.

Xót xa đầu con sóng

Thứ Hai, 07/10/2013, 14:35 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày thứ 3 sau cơn bão, chúng tôi về Nhân Trạch (Bố Trạch)- một xã nằm nơi đầu sóng ngọn gió. Sau những ngày thu vén, dọn dẹp, Nhân Trạch vẫn còn ngổn ngang cột điện, cây đổ gãy, nhiều mái nhà còn trống huơ, trống hoác. Nhiều chỗ trong làng, nước vẫn còn đọng lại. Vừa gặp, ông Võ Hồng Thái, Chủ tịch UBND xã đã thở dài ngao ngán: Trận bão này, ước tính Nhân Trạch thiệt hại đến 150 tỷ đồng. Biết là nằm nơi đầu sóng thì sẽ thiệt hại nặng, nhưng không nghĩ đến mức như thế này.

Nằm chênh vênh bên bờ biển, căn nhà nhỏ của anh Phạm Văn Hoàng, chị Phạm Thị Bé (thôn Bắc) chỉ còn trơ 4 bức tường. Cưới nhau, ra ở riêng, gia đình nhà chồng hoàn cảnh khó khăn nên căn nhà nhỏ chưa đầy 15m2 của hai vợ chồng có được cũng là nhờ tấm lòng của anh em, bà con xóm giềng giúp đỡ. Gia đình thuộc diện hộ nghèo nên với họ, đó là cả gia tài, là nơi để che nắng, che mưa cho vợ con những ngày chồng đi biển.

Ai dè, cơn bão số 10 đã bốc hết toàn bộ mái pro xi măng. Xóm giềng lại một lần nữa thương tình đến giúp sửa sang lại nhà cho anh chị. Chị Bé nghẹn ngào: “Em mới sinh con được 3 tháng nên chẳng làm được gì, may còn có bà con chòm xóm giúp cho. Mùa này biển động ở nhà cũng không làm ăn được. Trưa nay, chồng em vừa phải đón xe vô Đắc Lắc đi hái thuê cà phê để kiếm tiền về trả nợ.”

Nằm kế một bên là ngôi nhà Đại đoàn kết của mẹ chồng chị Bé, trong cảnh mái pro xi măng bị tốc gần nửa đang nằm phơi nắng mưa. Bà Phạm Thị Lương kể: “Trước đây gia đình tui cũng thuộc diện hộ nghèo, vừa mới thoát nghèo năm ngoái. Năm 2008, Nhà nước hỗ trợ xây cho cái nhà Đại đoàn kết, đúng là “mừng chưa kịp no” thì bão vô phá nhà. Giờ tui tập trung lo cho nhà con trai trước đã, kẻo nhà hắn chỉ còn vợ dại con thơ. Nhà tui tạm che bạt rồi tính sau.”

Cũng ở thôn Bắc, nhà anh Nguyễn Văn Vĩnh nằm ngay cạnh cửa sông Dinh. Ngôi nhà do bố mẹ để lại được xây từ năm 80, chưa một lần gia cố, lại nằm ở nơi “hứng gió” nên không trụ nổi. Mái ngói đã bị gió bão cuốn đi. 4 bức tường nham nhở, rạn nứt chỉ chực đổ ập xuống. Nếu như người ta còn nghĩ chuyện vay mượn để sửa sang nhà cửa, thì với anh chị, đó là chuyện xa vời. Ngôi nhà quá cũ nát không thể gia cố đã đành, mà với hoàn cảnh của anh chị bây giờ, nếu có được vay thì cũng lấy đâu ra tiền mà trả nợ.

Sau bão số 10, hồ tôm nhà ông Phạm Văn Hái đã bị san phẳng.
Sau bão số 10, hồ tôm nhà ông Phạm Văn Hái đã bị san phẳng.

Trước đây anh Vĩnh đi biển còn có đồng ra, đồng vào để đắp đổi qua ngày, nuôi 2 con ăn học. Nhưng cách đây 5 năm, anh mắc căn bệnh u dạ dày, buộc phải phẫu thuật để cứu mạng sống đã cướp đi sức khỏe của anh và để lại cho gia đình thêm khoản nợ tiền chữa trị, thuốc thang. Hai vợ chồng quay ra bươn chải bằng mọi nghề có thể kiếm thêm thu nhập, như làm bánh bao, bán nước mía và buôn bán lặt vặt nhưng vẫn không tránh khỏi cái nghèo.

Chị Phạm Thị Tuyến- vợ anh Vĩnh kể lại: “Từ hôm bão đi đến chừ, 2 đứa con vẫn phải gửi vào nhà ngoại. Ba đêm rồi, vợ chồng em ở ngoài ni mà không tài nào ngủ được. Ngồi chỗ ni được 1 lúc thì chạy qua chỗ khác, một hồi không biết ngồi mô mà tránh mưa nữa. Hôm qua, dưới thuyền họ thấy thương quá cho mượn tấm bạt về che tạm, có đỡ hơn.” Trên gương mặt bơ phờ của người phụ nữ làng biển, những giọt nước mắt lăn dài...

Những hộ dân ở rìa làng, nằm bên cửa sông, bờ biển chẳng ai là không biết đến nguy hiểm rập rình từ những cơn bão biển. Nhưng nói chuyện di dời ra nơi khác, ai cũng lắc đầu bởi đến việc chi tiêu thiết yếu hàng ngày còn khó, làm sao nghĩ chuyện cửa nhà ở nơi ưng ý, an toàn.

Theo báo cáo nhanh của UBND xã Nhân Trạch, cơn bão số 10 đã khiến 1.448 ngôi nhà ở Nhân Trạch bị tốc mái, bay tấm lợp pro xi măng (trong đó có 30% nhà bị tốc mái hoàn toàn). Trường học, trụ sở UBND xã, các công trình công cộng, hệ thống nhà văn hóa thôn xã cùng các thiết bị phục vụ bị hư hỏng nặng. Hệ thống điện sáng bị gãy 12 cột và đứt 88 km đường dây.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn đó là các cơ sở nuôi trồng, sản xuất bị thiệt hại nặng nề, khó vực dậy; 23 ha cao su đang hứa hẹn bỗng chốc bị gãy đổ hoàn toàn, gây thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng cho bà con nhân dân; 12 hồ nuôi tôm và 7 hồ nuôi cá trên địa bàn bị mất trắng; các hộ dân chế biến nước mắm bị bão đập vỡ chum vại, thiệt hại khoảng 30 tấn mắm các loại; 5 thuyền lắp máy dưới 20 CV bị cuốn trôi; các cơ sở kinh doanh ven biển bị sập và hư hỏng nặng...

Bà Lê Thị Thuần ở thôn Nhân Quang dẫn chúng tôi vào khu chế biến mắm của gia đình. Những hồ mắm chưa kịp bịt chỉ còn màu đục trắng do bị ngâm nước biển. Bà nói: “3 chum mắm bị vỡ cùng 5 hồ mắm bị nước biển chan rứa là lấy đi của tui gần hai chục triệu đồng rồi”. Bà còn cho biết: Nhiều hộ cũng bị như tui, nặng nhất là nhà chị Hiền mất tới 7 chum, 2 vại mắm và 15 bao muối.

Có mặt tại khu vực hồ tôm ở thôn Nhân Quang, chúng tôi không khỏi xót xa. Hộ ông Phạm Văn Hái có 3 hồ thì 1 hồ bị sóng biển san phẳng, gần như không còn dấu vết. Hồ tôm 1.500m2 của hộ ông Phạm Đức Diếp, bà Nguyễn Thị Hinh cũng nằm trong tình trạng tương tự. Hộ ông Phạm Văn Đức có 4 hồ thì 2 hồ đã bị sóng đánh vỡ kè (40 mét), cuốn luôn cả tôm cùng hệ thống máy, tấm bạt... trôi ra biển. Hai hồ tôm còn lại đã chan nước biển cùng với rác, nếu không xử lý kịp thời cũng chưa biết kết quả ra sao, trong khi ông đang bị thương ở chân do tấm lợp rơi. Khi chúng tôi đến, ông Đức nằm dài trên võng mà ruột như lửa đốt.

“Tôm thì tiếc ít, mà tiếc bờ kè nhiều. Hồi mới ra làm hồ, tui đầu tư kè chắc chắn lắm. Ai ngờ, bão to như vậy. Giờ nghĩ đến chuyện làm lại kè đã thấy mệt, tốn công, tốn sức trong khi giờ nghề nuôi tôm đang gặp khó khăn.”- Ông Đức thở dài. Tính ra, đợt bão này mỗi hộ như vậy phải mất từ 300- 500 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Hinh (60 tuổi) cười chua chát: “Vợ chồng tui già rồi chẳng biết làm chi, chỉ trông chờ vào mấy hồ tôm gây dựng từ chục năm trước. Bão tan, ra nhìn hồ mà ngao ngán, lúc đó chỉ muốn khóc. Rồi nhìn quanh, mọi người cũng không khác gì cả. Thôi thì, khóc đó, cười đó, lại động viên nhau phải cùng cố gắng thôi”.

Trước mắt, trong khó khăn chung của toàn huyện, toàn tỉnh, Nhân Trạch đang tự nỗ lực khắc phục hậu quả của cơn bão số 10. Lúc này, tinh thần tương thân, tương ái; ý thức tự lực, tự cường được phát huy cao độ trong mỗi cá nhân, tập thể nhằm sớm ổn định tình hình một cách sớm nhất. Tuy nhiên, người dân nơi đây cũng đang rất cần sự chia sẻ, chung tay giúp đỡ của cộng đồng.

Hương Lê - Ngọc Mai