Báo động thực trạng dùng hóa chất để sản xuất giá đỗ

Cập nhật lúc 08:50, Thứ Hai, 29/10/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Theo chân đoàn kiểm tra của Sở Nông nghiệp và PTNT, chúng tôi đã chứng kiến một thực trạng đang diễn ra khá phổ biến ở khắp các huyện, thành phố, đó là nhiều cơ sở đã và đang “vô tư” sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc để làm giá đỗ và bán ra thị trường.

Giá đỗ được đưa đi tiêu hủy vì phát hiện có sử dụng hóa chất ở huyện Bố Trạch.
Giá đỗ được đưa đi tiêu hủy vì phát hiện có sử dụng hóa chất ở huyện Bố Trạch.

Giá đỗ "hóa chất" len lỏi khắp các vùng quê

Trong thời gian gần đây, ở một số tỉnh, thành trên toàn quốc đã phát hiện tình trạng sử dụng hóa chất để sản xuất giá. Chính vì vậy, để tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng giá đỗ, rau mầm bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tiến hành thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất giá có quy mô tương đối trên địa bàn 5 huyện, thành phố gồm: Quảng Ninh, Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Trạch và Đồng Hới.

Vào kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất giá đỗ của bà Phạm Thị Nhung ở thôn 3, xã Trung Trạch (Bố Trạch), đoàn đã phát hiện 37 ống hóa chất còn nguyên và hàng trăm ống hóa chất đã sử dụng đang được cất giấu trên kệ, cùng với 3 thùng giá có sử dụng hóa chất đang lên mầm chuẩn bị đem ra thị trường tiêu thụ.

Cơ sở của bà Nhung mỗi ngày bán ra thị trường khoảng 3 thùng giá (tương đương 50 kg giá). Bà Nhung cho biết, khi mua đậu xanh từ thành phố Vinh (Nghệ An) về, bà được đầu mối cung cấp luôn hóa chất để giúp những cọng giá ăn (làm từ đậu xanh) không rễ, mập mạp, trắng đẹp bắt mắt. Bản thân bà Nhung cũng không biết đó là chất gì, chỉ biết công dụng qua thực tế và có lợi nhuận.

Cách đó không xa, tại cơ sở của bà Đỗ Thị Phụng, cũng là nơi cung cấp giá thường xuyên cho các chợ trong vùng, đoàn đã phát hiện 14 gói nguyên (280 ống) hóa chất không rõ nguồn gốc và 3 thùng giá tẩm hóa chất. Bà Phụng cho hay, trước đây bà làm nghề này theo phương pháp truyền thống, tuy nhiên khó bán vì hình thức không đẹp lắm. Để người tiêu dùng chọn mua hàng của mình thì giá phải đẹp, nhất là không có rễ, nên khi có người giới thiệu và kinh qua thực tế làm giá bằng hóa chất nên trong suốt thời gian qua, bà sử dụng thường xuyên.

Cơ sở của bà Hoàng Thị Nguồn, ở tiểu khu 6, thị trấn Kiến Giang (Lệ Thủy) là một cơ sở có quy mô ở thị trấn và cung cấp nguồn thường xuyên cho chợ Tréo. Tuy nhiên, khi kiểm tra đoàn cũng đã phát hiện 6 ống hóa chất rời ngay tại cơ sở và 1 thùng giá đỗ sử dụng hóa chất đang lên mầm.

Tại thành phố Đồng Hới, đoàn kiểm tra cũng đã phát hiện 3 cơ sở của chị Trần Thị Uẩn (ở tổ 3, tiểu khu 9, phường Nam Lý) và ông Hoàng Văn Quyên (ở Diêm Nam, phường Đức Ninh Đông), bà Nguyễn Thị Tuyết (ở xã Bảo Ninh) có sử dụng hóa chất để sản xuất giá. Trong khi đó, các cơ sở này thường bỏ giá tiêu thụ ở chợ đầu mối trong thành phố và trường học.

Theo một số người đang làm nghề giá đỗ trong tỉnh, những năm trở lại đây, các cơ sở làm giá chỉ dùng loại đậu của Trung Quốc vì nó dễ làm và hóa chất dùng để ngâm giá và pha nước tưới giá cũng là của Trung Quốc.

Qua kiểm tra thực tế, nhiều chủ cơ sở này thừa nhận, đa số các cơ sở sản xuất giá với quy trình giống nhau, đều dùng loại thuốc trên để ủ giá đỗ, sẽ cho ra loại giá ít rễ, cây giá thân mập, trắng và dễ bán hơn. Trung bình, mỗi ống thuốc (2ml) được sử dụng cho 4 đến 5 thùng giá (trung bình 4-5 lon đậu xanh/thùng) và ngâm từ 4- 5 giờ đồng hồ cho dung dịch thẩm thấu vào đậu thì cho vào thùng. Đến khi giá lên mầm được từ 4- 5 ngày thì đem bán.

Thực tế đáng báo động

Ông Lê Kim Hoàng, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Trưởng

Hàng trăm ống hóa chất đã được sử dụng trong sản xuất giá được phát hiện tại cơ sở của bà Phạm Thị Nhung ở xã Trung Trạch (Bố Trạch).
Hàng trăm ống hóa chất đã được sử dụng trong sản xuất giá được phát hiện tại cơ sở của bà Phạm Thị Nhung ở xã Trung Trạch (Bố Trạch).

đoàn kiểm tra cho biết, qua đợt kiểm tra ở các địa phương với 18 cơ sở có quy mô, đoàn đã phát hiện 10 cơ sở có sử dụng hóa chất gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm để ủ giá đỗ.

Cụ thể, huyện Bố Trạch 3 cơ sở, Quảng Trạch 1 cơ sở, Quảng Ninh 1 cơ sở, Lệ Thủy 2 cơ sở và thành phố Đồng Hới 3 cơ sở. Đoàn đã thu giữ 557 ống hóa chất không rõ nguồn gốc chưa sử dụng và tiêu hủy 28 thùng giá đỗ đang lên mầm. Riêng huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa, theo khảo sát thì lượng giá đỗ tiêu thụ hàng ngày của 2 địa phương chủ yếu là do các cơ sở làm giá ở huyện Quảng Trạch (xã Cảnh Hóa) cung cấp nên đoàn không kiểm tra thực tế.

Theo ông Hoàng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 100 cơ sở lớn, nhỏ sản xuất, kinh doanh giá đỗ, vì vậy trong thực tế số lượng các cơ sở vi phạm có thể còn nhiều hơn. Bên cạnh đó, một số cơ sở tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng không phát hiện và thu giữ được loại hóa chất nói trên ngay hiện trường, tuy nhiên, quan sát bằng mắt thường vẫn thấy được giá đỗ tại các cơ sở này sản xuất  không khác gì với giá có sử dụng hóa chất để ngâm ủ (đặc điểm dễ nhận biết: ít rễ, mập và trắng).

Mặt khác, công tác kiểm tra an toàn thực phẩm chủ yếu dựa trên cơ sở hợp tác và tự nguyên nên việc đấu tranh và phát hiện các cơ sở sử dụng hóa chất để làm giá cũng tùy theo nhận thức và ý thức chấp hành của các hộ gia đình. Đáng kể, có nhiều cơ sở làm giá đỗ khi đoàn vào kiểm tra, một mực khẳng định không sử dụng hóa chất và không biết hóa chất làm giá là gì, nhưng khi đoàn kiểm tra quan sát kỹ và tìm kiếm xung quanh nhà đang sinh sống thì phát hiện có hàng chục ống hóa chất đã qua sử dụng được vứt bừa bãi hoặc vùi ngay trong sân vườn của gia đình như cơ sở của gia đình bà Nguyễn Thị Hoàn, ở thôn Tây, xã Hiền Ninh (Quảng Ninh), bà Hoàng Thị Loan, ở tiểu khu 1, thị trấn Hoàn Lão (Bố Trạch).

Ông Hồ Khắc Minh, Chi cục phó Chi cục BVTV khẳng định, hóa chất các cơ sở sản xuất giá trong tỉnh sử dụng là loại hóa chất dạng lỏng chứa trong ống tuýp nhỏ, tên và cách sử dụng hoàn toàn in bằng tiếng Trung Quốc. Đây là loại hóa chất không nằm trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam nên được xem là không rõ nguồn gốc, việc sử dụng chúng là vi phạm các quy định hiện hành và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi vậy, người dân sử dụng các loại hoạt chất này trong sản xuất giá ăn là vi phạm quy định về ATTP và quy định về sử dụng thuốc BVTV ở Việt Nam.

                                                                                      N. L













 

,
.
.
.