Đào tạo nghề cho người lao động - Kỳ 1: Cân đối "bài toán" cung-cầu

Cập nhật lúc 14:31, Thứ Tư, 03/04/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Theo báo cáo sơ kết 3 năm (2010-2012) thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh ta, trong vòng 3 năm, đề án đã tổ chức được 288 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với 8.692 người được hỗ trợ học nghề, trong đó, học nghề nông nghiệp chiếm 61,3% và học nghề phi nông nghiệp chiếm 38,97%. Với mục đích góp phần đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người lao động nói chung, bài viết kỳ vọng sẽ có cách nhìn mới trong công tác đào tạo nghề hiện nay ở tỉnh ta.

Đối với bất kỳ lĩnh vực đào tạo nào, đặc biệt trong đào tạo nghề, việc tìm “lời giải” hợp lý cho “bài toán” cung-cầu luôn là thách thức hàng đầu. Ở tỉnh ta, mối quan hệ giữa cung và cầu trong đào tạo nghề được đặt trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể, do đó, để “giải” được “bài toán” này đòi hỏi không chỉ sự nỗ lực của riêng phía đào tạo, mà còn từ các cấp chính quyền, các doanh nghiệp, đối tác đầu tư và từ chính người lao động.

Doanh nghiệp có nhu cầu, người lao động... ở đâu?

REACH là tổ chức phi lợi nhuận Việt Nam được thành lập dưới sự quản lý của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, hướng nghiệp, đào tạo và giới thiệu việc làm miễn phí cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn. Đến với Quảng Bình, liên kết với Trường trung cấp nghề tỉnh, REACH triển khai Dự án “Hợp tác đào tạo và phát triển nghề theo định hướng thị trường cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Quảng Bình”.

Mục tiêu của Dự án là giải quyết nhu cầu việc làm của thanh niên mồ côi, thanh niên di cư, thanh niên sống trong gia đình ly tán, thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên bị ảnh hưởng bởi HIV, thanh niên đường phố... bằng cách cung cấp các khóa học miễn phí mang tính thực hành cao và theo định hướng thị trường.

Bên cạnh đó, REACH còn nỗ lực trang bị cho học viên những kiến thức, kỹ năng, sự tự tin và lòng tự trọng cần thiết để nắm bắt những cơ hội mới; đồng thời cung cấp cho học viên các cơ hội việc làm vững chắc, cũng như tiếp tục hỗ trợ lâu dài cho sự phát triển tương lai của học viên. Do đó, những ngành nghề mà REACH đào tạo được xem sẽ đáp ứng nhu cầu thị trường nhân lực của tỉnh ta trong tương lai như nghiệp vụ bán hàng-marketing, nghiệp vụ bàn bar...

Nhiều nghề có nhu cầu thị trường cao, nhưng vẫn chưa thu hút đông đảo học viên tham gia đào tạo
Nhiều nghề có nhu cầu thị trường cao, nhưng vẫn chưa thu hút đông đảo học viên tham gia đào tạo.

Bên cạnh những hiệu quả mà mô hình mang lại, vẫn còn đó những băn khoăn trăn trở. Số lượng học viên giảm sút mạnh sau mỗi năm, từ 52 học viên khóa 1 giảm xuống còn 19 học viên khóa 2, và đến khóa 4 chỉ còn 18 học viên. Công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn do ý thức về học nghề, cơ hội việc làm của người dân và một bộ phận thanh niên còn chưa cao. Mặt khác, phía REACH cho rằng vẫn tồn tại tình trạng các học viên không chấp nhận cơ hội việc làm do giáo viên cung cấp do các em còn chưa có trải nghiệm thực tế, không nắm rõ giá trị cơ hội việc làm, gia đình thiếu động viên, quan tâm. Đến năm 2013, Dự án đã ngừng hoạt động.

Dự án của REACH mới chỉ là một ví dụ đơn cử về tình trạng một bộ phận người lao động tỉnh ta vẫn chưa nắm bắt được nhu cầu của thị trường. Ông Đoàn Công Tấn, Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề tỉnh cho biết, trên địa bàn tỉnh, nhiều nghề có nhu cầu cao nhưng vẫn chưa thu hút được người lao động như nghề khai thác vật liệu xây dựng, nghề may dân dụng, nghề dịch vụ... Trên thực tế, những năm trước đây, những nghề này thu hút hàng trăm học viên mỗi năm, nhưng gần đây số lượng học viên có xu hướng giảm mạnh.

Theo ông Đoàn Công Tấn, nguyên nhân xuất phát từ nhiều phía. Đối với người lao động, trước hết, do đồng lương của các nghề này tương đối thấp, nên họ thiếu mặn mà. Thêm nữa, họ cho rằng mình cũng không cần phải qua đào tạo bài bản, chuyên sâu mất thời gian dài mới làm được việc và chỉ cần “nắm tay chỉ việc” hay truyền đạt kinh nghiệm là có thể thành thục nghề. Trong khi đó, bản thân các doanh nghiệp cũng không quan tâm đến chất lượng đội ngũ người lao động và các chế tài nhà nước lại không khắt khe về vấn đề này.

Ông Lê Mạnh Sơn, Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề số 9, khi lý giải nguyên nhân cung không đủ cầu ở một số ngành nghề ở tỉnh ta đã khẳng định nguồn cơn vẫn ở chính tâm lý của người dân và nhiều cán bộ địa phương khi tham gia tuyên truyền việc làm. Hầu hết, họ đều quan niệm học nghề chỉ như một phương án lập nghiệp cuối cùng mà thôi, qua đó mặc nhiên giảm nhẹ vai trò của học nghề trong đời sống. Để có được số lượng gần 1000 học viên trong năm học 2012, nhà trường đã phải rất vất vả “đến từng thôn, vào từng nhà” để tuyên truyền, quảng bá. Trường chủ động về tận các huyện Quảng Trạch, Minh Hóa, Tuyên Hóa mở các lớp tại chỗ để thu hút học viên.

Mặc dù, học viên thuận lợi hơn trong việc học, nhưng nếu so sánh với học tại trường, thì công tác giảng dạy lại khó đạt chất lượng đồng bộ do thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị... Bên cạnh đó, tính kết nối giữa đơn vị đào tạo và các doanh nghiệp-đơn vị cần lao động-vẫn chưa thực sự chặt chẽ và hiệu quả. Sự kết nối này không chỉ dừng lại đôi bên cùng có lợi trước mắt, mà về lâu về dài, vẫn rất cần những tầm nhìn chiến lược về nhân lực trong nhiều năm tới.

Khóa học về nghề tóc chuyên nghiệp do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh liên kết với Công ty LOREAL, tổ chức.
Khóa học về nghề tóc chuyên nghiệp do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh liên kết với Công ty LOREAL, tổ chức.

Do đó, rất cần tạo điều kiện để điều tra khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của tỉnh ta với quy mô lớn hơn. Theo báo cáo sơ kết 3 năm (2010-2012) thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, công tác này gặp rất nhiều khó khăn do cần nhiều thời gian, nguồn kinh phí lớn, cán bộ điều tra có trình độ chuyên môn còn ít, sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể chưa tốt...

Thiếu vốn đầu tư, nghề khó vững

Có một nghịch lý đang diễn ra, đó là trong khi nhu cầu thị trường về một số nghề tăng cao, học viên đã được trang bị đầy đủ kỹ năng sau quá trình đào tạo, nhưng khi ra nghề, họ vẫn không thể có được việc làm như ý muốn. Nguyên nhân chính từ thiếu nguồn vốn.

Từ năm 2012, Trung tâm dạy nghề Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh liên kết với Công ty LOREAL tổ chức Dự án cộng đồng dạy nghề làm tóc miễn phí cho phụ nữ gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, với tên gọi “Làm đẹp để sống, sống để làm đẹp”.

Qua chương trình đào tạo làm tóc chuyên nghiệp, phụ nữ nghèo có cơ hội việc làm với thu nhập ổn định, nuôi sống bản thân và gia đình. Trong khóa 1 (triển khai tháng 7-2012), dự án tuyển 60 học viên. Nhưng qua quá trình đào tạo, do một số học viên có hoàn cảnh khó khăn và một vài lý do khách quan khác, số lượng học viên giảm còn 42. Khóa 2, khai giảng đầu năm 2013, cũng lâm vào tình trạng tương tự khi từ 50 học viên ban đầu xuống còn 46 học viên. Khóa 1 của dự án thành công với 100% học viên khá giỏi được tốt nghiệp, 1 em được hỗ trợ đào tạo nâng cao với các chuyên gia nước ngoài tại TP.Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, vấn đề nan giải đặt ra là sau khi kết thúc dự án, chị em sẽ tiếp tục nghề như thế nào, trong khi hầu hết chị em đều có hoàn cảnh rất khó khăn, thiếu vốn làm nghề. Theo thống kê sơ bộ, mới chỉ có 6 chị em tự mở được tiệm riêng, nhưng mới chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ, chưa thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các chị em còn lại chưa có việc làm hoặc làm thuê tại các tiệm khác. Trong khi đó, dự án sẽ chỉ cấp chứng chỉ nghề sau khi kết thúc khóa học 6 tháng, nhằm đảm bảo học viên vẫn tiếp tục theo nghề, không bỏ phí kiến thức đã học.

Theo ông Nguyễn Khoa Văn, Giám đốc Trung tâm dạy nghề Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, đối với mỗi khóa đào tạo, phía Công ty L’OREAL hỗ trợ kinh phí và vật tư đào tạo, nhưng hiện tại Trung tâm vẫn chưa có chỗ ở nội trú nên chị em ở xa gặp nhiều khó khăn trong ăn ở, đi lại. Nhiều trường hợp Trung tâm đã liên hệ trực tiếp với các quán ăn, nhằm tạo điều kiện để chị em có thể ban ngày theo học, ban đêm phụ thêm rửa bát, dọn dẹp để có chỗ ở trọ qua đêm. Nan giải nhất vẫn là công tác giới thiệu việc làm cho học viên sau khi kết thúc khóa học.

Để mở một tiệm làm đẹp, số vốn bỏ ra ít nhất phải hơn 30 triệu đồng. Do vậy, Trung tâm một mặt tiếp tục kết nối với Công ty L’OREAL để xúc tiến xây dựng một cơ sở làm đẹp tại tỉnh ta, tạo điều kiện cho chị em tiếp tục công việc, mặt khác, tích cực kết hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh để hỗ trợ nguồn vốn cho chị em mở tiệm.

Tìm được công việc việc đáp ứng nhu cầu thị trường và có cơ hội được đào tạo nghề bài bản đã là thành công đối với người lao động. Nhưng phía sau của mỗi văn bằng chứng chỉ còn là một quá trình dài hơi để khởi nghiệp cho tương lai, đặc biệt với những ngành, nghề cần có nguồn kinh phí. Chính vì vậy, người lao động rất cần sự phối hợp, tạo điều kiện giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là sự vào cuộc tích cực của chính những cơ sở đào tạo nghề, trong việc hỗ trợ người lao động sau đào tạo.

                                                                            Mai Nhân


                                       Kỳ 2: Việc làm ở làng nghề và văn hóa nghề








 

,
.
.
.