Vượt lên số phận - Kỳ 1: Dìu nhau đi hết cuộc đời

Cập nhật lúc 14:07, Thứ Sáu, 05/04/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Họ là những thương binh trở về từ chiến trường hay những người khuyết tật, nhưng đã vượt lên số phận bằng những việc làm rất phi thường. Những người tôi đang nói ở đây là một đôi vợ chồng thương binh hạnh phúc vì có những đứa con thành đạt. Một anh thương binh, một người tàn tật biết vượt lên nghịch cảnh để làm giàu chính đáng, có những đóng góp tích cực cho xã hội.
 

Vợ chồng anh Phạm Văn Hành và chị Trần Thị Bưởi.
Vợ chồng anh Phạm Văn Hành và chị Trần Thị Bưởi.

Sau khi trở về từ chiến trường, anh Phạm Văn Hành và chị Trần Thị Bưởi (xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh) mang trên mình những vết thương. Hơn 30 năm qua, đôi vợ chồng thương binh đã cùng chung lưng đấu cật vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ. Giờ đây, hạnh phúc lớn nhất của hai người là những đứa con khôn lớn, thành đạt và cùng dìu nhau đi hết cuộc đời.

Tình yêu từ sự đồng cảm

Về thôn Trung Quán, xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh tôi tìm đến nhà anh Phạm Văn Hành, chị Trần Thị Bưởi. Ngôi nhà nhỏ của đôi vợ chồng thương binh nằm bên dòng sông Kiến Giang, phía trước là cánh rừng bần xanh tốt.

Ngày còn nhỏ, anh chị ở chung một làng, cùng chăn trâu, cắt cỏ, tắm sông và cắp sách tới trường. Năm 1976, anh Hành gia nhập lực lượng công an vũ trang Bình- Trị - Thiên, còn chị Bưởi đi thanh niên xung phong ở Quảng Trị, làm nhiệm vụ tại công trình đại thủy nông Thạch Hãn. Tháng 2- 1979, anh Hành viết đơn bằng máu xin lên đường sang góp sức giúp nước bạn. Những tháng năm làm nhiệm vụ ở Campuchia, anh đã trải qua hàng trăm cuộc chiến đấu sinh tử với kẻ thù. Rồi trong một trận truy quét Pôn Pốt, anh đã bị thương.

Qua một thời gian điều trị, anh tiếp tục trở lại chiến đấu làm nhiệm vụ tiếp quản những vùng giải phóng. Đang làm nhiệm vụ, đơn vị anh bị kẻ thù tấn công, anh một lần nữa bị sức ép ở tai. Tháng 4- 1983, anh trở về nước với chế độ thương tật 2/4, đôi tai điếc ù không nghe rõ. Những ngày làm nhiệm vụ rà phá bom mìn trên công trường đại thủy nông Thạch Hãn, chị Bưởi cũng bị thương khi đạp trúng quả mìn lá của giặc Mỹ để lại sau chiến tranh. Cú nổ đã cướp đi đôi chân lành lặn của người con gái tuổi 19. Điều trị vết thương xong, năm 1981, chị trở về quê hương với đôi chân tật nguyền.  

Thời gian cứ thế trôi đi, hai năm sau, anh Hành trở về quê với những vết thương trên người. May mắn hơn chị Bưởi là đôi chân anh còn lành lặn, sức khỏe vẫn cho phép anh lao động. Một ngày sau khi trở về, anh thương binh đẹp trai, phong độ quyết định tìm lại người bạn cũ mà ngày nào anh từng thương thầm nhớ trộm.

Gia đình thấy anh đến với cô gái tật nguyền đã phản đối kịch liệt. Nhưng sự chân thành, đồng cảm của anh Hành đã chiến thắng được gia đình và dư luận. Anh chị cưới nhau.

Hạnh phúc là những đứa con thành đạt

Đối mặt với cuộc sống vô vàn khó khăn phía trước, vợ chồng anh đã lên một kế hoạch hẳn hoi. Phận gái tật nguyền, chị Bưởi không làm được những việc nặng nhọc nên chọn những công việc nhẹ nhàng. Ngày ngày, chị đến các tiệm may nhặt những mảnh vải vụn rồi về cắt may lại thành những tấm áo để học hỏi kỹ thuật. Còn anh thương binh Hành thì quanh năm suốt tháng lên rừng lấy củi về bán. Gần một năm dành dụm, anh đã kiếm được tiền mua cho chị cái máy may. Cuộc sống cơ cực, nhưng đôi vợ chồng thương binh vẫn dìu nhau từng bước vượt qua. Sức mạnh của tình yêu và ý chí vươn lên đã mang đến cho họ những niềm vui, niềm hạnh phúc.

Rừng cây bần chống xói lở bên sông Kiến Giang của anh thương binh Phạm Văn Hành.
Rừng cây bần chống xói lở bên sông Kiến Giang của anh thương binh Phạm Văn Hành.

Năm 1984, đứa con trai đầu lòng của anh chị chào đời khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Sau 8 năm, anh chị sinh thêm 1 người con trai và hai con gái nữa. Để có tiền nuôi con ăn học, chị Bưởi suốt ngày làm việc bên chiếc máy may. Còn anh Hành vẫn lên rừng chặt củi về bán. Nghề đốn củi vất vả nhọc nhằn, nhưng chẳng thu nhập được bao nhiêu. Nhiều khi vết thương cũ tái phát khiến anh đau nhức. Có khi gặp sóng to, gió lớn đò lật đổ mất hết củi, còn anh thì may mắt thoát chết nhiều lần.

Sau đó, anh chuyển qua nghề bắt lươn, bắt ếch vào ban đêm. Còn ban ngày thì mở một quán nhỏ bán hàng tạp hóa ven đường và phụ vợ cắt may. Đổi nghề, cuộc sống có đỡ vất vả hơn nhưng khó khăn vẫn cứ chồng chất. Năm 1999, vợ chồng anh mới được cấp đất. Từ khi làm 10 sào ruộng, bữa cơm trong gia đình mới đủ no. Thời gian này, anh còn nhận trồng gần 2ha rừng bần chống xói lở cho xã bên sông Kiến Giang với chiều dài 2,5km, có 3.500 cây. Qua 14 năm chăm sóc, rừng bần của anh thương binh đã phát triển tốt, che chắn cho cả thôn Trung Quán bây giờ.

Hơn 30 năm dìu dắt nhau vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, đến hôm nay anh chị đã được đền đáp xứng đáng. Cả 4 người con đều chăm ngoan học giỏi. Người con trai đầu đã tốt nghiệp đại học thể dục thể thao giờ đang công tác tại Trường tiểu học số 2 Xuân Ninh. Cậu con trai thứ 2 đang du học tại nước Nga chuyên ngành lái tầu ngầm đến tháng 10 này sẽ ra trường. Cô con gái thứ 3 hiện là kỹ sư nuôi trồng thủy sản, đang công tác cho một công ty nước ngoài. Cô con út vẫn đang học năm thứ 2 Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng.

“Chừ con cái khôn lớn cả rồi. Đứa lớn kèm cặp đứa nhỏ và tự nuôi nhau học hành. Nợ nần cũng trả gần xong nên vợ chồng tôi không làm ruộng nữa. Với lương hưu của mình, chúng tôi sẽ tự lo được cho bản thân và nguyện dìu nhau đi hết cuộc đời, sống những ngày vui vẻ bên con cháu. Cuộc sống như thế là hạnh phúc lắm rồi, chứ mong chi nhiều phải không chú?”, chị Bưởi chia sẻ với tôi như thế.

                                                                          Xuân Vương


                                                         Kỳ 2: Anh thương binh giàu nghị lực






 

,
.
.
.