Sạt lở dọc tuyến đường Trương Pháp (TP Đồng Hới):

Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"

Cập nhật lúc 07:57, Thứ Ba, 30/10/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Đường Trương Pháp được xem là tuyến đường nhằm mục đích phát triển du lịch biển ở thành phố Đồng Hới nói riêng và tỉnh ta nói chung. Tuy nhiên, con đường này đang bị đe dọa bởi những điểm sạt lở gần lề đường.

Chạy dọc bờ biển, đường Trương Pháp, đoạn đi qua địa phận xã Quang Phú (TP. Đồng Hới) bị sạt lở tại nhiều điểm phía đông đường. Một số điểm do xói lở quá mạnh, tạo nên những hàm ếch ăn sâu vào lề đường, kéo theo sụt lún đất và mặt bằng nền xi măng do các nhà hàng xây dựng. Đặc biệt, có những nơi, điểm sạt lở nằm ngay sát mép đường, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông cũng như khách du lịch, nếu không quan sát kịp thời.

Được biết, tại điểm xói lở trước khách sạn Thanh Phúc II, vào năm 2009, Công ty TNHH Xây dựng- Thương mại Tuấn Phúc đã bỏ ra 380 triệu đồng, tự tiến hành lắp đặt ống thoát nước dài 25m, xây kè đá chống xói và tạo cảnh quan đẹp ở bờ biển để thu hút khách du lịch.

Tuy nhiên, đợt mưa lũ năm 2010 đã cuốn trôi, làm hỏng toàn bộ hệ thống cống thoát nước này, tạo nên hố sâu và rộng, rất nguy hiểm. “Khách du lịch phản ánh nhiều về chuyện ngay trước khách sạn có hố sâu nguy hiểm như vậy. Chúng tôi muốn tu bổ, khắc phục tình trạng này, nhưng đã phải tự bỏ tiền ra làm, mà thủ tục lại rườm rà nên chúng tôi cũng nản”- ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng- Thương mại Tuấn Phúc bày tỏ.

Xói lở tạo thành hố sâu nguy hiểm ngay sát lề đường Trương Pháp (đoạn trước khách sạn Thanh Phúc II).
Xói lở tạo thành hố sâu nguy hiểm ngay sát lề đường Trương Pháp (đoạn trước khách sạn Thanh Phúc II).

Đoạn qua thôn Bắc Phú, điểm xói lở nằm sát chân sóng. Hiện UBND xã Quang Phú đang khắc phục bằng cách cho đổ các xe đất, cát ngay trên lề đường để nắn dòng chảy nước mưa. Song đây chỉ là biện pháp mang tính tạm thời và may chăng chỉ đối phó với những trận mưa nhỏ. Nếu mưa lớn xảy ra dài ngày, chẳng ai dám chắc những đụn cát ấy có thể “chịu trận” được. Còn tại điểm xói lở ở thôn Tân Phú (gần đoạn giao với đường Cao Thắng) cũng đã được gia cố bằng các bao cát, nhưng xem ra kết quả cũng không khả quan. Các vết lở đất ngày càng khoét sâu hơn và đã tiến gần sát mặt đường.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Giao thông- Vận tải (GT-VT) cho biết: Đường Trương Pháp, đoạn từ tượng đài Trương Pháp đến địa bàn xã Quang Phú được nâng cấp, thảm nhựa từ năm 2007 (Sở Thương mại và Du lịch làm chủ đầu tư) và bàn giao cho Sở GT-VT quản lý từ 2009. “Sở thường xuyên kiểm tra và tiến hành xử lý các sự cố trong phạm vi hành lang quản lý đường bộ. Với các điểm xói lở tại Km 6 + 500, Km 8 + 800 và Km 10 + 500, Sở chỉ đạo Công ty cổ phần sửa chữa đường bộ và Xây dựng tổng hợp Quảng Bình kè đá, xây ốp mái, sửa chữa chân cống và đã khắc phục xong trong tháng 9 vừa rồi. Còn các điểm xói lở khác ngoài phạm vi quản lý của chúng tôi”.

Ông Lê Bình Phú, cán bộ Địa chính- Xây dựng xã Quang Phú (TP. Đồng Hới) thì cho rằng: “Con đường này do sở GT-VT quản lý. Còn đối với mặt bằng phía đông, từ chân đường Trương Pháp chạy ra biển, ở khu vực mà tỉnh đã giao cho các đơn vị, cá nhân quản lý thì họ phải chịu trách nhiệm tu bổ, xử lý các sự cố (điểm trước khách sạn Thanh Phúc II, nhà hàng Phú Cường,...), phần còn lại địa phương mới quản lý”.

Ông Phú cũng cho rằng: “Việc phân chia quản lý này có những bất cập nếu đơn vị này chỉ chịu trách nhiệm ở phần mình quản lý, mà không quan tâm đến khu vực khác. Ví dụ như việc làm cống thoát nước bảo đảm cho mặt đường, nhưng không có đường dẫn ra biển mà chỉ xả ra nền cát ngay sát lề đường chẳng hạn, thì chuyện xói lở là tất yếu, và đơn vị khác phải chịu trách nhiệm về điều đó thì rất vô lý!”

Hệ thống bao cát cũng
Hệ thống bao cát cũng “bó tay” trước sức mạnh của dòng nước.
 

Theo một số người dân sống gần khu vực xói lở thì địa hình ở đây vốn có độ dốc khá lớn, nên ở những điểm trũng, gặp trận mưa lớn, nước từ hai đầu đường đổ về, tạo nên dòng chảy mạnh. “Tình trạng xói lở mạnh chỉ xảy ra kể từ sau khi cải tạo, nâng cấp mở rộng tuyến đường này, chứ trước đây không đến nỗi như thế này đâu!”, ông Nguyễn Quốc Tuấn, người dân ở thôn Bắc Phú, xã Quang Phú (TP. Đồng Hới) nói.

Còn ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở GT-VT thì cho rằng: “Tình trạng xói lở là do quá trình đô thị hóa diễn ra ở đây. Nhà cửa, phố xá mọc lên nhiều ở phía tây con đường, quá trình bê tông hóa làm cho nước mưa không tự thấm vào đất, lúc mưa lớn, nước chảy thành dòng, tràn qua mặt đường, xói ở hạ lưu là điều không tránh khỏi. Hơn nữa, hiện tại đường Trương Pháp chưa có hệ thống cống dọc gom nước mặt nên việc thoát nước càng khó hơn”.

Thiếu hệ thống thoát nước, chưa có vỉa hè, công trình kè biển chắn sóng, nhiều người dân nơi đây lo ngại: nếu không có các biện pháp xử lý kịp thời, các điểm xói lở trên sẽ ăn sâu và đường Trương Pháp sẽ đứng trước nguy cơ bị bào mòn, gây hư hỏng nặng. Điều đáng lưu ý nữa là khoảng cách từ điểm sạt lở trên tuyến đường Trương Pháp đến Nhân Trạch (Bố Trạch), một địa phương đã từng bị ảnh hưởng rất nặng bởi tình trạng sạt lở do biển lấn, là rất gần. Nếu các cơ quan chức năng không sớm có biện pháp khắc phục, thì trong tương lai gần có thể chúng ta sẽ có một Nhân Trạch thứ hai, để rồi phải đầu tư những khoản tiền khổng lồ làm đê kè chống xói lở.

Trước mắt, các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp nhằm xử lý các điểm xói lở hiện tại. “Con đường du lịch” Trương Pháp cũng cần sớm được hoàn chỉnh hệ thống thoát nước, vỉa hè nhằm hạn chế tình trạng xói lở và cần coi trọng các yếu tố về cảnh quan, môi trường trong quy hoạch đô thị, du lịch biển hiện nay.

                                                                Hương Lê - Ngọc Mai



 

,
.
.
.