Hoá giải cái nghèo của học sinh, sinh viên

Cập nhật lúc 07:32, Thứ Năm, 01/11/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Có thể nói như vậy về chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV) theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27-9-2007 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh ta. Bởi 5 năm qua, chương trình đã giúp hàng chục ngàn HSSV nghèo yên tâm học tập, không còn tình trạng HSSV trúng tuyển vào các trường chuyên nghiệp phải bỏ học vì lý do về kinh phí. Không những thế, chương trình còn góp phần thúc đẩy phát triển giáo dục và bảo đảm an sinh xã hội...  

Ngày 27-9-2007, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với HSSV. Với chủ trương này đối tượng thụ hưởng đã được mở rộng hơn so với trước đây. HSSV có hoàn cảnh khó khăn thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn về tài chính và con em mồ côi sẽ được vay vốn để theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề, không phân biệt loại hình đào tạo công lập hay dân lập và thời gian đào tạo trên một năm hay dưới một năm.

Mức cho vay, lãi suất cho vay của chương trình cũng được điều chỉnh linh hoạt hơn, phù hợp hơn. Trong thời gian đang theo học tại các trường và tối đa một năm sau khi ra trường HSSV chưa phải trả nợ, trả lãi tiền vay, trường hợp trả nợ trước hạn được giảm lãi tiền vay...

5 năm qua, dưới sự chỉ đạo tích cực của cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp, sự quan tâm phối hợp thực hiện của các sở, ngành, đoàn thể liên quan, sự nỗ lực của các tổ chức trong mạng lưới hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh và sự đồng tình hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, chương trình tín dụng đối với HSSV bước đầu đạt kết quả đáng khích lệ, góp phần giúp cho hàng chục nghìn HSSV trong diện được thụ hưởng yên tâm học tập.

5 năm qua, doanh số cho vay (tính đến cuối tháng 9-2012) toàn tỉnh đạt 867,8 tỷ đồng và tăng đều qua hàng năm. Nếu năm 2007 doanh số cho vay là 41,8 tỷ đồng thì năm 2011 là 252 tỷ đồng và 9 tháng đầu năm 2012 là 84,6 tỷ đồng, với hơn 48.000 HSSV vay vốn, tăng 233 lần so với thời điểm tháng 10-2007.

Những giải pháp tích cực

Để có những kết quả trên, theo lãnh đạo NHCSXH tỉnh, đơn vị đã tập trung một số giải pháp chính, trong đó chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường sự phối hợp với các sở, ngành, tổ chức chính trị xã hội địa phương để nắm bắt hộ nghèo, tổ chức mạng lưới hoạt động rộng khắp...

Đồng chí Nguyễn Xuân Quang, UVTV Tỉnh uỷ,  Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tặng bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện chương trình tín dụng cho HSSV 5 năm qua.
Đồng chí Nguyễn Xuân Quang, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tặng bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện chương trình tín dụng cho HSSV 5 năm qua.

Ngay sau khi Quyết định số 157/2007/QĐ- TTg có hiệu lực, đầu tháng 10/2007, NHCSXH Quảng Bình đã nhanh chóng tổ chức các hội nghị cấp tỉnh, cấp huyện quán triệt chủ trương và tập huấn cơ chế nghiệp vụ cho vay đến toàn thể cán bộ của NHCSXH, cán bộ các tổ chức hội làm uỷ thác, các ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn (tổ TK-VV).

Tiếp đó là triển khai công tác tuyên truyền thông qua các hình thức: phổ biến chính sách tín dụng đối với HSSV trên các phương tiện thông tin đại chúng địa phương; in ấn 5.000 tờ rơi gửi đến tất cả UBND xã, phường, thị trấn, các tổ chức chính trị xã hội làm uỷ thác cho NHCSXH tỉnh, các tổ trưởng tổ TK-VV; các trường đại học, trung cấp, dạy nghề trên địa bàn... để mọi người dân có thể nắm bắt kịp thời về chủ trương, chính sách mở rộng cho vay HSSV của Chính phủ. Lãnh đạo NHCSXH tỉnh đã trực tiếp đến một số trường có số lượng HSSV lớn như: Trường đại học Quảng Bình, Trường trung học kinh tế... để tuyên truyền, hướng dẫn và giải đáp cho HSSV về chủ trương, thủ tục cho vay.

NHCSXH tỉnh đã phối hợp với chính quyền xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh về công tác tuyên truyền và chỉ đạo các hội đoàn thể, các tổ vay vốn rà soát nắm bắt nhanh danh sách các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, có con em là HSSV đang theo học các trường gửi NHCSXH tỉnh để bố trí vốn cho vay; chỉ đạo các tổ vay vốn tổ chức hướng dẫn giúp đỡ các hộ vay hoàn thành nhanh về mặt thủ tục, hồ sơ để NHCSXH tỉnh cho vay kịp thời.

Hàng năm, NHCSXH tỉnh, huyện đã phối hợp với ngành Giáo dục - Đào tạo; ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và các tổ chức chính trị xã hội địa phương, để nắm bắt kịp thời số lượng HSSV có nhu cầu vay vốn và lập kế hoạch tín dụng phù hợp nhu cầu vay vốn HSSV từng thời kỳ, với quyết tâm là: “Không để bất kỳ một HSSV có hoàn cảnh khó khăn nào của địa phương phải bỏ học vì lý do không có tiền đóng học phí và trang trải các chi phí học tập”.

Cùng với những vấn đề trên, NHCSXH Quảng Bình đã tăng cường tổ chức  mạng lưới hoạt động về đến tận xã, thông qua 153 điểm giao dịch cố định tại xã với 2.738 tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, bản. Mạng lưới này có sự tham gia chỉ đạo giám sát của cấp uỷ, chính quyền và phối hợp thực hiện của các hội đoàn thể các cấp vì vậy hoạt động rất hiệu quả, nhanh chóng nắm bắt được các đối tượng và nhu cầu vay vốn của khách hàng, hướng dẫn thủ tục vay vốn, giải ngân vốn kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng theo quy định, góp phần thực hiện dân chủ, công khai từ cơ sở và có thể nói rằng đã xã hội hoá được hoạt động của tín dụng chính sách.

Song song với việc đẩy mạnh giải ngân cho vay, công tác thực hiện kiểm tra chương trình tín dụng HSSV được Ban đại diện Hội đồng quản trị - NHCSXH các cấp quan tâm chỉ đạo các tổ chức trong mạng lưới thực hiện thường xuyên.

Hàng năm, NHCSXH tỉnh, huyện đã chủ động tham mưu cho Trưởng ban đại diện thành lập đoàn kiểm tra liên ngành bao gồm đại diện NHCSXH, ngành Giáo dục - Đào tạo, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, hội đoàn thể làm ủy thác thực hiện kiểm tra các huyện, các trường, các cơ sở đào tạo, các xã, các tổ TK-VV việc sử dụng vốn của gia đình HSSV và bản thân HSSV. Trong 5 năm qua, các tổ chức trong mạng lưới đã thực hiện kiểm tra, giám sát được 8 lượt cơ sở đào tạo, 899 lượt xã, 8.881 lượt tổ TK-VV, 90.961 lượt hộ dư nợ và phỏng vấn 524 lượt HSSV đang thụ hưởng chính sách. Qua kiểm tra, phát hiện 1 trường hợp UBND xã xác nhận sai đối tượng tại huyện Tuyên Hoá, NHCSXH huyện đã xử lý dừng cho vay và thu hồi nợ trước hạn.

Thực hiện tốt công tác quản lý và thu hồi nợ đến hạn, đặc biệt đã cùng với khách hàng thoả thuận định kỳ hạn trả nợ sau khi học sinh kết thúc khoá học, đồng thời áp dụng chính sách giảm lãi tiền vay đối với hộ vay trả nợ trước hạn, vì vậy đã tạo được ý thức, trách nhiệm của hộ vay trong việc trả nợ ngân hàng. Mặt khác, tổ trưởng tổ TK-VV, các tổ chức chính trị xã hội làm uỷ thác đã phát huy vai trò trách nhiệm thực hiện tốt các nội dung uỷ thác, uỷ nhiệm đã ký kết với ngân hàng, thường xuyên động viên hộ vay vốn huy động nguồn trả nợ, trả lãi tiền vay từ thu nhập tổng hợp của gia đình. Do đó công tác thu hồi nợ đến hạn tạo nguồn vốn cho vay quay vòng đạt kết quả tốt.

Những khó khăn, tồn tại

Bên cạnh những kết quả tích cực, qua 5 năm hoạt động của chương trình đã bộc lộ những vướng mắc hạn chế cần được tháo gỡ. Đó là nguồn vốn để cho vay chương trình tín dụng HSSV hàng năm rất lớn, nhưng thời điểm giải ngân vốn thường tập trung cao vào đầu năm học và đầu học kỳ, thời gian giải ngân ngắn. Vì vậy đã có nhiều thời điểm nguồn vốn chương trình bố trí chậm và không đủ, gây khó khăn rất lớn cho NHCSXH các cấp trong việc đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho HSSV, ảnh hưởng không nhỏ tới việc học tập của HSSV, gây ra tâm lý không tốt trong dư luận.

Việc xác nhận đối tượng hộ gia đình vay vốn theo Thông tư số 27/2007/TT-BLĐTBXH ngày 30-11-2007 và Thông tư số 34/2011/TT-BLĐTBXH ngày 24-11-2011 của Bộ Lao động - TB-XH chưa được quan tâm thực hiện kịp thời, chính xác. Mỗi địa phương triển khai khác nhau, có nơi thì quá chặt, ngược lại có nơi thì lỏng lẻo. Đặc biệt là việc xác nhận hộ gia đình có khó khăn về tài chính không chính xác và dẫn đến số lượng quá lớn (chiếm 47%) gây áp lực về vốn cho vay.

Cùng với những vấn đề trên, còn có những vướng mắc khác như việc xác nhận của nhà trường đối với HSSV thụ hưởng chính sách không tập trung vào thời điểm đầu năm học mà rải rác trong năm, trao đổi thông tin giữa nhà trường với NHCSXH thiếu thường xuyên... Rồi việc thu hồi nợ đối với học sinh ra trường nhưng không có việc làm cũng gặp không ít khó khăn...

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình tín dụng cho HSSV, đề nghị UBND tỉnh kiến nghị với Chính phủ hàng năm bố trí đầy đủ và kịp thời; mặt khác, rất cần sự quan tâm nỗ lực của các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền cơ sở xã, phường, thị trấn. Trong đó tập trung rà soát, bổ sung kịp thời đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo để tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác kịp thời được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc xác nhận các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vay vốn chương trình tín dụng HSSV đúng đối tượng theo hướng dẫn tại Thông tư số 27/2007/TT-BLĐTBXH ngày 30-11-2007 và Thông tư số 34/2011/TT-BLĐTBXH ngày 24-11-2011 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội...

                                                                                     V. H




 

,
.
.
.