Dự án MAG Quảng Bình sau 10 năm hoạt động

Cập nhật lúc 07:21, Thứ Năm, 04/04/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Nhóm cố vấn bom mìn MAG là một tổ chức nhân đạo quốc tế hoạt động nhằm góp phần gìn giữ và cải thiện cuộc sống của người dân trên toàn thế giới thông qua việc giảm thiểu những hậu quả tàn khốc do bạo lực vũ trang và tàn dư của những cuộc xung đột gây ra. Kể từ 1989, MAG đã hoạt động trên 40 nước trên thế giới và đồng đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1997. Hiện nay MAG đang có dự án tại 3 tỉnh của Việt Nam.

Quảng Bình, nơi có chiến tranh đi qua, một thời là tuyến lửa từng hứng chịu nhiều đau thương mất mát do bom đạn của đế quốc Mỹ gây ra, đã được sự quan tâm của Dự án MAG bắt đầu từ tháng 4 năm 2003. Trải qua 10 năm hoạt động, Dự án MAG đã đem lại sự thanh bình cho bao làng quê. MAG đã ưu tiên các nguồn lực rà phá nhằm mang lại lợi ích tối đa cho cộng đồng. Từ đó các cơ sở an sinh xã hội như trường học, trạm xá, khu dân cư, các công trình văn hóa có điều kiện được xây dựng trên marnh đất an toàn do kết quả Dự án MAG mang lại.

Mười năm về trước, khi Dự án MAG Quảng Bình vừa mới khởi động còn biết bao khó khăn, gian khổ. Trước hết tại Quảng Bình thời tiết rất khắc nghiệt, mùa hè nắng nóng, mùa mưa nhiều bão, lụt. Đội ngũ cán bộ làm cho dự án MAG Quảng Bình ban đầu còn quá ít kinh nghiệm. Các thông tin nhận dạng về vật liệu nổ còn chưa đến được với một số vùng đồng bào dân tộc vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Địa hình tại những nơi có vật liệu nổ, bom, đạn, mìn trải rộng khắp các địa phương trong tỉnh, nhiều nơi giao thông còn trắc trở.

Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là nhận thức của một số người dân. Do chưa hiểu hết sự nguy hiểm của bom mìn, vật liệu nổ, một số người dân làm nghề nhặt phế liệu ngang nhiên đùa bỡn với tử thần. Các cháu thiếu niên, nhi đồng ở vùng hẻo lánh khi chăn trâu, cắt cỏ hoặc hái củi có khi dùng cả bom bi hoặc vật liệu nổ để đùa nghịch. Cá biệt có cháu hái măng trong rừng phát hiện 1/2 quả bom bi còn kíp nổ đã lấy que tác động vào kíp làm bom nổ gây ra cái chết thương tâm. Khó thống kê hết được nỗi đau thương mất mát của những gia đình, dòng họ, làng quê có người chết, bị thương do bom mìn gây ra.

Tất nhiên, đến với Quảng Bình, Dự án MAG cũng gặp khá nhiều thuận lợi. Thấy rõ tính nhân đạo của dự án, lãnh đạo tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đều tạo điều kiện cho MAG hoạt động. Người dân chung sức hỗ trợ và đồng thuận để dự án triển khai. Hơn ai hết người dân Quảng Bình mong muốn được sản xuất, sinh sống, sinh hoạt cộng đồng trên vùng đất không có nguy cơ bom mìn do chiến tranh để lại. Dự án MAG đã trả lại sự thanh bình cho bao vùng đất một thời gánh chịu bao đợt mưa bom bão đạn của chiến tranh, giúp loại bỏ những đe dọa nằm ẩn sâu trong lòng đất.

Đội kỹ thuật Dự án MAG Quảng Bình đang xử lý bom tại Minh Hóa.
Đội kỹ thuật Dự án MAG Quảng Bình đang xử lý bom tại Minh Hóa.

Qua chặng đường 10 năm triển khai trên đất Quảng Bình Dự án MAG đã thu được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Tổng diện tích mà Dự án MAG đã rà phá bom mìn lên tới 1. 742.282m2. Số vật liệu nổ đã được xử lý là 71.300. Có 40.813 khu vực nguy hiểm do người dân cung cấp đã được xử lý; 1.031.361 người dân được hưởng lợi từ dự án.

Chỉ riêng khu vực Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, đã 2 lần Dự án MAG tiến hành rà phá bom mìn. Hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh, bến phà Xuân Sơn, tuyến đường 20 Quyết thắng từng một thời là rốn bom do quân xâm lược gây ra nay đã được trả lại sự thanh bình. Chỉ tính riêng từ năm 2010 đến nay đã có 435 vật liệu nổ đã được xử lý tại xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch.

Để thực hiện được khối lượng công việc khổng lồ như thế, Dự án MAG Quảng Bình đã huy động được sức mạnh tổng lực. Đó là lối làm việc mang tính khoa học, hiệu quả cao của tập thể dự án từ văn phòng tại Hà Nội, từ bà Giám đốc quốc gia MAG Việt Nam đến giám đốc hoạt động kỹ thuật hiện trường, điều phối viên hoạt động hiện trường cùng các cán bộ nhân viên MAG tại Quảng Bình. Họ làm việc với lương tâm và trách nhiệm, tất cả vì sự thanh bình của quê hương Quảng Bình. Qua 10 năm trải nghiệm với thực tiễn, giờ đây đội ngũ cán bộ, chuyên gia, chuyên viên, cán bộ, nhân viên dự án MAG Quảng Bình đã quen với công việc, nắm bắt được thao tác kỹ thuật khó, làm chủ được thiết bị rà phá bom mìn hiện đại.

Trong suốt chặng đường đó, họ được học nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật rà phá bom mìn. Các cán bộ công nhân hiện trường được trang bị áo giáp, các phương tiện rà phá tiên tiến của thế giới. MAG đã tuyển dụng người dân địa phương và đào tạo thành những nhân viên kỹ thuật để thực hiện việc dò tìm, xử lý các loại bom mìn và vật liệu nổ. Điều đáng ghi nhận là trong quá trình làm công việc nhiều hiểm nguy này họ đã được an toàn tuyệt đối. Đội ngũ cán bộ thực hiện Dự án MAG Quảng Bình nay đã lên đến gần 100 người.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Xuân Thắng, điều phối viên hoạt động hiện trường của dự án cho biết: “Để có được thành quả như hôm nay chúng tôi rất biết ơn lãnh đạo tỉnh và nhân dân Quảng Bình. Dự án MAG được sự giúp đỡ của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và toàn thể nhân dân trên vùng dự án đã hoạt động ở 6 huyện, thành phố cả tỉnh”. Chị Đặng Thị Thùy Dương, cán bộ phiên dịch của dự án trao đổi thêm: “Trong quá trình hoạt động, dự án rất chú trọng mô hình liên lạc cộng đồng. MAG triển khai các đội liên lạc cộng đồng tới thôn xóm để tiến hành khảo sát tại từng hộ gia đình và thu thập thông tin về các vùng nguy hiểm. Những thông tin này sau đó sẽ được chuyển qua các đội rà phá bom mìn để tiếp tục rà tìm và xử lý.”

Thật đúng như nhận định của điều phối viên dự án, nơi nào có được sự đồng thuận của người dân, ở đó dự án triển khai có hiệu quả. Thông tin về vật liệu nổ trong lòng đất chỉ có người dân địa phương mới có thể cung cấp một cách tin cậy nhất. Tại xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, chúng tôi gặp là bà Lê Thị Thỏn, làm nghề nông và ông Trần Công Hoan, trưởng thôn Thạch Trung. Thôn Thạch Trung nằm dọc trên đường quốc lộ, trong chiến tranh đây là trọng điểm đánh phá của đế quốc Mỹ. Ông Hoan cho biết: “Năm 1968, vì địa bàn thôn gần cầu Thạch Trung, có một đội vận chuyển bằng thuyền để kéo xà lan, có trạm trung chuyển thương binh nên bị không quân Mỹ đánh phá”.

Chiến tranh đi qua, bà con trong thôn quay về bắt đầu xây dựng cuộc sống với bao khó khăn trong đó có việc phải thu dọn bom mìn, vật liệu chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh. Riêng với bà Thỏn, sau khi sơ tán về, khu vực nhà ở của bà có 1 quả bom to. Hẳn nhiên bà nơm nớp lo sợ khi phải chung sống với tử thần. Được sự đồng thuận cao của chính quyền và nhân dân xã Hồng Thủy, Dự án MAG đã tiến hành hoạt động rà phá bom mìn. Kết quả tại thôn Thạch Trung, dự án đã tìm được 18 vật liệu chưa nổ và 309 phế liệu, trong đó có quả bom nhà bà Thỏn do đội MAT4 rà được vào ngày 8-8-2012.

Không riêng gì ở Hồng Thủy, bất cứ nơi nào có dự án ở đó người dân rất đồng tình trước lợi ích dự án mang lại. Ngay tại xã Trường Xuân, ở khu vực đang triển khai xây dựng chùa Kim Phong dưới chân núi Thần Đinh, dự án MAG đã di dời 64 vật liệu nổ.

Thời gian tới Dự án cũng thỏa thuận với lãnh đạo tỉnh ta để mở rộng địa bàn hoạt động. Dự án MAG Quảng Bình đang tiếp tục cuộc hành trình rà phá bom mìn, trả lại sự bình yên cho bao người dân, bao làng quê.

                                                                                Phan Hòa


 

,
.
.
.