Chuyện người đẽo cày...

Cập nhật lúc 14:53, Thứ Hai, 08/04/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Có lẽ nhiều người cho rằng đẽo cày là nghề xưa cũ, nay khi mà cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp đã lan rộng thì nghề này đâu còn nữa. Thế nhưng ở một miền quê có một người thợ nguyên là cán bộ xã lại sống được nhờ nghề... đẽo cày. Mới hay, sự cần cù, sáng tạo sẽ giúp người lao động tìm được việc làm và cao hơn có được nghề làm ăn bền vững...

Nghe tiếng đã lâu nhưng mãi đến một ngày đầu tháng tư chúng tôi mới có dịp tìm về nhà anh Nguyễn Công Đỉnh, người đẽo cày ở xứ... đá mọc - xã Hoa Thuỷ. Vùng đất này đã mấy lần chúng tôi đặt chân đến bởi những điều khá đặc sắc trong sản xuất nông nghiệp. Lần này cũng là chuyện liên quan đến sản xuất nông nghiệp...

Từ đầu xã hỏi anh Đỉnh đẽo cày (ở đây gọi là đóng cày như đóng tủ, đóng bàn vậy, và từ đây gọi là đóng cày, thay cho đẽo cày) là ai cũng biết và tranh nhau chỉ đường. Hoa Thuỷ có lắm thôn, xóm trải rộng trên địa bàn bán sơn địa nhưng cũng may thôn Lăng Chùa, nơi "phát tích" nghề đóng cày của anh Đỉnh là địa bàn xã Hoa Thuỷ đóng trụ sở, bởi vậy tìm đến nhà anh không quá khó. Ngoài nhà ở và làm nghề, anh Đỉnh còn có một cái quán nhỏ để tiếp khách đến đóng cày. Anh Đỉnh cho biết, nghề đóng cày với anh đã từ lâu, những năm 90 của thế kỷ trước, khi còn là xã viên ở đội nghề của HTX Xuân Nam.

Nhưng thời gian làm cán bộ xã tiếp đó (Phó chủ tịch UBND, HĐND xã, từ 1993-2004) vì quá bận rộn công việc chung nên bị gián đoạn. Sau năm 2004 trở lại làm "dân" (nhưng cũng đảm nhận cán bộ thôn, chủ nhiệm HTX dùng nước thôn Xuân Hoà) anh mới bắt tay vào đóng cày. Vì sao anh lại chọn nghề này? Anh cười, thì nó cũng giống như những công việc khác, trước đây đóng cho mình dùng sau đó nhiều người thấy cày hay, nhờ tôi đóng, khi đã đóng nhiều thành nghề luôn.

Ở xã Hoa Thuỷ và cả mấy xã lân cận có nhiều người đóng cày, nhưng như anh Nguyễn Tiến Lễ, Bí thư Đảng uỷ xã Hoa Thuỷ nói, anh Đỉnh có tiếng hơn cả, ai cũng tìm về đóng ở đây. Nhìn cái cày anh Đỉnh đưa ra cho chúng tôi quan sát, thấy nó còn đơn giản hơn cả cái cày mà tôi biết khi bố tôi còn đi cày, tôi đành hỏi một câu rất... máy móc: Bí quyết của nghề đóng cày là gì để thu hút khách vốn không dễ tính là nông dân? Tưởng anh bí, té ra tôi lại được anh giảng giải khá kỹ.

Anh Đỉnh và vật liệu làm cày.
Anh Đỉnh và vật liệu làm cày.

Anh nói: Cái cày, lại là cày thủ công, nó cũng hết sức đơn giản, nhưng phải chú ý mấy điều, thứ nhất là chắc chắn để có thời hạn sử dụng lâu (phải được 2-3 năm), thứ hai, đây là điều quan trọng, cày bám đất nhưng lật đất nhanh, thoát, không nặng cho trâu (bò) kéo và thứ ba là tầm cày phù hợp với người cầm cày... Để bảo đảm chắc, bền, chịu mưa nắng thứ gỗ sử dụng để đóng cày anh Đỉnh dùng chủ yếu là gỗ táu, gỗ khô càng tốt, nếu tươi phải phơi khô rút kiệt nước để không bị co, rút mới đóng. Gỗ táu thì tôi biết, nó là thứ cứng mà dẽo dai, chịu được mưa nắng, không cong vênh...Gỗ làm cày không quá lớn nên nó được tận dụng cành ngọn, những thứ mà các nghề khác bỏ đi.

Nghe nói, trước đây anh đã thầu cả mấy xe gốc, rễ để tận dụng đóng cày? Anh cười:  có, có, làm được nhiều lắm, lãi kha khá vì gốc rễ giá rẻ, nhiều khi họ vứt đi mình tận dụng nhưng đã hết lâu rồi, bây giờ phải đi kiếm từng mẩu một, mà phải mua nên giá mỗi cái cày cũng cao hơn... Có một chi tiết quan trọng trên cái cày là lưỡi cày, anh Đỉnh cho biết lưỡi cày có mẫu mã gần như cố định rồi, bán đầy ngoài chợ, chỉ việc mua về ráp vào là xong. Giá cày tôi đã biết khi mới bước vào nhà anh. Tưởng tôi đến đặt cày nên chị vợ đã thông báo ngay giá cả, thời gian đặt... Với mỗi chiếc cày là 350 ngàn đồng, mỗi ngày, nói như chị vợ, siêng đóng hơn 2 cái mà nhác thì cũng phải được một cái, họ đặt rồi phải đóng... Việc đặt đóng cày thời điện thoại di động cũng rất đơn giản.

Khi có người đến đặt đóng cày, nhìn dáng người, anh Đỉnh ghi vào sổ ngày trả hàng, số điện thoại... Khi đóng xong chỉ việc "phôn" cho khách hàng đến lấy. Tính cả năm anh Đỉnh cho biết, cũng được trên dưới 500 cái cày xuất xưởng... Trong cuốn sổ ghi dày đặc người đóng cày kèm số điện thoại, anh ở Vạn Ninh, anh ở Xuân Ninh, người là Ngân Thuỷ... Trong những số điện thoại ấy, tôi gọi hú hoạ một số, đầu dây bên kia trả lời câu hỏi vì sao anh mua cày ông Đỉnh, là giá vừa phải, cày chắc và nhẹ đường cày...

Anh Đỉnh cho biết: Có đến 7 xã có người đóng cày ở nhà tôi, thậm chí người ở Đồng Hới cũng lên đặt tôi đóng. Có sống được với nghề này? Trả lời câu hỏi của tôi, anh chỉ nói tạm được. Còn chị vợ nói giá hơn rẻ nên chỉ lấy công làm lãi... Nhưng theo nhẩm tính của chúng tôi có lẽ mỗi năm 500 cái cày, giá 350 ngàn đồng/ cái sẽ cho "doanh thu" gần 175 triệu đồng. Trừ chi phí khoảng một nửa, thì anh cũng đã có lãi hơn 80 triệu đồng. Một con số không nhỏ so với lao động ở nông thôn.

Khi nói về sự tồn tại của nghề đóng cày, anh Lễ cho biết: Xu thế cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp thì đã rõ, nhưng ngặt một nỗi ở một số địa phương mà điển hình là xã tôi với hơn 1.000 ha đất canh tác, diện tích đất lầy thụt là rất lớn, máy nhỏ còn không sử dụng được huống hồ máy lớn, nên phải dùng cày tay để làm đất. Mặt khác vùng bán sơn địa, đất canh tác thường là những mảnh nhỏ lẻ, manh mún chỉ sử dụng cày tay mới tiện.

Vì vậy có lẽ nghề đóng cày còn dài dài... Còn với anh Đỉnh, con anh cũng có đứa theo nghiệp anh, tiếp tục đóng cày. Anh khuyên nó làm gì cũng lấy chữ tín làm trọng, nghĩa là sản phẩm chắc, bền, tiện dụng... Đấy cũng chính là điều đã giúp anh tìm được nghề khá đặc biệt mà bền vững nơi vùng quê thuần nông này!

                                                                               Văn Hoàng



 

,
.
.
.