Anh "Tàu" và phận biển

Cập nhật lúc 06:41, Thứ Tư, 31/10/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong hành trang của số phận, cuộc đời ông luôn gắn bó với biển khơi, và ngay cả khi đôi mắt không còn sáng ông vẫn tiếp tục hỗ trợ con cháu bằng nghề đan lưới... Ông tên là Lại Quốc Anh, nhưng bà con ở thôn Hà Thôn, xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới) vẫn thường gọi rất dân dã và trìu mến: Anh "Tàu".

Năm nay ông Lại Quốc Anh đã gần tuổi 60, thì cũng gần chừng ấy năm cuộc sống của ông luôn gắn với tàu thuyền và với biển quê hương. Năm 1972, khi mới 18 tuổi theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, chàng thanh niên Lại Quốc Anh ở làng Hà Thôn, xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới) hăng hái lên đường nhập ngũ. Vốn quen với sóng gió nơi làng biển lại có sức khỏe, ông được cấp trên cử đi học khóa hàng hải ở đảo Vạn Hoa (Quảng Ninh) rồi biên  chế vào tiểu đoàn 136 thuộc lực lượng hải quân.

Thế là từ đây cuộc đời của Lại Quốc Anh bước sang một chặng đường mới nhưng cũng đầy thử thách cam go. Suốt thời gian ở quân ngũ, ông cùng đồng đội đã tham gia rất nhiều trận đánh, nhưng trong ký ức ông luôn nhớ đến thời khắc ác liệt ở chiến trường Quảng Trị, rồi niềm vui vỡ òa khi quần đảo Trường Sa, đảo Phú Quốc được giải phóng, non sông thu về một mối.

Ông Lại Quốc Anh đan lưới.
Ông Lại Quốc Anh đan lưới.

Ông kể, 6 năm trong lực lượng hải quân ở nơi đầu sóng ngọn gió, duy chỉ có một lần ông bị thương nặng và đến nay mảnh đạn vẫn còn sót lại trên ngực. Đó là dấu tích trong một trận hải chiến xảy ra vào tháng 2 năm 1974, khi tàu của ông đang làm nhiệm vụ bảo vệ cho 2 chiếc tàu chở tên lửa của ta từ sông Gianh vào vùng biển Đà Nẵng thì gặp địch. Gắn bó với hải quân thêm 4 năm nữa, đến năm 1978 ông Lại Quốc Anh phục viên trở về với làng cát Bảo Ninh-nơi đó có người vợ tảo tần đang trông ngóng ông hàng ngày.

Về với đời thường, gia đình ông cũng khó khăn giống như bao hoàn cảnh khác trong thời kỳ hàn gắn chiến tranh, xây dựng đất nước. Lúc đầu chưa có vốn làm ăn ông phải làm bạn thuyền đi đánh cá để lo toan cuộc sống gia đình. Sau đó, ông tiếp tục tham gia tổ hợp tác đánh cá ở địa phương, đến năm 1984, đôi mắt ông Lại Quốc Anh bắt đầu có dấu hiệu đau nhức rồi thị lực kém dần.

Nhưng bệnh tật cũng không thể buộc ông bỏ nghề biển vì phía sau là cả một gia đình với bao nỗi lo cơm áo, nên hàng ngày người vợ thủy chung lại dắt ông lên thuyền để cùng với những bạn chài thân thiết tiếp tục vươn khơi. Lần hồi ông Lại Quốc Anh cũng tích góp được vốn liếng để sắm tàu riêng, đó là thời điểm năm 2001.

Có tàu, đó là mơ ước bao năm của ông mới thành hiện thực, cũng là khối tài sản khổng lồ mà cuộc sống của cả gia đình phải phụ thuộc vào đó. Vậy là hàng ngày ông đều phải cắn răng giấu đi những cơn đau đang dần lấy đi thị lực để hành nghề mưu sinh. Có lẽ với nghị lực vượt khó đó mà người dân ở Hà Thôn nói riêng và xã Bảo Ninh nói chung vẫn thường gọi ông rất dân dã và trìu mến: Anh “Tàu”. 

Đến năm 2011, khi con cái đã trưởng thành, đồng thời đôi mắt cũng đã  kém hẳn, ông Lại Quốc Anh mới nghỉ nghề biển. Ở nhà cũng buồn, ông học nghề đan lưới để hỗ trợ cho con và cũng là một cách để kiếm thêm thu nhập. Ông Lại Quốc Anh tâm sự, ban đầu do không rành nên lưới đan không đạt yêu cầu, vì nghề biển đòi hỏi lưới phải đạt tiêu chuẩn về kích cỡ thì con cá mới dính. Người mắt sáng đan lưới đã khó huống hồ người khiếm thị như mình.

Vạn sự khởi đầu nan, tâm niệm như vậy nên ông Anh không ngã lòng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và với độ tinh nhạy cảm giác của bàn tay, kèm theo các dụng cụ như kim, nay, quạng, móc nhôm... đến nay mỗi ngày ông có thể hoàn thành một tấm lưới có 280 mắt dùng để đánh bắt mực.

Mỗi tấm lưới như vậy sau khi đã trừ chi phí, ông Anh thu lãi 70.000 đồng, và mỗi chuyến đi biển những người con đều đặt hàng từ 5-10 sản phẩm của cha mình. Không chỉ đan lưới, ông Lại Quốc Anh còn vô được chì nơi mắt lưới, công đoạn phức tạp nhất của dụng cụ đánh bắt hải sản này. Ông Nguyễn Thái Hùng, Chủ tịch Hội Người mù thành phố Đồng Hới cho biết, ông Lại Quốc Anh, hiện là ủy viên Ban chấp hành Hội Người mù thành phố Đồng Hới, một tấm gương vượt khó xứng đáng để những người khuyết tật học tập và noi theo trong hành trình hòa nhập cộng đồng.

Chúng tôi đến nhà ông, khi những con tàu nơi làng cát Bảo Ninh đã rẽ sóng ra khơi, hình ảnh người lính già khiếm thị đang đan từng tấm lưới thật phi thường nhưng cũng rất bình dị như bao ngư dân đang ngày đêm bám biển quê hương.

                                                                                   Minh Văn











 

,
.
.
.