Chuyện quản lý:­

Khổ vì... phát triển?

Cập nhật lúc 08:53, Thứ Năm, 01/11/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Ngày 12-1-2009, UBND tỉnh đã ra quyết định số 02/2009/QĐ-UBND quy định thẩm quyền công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh, trong đó tại khoản 1b, điều 1, quy định: "Việc chứng nhận các hợp đồng, giao dịch của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện nơi chưa có tổ chức hành nghề công chứng thì hộ gia đình, cá nhân được lựa chọn công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn khác hoặc chứng thực tại Ủy ban nhân dân xã, thị trấn theo quy định của pháp luật". Từ đó đến nay, các xã, thị trấn của huyện Quảng Trạch đã thực hiện hoạt động chứng thực theo quy định của pháp luật, tạo thuận lợi cho người dân.

Tuy nhiên từ ngày 25-6-2012, UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 11/2012/QĐ-UBND, trong đó sửa đổi, bổ sung khoản 1, điều 1 của quyết định 02/2009/QĐ-UBND về thẩm quyền công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể: "Đối với địa bàn các huyện, thành phố đã có tổ chức hành nghề công chứng (Phòng công chứng, Văn phòng công chứng) đang hoạt động, thì việc chứng nhận các hợp đồng, giao dịch trên địa bàn các huyện, thành phố đó thuộc thẩm quyền chứng nhận của các tổ chức hành nghề công chứng". Ngày 26-6-2012, tại thị trấn Ba Đồn, Văn phòng công chứng tư nhân N.T được khai trương. Và theo khoản 1, điều 1 của quyết định số 11/2002/QĐ-UBND, UBND cấp xã, thị trấn không còn thẩm quyền chứng thực các hợp đồng, giao dịch của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện, theo quy định.

Thế là thay vì chỉ cần đến giao dịch tại UBND xã, giờ đây, người dân phải đến tận trung tâm huyện. Đặc biệt là những địa bàn vùng sâu vùng xa đã gặp nhiều khó khăn về thời gian, tiền bạc và công sức. Người dân xã Cảnh Dương còn phản ánh, với đặc thù nghề nghiệp, ngư dân chỉ tranh thủ nghỉ biển mỗi tháng dăm ngày. Việc phải tiến hành giao dịch tại trung tâm huyện đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

Bên cạnh đó, theo ý kiến của nhiều người, việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn, nếu được tiến hành ở địa phương sẽ có độ chính xác cao hơn khi các hợp đồng, giao dịch này gắn với con người và tài sản do địa phương quản lý. Đây là một ý kiến cần lưu ý, bởi lĩnh vực đất đai vẫn còn tình trạng sai lệch trên giấy tờ so với thực tế. Vấn đề này cũng đã được các cử tri đề cập tại các buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp lần thứ 4, Quốc hội khóa XIII vừa qua...

Việc các phòng công chứng, văn phòng công chứng ra đời là phù hợp với xu hướng phát triển trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, khi hệ thống phòng công chứng, văn phòng công chứng chỉ mới phát triển tại trung tâm huyện lỵ, nên chăng cần duy trì song hành thẩm quyền chứng thực của UBND các xã, thị trấn, đặc biệt là đối với các địa bàn khó khăn, nhằm tạo thuận lợi cho người dân. Đây cũng là một cách thức tạo sự cạnh tranh lành mạnh đối với các tổ chức công chứng, để ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Làm được điều đó, có lẽ người dân huyện Quảng Trạch nói riêng và cả tỉnh nói chung, sẽ không phải than khổ vì... phát triển. 

                                                                                       P. V
 

,
.
.
.