.

Đồng Hới: Nỗ lực khắc phục hệ thống cây xanh sau bão

Thứ Hai, 07/10/2013, 08:57 [GMT+7]

(QBĐT)Thành phố Đồng Hới là một trong những địa phương chịu nhiều thiệt hại trong cơn bão số 10. Tính đến ngày 3-10, tổng thiệt hại toàn thành phố đã lên trên 900 tỷ đồng. Trong số những thiệt hại thì hệ thống công viên cây xanh (được ví như “lá phổi” của thành phố) còn phải mất rất nhiều năm nữa mới khắc phục được, trả lại màu xanh cho thành phố.

Trong 5 năm trở lại đây, bộ mặt thành phố đã có nhiều thay đổi và trong mắt nhiều quan khách trong và ngoài nước, đó là Đồng Hới đã thực sự trở thành một thành phố xanh, sạch, đẹp bởi đã có hàng nghìn cây xanh được trồng lên từ  nghị quyết chuyên đề về “phát triển cây xanh đường phố Đồng Hới giai đoạn 2006- 2010”. Đặc biệt, các trục đường chính của thành phố, các tuyến đường vào các khu du lịch, sân bay, 2 đầu cửa ngõ của thành phố được ưu tiên trồng nhiều cây kết hợp với trồng hoa, cây cảnh ở các dải phân cách, do vậy đã tạo nên sự khởi sắc khá rõ nét cho đường phố Đồng Hới, để lại ấn tượng cho khách du lịch.

Vậy mà sau cơn bão số 10, hàng nghìn cây xanh ở các tuyến đường thành phố đã bị gió quật ngã, bật gốc và nằm chỏng chơ giữa đường. Ông Phạm Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm công viên cây xanh Đồng Hới cho biết, toàn thành phố đã có 7.000 trên tổng số 19.000 cây xanh đường phố do đơn vị quản lý bị gãy, đổ, trong đó cây có đường kính trên 20cm (loại 2) là 1.000 cây và cây trồng từ 1-5 năm là 6.000 cây với tổng thiệt hại gần 8 tỷ đồng.

Công nhân Trung tâm công viên cây xanh chống lại cây sau bão.
Công nhân Trung tâm công viên cây xanh chống lại cây sau bão.

Đáng chú ý là cây xanh loại 2 bắt buộc phải phải cắt hạ, bỏ đi là gần 300 cây và khoảng 1.600 cây có tuổi 1- 5 năm phải nhổ bỏ, không khắc phục được. Theo đó, các địa phương có nhiều cây xanh bị gãy đổ ở các tuyến đường gồm: Đồng Phú, Hải Đình, Đồng Sơn, Đồng Mỹ và Lộc Ninh.

Bên cạnh đó, chưa kể đến gần 800 nghìn m2 công viên vườn hoa; trên 34 nghìn m2 hệ thống khuôn viên, giải phân cách, đảo giao thông có trồng cây xanh cảnh quan... cũng đã bị bão làm cho hư hại nặng. Ngoài ra, số lượng hàng trăm cây xanh của một số đơn vị và hộ dân đã tự mua cây về trồng như: Trung tâm quy hoạch, Kho bạc, hệ thống các ngân hàng và ở các địa phương Hải Đình, Đồng Mỹ, Hải Thành... cũng bị quật gãy đổ. Theo ông Hùng, khi nhận được thông tin về cơn bão, đơn vị đã tích cực triển khai công tác phòng chống bằng nhiều giải pháp như: cắt tỉa cành đối với những cây to; rào chắn và chống các cây nhỏ, tuy nhiên với sức gió giật trên cấp 15 thì hậu quả để lại ngoài sức tưởng tượng. Trước khi cơn bão đổ vào, số lượng cây xanh đường phố đang phát triển khá tốt, có độ che phủ bóng mát và tạo được không khí, môi trường trong lành cho Đồng Hới.

Ngay sau khi cơn bão đi qua, Trung tâm công viên cây xanh đã huy động nam thanh niên ra cưa các cây đã bị gãy đổ giải phóng các trục đường giao thông. Vào sáng 2-10, đơn vị đã vận động toàn thể cán bộ, công nhân viên với trên 230 người tham gia phục hồi, chống dựng các cây có khả năng phục hồi và dọn dẹp đường phố. Song một thực tế đang diễn ra là nếu muốn cây sinh trưởng và phát triển lại được thì việc khôi phục đòi hỏi phải kịp thời nhưng hiện nay với số lượng cây xanh cần phải “cấp cứu” là trên 5.000 cây, trong khi đó đội ngũ công nhân hạn chế thì đây thực sự là một khó khăn.

Mặt khác, các nguồn vật tư thiết yếu sử dụng cho việc khắc phục như cột chống cây, dây chằng không cung ứng đủ, trang thiết bị thô sơ, thiếu xe chuyên dùng... đã phần nào gây cản trở hoạt động khắc phục.

Để nỗ lực khôi phục hàng nghìn cây xanh trên những tuyến đường phố có độ che phủ bóng mát, theo ông Phạm Quốc Hùng thì phải mất ít nhất từ 4- 5 năm. Vì vậy, bên cạnh việc tích cực khôi phục cây xanh sau bão thì còn phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện xã hội hóa việc trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh. Cùng với đó, Trung tâm phối hợp với các địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố trong  việc trồng cây mới và cây thay thế phù hợp, lựa chọn chủng loại cây phù hợp với từng loại đường.

Đặc biệt, trước khi trồng, phải nghiên cứu kỹ về độ dài, độ rộng của đường để trồng cây xanh hay cây cổ thụ, cây bóng mát cho phù hợp và bảo đảm tính thẩm mỹ, trong đó khuyến cáo không nên trông cây xà cừ vì loại cây này không phù hợp với địa hình của thành phố.

N.L