.

Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa, lũ tại các tỉnh miền Trung

Thứ Năm, 15/12/2016, 09:01 [GMT+7]

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, từ ngày 14-12, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến các tỉnh phía đông Bắc Bộ và bắc Trung Bộ, một số nơi ở phía tây Bắc Bộ. Ở vịnh Bắc Bộ đã có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7. Ngày 15-12, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía tây Bắc Bộ và trung Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vài nơi. Gió đông bắc trong đất liền mạnh cấp 2-3, vùng ven biển cấp 3-4. Ở các tỉnh Bắc Bộ trời rét, vùng núi có nơi rét đậm. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt rét này phổ biến 15-17 độ C, vùng núi cao 7-10 độ C.

Công ty CP môi trường đô thị Phú Yên ra quân dọn bùn trên đường phố TP Tuy Hòa. Ảnh: HOÀI NAM
Công ty CP môi trường đô thị Phú Yên ra quân dọn bùn trên đường phố TP Tuy Hòa. Ảnh: HOÀI NAM

Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông cho nên từ nay đến hết ngày 17-12, ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định và từ ngày 16 đến 18-12 ở Phú Yên đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to (tổng lượng mưa hơn 200 mm), riêng các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định có mưa to đến rất to (300 - 400 mm/đợt). Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1-2.

Hiện nay, lũ trên các sông ở Thừa Thiên - Huế, sông Kỳ Lộ tiếp tục lên, các sông khác từ Quảng Nam đến Phú Yên lên lại, các sông ở Khánh Hòa tiếp tục xuống. Dự báo, trong đợt lũ này (từ ngày 14 đến 18-12), đỉnh lũ trên các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa phổ biến ở mức báo động (BĐ) BĐ2 - BĐ3 và trên BĐ3. Lũ lớn, kéo dài có khả năng xảy ra trên các sông từ Quảng Nam đến Phú Yên. Lũ trên các sông Khánh Hòa có khả năng lại lên. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng, ven sông và mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa.

* Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với đới gió đông trên cao, từ ngày 11 đến 14-12, địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có mưa vừa, mưa to. Các hồ thủy lợi, thủy điện đồng loạt xả lũ, làm một số địa phương vùng hạ du ở các huyện Quảng Điền, Hương Trà, Phú Lộc bị ngập úng cục bộ. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương trực ban 24/24 giờ để xử lý tình huống xảy ra.

* Do mưa lớn kéo dài nhiều ngày, đập chứa nước Kala, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng đã xả lũ làm nhà dân cùng nhiều diện tích cà-phê, hoa màu ở các xã Bảo Thuận, Gung Ré, Đinh Trang Hòa, Hòa Ninh… ngập sâu trong nước, hiện chưa thống kê được thiệt hại.

* Chịu ảnh hưởng nặng nề của các đợt mưa lũ liên tiếp kể từ đầu tháng 12 đến nay, hàng nghìn hộ dân ở các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên đang gặp khó khăn trong đời sống và sản xuất. Tại Bình Định, mưa lớn làm nhiều nơi trong tỉnh bị ngập trở lại, có tuyến đường bị ngập 0,3 - 0,5 m. Tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức sơ tán 100 hộ dân/389 người. Tỉnh Phú Yên đã tổ chức sơ tán hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng lũ lụt. Sau hai ngày ngập lũ, sáng 14-12, nước các sông ở Phú Yên đang xuống, người dân tất bật ra đồng bơm nước cứu hoa, rau phục vụ thị trường Tết và lúa đông - xuân gieo sạ sớm; sửa chữa, dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị ứng phó với nguy cơ tái lũ vào đêm cùng ngày theo dự báo. Tại Quảng Nam, do mưa lớn, nên mực nước ở hồ thủy lợi Phú Ninh dâng cao hơn mực nước dâng bình thường. Từ 13 giờ ngày 14-12, Chi nhánh thủy lợi Phú Ninh đã tăng mức xả qua tràn sâu tại hồ này với lưu lượng hơn 400 m3/giây, hơn gấp đôi so với những ngày qua để phòng lũ.

* Để phòng lũ, đến nay đã có nhiều hồ thủy điện tại các tỉnh Nam Trung Bộ xả qua tràn, gồm: A Lưới, Hương Điền, Vĩnh Sơn A, Ka Nak, An Khê, Krông H’Năng, Sông Hinh, Sông Tranh 2, Đakmi 4A, Đakđrinh, Sông Bung 4A, Sông Côn 2, Buôn Kuốp, Srê Pook, Đa Nhim, Đại Ninh, ĐăkSrông, Đrây H’linh 1, Hòa Phú, ĐăkSrông 3A, ĐăkSrông 3B…

* Ngày 14-12, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống mưa lũ tại tỉnh Khánh Hòa. Đoàn đã đi kiểm tra thực địa tại các xã Diên Lạc, Diên Phú thuộc huyện Diên Khánh; khu vực người dân bị ảnh hưởng do kênh thoát lũ Đường Đệ ở phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang bị vỡ... Sau khi kiểm tra thực địa, đoàn đề nghị, trước mắt tỉnh khẩn trương hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, nhất là đối với những hộ có nhà cửa bị hư hỏng; thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gia đình có người chết do mưa lũ; kịp thời hỗ trợ về giống, vật tư nông nghiệp, xử lý vệ sinh môi trường... giúp người dân phục hồi sản xuất ngay sau mưa lũ.

* Cục Trồng trọt vừa đề nghị các tỉnh miền Trung tập trung chỉ đạo khôi phục sản xuất sau mưa lũ, thực hiện tốt kế hoạch sản xuất vụ đông - xuân 2016 - 2017. Theo đó, các địa phương chuẩn bị đủ lượng giống lúa để giúp dân gieo sạ lại những diện tích lúa đông - xuân đã xuống giống bị mất trắng; tăng cường thanh tra, kiểm tra sản xuất, kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp trên thị trường, kiên quyết không để lợi dụng tình hình khó khăn do lũ lụt buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng xấu đến sản xuất, thiệt hại cho nông dân.

Ủng hộ đồng bào vùng lũ lụt miền Trung

Chia sẻ khó khăn với người dân vùng lũ, đại diện Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã hỗ trợ các gia đình trên địa bàn tỉnh Bình Định có người thân bị chết trong đợt lũ 26 triệu đồng.

Ngày 13-12, thừa ủy nhiệm của Công đoàn Bộ Ngoại giao, lãnh đạo Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Định đã đến thăm và tặng 40 suất quà (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng) cho 32 hộ có nhà bị sập hoàn toàn và tám trường hợp đang bị đau ốm nặng có hoàn cảnh gia đình khó khăn và chịu nhiều thiệt hại trong các đợt mưa lũ vừa qua ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Cùng ngày, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Thủy sản Đại Nam (TP Hồ Chí Minh) đã hỗ trợ hơn 3,6 tấn gạo cho hơn 200 hộ gia đình bị ảnh hưởng do các đợt mưa lũ vừa qua ở thôn Hòa Nghĩa (xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, Bình Định).

Trước đó, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Định đã hỗ trợ bốn gia đình có người thiệt mạng và sáu gia đình có nhà sập do lũ ở các huyện Tuy Phước và Tây Sơn tổng số tiền 17 triệu đồng.

Theo Nhân Dân