.

Thông tin tiếp vụ xe nhãn bị lật ở Minh Hóa: Làm ơn, mắc oán, lòng dân tổn thương

Thứ Ba, 18/02/2014, 09:22 [GMT+7]

(QBĐT) - “Cướp dã man”, “hôi nhãn man rợ”… là những từ ngữ mà  một tờ báo mạng liên tiếp đăng tải trong những ngày qua để cáo buộc người dân địa phương vùng cao huyện Minh Hóa khiến dư luận cả nước hết sức phẫn nộ. Khi báo chí nước ngoài trích dẫn, càng làm làn sóng ấy dâng cao. Để làm rõ hơn sự cáo buộc có tính chất bóp méo sự thật và xúc phạm danh dự của người dân nơi đây, chúng tôi đã gặp gỡ nhiều người dân ở xã Hóa Thanh, Dân Hóa và không khỏi bất ngờ trước những thông tin, bằng chứng mà người dân cung cấp.

>> Nhiều bằng chứng khẳng định người dân không "hôi của"

Làm ơn, mắc oán

Khi được biết chúng tôi về tìm hiểu vụ việc xe nhãn của Công ty cổ phần Bích Thị bị lật ở xã Hóa Thanh, anh Đặng Trung Dũng (SN 1983, người thôn Thanh Tân, xã Hóa Thanh) đã tìm gặp chúng tôi và  khá bức xúc cho biết: “Em hành nghề lái xe, nhà ở đây, kinh tế gia  đình khó khăn, ngày tai nạn, em cùng vợ đang trên đường đi có việc gia đình  thì thấy xe nhãn lật dưới vực. Cũng là dân lái xe nên em rất cảm thông với đồng nghiệp, nên dừng xe lại xuống nhặt nhạnh một số hộp nhãn còn đai hàng xếp lại, đưa lên đường theo hướng dẫn của mấy bác công an.

Lúc đó nhiều người cùng giúp sức lắm. Qua báo mạng em đọc thấy có một tờ báo nói dân em hôi của man rợ thì đau lòng lắm và bức xúc không thể tả được. Ở đây bà con nghèo thiệt, nhưng mà không cướp của ai, không man rợ mô anh ơi. Núi rừng có chi thì tìm lấy mà ăn, ai có sức thì đi làm, người ta bị nạn thì bà con làm rẫy cạnh đó đến giúp, thế mà còn nói dân bản man rợ thì ác quá”.

Chị Cao Thị Thu Hiền (SN 1984), diện hộ nghèo cho hay: “Trước đó, em đi làm rẫy, một vụ tai nạn khác cũng xảy ra trên địa bàn, nhãn vương khắp nơi, em cùng khoảng hơn 20 người nữa bỏ rẫy, bỏ việc lên giúp nhà xe bốc nhãn lên xe, không ai lấy một quả nào. Xong việc họ cảm ơn, họ cho mấy bịch, bọn em chỉ nhận một ít gọi là rồi ngồi bên vệ đường ăn. Chừ họ nói bọn em hôi của man rợ thì đúng là làm ơn mắc oán. Nói rứa thì bữa sau có bị tai nạn, dân chẳng ai cứu nữa mô”.

Vụ tai nạn mà chị Hiền nói được ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng Công an xã Hóa Thanh khẳng định: “Cuối tháng 10-2013, một xe nhãn cũng của Công ty cổ phần Bích Thị bị lật xuống ngay địa điểm bị tai nạn mới đây, người dân và công an địa phương đã giúp đỡ bốc hàng lên, chuyển sang một xe khác, không mất bất cứ lô hàng nào. Họ cảm ơn người dân và tặng lại bà con một số nhãn, người dân chỉ lấy một ít để ăn đỡ khát”.

Cụ Hồ Phom ở xã Trọng Hóa, người cạnh xã Hóa Thanh cho biết, “Khi xe bị tai nạn, bà con đến giúp, chứ không lấy mô, chỉ đến khi người ta đi đã thì bà con mới nhặt mót lại thôi. Nói dân mình man rợ thiệt cái bụng buồn lắm”.

Qua xác minh từ nhiều người dân ở xã Hóa Thanh, Hóa Tiến, Dân Hóa tất cả đều khẳng định không có chuyện người dân hôi của và hôi của man rợ như một tờ báo mạng đã đăng tải. Đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng phải sớm làm rõ vụ việc để trả lại danh dự cho người dân nơi đây.

Thấy gì từ hiện trường

Biên bản ghi tai nạn giao thông được lập 14 giờ, ngày 21-1 ghi vụ tai nạn diễn ra khoảng 12 giờ trưa cùng ngày, được lập 3 bản, tình trạng hàng hóa là “hư hỏng hoàn toàn”. Ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng Công an xã Hóa Thanh cho biết thêm, đại diện Công ty cổ phần Bích Thị là ông Trịnh Văn Bảy đã có văn bản cam kết việc hàng hóa bị hư hỏng hoàn toàn, dập nát hết không bảo vệ nữa, mặc dù thế phía công an vẫn cử lực lượng bảo đảm an ninh, người dân nghe thế liền vào thu dọn, chứ không “cướp”, “hôi của man rợ”. Ông Sơn giải thích thêm, nghĩa là khi chủ hàng thấy quá nát rồi, không lấy nữa, dân thấy tiếc nên đến cố nhặt nhạnh được cái gì thì hay cái đó thôi.

Nhãn dập nát vung vãi ở hiện trường.
Nhãn dập nát vung vãi ở hiện trường.

Một khách qua đường tên là Dương Tuấn (Quảng Trị) cung cấp cho chúng tôi một số bức hình về cảnh cẩu trục container bị tai nạn cho thấy, các góc của container này bị vỡ nát hoàn toàn. Khi chúng tôi đến hiện trường, một thầy giáo dạy vật lý trong vùng có mặt và giải thích rằng, vị trí bị tai nạn là vực rất sâu. Xe chạy lấn đường, tốc độ nhanh, cua gấp, container bật chốt văng ra khỏi xe, vực gần như thẳng đứng, dốc cao, cú rơi của container đâm trực diện vào đoạn vực phía trên, vỡ thùng, các bịch nhãn bung ra, bị dập mạnh, thùng container dội xuống, lại lăn nhiều vòng. Từ mép đường xuống vực hơn 80m, nơi cuối cùng container dừng lại sau nhiều lần lộn vòng tương đương độ cao đó. Xét về góc độ khoa học vật lý thì nhãn khó còn nguyên, may lắm còn ít thùng cá biệt.

Hiện trường nhiều ngày sau để lại vẫn còn thấy nhãn vương vãi khắp nơi. Có nơi nhãn bét, nát dày quá mắt cá chân, diện tích nhãn vương vãi cả mấy nghìn mét vuông. Từ đó có thể nhận định, người dân không thể lấy hết tất cả 2.000 thùng nhãn như Công ty cổ phần Bích Thị cáo buộc là họ đưa đi hết hoàn toàn. Nếu đưa đi hết, thì không thể có những bức hình các sọt đựng nhãn được người dân thu lại và trả cho nhà xe mà hành khách Dương Tuấn cung cấp cho chúng tôi.

Bà Hồ Thị Lam, người trong vùng cho biết, đến ba ngày sau vụ tai nạn, vẫn có nhiều người đến mót nhãn, nhãn đã bấy, bốc mùi những vẫn mót về, nhặt ra, chỗ nào ăn được thì ăn, chỗ nào không ăn được thì cho bò ăn. Bà Lam nói rằng, chẳng ai “cướp chi cả, họ không lấy thì dân lấy vì tiếc, nói dân cướp, hôi của man rợ thì buồn lắm”.

Một bô lão ở Hóa Thanh nói: “Mần rứa thì tổn thương dân quê miền núi chúng tôi quá. Một đời thanh bạch với núi rừng, chừ mang vạ vô thân. Đau xót vô cùng, tủi hổ vô cùng vì oan khốc danh dự, chừ có ai giải oan cho người dân quê tui không chú?”.

Tai nạn một đằng cáo buộc một nẻo!

Công ty cổ phần Bích Thị (có trụ sở ở tỉnh Hưng Yên), có chi nhánh tại Quảng Bình cung cấp thông tin vụ tai nạn xảy ra vào ngày 21-1-2014 cho một tờ báo mạng rằng xe container mang BKS 89C-016.53 của Công ty này chở nhãn bị tai nạn tại xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa và tờ báo này đã có những cáo buộc người dân “hôi nhãn man rợ”.

Sau đó, vào ngày 11-2-2014 Công ty cổ phần Bích Thị có văn bản số 10/CV/2014 do ông  Trịnh Duy Hưng Phó giám đốc ký gửi cho Công an huyện Minh Hóa cũng bảo lưu xe của Công ty này bị tai nạn vào ngày đó là ở xã Dân Hóa. Cùng đó, Công ty này tiếp tục cáo buộc lô hàng nhãn bị tai nạn rơi xuống vực là 22 tấn nhãn được đóng trong 2.000 thùng có trị giá 1,3 tỷ đồng đã bị người dân lấy đi hết.

Từ thông tin trên, chúng tôi kiểm chứng nhiều nguồn xem có vụ tai nạn nào xảy ra ở xã Dân Hóa như thông tin và các báo cáo của Công ty cổ phần  Bích Thị đã cung cấp hay không. Thông tin từ Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo đóng trên địa bàn xã Dân Hóa khẳng định vào ngày 21-1-2014 không có bất cứ vụ tai nạn nào xảy ra trên địa bàn xã.

Cùng đó, Chủ tịch UBND xã Dân Hóa ông Hồ Tuân cũng khẳng định tương tự. Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Minh Hóa cũng cung cấp nhật trình làm việc và thông tin người dân cung cấp trong ngày 21-1-2014 không có tai nạn xe như mô tả của Công ty cổ phần Bích Thị ở trên địa phận xã Dân Hóa, mà xác nhận các thông số Công ty này cung cấp về số xe, thùng hàng, loại hàng, tên tài xế thì xe bị tai nạn tại km 108+500 trên quốc lộ 12A, thuộc thôn Thanh Long, xã Hóa Thanh và cách xã Dân Hóa 20km.

Ông Hồ Tuân cho rằng: “Đây là hình thức vu cáo người dân xã Dân Hóa của Công ty cổ phần Bích Thị và của tờ báo mạng kia. Người dân của xã chúng tôi đa phần là  đồng bào dân tộc gồm người Khùa, Mày, Sách bà con hiền lành, tuy khó khăn nhưng không hôi của. Việc cáo buộc chúng tôi “man rợ” là ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Xúc phạm chúng tôi như thế nên chúng tôi đã có đơn yêu cầu cải chính, nếu không cải chính xin lỗi chúng tôi sẽ kiện ra tòa án”.

Bùi Thành - Minh Phong

Vụ cáo buộc “hôi nhãn man rợ”:
Lời nói vô trách nhiệm phải được xử lý

Trên báo Đất Việt online, ngày 14-2 dẫn lời ông Trịnh Duy Hưng, Phó giám đốc Công ty cổ phần Bích Thị-Đơn vị cung cấp thông tin một chiều cho VTC News để cáo buộc người dân “hôi của man rợ” khi xe của Công ty này bị lật ở xã Hóa Thanh huyện Minh Hóa. Ông Hưng phát lộ rằng: “Phía công ty chỉ muốn lên tiếng như vậy” và “chỉ muốn xác định cho phía đối tác nước ngoài biết về sự việc xảy ra như vậy”.

Chỉ vì muốn cho đối tác nước ngoài biết là có sự cố tai nạn, Bích Thị đã cố tình bóp méo sự thật, cung cấp thông tin một chiều, bẻ cong nhân tâm và vu cáo người dân “man rợ”, đẩy vấn đề lên mức bùng nổ sự phẫn nộ của xã hội, để cả nước, thậm chí thế giới nhìn vào mảnh đất Quảng Bình nói riêng và Việt Nam nói chung như là nơi chốn “hôi của man rợ”.

Có nhiều cách làm để đối tác nước ngoài biết được sự cố tai nạn làm nhãn hư hỏng hoàn toàn. Ví như cung cấp biên bản tai nạn giao thông có chữ ký của cơ quan chức năng đóng dấu quốc huy và người làm chứng bản địa. Hoặc các tờ trình gửi đến đồn biên phòng gần đó xác nhận sự việc để chứng thực câu chuyện. Nghĩa là nhiều cách làm nhân văn để không bịa đặt, vu khống người dân, không làm tổn thương lòng dân, cũng không xúc phạm một miền đất hiền hòa, chịu thương chịu khó, không làm đau hàng triệu trái tim rung động trước hình ảnh khống lên “hôi của man rợ”.

Nhưng Bích Thị đã đi ngược lại văn hóa doanh nghiệp, có ý đồ xấu, cung cấp một chiều cho tờ VTC News để dư luận cả nước hiểu nhầm tấm lòng người dân Minh Hóa, nơi những người anh em hiền hòa Nguồn, Mày, Sách, Rục, Trì, Thổ...bền dai dựng đất, trượng nghĩa bao đời trở thành “cướp dã man”, và bị miệt thị đến tận cùng là “man rợ”.

Sự bất nhất ấy còn thể hiện trong lời nói của ông Hưng mà tờ Đất Việt tường thuật: “Về chuyện người dân tại nơi chiếc xe xảy ra sự cố có hôi nhãn hay không thì phía công ty ông không quan tâm và cũng không muốn làm to chuyện”. Thật ra, câu chuyện đã vượt quá giới hạn sự kiểm soát của Bích Thị, trở thành vấn đề xã hội, tổn thương hàng triệu con người thì các cơ quan chức năng phải làm cho đến cùng sự việc nhằm trả lại sự thật không thể đảo lộn. Không thể chỉ một lời nói “không muốn làm to chuyện” của vị giám đốc điều hành vô danh là giải oan được từ “man rợ”, không chỉ một ngữ “không quan tâm” mà đánh bùn qua ao được. Danh tính chỉ dẫn lòng người và tiếng tăm của một miền đất không thể xem thường và bất nhẫn như thế mà phải trả lại một cách đường hoàng, tương kính, tôn trọng.

Cũng trên tờ Đất Việt bản online, lời của ông Hưng ở đầu bài nói là đối tác nước ngoài bồi đền, nhưng đoạn cuối của bài báo được rút tít: Lời trần tình của “người bị hại”, ông Hưng lại nói Bích Thị bồi hoàn cho lô hàng trên. Có thể thấy rằng, câu chuyện cáo buộc “man rợ” đi quá xa khiến Bích Thị hoàn toàn mất bình tĩnh để xử lý phát biểu. Và từ đó, ông Hưng ngụy biện giá trị lô hàng: “Giá công ty chúng tôi nói 1,3 tỷ đồng là giá được tính từ đầu nước ngoài và tính đến điểm cuối cùng, bao gồm chi phí giá thành và tính cả tiền lợi nhuận, nên sẽ thành mức đó". Đó là cách tính của người thiếu hiểu biết, như người miền núi bắt đền con bò cái cao hơn giá trị thị trường, bởi họ lý luận con bò cái mẹ sẽ đẻ ra bò cái con, bò cái con đẻ ra bò cái cháu... cứ thế mà khai quả là hoang tưởng, ông Hưng cũng thế chăng?. Thế nên cộng đồng mạng còn trào phúng rằng, với cách khai thế thì chiếc xe bị nạn, giá vài trăm triệu có khi vống lên 10 tỷ vì xe còn chạy để sinh lợi nếu không tai nạn.

Dường như ông Hưng vẫn chưa hiểu về lòng người nên lại nói: “Về bản chất, công ty chúng tôi không muốn làm to chuyện, không muốn cái gì đi quá giới hạn, không muốn truy cứu trách nhiệm của ai". Truy cứu hay không, không phải là vấn đề của Bích Thị mà thuộc về cơ quan chức năng, nay danh tiếng một vùng đất bị mạ lị, người dân bị xúc phạm bằng từ ngữ “man rợ” thì đã quá giới hạn và đồng bào có quyền yêu cầu làm sáng tỏ tận cùng sự việc vì danh dự, vì lòng tự trọng, vì sự tự tôn bản quán quê hương dù khoai sắn nhưng thơm thảo tình người.                       

Minh Phong