Trở lại những làng chài sau cơn sóng dữ

Cập nhật lúc 16:38, Thứ Ba, 09/04/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Chúng tôi trở lại thôn Cồn Sẻ (xã Quảng Lộc), thôn Tân Định (xã Quảng Minh), huyện Quảng Trạch vào một ngày nắng ấm. Làng quê tang thương trong vụ chìm đò cuối năm 2012, mặc dù nỗi đau chưa thể nguôi ngoai nhưng những ngư dân nơi đây đã ra khơi bám biển với mong ước cho một năm may mắn, bình an.

Gạt nước mắt để nuôi con

Trong ngôi nhà nhỏ làm bằng gỗ theo kiểu nhà sàn để chống lũ lụt, 5 mẹ con chị Nguyễn Thị Cường, ở thôn Cồn Sẻ đang lặng lẽ ngồi đan những tấm lưới. Gạt dòng nước mắt, chị Cường kể, nỗi đau mất chồng cách đây mấy năm chưa thể nguôi ngoai thì lại hứng chịu thêm nỗi đau tột cùng, sự mất mát quá lớn khi chuyến tàu định mệnh đã cướp đi của chị một người con trai và một người con rể.

Đến nay, được sự động viên tinh thần và hỗ trợ về vật chất của bà con láng giềng, các cơ quan đoàn thể, hội đồng mục vụ địa phương, 5 mẹ con chị Cường đã dần dần vượt qua nỗi đau, trở lại cuộc sống ngày thường. Hiện tại, anh Cao Phúc là người con thứ 6 đã ra khơi cùng các bạn nghề. Các con của chị đã biết động viên, giúp đỡ những việc nhà để chị nguôi ngoai nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống. Mắt chị Cường ánh lên hy vọng, dù khó khăn đến đâu, chị  cũng cố gắng để nuôi 2 đứa con út đi học đến nơi đến chốn...

Ngư dân Phạm Hựu đóng mới ngăn đựng lưới  ngay dưới khoang tàu.
Ngư dân Phạm Hựu đóng mới ngăn đựng lưới ngay dưới khoang tàu.

Cho đến bây giờ, chị Nguyễn Thị Đức vẫn chưa hết bàng hoàng về việc 4 người em trai, một người em rể và chồng (anh Mai Bình) mãi mãi ở lại biển khơi, không trở về cùng chị và các con. Vợ chồng chị Đức có 5 người con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Anh Bình là trụ cột trong gia đình. Giờ anh mất đi, chị bơ vơ khi các con còn quá nhỏ và số tiền vay ngân hàng 120 triệu đồng để phát triển sản xuất còn nguyên đó. “Chừ anh Bình mất đi rồi, tui cũng không biết mần răng để có tiền trả nợ ngân hàng, chỉ mong Nhà nước giúp đỡ, khoanh nợ cho gia đình tui”, chị Đức than thở.

Con đò nhỏ đưa chúng tôi đến thôn Tân Định, xã Quảng Minh. Cũng giống như chị Cường, chị Đức ở thôn Cồn Sẻ, chị Mai Thị Mến ở thôn Minh Hà, chị Nguyễn Thị Thiện ở thôn Tân Định, xã Quảng Minh đã khóc khô dòng nước mắt khi chồng, con đã ở lại biển khơi. Chị Mến gạt dòng nước mắt kể: Trước khi ra khơi, anh nói với chị, sau chuyến đi biển lần này về, anh sẽ sửa lại mái ngói để mẹ con yên tâm đón Tết. Thế mà anh đi mãi không về nữa.

Nhìn vườn cà của chị Mến đã lên xanh, ra hoa kết trái, có lẽ, nỗi đau chưa thể nguôi ngoai nhưng chị đã bình tâm trở lại, giấu dòng nước mắt để tiếp tục cuộc sống mưu sinh nuôi các con khôn lớn.

Đoàn kết tiếp tục ra khơi

Chúng tôi đi dọc theo bờ sông, nơi neo đậu tàu thuyền ở thôn Cồn Sẻ, một số tàu thuyền đang sửa chữa, sắm thêm các dụng cụ đánh bắt.  Ông  Nguyễn Cương, Trưởng thôn Cồn Sẻ cho biết: Là làng chài ở giữa bốn bề sông nước, Cồn Sẻ hiện có khoảng 60 chiếc tàu đánh bắt xa bờ có công suất từ 150CV đến 370CV và khoảng 170 chiếc thuyền 20CV. Ngay từ những ngày đầu xuân, được sự động viên của chính quyền địa phương, hội đồng mục vụ, cha xứ, các tổ đoàn kết đánh bắt trên biển đã cùng nhau ra khơi, còn một số ít tàu thuyền thì đang bảo dưỡng, mua sắm thêm ngư lưới cụ.

Các con của chị Nguyễn Thị Cường phụ giúp mẹ may lưới.
Các con của chị Nguyễn Thị Cường phụ giúp mẹ may lưới.

Anh Phạm Hựu (sinh năm 1983), là thuyền trưởng thuyền QB 93037.TS cho biết: Để chuẩn bị cho những chuyến ra khơi, anh đang thiết kế lại ngăn đựng lưới, đựng phao và dây tời ngay dưới khoang tàu. Đây là một sáng kiến mới bảo đảm an toàn cho tàu thuyền mỗi khi ra khơi gặp sóng to gió lớn. Những lần ra khơi trước đây, vàng lưới, dây tời thường hay để trên sàn tàu cho thuận tiện khi bủa lưới và khi thu lưới. Do đó, mỗi khi gió to sóng lớn, có thể thổi nghiêng vàng lưới rất nguy hiểm vì vàng lưới nặng, lại cao nên có thể làm lật thuyền. Tàu của anh Hựu là chiếc đầu tiên làm thử nghiệm ngăn đựng lưới ngay dưới khoang tàu để bảo đảm an toàn... Hiện tại, anh Hựu đang sửa chữa lại con tàu và mua sắm thêm ngư cụ đánh bắt với số tiền hơn 500 triệu đồng.

Điều mà ngư dân Phạm Hựu mong muốn là có nguồn vốn để mua sắm thêm ngư lưới cụ. Vì vậy, anh mong các cấp chính quyền, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ để anh cùng các ngư dân khác được vay vốn đầu tư cho những chuyến ra khơi xa. Bên cạnh đó, tổ đội đoàn kết trên biển ở thôn Cồn Sẻ đang rất cần những máy bộ đàm Icom tầm xa để bảo đảm thông tin liên lạc kịp thời. Hiện tại, với 45 chiếc tàu, có công suất trên 165 CV nhưng mới chỉ có 2 bộ đàm tầm xa, số còn lại liên lạc bằng điện thoại hoặc máy bộ đàm tầm ngắn chỉ cách đất liền từ 40 đến 50 hải lý nên hạn chế việc liên lạc giữa tàu thuyền và người thân nơi đất liền.

Vượt lên những mất mát, đau thương và được sự chung tay chia sẻ của các tổ chức, đoàn thể trong cả nước, đến nay, những gia đình bị mất người thân ở thôn Cồn Sẻ và thôn Tân Định đang dần bình tâm trở lại để lo toan cuộc sống gia đình. Đoàn thuyền đánh cá của hai thôn đã vững tâm ra khơi xa để vừa tiếp tục khai thác những vụ cá bội thu, vừa bảo vệ vùng biển quê hương.

                                                                      Xuân Thi  








 

,
.
.
.