời gian tới, góp phần đưa quê hương Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững.                                                                                                                         
 Trần Vũ Khiêm
                                                           Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

 

tin liên quan

Chuyển đổi số để bắt nhịp với nền nông nghiệp hiện đại

(QBĐT) - Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã vào cuộc cùng với các cấp, các ngành đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Phát huy truyền thống vẻ vang, tiếp tục có bước tiến mới

(QBĐT) - Tháng 10/1999, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã thống nhất lấy ngày 15/10/1930 là ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng và quyết định lấy ngày 15/10 hàng năm là "Ngày Dân vận của cả nước" để cùng nhau học tập và thực hiện những lời Bác Hồ dạy về công tác dân vận.

Công an tỉnh: Gặp mặt kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Kiểm tra Đảng

(QBĐT) - Ngày 12/10, Đảng ủy Công an tỉnh tổ chức gặp mặt kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ngành Kiểm tra Đảng (16/10/1948-16/10/2023).