Vượt lên số phận - Kỳ cuối: Xứng danh “Người đương thời”

Cập nhật lúc 07:21, Thứ Ba, 09/04/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Một người đàn ông thấp nhỏ, cánh tay trái đã bị cụt sát nách do bom Mỹ từ thời chiến tranh nhưng lại là trụ cột của một gia đình gần chục người. Với nghị lực phi thường cùng những tính toán khoa học, anh đã đào thành công kênh mương dài gần 2km đưa nước về tưới cho cả một vùng đất đồi khô cằn, phục vụ cho hàng chục hộ dân xóm Rôốc. Anh là Đinh Xuân Hưng, ở thôn Minh Xuân Hưng (Xuân Hóa, Minh Hóa), từng là nhân vật chính trong một chương trình “Người đương thời” trên sóng VTV3 Đài truyền hình Việt Nam hơn 10 năm trước.

>> Kỳ 2: Anh thương binh giàu nghị lực

>> Kỳ 1: Dìu nhau đi hết cuộc đời

“Kỹ sư cùi” xóm Rôốc

Mất cánh tay trái do bom Mỹ bắn trúng trong chiến tranh nhưng cậu bé Đinh Xuân Hưng, thôn Minh Xuân (Xuân Hoá, Minh Hoá) đã vượt lên nỗi đau để đến trường học chữ và cùng cha mẹ làm kinh tế.

Sau nhiều lần lên vùng Rôốc chăn trâu, hái củi, Hưng nhận thấy Rôốc là vùng đất hoang vu nhưng giàu tiềm năng để phát triển kinh tế. Anh nghĩ rằng, chỉ cần có nguồn nước tưới thì vùng đất khô cằn đầy hố bom này sẽ được hồi sinh, phát triển.

Suy nghĩ đó cứ vương mãi trong đầu anh. Năm 1986, anh đưa vợ và 6 người con lên xóm Rôốc làm kinh tế. Ngày ấy, đời sống gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn. Đất đai khô cằn nên anh chỉ trồng được cây ngô và sắn để làm bồi ăn qua ngày. Năm 1988, anh Hưng đã quyết định thực hiện một việc làm táo bạo là đào kênh mương từ đầu nguồn nước, băng qua một cánh rừng và nhiều khe suối dẫn nước về vùng Rôốc.

Kênh mương này, anh Đinh Xuân Hưng đã đào 6 tháng mới xong.
Kênh mương này, anh Đinh Xuân Hưng đã đào 6 tháng mới xong.

Công việc bắt đầu từ việc đo đạc. Không có ống ngắm, anh phải dùng thước chữ T để đo từ mặt nước suối đến mặt đồng qua rất nhiều thác ghềnh, đồi núi và nhiều con suối nhỏ. Mỗi thác anh đo khoảng 40cm đến 60cm. Qua gần 100 lần đo cộng lại, anh đã xác định được vị trí lấy nước hợp lý.

Hơn 6 tháng trôi qua, kênh mương được làm xong. Dòng nước chảy về tràn ngập cả vùng đất “khát” trong sự ngỡ ngàng của rất nhiều người.

Từ khi có nước, anh Hưng cùng bà con đẩy mạnh khai hoang, mở rộng diện tích đất trồng lúa nước để giải quết vấn đề lương thực trước mắt. Đến nay, kênh mương do anh làm “chủ đầu tư” đã cung cấp nước cho hàng chục sào ruộng của 20 hộ dân trong xóm miễn phí. Riêng nhà anh làm 20 sào lúa, mỗi năm cho thu hoạch trên 7 tấn thóc, bán trên 50 triệu đồng.

Làm giàu từ trang trại

Chủ động được nguồn nước tưới, anh Đinh Xuân Hưng bắt đầu lập trang trại. Tận dụng vùng đất Rôốc rộng lớn, anh đã tự khoanh cho mình khoảng 10 ha. Ngoài ra, anh còn làm một công trình dẫn nước bằng ống dài 600m trên độ cao 30m từ suối Tó Tò về làm nước sinh hoạt, tưới nước tự động cho các loại cây mầu.

Trong trang trại, anh đã đầu tư trồng hai sào mướp đắng, 2 sào bí xanh, 1 sào cà và trên 1ha đất để trồng ngô và lạc. Dưới những tán cây vải thiều, bưởi là hàng chục tổ ong đang cho những lứa mật đầu mùa. Trong hai dãy chuồng lợn vẫn còn một lợn đực giống, hai lợn nái sắp đẻ và 8 nái hậu bị. Con nào cũng to trên tạ cả. Cách đó không xa là 3 ao có diện tích hơn 2.500m2 hoàn toàn chủ động được nguồn nước.

Hiện tại, lao động chính trong nhà chỉ có vợ chồng anh và vợ chồng đứa con trai út. Những năm gần đây, anh Hưng đầu tư mua máy móc để đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Trong ngôi nhà gỗ hai gian là nơi tập kết máy xay xát, máy chế biến thức ăn cho lợn, máy bơm động cơ đi ê den, máy tuốt lúa, máy cày bừa, máy gặt... 

Ônh Đinh Xuân Khách, Bí thư Chi bộ thôn Minh Xuân cho biết: “Từ khi có kênh mương của anh Hưng, đời sống của người dân xóm Rôốc ngày được nâng cao nhờ có nguồn nước để phát triển chăn nuôi và trồng trọt. Nhiều hộ đã có tiền làm nhà cửa khang trang, mua sắm nhiều tiện nghi trong nhà”. Với những thành công trên, anh Đinh Xuân Hưng đã từng vinh dự được làm khách mời của chương trình “Người đương thời” của VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam. Hơn 10 năm trôi qua, nay anh Hưng vẫn xứng danh là “Người đương thời”.

                                                                           Xuân Vương



 

,
.
.
.