Bao giờ giao thông ở Đồng Hới được trả lại nguyên trạng?

Cập nhật lúc 11:53, Thứ Hai, 29/10/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Do xây dựng công trình kiểm soát ngập úng, thoát nước mưa và thu gom nước thải, thuộc dự án VSMT Đồng Hới, có thể nói, chưa bao giờ hệ thống đường giao thông ở thành phố lại ngổn ngang như hiện nay. Tình trạng đào xới kéo dài để thi công các tuyến cống đã gây ảnh hưởng không nhỏ đối với trật tự an toàn giao thông, môi trường cảnh quan trên địa bàn và điều kiện đi lại, sinh hoạt của nhân dân. Vậy, bao giờ những con đường bị đào xới lên để thi công công trình được trở về nguyên trạng? Phóng viên Báo Quảng Bình đã đặt câu hỏi này với ông Phạm Đức Thái, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển đô thị Quảng Bình, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án.

- PV: Trước hết, xin ông cho biết khái quát về tình hình thi công các tuyến cống thoát nước mưa và thu gom nước thải thuộc dự án?

- Ông Phạm Đức Thái: Các tuyến cống thoát nước mưa và thu gom nước thải thuộc hợp phần 1 của dự án, tên gọi đầy đủ là hợp phần kiểm soát ngập úng, thoát nước mưa và thu gom nước thải. Trong giai đoạn 1 của dự án, triển khai vào tháng 11- 2007, chúng tôi đã thi công các tuyến cống thoát nước mưa ở phường Đồng Mỹ, Hải Đình và một số tuyến ở phường Đồng Phú, Nam Lý, Bắc Lý; nạo vét và xây kè mương phóng thủy, sông cầu Rào, hồ Nam Lý, hoàn thành vào tháng 10- 2010.

Các tuyến cống thoát nước mưa và thu gom nước thải đang thi công hiện nay thuộc giai đoạn 2 của dự án, cũng nằm trong hợp phần 1, bắt đầu triển khai từ tháng 3- 2011.

- PV: Tiến độ thi công các công trình như thế nào và việc thi công đồng loạt cùng một lúc trên nhiều tuyến đường liệu có phù hợp?

- Ông Phạm Đức Thái: Trong giai đoạn 2 của dự án, hợp phần kiểm soát ngập úng, thoát nước mưa và thu gom nước thải được chia làm 9 gói thầu, trong đó có 1 gói xây dựng kè và 8 gói còn lại đều thi công các tuyến cống, do nhiều nhà thầu thực hiện.

Vì vậy, trong quá trình triển khai thi công, tối thiểu bao giờ cũng phải có 8 điểm thi công cùng một lúc. Khi nhìn vào thì thấy tuyến đường nào cũng xuất hiện rào chắn, bị đào bới để thi công, nhưng điều này là không thể tránh khỏi, bởi nếu không làm vậy thì sẽ không bảo đảm yêu cầu của dự án.

Về tiến độ, theo đánh giá của chúng tôi, các gói thầu đều bảo đảm khối lượng và được thực hiện khá tốt.

- PV: Thời gian qua, việc thi công các tuyến cống đã xảy ra tình trạng lún, sụt, hư hỏng mặt đường. Phải chăng phương án thi công và kỹ thuật thi công có vấn đề?

- Ông Phạm Đức Thái: Vấn đề này chúng tôi cũng hết sức “đau đầu”, nhưng đây không phải là phương án thi công sai hoặc năng lực thi công của nhà thầu kém. Khi xảy ra sự cố này, chúng tôi cùng các cơ quan chức năng, đơn vị thi công, tư vấn đã tiến hành kiểm tra hiện trường, đối chiếu với hồ sơ thiết kế để xác định rõ nguyên nhân. Nguyên nhân chính là nền mặt đường trước đây yếu, đất bão hòa nước, nên trong quá trình đào sâu xuống, bơm nước để thi công thì xảy ra lún, sụt.

- PV: Thưa ông, đường Hữu Nghị đã đưa vào sử dụng trên 10 năm nay, ngay cả trong lũ lụt nước ngập cao vẫn không xảy ra hư hỏng, sụt, lún, tại sao lại có thể khẳng định mặt đường yếu?

- Ông Phạm Đức Thái: Đây là đường cũ đã sử dụng ổn định trong thời gian dài, nhưng như tôi đã đề cập ở trên, đó là ở trong điều kiện đất bão hòa nước, còn nếu đào sâu bơm nước để thi công thì sẽ xảy ra lún, sụt. Thành phố Đồng Hới nằm sát biển, cốt nước trong đất rất cao.

- PV: Nếu xác định cốt nước cao và nền đường yếu tại sao không chọn phương án và kỹ thuật thi công phù hợp hơn để tránh xảy ra tình trạng lún, sụt. Phải chăng khâu thăm dò địa chất và xây dựng hồ sơ thiết kế đã không được làm kỹ?

- Ông Phạm Đức Thái: Việc thăm dò địa chất đã được làm rất kỹ, khoảng cách các mũi khoan thăm dò đúng với quy định. Tuy nhiên, tình trạng cốt nước cao và nền đường yếu xảy ra cục bộ, từng điểm chứ không phải toàn tuyến nên rất khó xác định. Còn phương án và kỹ thuật thi công đóng cừ lasen là phù hợp, các công trình cầu, kè hiện nay đều làm thế cả.

- PV: Việc thi công các công trình này diễn ra trong thời gian dài đã gây ảnh hưởng không ít đến trật tự an toàn giao thông và môi trường cảnh quan. Điều này có được chủ đầu tư tính đến?

- Ông Phạm Đức Thái: Việc bảo đảm an toàn giao thông và môi trường trong quá trình thi công là một yêu cầu rất quan trọng của dự án. Để bảo đảm an toàn giao thông, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh và thành phố thường xuyên quan tâm chỉ đạo, chúng tôi cũng tuân thủ nghiêm việc lập rào chắn, hướng dẫn giao thông, cắm biển báo...nên không xảy ra mất an toàn giao thông.

Theo phương án thi công, trước đây chúng tôi xin cấp phép một lần để thi công trên suốt tuyến, nhưng nay không làm như thế nữa mà phải theo hình thức cuốn chiếu, xin phép làm từng đoạn, làm xong đoạn này mới xin cấp phép làm đoạn tiếp theo. Thi công như vậy cũng nhằm mục đích hạn chế việc ảnh hưởng đến ATGT và môi trường, tuy vậy, ít nhiều vẫn ảnh hưởng, đây là điều không tránh khỏi.

- PV: Ông có thể cho biết, bao giờ thì kết thúc việc thi công các tuyến cống và bao giờ các tuyến đường ở Đồng Hới được trả lại nguyên trạng?

- Ông Phạm Đức Thái: Theo hợp đồng đã ký với các nhà thầu, đến 15-1-2014 chúng tôi sẽ hoàn tất thi công các tuyến cống thoát nước mưa và thu gom nước thải. Về trả lại mặt đường, theo phương án thi công cuốn chiếu như đã nói ở trên, thi công xong đoạn nào thì sẽ tiến hành lu lèn hoàn thành việc trả lại mặt đường ở đoạn đó để đáp ứng yêu cầu đi lại của người dân và cảnh quan đô thị.

Còn lớp rải nhựa trên mặt thì phải đợi lúc nào đạt được một khối lượng nhất định thì mới tiến hành được, khối lượng ít quá phía nhà thầu họ không làm được, vì không có cơ sở cung cấp loại nhựa trộn này. Nhưng có thể khẳng định là việc hoàn trả lại nguyên trạng mặt đường cũng sẽ được thực hiện ngay sau khi chấm dứt thi công các tuyến cống.

- PV: Xin hỏi thêm ông, việc trả lại mặt đường và rải nhựa sẽ được thực hiện hết toàn bộ mặt đường hay chỉ trong phạm vi đã đào để lắp đặt các tuyến cống?

- Ông Phạm Đức Thái: Do nguồn vốn của dự án hạn chế nên việc hoàn trả mặt đường ngoài phạm vi thi công, chỉ có một số ít tuyến được rải nhựa toàn bộ, số còn lại chỉ trả lại mặt đường ở phần bị đào thuộc phạm vi thi công.

- PV: Như vậy thì tình trạng chắp vá, loang lỗ trên nhiều tuyến gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị là điều không tránh khỏi?

- Ông Phạm Đức Thái: Đúng vậy, không thể tránh khỏi.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

                                                                           A.T (thực hiện)





 

,
.
.
.