Khi mũ bảo hiểm không là "người bạn đường" tin cậy

Cập nhật lúc 09:54, Thứ Sáu, 26/10/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Kể từ cuối năm 2007, khi chính thức có luật yêu cầu những người tham gia giao thông bằng phương tiện gắn máy phải sử dụng mũ bảo hiểm (MBH), trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng đã dần xuất hiện nhiều loại MBH của nhiều hãng như Amoro, Protect, Asuma...

Ngay cả các hãng xe máy trong nước cũng “nhanh chân” sản xuất MBH riêng của hãng mình để bán và tặng cho khách hàng mua xe. Nhiều loại MBH kém chất lượng thường được gọi với cái tên “mỹ miều” -  MHB thời trang cũng ồ ạt ra đời. Màu sắc đa dạng, kiểu dáng gọn nhỏ, mẫu mã hấp dẫn, giá cực rẻ và... dễ dàng đối phó khi gặp CSGT, loại mũ này đang là sự lựa chọn của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Chính thị hiếu, thói quen này đang tiếp tay cho những “ẩn họa”, những mối nguy hiểm khôn lường một khi TNGT xảy ra.

MBH kém chất lượng vẫn còn "đất sống"

Năm 2008, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành quy định “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi môtô xe máy”, các loại mũ không đạt "chuẩn" sẽ không được phép sản xuất, lưu hành. Theo đó, các kiểu MBH thời trang được cách điệu vành rộng, lưỡi trai, mũ không bảo đảm chất lượng cũng sẽ không được lưu hành. Tuy nhiên, mặc dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực kiểm soát nhưng hiện nay, các loại MBH thời trang kém chất lượng vẫn được ngang nhiên bày bán.

Những chiếc MBH mỏng manh không tem, không địa chỉ sản xuất như thế này rất dễ vỡ khi bị va đập mạnh.
Những chiếc MBH mỏng manh không tem, không địa chỉ sản xuất như thế này rất dễ vỡ khi bị va đập mạnh.

Dạo quanh một số chợ trên địa bàn tỉnh ta sẽ không khó để bắt gặp cảnh tượng MBH thời trang kém chất lượng “chễm chệ” trên các sạp hàng xen lẫn với các MBH chính hãng. Để tìm hiểu, chúng tôi ghé vào quầy bán MBH của chị Thắm ở chợ Nam Lý, TP.Đồng Hới. Ở đây bày bán nhiều loại MBH thời trang rất “bắt mắt” với nhiều kiểu dáng, chủng loại, màu sắc. Chiếc thì giống mũ lưỡi trai, chiếc thì như mũ cối, thậm chí có chiếc hình dáng cách điệu lạ và độc...

Đa số những loại này đều được kết cấu theo kiểu “3 không”: không có lớp xốp bảo vệ, không dán tem CR hợp quy, không địa chỉ sản xuất và chất lượng thì... “khỏi phải bàn”. Chị Thắm cho biết trung bình mỗi ngày chị bán được khoảng 5-7 chiếc MBH, chủ yếu là loại mũ thời trang dành cho giới trẻ. Không khó để bắt gặp những chiếc MBH kém chất lượng như thế này bày bán công khai trong các chợ.

Một chị bán MBH ở chợ Ba Đồn (Quảng Trạch) đon đả: “MBH này toàn là mẫu mới đấy em, giá rẻ lắm! Kiểu dáng trẻ trung và tiện lợi”. Khi hỏi về chất lượng mũ, chị phân trần: “Mình đội cẩn thận một chút là không sao cả. Quan trọng là loại này đẹp, hợp thời trang mà lại rẻ nữa”. Trong khi các loại MBH chính hãng như Protect, Suzuki, Amoro, Asuma, Andess... có giá từ 150.000 đến 800.000 đồng thì chỉ cần 20.000 đến 70.000 đồng, là có thể mua được một chiếc MBH thời trang như ý. Chính điều này là nguyên nhân khiến loại MBH này “nhan nhãn” trên đường.

Theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BKHCN, MBH phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phải đáp ứng đủ các đặc điểm: Mũ phải có đủ ba bộ phận: vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ và quai đeo. Mũ phải có nhãn hàng hóa ghi tên sản phẩm “mũ bảo hiểm dùng cho người đi môtô, xe máy”.

Trên nhãn hàng có ghi tên, địa chỉ cơ sở sản xuất hoặc tổ chức nhập khẩu cùng một vài thông số khác về kích cỡ, ngày tháng sản xuất, mũ được dán tem CR. Thế nhưng, những chiếc MBH thời trang gần như không có tác dụng bảo vệ, bởi phần quan trọng nhất của MBH là lớp xốp bảo vệ bên trong chỉ là một lớp xốp mỏng, rất dễ vỡ khi bị va đập mạnh. Liệu những chiếc mũ như thế này có phát huy được tác dụng theo đúng ý nghĩa thực của tên gọi “mũ bảo hiểm” (?) Câu trả lời có lẽ ai cũng biết, chỉ có điều, rất nhiều người đang “nhắm mắt làm ngơ”, thờ ơ với chính mạng sống của mình khi “đánh đồng” MBH với loại mũ thời trang này.

Vì cái lợi nhỏ trước mắt và chạy theo sở thích nên dù biết là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không ít người vẫn mua và sử dụng loại mũ này như “một phần không thể thiếu” khi điều khiển xe máy tham gia giao thông.

Chị Lê Minh Tân (Nam Lý, TP. Đồng Hới) cho biết chị chọn mua loại MBH thời trang vì nó gọn nhẹ, nhiều mẫu mã và giá rẻ nên có mất mát hay hư hỏng cũng không tiếc. Hơn nữa, CSGT cũng không xử phạt những người đội MBH kém chất lượng nên chị không mấy ngần ngại, đắn đo khi mua loại mũ này. “Với ưu thế kiểu dáng thời trang, gọn nhẹ và quan trọng là rẻ nên những chiếc mũ kiểu này rất được nhiều người ưa chuộng. Bên cạnh đó, khung pháp lý của Việt Nam lại chưa có những quy định xử phạt những người đội mũ bảo hiểm “dởm” như vậy.

Đây chính là một khe hở để những người lái xe “lách luật” và những loại MBH này có “đất sống” - ông Nguyễn Xuân Đạt, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường cho biết.

Hãy biết nói "không" với MBH kém chất lượng

Theo số liệu điều tra, thống kê được của các cơ quan chức năng thì trong 9 tháng đầu năm 2012 tỉnh ta có 51 vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến mô tô, xe máy xảy ra; trong đó có nhiều trường hợp bị chấn thương sọ não dẫn đến tử vong. Huyện Lệ Thủy có 15 trường hợp với 16 người tử vong, huyện Quảng Ninh 10 vụ, 12 người tử vong, Minh Hóa 8 trường hợp, 2 người tử vong...

Một thực tế không thể phủ nhận đó là chính việc sử dụng loại MBH kém chất lượng đã vô tình “tiếp tay” cho “tử thần” lấy đi mạng sống của nhiều người điều khiển xe máy tham gia giao thông khi tai nạn xảy ra. Bởi rất nhiều trường hợp nạn nhân có đội MBH nhưng khi gặp tai nạn do va đập mạnh vẫn bị chấn thương nặng ở vùng đầu. Nguyên nhân là do chiếc MBH của họ là loại kém chất lượng, “đội như không đội”.

Thời gian qua, để hạn chế tình trạng này, các cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Từ năm 2008 – 2012, Chi cục Quản lý thị trường đã phát hiện 58 vụ vi phạm kinh doanh MBH, phạt tiền 47,150 triệu đồng, tịch thu, tiêu hủy hơn 156.000 MBH nhập lậu, không đạt tiêu chuẩn.

MBH thời trang, kém chất lượng vẫn được nhiều người ưa chuộng.
MBH thời trang, kém chất lượng vẫn được nhiều người ưa chuộng.

Theo ông Nguyễn Xuân Đạt, vấn đề kiểm tra MBH hợp quy chuẩn, Chi cục quản lý thị trường phối hợp với Sở Khoa học- Công nghệ và đã làm rất tốt. Tuy nhiên, công tác phát hiện, xử lý những điểm bán mũ không đúng quy định gặp phải nhiều khó khăn, cụ thể ở khâu lấy mẫu và chi phí kiểm định. Có những điểm bán mũ bảo hiểm kiêm bán hàng tạp phẩm, có những nơi bán rất nhiều loại mũ lẫn lộn với nhau gây khó khăn cho công tác giám định mẫu của bộ phận quản lý thị trường.

Việc xử phạt cũng rất khó khăn bởi pháp luật không cấm việc sản xuất, kinh doanh mũ cho người đi bộ, người đi xe đạp, mũ thời trang hay mũ thể thao... Ngay cả xử phạt người bán cũng khó bởi chưa có quy định về điều kiện kinh doanh MBH. Không chỉ lực lượng quản lý thị trường lúng túng trong khâu xử lý mà lực lượng CSGT cũng gặp khó khăn tương tự khi xử lý các trường hợp vi phạm liên quan đến MBH.

Ông Bùi Quang Thanh, Phó trưởng phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: “Hiện tại ở nước ta chưa có chế tài xử phạt người điều khiển mô tô, xe máy đội MBH không đạt chất lượng hoặc không đúng kiểu dáng. Vì vậy, chúng tôi chỉ có thể xử lý những vụ vi phạm không đội MBH hoặc đội không đúng quy cách chứ những trường hợp vi phạm chất lượng, chúng tôi không có thẩm quyền xử lý”.

Vậy đâu là lời giải hợp lý nhất cho thực trạng này? Ông Nguyễn Xuân Đạt khẳng định chính sự dễ dãi của người tiêu dùng là nguyên do cho sự tồn tại một thị trường MBH kém chất lượng, vô tình tiếp tay cho các cơ sở làm giả, làm ẩu MBH ngày càng xuất hiện ào ạt. Có "cầu" ắt có "cung", vì vậy, để xóa bỏ nạn MBH kém chất lượng, vấn đề quan trọng nhất là cần có sự thay đổi trong ý thức và thói quen của người tiêu dùng. Cùng với việc nâng cao ý thức bảo vệ an toàn cho chính bản thân mình, người tiêu dùng cần tỏ rõ thái độ kiên quyết không mua, không sử dụng hàng giả, hàng nhái, không cho hàng giả, hàng nhái có “đất” tồn tại.

Bên cạnh đó, các cơ quan phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý thị trường, đưa MBH vào danh mục mặt hàng kinh doanh có điều kiện; triệt để loại bỏ việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng các loại mũ có hình dáng giống MBH nhưng không bảo đảm chất lượng.

Để góp phần giải bài toán trên, Bộ Khoa học-Công nghệ đã xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng MBH. Dự thảo quy định: Tổ chức, cá nhân sản xuất MBH phải thực hiện việc chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2:2008/BKHCN, gắn dấu hợp quy CR và ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường;  phải chịu trách nhiệm về chất lượng đối với MBH do mình sản xuất khi lưu thông trên thị trường. Đồng thời, phải thiết lập hệ thống cửa hàng hoặc đại lý, tổng đại lý bán MBH và công bố công khai trên trang thông tin điện tử hoặc trên tài liệu, thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã và cơ quan quản lý thị trường trên địa bàn quản lý.

Dự thảo còn quy định, người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy khi tham gia giao thông trên đường bộ có trách nhiệm sử dụng đúng MBH đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, gắn dấu hợp quy CR theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; đội MBH, cài quai đúng quy cách. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại văn bản này vẫn chưa được ban hành.

Trong khi chờ có chế tài đủ mạnh để kiểm tra xử lý vấn đề này, tốt nhất người tiêu dùng hãy tự bảo vệ mình bằng cách mua MBH có chất lượng. Bởi lẽ, rõ ràng, để loại bỏ được MBH giả, nhái, kém chất lượng ra khỏi thị trường thì điều quan trọng không chỉ trông chờ vào những chế tài xử lý mà còn có chữ tâm của nhà sản xuất, kinh doanh và ý thức sử dụng MBH của chính người tiêu dùng. Nói “không” với MBH kém chất lượng là sự lựa chọn sáng suốt của người tiêu dùng, là lời giải hợp lý nhất cho bài toán MBH “dởm” với ATGT.

                                                                                          Đào Vân








 

,
.
.
.