Đào tạo nghề cho người lao động - Kỳ 2: Việc làm ở làng nghề và văn hóa nghề

Cập nhật lúc 16:31, Thứ Năm, 04/04/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Đến cuối năm 2012, trên địa bàn tỉnh ta có 25 cơ sở dạy nghề, trong đó có 3 trường trung cấp nghề, 6 trung tâm dạy nghề và 16 cơ sở dạy nghề khác. Trừ huyện Quảng Ninh, tất cả các huyện, thành phố còn lại đều có trung tâm dạy nghề. Vậy mà một nghịch lý lại đang diễn ra ở một số làng nghề, trong khi nghề đã có, cơ sở đào tạo nghề đã có, nhưng tình trạng thanh niên thất nghiệp vẫn luôn “nóng”. Mặt khác, trong đào tạo nghề hiện nay, việc bồi dưỡng kiến thức văn hóa nghề vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

>> Kỳ 1: Cân đối "bài toán" cung-cầu

Tìm việc ngay ở... làng nghề!

Làng nghề Mai Hồng (thôn 8, Đồng Trạch, Bố Trạch) có truyền thống về nghề đúc rèn. Nhiều thế hệ thanh niên nơi đây sinh ra, lớn lên và khởi nghiệp với chính nghề do tổ tiên cha ông để lại. Nhưng, với “cơn lốc xoáy” kinh tế thị trường, nghề đúc rèn không còn thời hoàng kim xưa và lớp thanh niên của làng cũng “mở” đường đến những vùng đất mới để tìm kế sinh nhai.

Ông Phan Văn Quyết, chủ một xưởng đúc rèn ở làng nghề Mai Hồng, cho biết nếu một vài năm trước đây thanh niên vẫn còn hứng thú với nghề và xin làm việc tại xưởng rất đông, thì nay ông rất khó để tìm được một thanh niên sẵn sàng làm nghề. Tiền công 150.000 đồng/ngày dành cho nam và 120.000 đồng/ngày dành cho nữ vẫn không đủ hấp dẫn thanh niên ở lại làng. Ông Phan Văn Quyết cho biết từ 8-10 nhân công, xưởng của ông nay chỉ duy trì 3 nhân công mỗi ngày. Ngay cả con trai của ông cũng không muốn theo nghề đúc rèn vất vả này.

Theo ông Trần Duy Chế, Trưởng thôn 8, thanh niên trong làng chủ yếu chỉ muốn đi xa lập nghiệp (như sang Lào, Trung Quốc...). Công việc bên đó dù vất vả, nhọc nhằn hơn nghề của làng, nhưng họ vẫn muốn “dứt áo ra đi”. Chưa có cơ hội đi nước ngoài, những thanh niên ở lại làng vẫn không thực sự mặn mà với nghề quê hương.

Nhiều thanh niên làng nghề truyền thống Mai Hồng loay hoay tìm việc làm, trong khi những lò rèn luôn đỏ lửa.
Nhiều thanh niên làng nghề truyền thống Mai Hồng loay hoay tìm việc làm, trong khi những lò rèn luôn đỏ lửa.

Ông Trần Đại Lương đã đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài 5 năm, sau khi quay trở về quê nhà, ông lại vẫn tiếp tục nghề đúc rèn quen thuộc. Ông tâm sự làm ăn xa vất vả trăm bề, đồng lương cũng không phải cao hơn ở quê, lại xa gia đình, thiếu thốn tình cảm. Dù vậy, người đàn ông này vẫn muốn hai con trai mình là Trần Văn Hoàng (SN 1995) và Trần Văn Hường (SN 1994) đi nước ngoài làm ăn.

Hiện tại, hai con ông đang làm tạm tại xưởng của gia đình, bởi công việc thiếu ổn định. Với nhu cầu thị trường hạn chế, nhân công 1 ngày làm thì tới 2-3 ngày nghỉ. Ông vẫn rất mong muốn có điều kiện đầu tư phát triển thêm xưởng đúc rèn để tạo thêm công ăn việc làm, giúp 2 con được “an cư lạc nghiệp”, tuy nhiên, mọi việc vẫn không phải dễ dàng. Ông Trần Duy Chế, Trưởng thôn 8, nhận định các hộ làm nghề đúc rèn trong làng chủ yếu chỉ làm ăn nhỏ lẻ, “đèn nhà ai, nhà nấy rạng”, chưa có sự liên kết, hợp tác trong kinh doanh. Thêm nữa, trong bối cảnh nhu cầu thị trường ngày càng đề cao chất lượng, mẫu mã, để mở rộng sản xuất phải đòi hỏi nguồn vốn lớn.

Nghề truyền thống ngày càng mai một, thanh niên-“hạt nhân” phát triển nghề-lại đang có xu hướng “bỏ rơi” nghề. Phía phòng Lao động-Thương binh-Xã hội huyện cho biết, làng Mai Hồng không đăng ký nhu cầu đào tạo nghề. Còn ông Trần Duy Chế lại khẳng định các nghề được giới thiệu vẫn chưa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của bà con nơi đây. Riêng với nghề cơ khí, người làng đã có kinh nghiệm, kỹ năng từ trước nên không cần tham gia đào tạo. Đây không chỉ là thực trạng chung ở làng nghề Mai Hồng mà còn ở nhiều địa phương khác, đặt ra cho các cấp chính quyền những nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết trong công tác đào tạo nghề.

Thực tế cho thấy chỉ khi nào thông suốt được cách nghĩ, cách làm từ chính quyền tới cơ sở đào tạo nghề và người lao động làng nghề thì bài toán “thất nghiệp ở chính làng nghề” mới được giải quyết.

Văn hóa nghề, học ở đâu?

Nhiều ý kiến cho rằng văn hóa nghề được biểu hiện trên 3 mặt chính: trình độ chuyên môn, nghề nghiệp cao; hiểu biết sâu sắc về luật pháp và thực hiện đúng đắn các quy chuẩn luật pháp về nghề nghiệp, lao động nghề nghiệp; có ý thức nghề nghiệp tốt, tuân thủ một cách tự giác các giá trị đạo đức nghề nghiệp và các mối quan hệ nghề nghiệp. Trong đó, đối với nhiều ngành nghề, thiếu ý thức kỷ luật lao động là một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất.

Đối với người lao động, tuân thủ đúng kỷ luật lao động chính là biểu hiện rõ nét nhất của văn hóa nghề.
Đối với người lao động, tuân thủ đúng kỷ luật lao động chính là biểu hiện rõ nét nhất của văn hóa nghề.

Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, trong năm 2012, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp toàn tỉnh khai báo có 52 vụ tai nạn lao động, trong đó có 6 vụ tai nạn lao động chết người. Cũng theo tổ chức điều tra tai nạn lao động chết người ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh ta giai đoạn 2006-2011, toàn tỉnh có 1.077 người chết vì tai nạn lao động. Phân tích cho thấy nguyên nhân của các vụ tai nạn lao động về phía người lao động là do vi phạm các quy trình, biện pháp làm việc an toàn về lao động hoặc không sử dụng các trang thiết bị, phương tiện bảo vệ cá nhân.

Về phía người sử dụng lao động, nguyên nhân chính là do không huấn luyện về an toàn lao động cho người lao động; không có quy trình, biện pháp lao động; tổ chức lao động chưa hợp lý; không có thiết bị an toàn hoặc thiết bị không bảo đảm an toàn; không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động.

Bên cạnh đó, việc thiếu kiến thức văn hóa nghề còn đưa đến những ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất, hiệu quả công việc, mối quan hệ giữa đồng nghiệp trong quá trình lao động, nhận thức về nghề nghiệp, niềm đam mê nghề... Mặt khác, kiến thức văn hóa nghề không phải tự nhiên mà có, ngược lại, đòi hỏi người lao động phải có quá trình rèn giũa, bồi dưỡng ngày từ những tháng ngày ngồi trên ghế nhà trường cho đến tận khi dấn thân vào nghề. Tuy nhiên, học kiến thức văn hóa nghề ở đâu cũng là điều nan giải.

Ông Lê Mạnh Sơn, Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề số 9, cho biết theo khung chương trình của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chưa có môn học cụ thể nào về nội dung văn hóa nghề, do đó, các trường gặp nhiều khó khăn trong việc định hình môn học, cũng như sắp xếp thời gian học và bổ trợ kiến thức cho học viên một cách hợp lý, hiệu quả. Hiện nay, Trường trung cấp nghề số 9 đã và đang nỗ lực lồng ghép các nội dung về tác phong làm việc, ý thức nghề, lòng yêu nghề, ứng xử với nghề... vào trong các nội dung giảng dạy cho học viên. Tháng 12-2012, trường cũng vừa có Quyết định số 192 thành lập Khoa Lý luận và Nghiệp vụ công đoàn, nhằm mục đích bồi dưỡng, nâng cao cho học viên những nhận thức liên quan đến Công đoàn, giai cấp công nhân..., cũng như văn hóa nghề.

Trong khi đó, ông Đoàn Công Tấn, Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề tỉnh, nhấn mạnh vai trò của người thầy trong việc bồi dưỡng văn hóa nghề cho học viên. Bên cạnh việc truyền đạt cho người lao động tương lai các kiến thức về nghề, người thầy chính là tấm gương cụ thể và sinh động nhất về văn hóa nghề cho học viên noi theo.

Bồi dưỡng văn hóa nghề được xem là một trong những “bí quyết” thành công trong giai đoạn kinh tế thị trường, cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Do đó, chú trọng nâng cao kiến thức văn hóa nghề song hành cùng rèn luyện kỹ năng làm nghề là việc mà bất cứ người lao động nào nên và luôn thực hiện.

                                                                                  Mai Nhân



 

,
.
.
.