Bất cập trong quản lý thức ăn đường phố

Cập nhật lúc 13:59, Thứ Năm, 11/04/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Thức ăn đường phố-cách gọi chung cho nhóm thực phẩm được bày bán tràn lan dọc các vỉa hè, trên các tuyến đường đang có nhiều nguy cơ về mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Trên thực tế công tác quản lý các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố lại gặp phải nhiều vấn đề hết sức khó khăn.

Người bán lẫn người mua đều xem nhẹ

Mặc dù thông tư số 30 ngày 5-12-2012 của Bộ Y tế quy định về điều kiện ATVSTP đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố có hiệu lực kể từ ngày 20-1-2013, nhưng đến nay qua hơn 2 tháng triển khai, tình hình chưa có gì khả quan, thức ăn bày bán trên vỉa hè đường phố không bảo đảm VSATTP vẫn còn rất nhiều, mà nguyên nhân chủ yếu là do người bán hàng cũng như người mua đều coi nhẹ thức ăn mà mình đang sử dụng có bảo đảm hay không.

Một vài tuyến đường trên thành phố Đồng Hới như Hữu Nghị, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Thanh Niên, Mẹ Suốt... là những nơi tập trung nhiều hàng quán vỉa hè nhất. Ít nhất có hàng trăm quán xá chuyên bán thức ăn mọc lên. Có quán nằm sát ngay mép đường, nhưng theo quan sát của chúng tôi có rất ít quán hàng dùng tủ kính để che đậy thức ăn. Nhiều quán cóc, một số người bán hàng rong trên đường phố không sử dụng vật dụng để che đậy thức ăn chín, mà nếu có thì cũng chỉ là mảnh vải mỏng phủ lên bên trên, nguy cơ gây mất VSATTP là rất cao.

Đường Lý Thường Kiệt vào mỗi buổi chiều đến tối khuya có rất nhiều quán bún, phở, cháo bày bán trên vỉa hè. Khách nườm nượp ra vào, nhưng hầu như không một ai quan tâm đến việc quán có hợp vệ sinh hay không. Chị Hương, chủ một quán bún Huế quả quyết tất cả các nguyên liệu dùng để chế biến của chị rất sạch và bảo đảm, đặc biệt là thịt bò được chị mua tại cơ sở giết mổ nên chất lượng thì khỏi phải lo.

Chúng tôi đề cập đến vấn đề có bảo đảm VSATTP hay không, khi thấy chị không sử dụng tủ kính để bảo quản nguyên liệu cũng như các thực phẩm đã được nấu chín sẵn, chị cười và cho rằng “yên tâm”, vì từ khi chị mở quán này, cũng được gần chục năm rồi, chưa hề có khách hàng nào phản ánh về việc thức ăn kém chất lượng, hay có biểu hiện gì của việc ngộ độc khi mua về ăn?!

Thức ăn chín được chế biến ngay trên lề đường  nhưng không có vật dụng để bảo quản.
Thức ăn chín được chế biến ngay trên lề đường nhưng không có vật dụng để bảo quản.

Trên đường Hữu Nghị vào mỗi buổi sáng, mặc dù lượng người và các phương tiện tham gia giao thông đi lại tấp nập, công trình thi công tu sử đường vẫn đang hoạt động, lượng bụi rất lớn nhưng trong những quán ăn ngay ven đường, hàng chục người vẫn say sưa. Chị Võ Thị Trang, đang làm công nhân tại Xí nghiệp May Hà Quảng cho biết với những lao động có mức thu nhập thấp như chị thì các quán ăn vỉa hè luôn là lựa chọn đầu tiên.

Qua tìm hiểu thực tế cũng như tiếp xúc với người dân và người bán hàng, mọi người đều nhận thức được việc bảo đảm VSATTP là cần thiết. Tuy nhiên, việc thực hiện lại rất khó. Bởi thói quen đã hình thành xưa đến nay. Để thay đổi được tập quán, thói quen sử dụng thức ăn đường phố hợp vệ sinh là điều không dễ. Chị Nguyễn Thị Hồng, tiểu khu 11, phường Bắc Lý nói: Vẫn biết thức ăn đường phố nhiều khi không an toàn, nhưng vì tiện lợi cho việc ăn uống nên lúc bận rộn công việc, chị vẫn mua về ăn.

Hay như anh, Nguyễn Văn Thắng, chạy xe ôm tại ngã tư Bưu điện tỉnh cũng chia sẻ: nhà anh ở  xã Vĩnh Ninh (Quảng Ninh), về đây làm nghề xe ôm cũng được mấy năm rồi, do đường xa nên buổi trưa anh thường mua cơm gà của các chị bán rong ăn cho qua bữa để tiếp tục công việc. Việc thức ăn có bảo đảm VSATTP hay không thì anh cũng không để ý. “Thấy người ta mua ăn đầy ra đó, thì mình cũng ăn vậy thôi”, anh Thắng chia sẻ.

Rất khó quản lý

Theo Thông tư 30, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố cần bố trí cơ sở ở điểm cách xa các nguồn ô nhiễm. Thức ăn ngay, thực phẩm chín phải được để trong tủ kính, thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, chống được ruồi nhặng, bụi bẩn, côn trùng, động vật gây hại và phải cao hơn mặt đất ít nhất 60 cm. Nơi chế biến, nơi bán thức ăn ngay, thực phẩm chín phải sạch sẽ, thoáng mát và không gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản, trang bị găng tay sử dụng một lần khi tiếp xúc với thức ăn ngay, thực phẩm chín. Nguyên liệu dùng để chế biến phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, bảo đảm an toàn theo quy định. Người bán thức ăn đường phố phải được tập huấn về an toàn thực phẩm (ATTP) và được cấp giấy chứng nhận tập huấn kiến thức về ATTP...

Hàng quán được bày bán ngay cạnh công trình đang thi công tại đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Hàng quán được bày bán ngay cạnh công trình đang thi công tại đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Song thực tế vẫn còn không ít người kinh doanh thức ăn đường phố, nhất là người bán hàng rong kinh tế còn khó khăn, không có điều kiện để thực hiện các quy định trên. Còn đối với người tiêu dùng cũng khó có thể biết được người chế biến thức ăn có mắc bệnh truyền nhiễm hay không.

Bà Phan Thị Thủy, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP tỉnh cho biết: Hiện nay vấn đề quản lý thức ăn đường phố trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, cơ quan chức năng chỉ quản lý được những điểm bán thức ăn đường phố có vị trí cố định. Còn đối với những loại hàng rong lưu động khắp nơi do cấp phường, xã trực tiếp quản lý. Ở đó không có lực lượng chuyên trách về ATVSTP mà thường cử một cán bộ y tế kiêm nhiệm nên còn có nhiều bất cập. Ngay cả đối với cấp huyện  cũng chưa có lực lượng chuyên trách về vấn đề này, còn lực lượng thanh tra của Chi cục lại quá mỏng nên thực sự khó để hỗ trợ hết.

Bên cạnh đó, vẫn chưa có quy định cho phép cán bộ Chi cục được đi kiểm tra ngoài giờ. Phần lớn các quán vỉa hè thường tập trung bán vào buổi đêm nên không có ai kiểm soát cũng như quản lý. Vấn đề thức ăn ở đó có bảo đảm VSATTP hay không cũng không thể kiểm tra được. Để giải quyết được vấn đề này thật sự là rất nan giải. "Chi cục VSATTP cũng đã nhiều lần tổ chức đi kiểm tra các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố cố định, có tới 30% cơ sở kinh doanh không bảo đảm VSATTP, đó là chưa kể các hàng quán di động, các vỉa hè bán  ngoài giờ", bà Thủy nói.

Chế tài xử phạt cũng là một vướng mắc lớn đối với việc xử lý các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Đối với những hàng quán nhỏ thì như "người không có tóc", cơ quan chuyên trách muốn xử phạt cũng không được. Hoặc phạt xong rồi đâu lại vào đó, các hàng quán này lại mọc lên ở vị trí khác.

Theo bà Phan Thị Thủy, để khắc phục tình trạng thức ăn đường phố không bảo đảm VSATTP, các phường, xã phải phối hợp với các đơn vị tuyến trên để tiến hành kiểm tra, xử phạt và quản lý chặt chẽ hơn. Công tác kiểm tra, xử phạt các quán hàng vi phạm cần mạnh tay hơn, để tránh tình trạng vi phạm rồi lại tái phạm. Đồng thời, yêu cầu 100% các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải tham gia tập huấn và khám sức khỏe theo quy định. Cần tạo điều kiện cho các ngành chức năng thường xuyên đi kiểm tra ngoài giờ, nhằm tránh tình trạng không tuân thủ bán hàng bảo đảm VSATTP theo quy định.

Thiết nghĩ, bên cạnh các giải pháp của ngành chức năng, để bảo đảm ATVSTP đối với thức ăn đường phố, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, cần tập trung nâng cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Người tiêu dùng cần trang bị những kiến thức về VSATTP, nên tẩy chay những quán ăn vỉa hè, đường phố không bảo đảm điều kiện. Đồng thời, thông báo cho cơ quan quản lý xử lý kịp thời các quán ăn đường phố không tuân thủ và bảo đảm điều kiện VSATTP.

                                                                                  Lan Chi







 

,
.
.
.