.

Cứu dân là trên hết

Thứ Tư, 16/10/2013, 20:06 [GMT+7]

(QBĐT)-Như tin chúng tôi đã đưa, mưa lớn trong những ngày qua đã gây ngập lụt nghiêm trọng tại huyện Tuyên Hóa. Đến 18 giờ hôm nay (16/10), trên địa bàn huyện đã tạnh mưa, tuy nhiên nước sông Gianh vẫn đang ở mức cao và xuống rất chậm. Lúc 18 giờ, tại Trạm Đồng Tâm, mực nước đo được là 13,21 mét, trên mức báo động II 0,21 mét; tại Trạm Mai Hóa, đỉnh lũ lúc 17 giờ là 7,93 mét, trên mức báo động III 1,43 mét. Công tác chỉ đạo đối phó với tình hình mưa lúc đang được chính quyèn địa phương thực hiện hết sức khẩn trương.

Hàng ngàn nhà dân bị ngập sâu trong lũ
Hàng ngàn nhà dân bị ngập sâu trong lũ

Từ sáng ngày 16/10, hầu hết các xã vùng hạ du sông Gianh thuộc huyện Tuyên Hóa đã mất điện. 16/20 xã đã trở thành các ốc đảo, thông tin liên lạc ở hầu hết các xã ngập sâu bị cắt đứt. Huyện đã thực hiện các phương án chuẩn bị lương thực, thực phẩm và nhiều cơ số thuốc chữa bệnh, phối hợp với chính quyền các xã thực hiện cấp phát cho dân ngay khi có thể; đặc biệt ưu tiên những vùng bị nước lũ ngập sâu, vùng bị chia cắt. Trung tâm Y tế dự phòng, Bệnh viện Đa khoa và Phòng Y tế huyện chủ động nhân lực, phương tiện, thường xuyên túc trực để sẵn sàng cứu dân khi có tình huống ốm đau bất ngờ, cần cấp cứu. Lãnh đạo huyện đã tổ chức thành nhiều đoàn công tác, sử dụng phương tiện duy nhất là bo-bo đến các địa phương trực tiếp thăm hỏi, động viên và tiếp tục chỉ đạo di dời khẩn cấp người dân bị mắc kẹt tại các vùng thấp trũng đến nơi an toàn. Lãnh đạo huyện đã quán triệt đến các lực lượng đối phó với mưa lũ cứu dân là trên hết, tuyệt đối không để một người dân nào bị thiếu đói.

Bưu điện Minh Cầm phải đóng cửa vì nước lũ tấn công
Bưu điện Minh Cầm phải đóng cửa vì nước lũ tấn công

Hầu hết các xã ven sông Gianh của huyện Tuyên Hóa đều bị chìm trong nước lũ cuồn cuộn. Trên tuyến Quốc lộ 12A, dù đã tiếp cận đến trước trụ sở UBND xã Phong Hóa nhưng chúng tôi vẫn không thể vào được do nước lũ từ sông Gianh tràn vào, chảy dọc theo tuyến đường liên thôn rất xiết. “Lũ lên nhanh lắm chú ơi! Sau hai ngày mưa, qua một đêm là nước đã tràn vô nhà. Sáng ra, nước đã ngập cả làng rồi. Không trở tay kịp. Tui chỉ lo cứu mấy đứa trẻ và mang theo lương thực dự trữ để đề phòng thôi. Mọi vật dụng trong nhà đành bỏ lại, nhờ trời. Nhà chỉ có hai lồng cá là tải sản lớn nhất cũng đã bị ông trời cướp mất. Thiệt hết khổ! Lũ lên nhanh và đột ngột như ri là chỉ thua cơn lũ lịch sử năm 2007 thôi”. - Ông Hoàng Nghĩa ở thôn Sảo Phong, xã Phong Hóa nói. Nhiều xóm làng chỉ còn hiển hiện những ngọn cây trồi lên trên mặt nước. Ở các xã bị ngập nặng, việc tiếp cận cứu hộ dân gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu là cứu trợ tại chỗ do nước lũ chảy quá mạnh và mưa rất to.

Tầng 2 trụ sở UBND xã Phong Hóa trở thành nơi cất giữ đồ đạc
Tầng 2 trụ sở UBND xã Phong Hóa trở thành nơi cất giữ đồ đạc

Chủ tịch UBND xã Phong Hóa Trần Thanh Hương cho biết: Khó khăn nhất của địa phương là địa bàn xã bị chia cắt bởi sông Gianh nên việc tiếp cận chỉ đạo người dân đối phó với mưa lũ là không thể. Từ 4 giờ sáng ngày 16/10, các thôn Cao Trạch, Mã Thượng, Sảo Phong đã trở thành các ốc đảo. Việc di dời các hộ dân từ vùng thấp trũng đến địa điểm cao hơn tại các thôn này cũng gặp rất nhiều khó khăn do các tuyến đường liên thôn đã bị ngập nước. Trong khi đó, hầu như không có một chiếc đò nào có thể sử dụng cho việc di dời dân. 7/7 thôn của xã đều đã bị nước lũ nhấn chìm, trên 120 nhà dân bị ngập sâu từ 1,5 đến 2 mét, nhiều km kênh mương, đường giao thông nông thôn bị xói lở, các đập thủy lợi bị hư hỏng nặng. Đặc biệt 2 chiếc cầu ở thôn Minh Cầm Nội và Động Hương bị hư hại không thể đi lại được. “Chúng tôi đang tiếp tục triển khai các phương án cụ thể nhất để đối phó với mưa lũ”. Ông Hương nói.

Đường liên thôn ở xã Đức Hóa trở thành...sông.
Ngập lụt đường liên thôn ở xã Đức Hóa.

Thông tin mà chúng tôi nhận được đến 18 giờ hôm nay (16/10) Tuyên Hóa đã có 1 ngôi nhà của dân bị nước lũ cuốn trôi, trên 6.500 ngôi nhà của các hộ dân thuộc các xã vùng hạ lưu sông Gianh gồm Văn Hóa, Tiến Hóa, Mai Hóa, Châu Hóa, Phong Hóa, Thạch Hóa... bị ngập sâu trong nước từ 1,2 đến hơn 4 mét. Gần 1.500 hộ dân với gần trên 4.700 nhân khẩu đã được di dời khẩn cấp đến nơi an toàn. Từ sáng ngày 16/10, học sinh các xã vùng hạ du sông Gianh phải nghỉ học. Do nước sông Gianh vẫn còn ở mức rất cao nên chưa thể thống kê được thiệt hại về cơ sở vật chất và các công trình xây dựng cơ bản.
                                                                                                                                                     Nguyễn Hoàng