.

Khắc phục hậu quả bão số 10 tại Bệnh viện đa khoa Minh Hóa: Cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành

Thứ Tư, 09/10/2013, 14:02 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau bão, hầu hết các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng, tổng thiệt hại toàn ngành ước tính là 26,2 tỷ đồng (chưa thống kê các trạm y tế) và Bệnh viện đa khoa Minh Hóa là đơn vị bị hư hỏng nhiều nhất.

Bác sĩ Đinh Viễn Anh cho hay: Mặc dù đã có phương án phòng chống bão từ trước song do bão quá lớn nên nhiều công trình, hạng mục của bệnh viện hoàn toàn bị hư hỏng. Hiện tại dãy nhà điều trị của các khoa Nội, Sản bị phá vỡ hoàn toàn không thể sử dụng được; dãy nhà thuộc các khoa Dược, Nhi, phòng phẫu thuật bị thấm và dột, nhiều nơi nước chảy tràn xuống cả sàn nhà. Hệ thống cửa kính bị vỡ khá nhiều, mái lợp, giàn phơi Khoa nhiễm khuẩn bị tốc và nhiều trang thiết bị của bệnh viện không thể sử dụng được.

Để bảo đảm an toàn cho người bệnh, ngay trong bão, tập thể cán bộ y tế của bệnh viện đã cho di dời toàn bộ bệnh nhân của khoa Nội sang khoa Y học cổ truyền và hiện tại Khoa này đang quá tải về số lượng bệnh nhân.

Theo bác sĩ Anh thì khoa Nội của bệnh viện được bố trí 50 giường bệnh, khoa Y học cổ truyền có 30 giường bệnh nay gộp cả hai khoa lại sẽ tới 80 giường bệnh trong điều kiện chỉ có 2 phòng vệ sinh chật hẹp. Thế nên cả cán bộ y tế và người bệnh đều gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai các hoạt động chuyên môn cũng như chăm sóc người bệnh.

Nhiều hạng mục của Bệnh viện đa khoa Minh Hóa bị phá hỏng hoàn toàn.
Nhiều hạng mục của Bệnh viện đa khoa Minh Hóa bị phá hỏng hoàn toàn.

Trước tình hình đó, bệnh viện đành phải cho ra viện một số trường hợp sức khỏe đã tạm ổn để nhường chỗ cho người bệnh mới; đồng thời chú trọng đến các công tác điều trị ngoại trú nhằm giảm tải. Song các hoạt động trên chỉ mang tính tạm thời vì có những thời điểm người bệnh nhập viện đông, bệnh viện không thể không tiếp nhận dù điều kiện để điều trị của đơn vị hiện rất hạn chế.

Theo thống kê sơ bộ, tổng thiệt hại của bệnh viện sau bão ước tính hơn 16 tỷ đồng và bệnh viện không còn cách nào khác là chỉ chờ vào sự giúp đỡ của các cấp, các ngành vì nội lực của đơn vị thì không thể giải quyết được. Hiện tại, cán bộ y tế của đơn vị phải làm việc trong điều kiện hết sức khó khăn. Hệ thống hành lang đi lại giữa các khoa phòng trong bệnh viện đều bị thấm dột, nhiều trang thiết bị y tế của đơn vị phải mang đi gửi ở nơi khác để  bảo đảm không bị hư hỏng.

Qua tiếp xúc với các bác sĩ của bệnh viện chúng tôi được biết: Trong những ngày này, bệnh viện phải tiếp nhận rất nhiều người bệnh nhập viện vì chấn thương do chống bão và cấp cứu một số trường hợp bị đuối nước. Ngoài ra, sau bão, lũ số người nhập viện vì các bệnh phổ biến như tiêu chảy, lị, cảm sốt... lại tăng cao nên bệnh viện đã chuẩn bị phương án di dời giữa các khoa phòng để tiếp tục thu dung, điều trị cho người bệnh.

Trao đổi với chúng tôi về các giải pháp khắc phục hậu quả sau bão đối với Bệnh viện đa khoa Minh Hóa, bác sĩ Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Một trong những phương án trước  mắt mà Sở Y tế đang tính đến là phải xây dựng các khoa phòng theo kiểu dã chiến để tiếp nhận người bệnh, tăng cường các hoạt động khám chữa bệnh ngoại trú và trong điều kiện cần thiết phải mượn tạm trụ sở của trạm y tế trên địa bàn để hoạt động...

Bệnh viện đa khoa Minh Hóa là tuyến y tế cao nhất phục vụ cho người dân trên địa bàn huyện. Thế nhưng, trong điều kiện hiện nay, bệnh viện rất khó để triển khai tốt các hoạt động chuyên môn, trong khi đó việc đầu tư nâng cấp, xây mới các công trình hạng mục đã hư hỏng lại không phải là chuyện một sớm một chiều là thể giải quyết được. Vì vậy bệnh viện rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành để bệnh viện sớm ổn định tình hình nhằm thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn huyện.       

Nhật Văn