Tăng cường xã hội hóa công tác chăm sóc người cao tuổi

Cập nhật lúc 07:30, Thứ Năm, 11/04/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Theo thống kê, tính đến cuối năm 2012, tỉnh ta có 99.789 người cao tuổi (chiếm tỷ lệ 11,7% dân số), trong đó có 23.590 người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên, 22.875 người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, 938 người cao tuổi còn sống trong nhà tạm và 1.465 người cao tuổi thuộc hộ neo đơn. Đó là những khó khăn lớn mà tỉnh ta cần phải vượt qua nhằm bảo đảm vừa phát huy vai trò của người cao tuổi, vừa nâng cao chất lượng công tác chăm sóc người cao tuổi. Trong bối cảnh đó, việc tăng cường xã hội hóa công tác này được xem là một trong những giải pháp hàng đầu.

Huyện miền núi Minh Hóa có tới 46% hội viên Hội Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo và hộ cận nghèo; 10% hội viên thuộc dạng neo đơn, không nơi nương tựa. Ông Đinh Xuân Hoàng - Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện Minh Hóa cho biết mặc dù các cấp chính quyền đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Hội trong suốt thời gian qua, thế nhưng, khó khăn lớn nhất vẫn nằm ở nguồn Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi của huyện và các xã. Nguồn kinh phí còn quá hạn hẹp, trong khi số lượng người cao tuổi gặp khó khăn lại khá lớn. Mới chỉ có từ 5-6 trong tổng số 16 xã, thị trấn của huyện có duy trì hoạt động của quỹ này.

Đặc biệt, với đặc thù miền núi, huyện có 4 xã biên giới, điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, giao thông đi lại còn phức tạp. Do đó, hoạt động của Hội Người cao tuổi cấp cơ sở còn nhiều hạn chế, chưa phát huy tiềm năng thế mạnh của người cao tuổi.

Theo ông Nguyễn Trường Giòn (Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện Quảng Ninh), một trong những “chướng ngại” lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi của huyện chính nằm ở việc triển khai Quyết định 15/2012/QĐ-UBND về việc quy định thẩm quyền tặng quà và mức quà tặng mừng thọ người cao tuổi trên địa bàn tỉnh của UBND tỉnh. Trên thực tế, toàn huyện mới có 3 xã đủ điều kiện thực hiện theo quyết định này, các xã còn lại vẫn còn nhiều khó khăn về kinh phí trong quá trình triển khai.

Hộ ông Hà Quảng Khuyết (75 tuổi) và bà Nguyễn Thị Lệt (66 tuổi) ở xóm 1 thôn Trường Niên, xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh-là một trong những hộ kinh tế khó khăn của xã.
Hộ ông Hà Quảng Khuyết (75 tuổi) và bà Nguyễn Thị Lệt (66 tuổi) ở xóm 1 thôn Trường Niên, xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh-là một trong những hộ kinh tế khó khăn của xã.

Bà Phí Thị Minh Châu (Phó Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh) khẳng định, trong những năm qua, công tác chăm sóc người cao tuổi tỉnh ta đã có những bước tiến bộ, tuy nhiên, khó khăn vẫn còn ngổn ngang. Việc xây dựng quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi ở các cấp còn nhiều khó khăn do nguồn kinh phí hạn hẹp.

Do đó, rất ít địa phương trong tỉnh triển khai quỹ. Ở quỹ cấp tỉnh, Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh mới chỉ huy động được 300 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa và còn nhiều việc phải làm để đưa quỹ đi vào hoạt động theo đúng Nghị định 148/2007/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ cũng như Quyết định số 10/2008/QĐ-BTC của Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó, Trung tâm chăm sóc người cao tuổi của tỉnh đã hoàn thành từ năm 2011 và bước đầu đi vào hoạt động. Nhưng, trước mắt, Trung tâm mới chỉ đón nhận các cụ ở địa bàn lân cận bởi thiếu thốn về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, trang thiết bị hồi phục chức năng... Công tác thi đua khen thưởng tuy được phát động và triển khai sôi nổi, nhưng không có kinh phí khen thưởng, do đó, ít nhiều ảnh hưởng đến phong trào thi đua cấp cơ sở.

Trước thực trạng đó, chính quyền các cấp cần chú trọng đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc người cao tuổi bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả. Sắp tới, Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh sẽ thúc đẩy việc xây dựng đề án về tổ chức, hoạt động của Trung tâm chăm sóc người cao tuổi của tỉnh để trình UBND tỉnh, đồng thời kêu gọi các nguồn hỗ trợ nhằm từng bước nâng cấp chất lượng hoạt động.

Trong năm nay, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cũng triển khai mô hình “Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng”, qua đó, phát huy sức mạnh tổng hợp, thực hiện xã hội hóa công tác chăm sóc người cao tuổi trên địa bàn. Đây là hoạt động rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của người cao tuổi, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay tỉnh ta vẫn chưa có cơ sở chăm sóc người cao tuổi tập trung nào.

                                                                                 Mai Nhân

 

,
.
.
.