.

Kiến nghị của cử tri và chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh được trả lời như thế nào?

Thứ Ba, 13/12/2016, 08:59 [GMT+7]

(QBĐT) - Tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa XVII, Chủ tọa kỳ họp đã bố trí nhiều thời gian để lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND huyện thành phố, thị xã trả lời kiến nghị của cử tri và chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh. Báo Quảng Bình lược ghi lại nội dung trả lời những vấn đề bức xúc nổi lên mà cử tri quan tâm như sau:

- Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT trả lời các kiến nghị của cử tri thuộc lĩnh vực nông nghiệp như sau:

Cử tri huyện Tuyên Hóa, huyện Lệ Thủy đề nghị có chính sách hỗ trợ giống cho bà con nông dân bị thiệt hại trong các đợt lũ lụt năm 2016 để phục vụ sản xuất vụ đông-xuân, được trả lời rằng, UBND tỉnh đã có các văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về tình hình lũ lụt và thiệt hại do lũ lụt gây ra, trong đó đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tỉnh Quảng Bình kinh phí để sửa chữa một số công trình cấp bách về thủy lợi, giao thông, giáo dục, y tế, nhà cửa bị hư hỏng nặng; gạo cứu đói cho nhân dân; hóa chất xử lý môi trường chăn nuôi và các loại giống lúa, ngô, lạc, rau các loại..

Bà con nông dân đề nghị hỗ trợ giống cho lúa vụ đông-xuân.
Bà con nông dân đề nghị hỗ trợ giống cho lúa vụ đông-xuân.

Tuy nhiên, đến nay các loại giống cây trồng mà tỉnh đề xuất hỗ trợ vẫn chưa có quyết định của Chính phủ. Để bảo đảm thời vụ, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh bố trí ứng kinh phí chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và thủy sản năm 2017 của tỉnh với kinh phí trên 3,2 tỷ đồng để mua 2,1 tấn hạt giống rau các loại, 4 tấn giống hạt ngô nếp HN88, 12 tấn hạt giống ngô năng suất cao, 360 tấn hạt giống lúa TBKT để hỗ trợ nông dân sản xuất (trong đó dự kiến phân bổ cho huyện Tuyên Hóa 0,1 tấn hạt giống rau, 0,4 tấn hạt ngô nếp HN88, 2 tấn hạt giống ngô khác, 20 tấn hạt giống lúa; huyện Lệ Thủy 0,4 tấn hạt giống rau, 0,6 tấn hạt ngô nếp HN88, 1 tấn hạt giống ngô khác, 80 tấn hạt giống lúa). Thời gian tới, nếu được Chính phủ hỗ trợ, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tham mưu phân bổ kịp thời để các địa phương triển khai, bảo đảm thời vụ.

Cử tri xã Lý Trạch tiếp tục phản ánh: Công nhân nhận khoán cao su của Chi nhánh Lâm trường Đồng Hới đã sử dụng thuốc diệt cỏ để chăm sóc cây, gây ô nhiễm nguồn nước đập Khe Chè, làm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân được trả lời như sau: Ngày 21-11-2016, Sở Nông nghiệp và PTNT đã làm việc với UBND xã Lý Trạch, Chi nhánh Lâm trường Đồng Hới và kiểm tra thực tế theo ý kiến phản ánh của cử tri.

Qua kiểm tra vườn cao su của một số hộ công nhân nhận khoán có dấu tích của việc sử dụng thuốc trừ cỏ để diệt cỏ trên hàng cao su. Kiểm tra các đại lý cung ứng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, chủ yếu cung ứng thuốc trừ cỏ Dream 480SC, Lyphoxim 41SL là thuốc ít độc thuộc nhóm III (ba), dạng muối, dễ phân hủy trong điều kiện tự nhiên, thuốc nằm trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam.

Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc trừ cỏ của một số hộ công nhân nhận khoán để phòng trừ cỏ cạnh hồ chứa nước phục vụ tưới tiêu là không bảo đảm môi trường. Chi nhánh Lâm trường Đồng Hới đã có văn bản chỉ đạo các hộ công nhân nhận khoán không được sử dụng thuốc trừ cỏ để phun diệt cỏ trên vườn cao su, thực hiện làm cỏ bằng thủ công, cơ giới.

Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề nghị Chi nhánh Lâm trường Đồng Hới tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động sử dụng thuốc trừ cỏ của các hộ công nhân nhận khoán, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đề nghị UBND xã Lý Trạch phối hợp với đơn vị chuyên môn thuộc Sở tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là sử dụng thuốc trừ cỏ trên địa bàn để bảo đảm hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường.

Cử tri đề nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo hỗ trợ kinh phí để khắc phục hệ thống kênh mương, công trình thủy lợi phục vụ kịp thời sản xuất đông xuân, được trả lời rằng, Sở xin ghi nhận ý kiến cử tri, tuy nhiên, nguồn vốn tu sửa rất lớn, tỉnh đang xin Trung ương hỗ trợ. Đến nay Trung ương vẫn chưa bố trí vốn đầu tư; trong khi điều kiện ngân sách tỉnh khó khăn, chưa thể đầu tư xây dựng công trình. Tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ KH-ĐT sớm bố trí nguồn vốn để triển khai dự án.

Trong khi chưa có kinh phí để thực hiện, đề nghị chính quyền và nhân dân địa phương tiếp tục chủ động sử dụng các biện pháp xử lý tạm thời như khơi thông kênh mương, trồng cây, kè bờ,... nhằm hạn chế xói lở. Khi nào nhận được nguồn hỗ trợ, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh ưu tiên bố trí để đầu tư tu sửa kênh mương, xây dựng công trình thủy lợi thiết yếu phục vụ sản

Đề nghị tỉnh chỉ đạo, điều chỉnh quy trình xả lũ hồ Phú Vinh để ngăn chặn tình trạng nước lũ dâng cao do xả hồ được trả lời rằng, việc xả lũ hồ chứa nước Phú Vinh bảo đảm theo quy trình vận hành điều tiết đã được phê duyệt tại Quyết định số 2340/QĐ-UBND ngày 5-10-2012.

Nguyên nhân ngập lụt tại các xã, phường của thành phố Đồng Hới là do nhiều yếu tố: Mưa lớn ở lưu vực sông Lệ Kỳ kết hợp với triều cường, đập Phú Hải làm dâng nước và sông Phú Vinh bị thu hẹp, trong đó có ảnh hưởng từ xả lũ của hồ Phú Vinh chiếm tỷ lệ không lớn do lưu vực của hồ Phú Vinh chỉ chiếm 23% toàn bộ lưu vực sông Lệ Kỳ (38km2/168km2), hơn nữa trong thời gian lũ lượng mưa đã được tích lại một phần trong hồ.

Đặc biệt, năm 2016 mưa lũ có tính chất cực đoan, lượng mưa trong thời gian ngắn đã vượt cường suất gây quá tải đối với lòng dẫn hệ thống sông Lệ Kỳ làm nước sông dâng cao, trong khi đó hệ thống đê kè sông Lệ Kỳ, thành phố Đồng Hới có nhiệm vụ chống lũ tiểu mãn và lũ sớm, không có nhiệm vụ chống lũ chính vụ.

Để giảm ngập lụt cho thành phố Đồng Hới, Sở Nông nghiêp và PTNT đã đề xuất và được UBND tỉnh đồng ý tại Thông báo số 2686/TB-VPUBND ngày 16-11-2016 của Văn phòng UBND tỉnh về thông báo kết luận của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài tại buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT về tình hình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp năm 2016, kế hoạch năm 2017.

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đang tiến hành triển khai bước lập quy hoạch chi tiết thủy lợi lưu vực sông Lệ Kỳ, trong đó chú trọng nhiệm vụ phòng lũ cho thành phố Đồng Hới và nâng cao dung tích phòng lũ cho hồ chứa nước Phú Vinh. Sau khi quy hoạch được duyệt, Sở sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh để triển khai thực hiện các công việc cụ thể nhằm giảm ngập lụt cho TP. Đồng Hới, trong đó có cả việc điều chỉnh lại Quy trình vận hành điều tiết của hồ chứa nước Phú Vinh.

Trong khi chưa thực hiện các giải pháp thì phải chấp nhận ngập lụt trong mùa lũ và đề nghị UBND thành phố Đồng Hới, UBND các xã hạ du hồ chứa Phú Vinh thực hiện đúng nhiệm vụ được UBND tỉnh giao tại Quyết định phê duyệt Phương án PCLB cho đập và hạ du hồ chứa Phú Vinh: Thông báo ngay cho nhân dân vùng hạ du biết và tổ chức triển khai các biện pháp phòng ngừa sau khi có thông báo xả lũ của chủ đập.

- Cử tri đề nghị, sau sự cố môi trường biển, tỉnh cần kiến nghị để bổ sung thêm các đối tượng được hưởng bồi thường thiệt hại như: những người đóng thuyền, bơ, nan; hộ sản xuất, kinh doanh muối, hộ buôn bán nhỏ,...

Việc thực hiện bồi thường phải được giám sát chặt chẽ, thật sự công khai, minh bạch, tránh sai sót; đồng thời cần tư vấn, hướng dẫn người được đền bù để sử dụng hiệu quả tiền bồi thường trong sản xuất, kinh doanh, được trả lời như sau: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1880/QĐ-TTg ngày 29-9-2016, trong đó có bồi thường thiệt hại mất thu nhập cho lao động làm thuê trong các cơ sở đóng, sửa tàu thuyền có địa điểm tại các xã, phường, thị trấn ven biển; bồi thường thiệt hại mất thu nhập cho các tổ chức, cá nhân trực tiếp thu mua thủy sản từ các tàu cá, tại cảng cá, bến cá, chợ cá có địa điểm kinh doanh hoặc có hộ khẩu thường trú tại các xã, phường, thị trấn ven biển; bồi thường thiệt hại mất thu nhập cho người dân sống ven biển làm nghề có tính chất đơn giản: bán hàng, làm dịch vụ cho khách du lịch có địa điểm kinh doanh hoặc có đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú tại các xã, phường, thị trấn ven biển; bồi thường thiệt hại cho các THT, HTX, hộ gia đình và lao động làm thuê cho cơ sở sản xuất muối.

Riêng đề nghị bồi thường thiệt hại cho các hộ kinh doanh muối, UBND tỉnh tiếp thu và sẽ tổng hợp báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Người dân nhận tiền bồi thường sự cố môi trường biển.
Người dân nhận tiền bồi thường sự cố môi trường biển.

Việc tổ chức kê khai, xác nhận, thẩm định và phê duyệt giá trị thiệt hại được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định, được thực hiện từ thôn/xóm và qua nhiều lần thẩm định, niêm yết công khai theo quy chế thực hiện dân chủ cơ sở, đồng thời quá trình thực hiện có sự giám sát của Mặt trận, các tổ chức chính trị xã hội....

- Ông Trần Thuynh, Giám đốc Sở Tài chính trả lời bằng văn bản kiến nghị của cử tri về việc áp dụng mức thu lệ phí chợ trên địa bàn huyện Quảng Ninh quá cao như sau:

Phí chợ được quy định tại Nghị quyết 21/2012/NQ-HĐND ngày 9-8-2012. Nay, theo quy định của Luật phí và lệ phí chợ được chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá do Nhà nước quy định áp dụng từ ngày 1-1-2017. Vì vậy Sở Tài chính đề nghị UBND huyện Quảng Ninh xây dựng phương án giá dịch vụ sử dụng tại chợ gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh quyết định để thực hiện từ ngày 1-1-2017.

- Ông Đinh Quang Hiếu, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh trả lời bằng văn bản kiến nghị của cử tri về việc xin được khoanh nợ, giãn nợ đối với các hộ vay ngân hàng để đóng tàu, mua sắm ngư lưới cụ, dịch vụ nghề cá, nuôi trồng thủy sản do ảnh hưởng sự cố môi trường biển như sau:

Ngay sau khi sự cố môi trường biển xảy ra Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 772/QĐ-TTg, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Công văn 3177/NHNN-TD về việc hỗ trợ ngư dân doanh nghiệp khắc phục hậu quả do sự cố môi trường biển.

Chi nhánh ngân hàng Nhà nước Quảng Bình đã ban hành công văn số 301/QUB-TH, 21 về việc triển khai hỗ trợ ngư dân, doanh nghiệp và chỉ đạo các ngân hàng thương mại, ngân hàng chí sách xã hội trên địa bàn triển khai thực hiện.

Theo báo cáo của các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn, có 4.091 khách hàng với dư nợ 1.124 tỷ đồng bị ảnh hưởng, trong đó dư nợ bị thiệt hại 767 tỷ đồng; đến ngày 1-10-2016, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 942 khách hàng, số tiền cơ cấu lại 45,2 tỷ đồng; miễn giảm lãi vay cho 240 khách hàng, với số tiền 1,5 tỷ đồng... Như vậy, các ngân hàng trên địa bàn đã thực hiện kịp thời, nghiêm túc các văn bản của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hỗ trợ ngư dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do sự cố môi trường biển...

Tr.T (lược ghi)

(Còn nữa)