.

Sách đội nilong chờ "nhà mới"

Thứ Hai, 21/10/2013, 16:38 [GMT+7]

(QBĐT) - Nghe người bạn giới thiệu một quyển sách hay viết về tỉnh nhà, tôi vào Thư viện Tổng hợp tỉnh tìm đọc. Hồ hởi vì có trong tay cuốn sách quý, nhưng trong lòng lại cảm thấy chạnh lòng vì căn phòng bảo quản sách quá cũ kỹ...

 

Sách quý phải trùm nilong.
Sách quý phải trùm nilong.

Sách quý phủ nilong

Cuốn sách tôi cần tìm thuộc vào diện sách quý hiếm. Bởi có tìm đỏ mắt ở các nhà sách cũng khó kiếm được, mà không riêng gì nó mà còn rất nhiều cuốn khác, nhất là những cuốn sách viết về vùng đất, con người Quảng Bình. Vì vậy, nó được xếp vào kho mục Tra cứu địa chí, nghĩa là sách quý, chỉ cho mượn đọc tại chỗ.

Quý hiếm là thế, vậy mà gần 1.500 cuốn sách (trên tổng số 80.0000 cuốn sách ở Thư viện Tổng hợp tỉnh) đang nằm trong căn phòng, theo như mô tả của bà Phan Thị Lý, Giám đốc thư viện là "không thể dột nát hơn được nữa". Trần nhà, tuy được đổ bê tông nhưng theo thời gian đã tróc lở ra từng mảng, làm lộ rõ cả từng dầm sắt rỉ rét. Hôm tôi đến, trời mưa rất to. Nước mưa cứ thế thấm vào trong. Hơn thế, phòng này lại ở tầng trên cùng, nên chịu ảnh hưởng bất lợi trực tiếp từ thời tiết.

"Hồi trước, các giá sách này phải kê ra 2 phòng, nhưng phòng trong kia đã xuống cấp quá rồi, không thể để đó được, nên phải dồn tất cả ra ngoài phòng này. Nhưng mùa mưa vẫn ướt, mùa nắng thì nóng không chịu nổi", chị Thủy, cán bộ phụ trách phòng này cho biết. Vì vậy, cán bộ thư viện phải mua nilong về phủ lên từng giá sách, "không thì nước mưa thấm vào ướt hết sách", chị Thủy phân trần.

Không cứ gì sách trong phòng Tra cứu địa chí, mà các phòng khác ở tầng dưới cũng vậy. Do không gian chật hẹp, các phòng đã hoạt động hết công suất nên các cán bộ thư viện ở đây phải tận dụng không gian dưới chân cầu thang, đó cũng là nơi chứa các loại sách dùng để trưng bày. Không những thế, các loại sách mới nhập về cũng phải ở đây chịu chung số phận.

Thi công với tiến độ... "rùa bò"?

Bà Phan Thị Lý cho biết: Năm nào thư viện cũng phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh tổ chức Hội báo xuân. Nhưng phải tuỳ cơ ứng biến. Năm nào tổ chức quy mô thì mượn bảo tàng để trưng bày. Còn không thì phải tổ chức giới hạn lại trong một căn phòng ở đây.

Trước thực trạng xuống cấp và để đáp ứng nhu cầu nâng cao tri thức của người dân, năm 2009, Thư viện Tổng hợp tỉnh được đầu tư xây dựng mới với tổng vốn đầu tư 25 tỷ đồng. Theo kế hoạch sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2012. Tuy vậy, đến nay công trình vẫn chưa thể đưa vào sử dụng. Mặc dù, tòa nhà 4 tầng khang trang và hiện đại đã được hoàn thiện.

Ông Võ Quang Sửu, Trưởng Ban quản lý Dự án đầu tư và xây dựng, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, cho biết: Hiện công trình do thiếu vốn, nên các hạng mục như: sân vườn, hàng rào, điện - nước... chưa thể triển khai. Vừa qua, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã có tờ trình điều chỉnh vốn đầu tư và đã được UBND tỉnh phê duyệt từ 25 tỷ lên hơn 32 tỷ đồng.

Trước sự chậm trễ của công trình, ngày 8-4-2013, Văn phòng UBND tỉnh đã có thông báo (số 560/TB-VPUBND) kết luận của đồng chí Trần Tiến Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh về tình hình đầu tư xây dựng công trình Thư viện Tổng hợp tỉnh.

Cụ thể: "Yêu cầu chủ đầu tư nghiêm túc rút kinh nghiệm và kiểm điểm trách nhiệm các đơn vị, cá nhân có liên quan trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, chậm báo cáo UBND tỉnh các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dẫn đến việc thi công chậm tiến độ, gây khó khăn cho việc cân đối nguồn vốn để trả nợ cho công trình".

Lê Thy