Cây thay lá mới

  • 08:36 | Thứ Sáu, 09/02/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đã sang tháng 11 mà tiết trời như đầu thu, chỉ se se khi đêm xuống hay chuyển sáng. Ngày luôn có nắng, cái nắng hanh hao ngọt lịm, lúc âu yếm như lời ru của mẹ.
 
Cây bàng giữa sân bước vào thời kỳ đổi màu, sắc đỏ chen sắc xanh lộng lẫy giữa nền trời loang loang mây trắng.
 
Nắng chiếu chênh chếch qua những ô cửa kính, tạo ra những hình cheo chéo đẹp đến ngỡ ngàng. Con mèo khoang lười biếng duỗi tấm thân dài thượt trên chiếc thảm cuối hành lang, lăn hai vòng rồi cuộn mình ngủ tiếp.
 
Chiều nay nhà hàng vắng khách.
 
Nga nhìn con mèo một lúc, thở dài:
 
- Nhiều lúc cứ làm kiếp mèo lại sướng chị ạ!
 
- Ừ! Mèo cũng như người, có con sướng như nó-Tôi hất mặt về phía con mèo-Còn cả bầy mèo hoang bên công trường kia thì ngày ngày cắn xé nhau để giành miếng ăn em ạ!
 
Nga cúi đầu. Tôi biết Nga chỉ mượn con mèo để trút nỗi khổ bên trong. Em mở điện thoại cho tôi xem một tấm ảnh.
 
- Có người tư vấn cho em dùng cái này để trị nám. Chị xem giúp em có nên không dùng không?
 
Đó là một sản phẩm dùng để pell da, nói cho dễ hiểu là lột da bằng phương pháp hóa học. Tôi nhìn một lúc, hỏi thêm:
 
- Người đó có tư vấn cho em dùng thêm sản phẩm gì sau pell không?
 
Nga tiếp tục lướt lướt:
 
- Dạ không. Họ chỉ nói là sau pell da sẽ căng bóng như da em bé. Em có sợt gu gồ họ cũng nói y vậy. Em phải chữa nám sớm, Tết này chồng em về chị ạ.
 
Tôi thở dài:
 
- Em lại nghe mấy đứa bán tạp hóa trên chợ huyện xui chứ gì. Chị nói sơ sơ để em cân nhắc mà khoan sử dụng khi chưa hiểu cặn kẽ về mỹ phẩm. Sau lột, da sẽ rất yếu, em cần phải có thêm các sản phẩm tái tạo và phục hồi, cũng hơi tốn kém!
 
Vừa lúc ấy có một nhóm khách bước vào. Tôi vỗ nhẹ vào hông em, nhẹ nhàng:
 
- Mình vào việc đã, rồi chị em mình sẽ nói tất cả mọi chuyện sau em ạ. Đàn bà mình cần phải đẹp. Nhưng em nên nhớ một người chồng tốt thì vợ xấu hay đẹp không quan trọng với họ lắm đâu, người như thế mới đáng để giữ. Chị sẽ giúp em trị nám, không phải để níu kéo chồng mà để em thấy yêu đời, yêu mình hơn.
 
Con mèo nghe huyên náo cũng uể oải vươn mình, ưỡn ẹo bước ra sân, nơi có những chiếc lá bàng rơi xuống cong queo, lạo xạo. Chồng Nga đi xuất khẩu lao động, có tin đồn về là anh ta có bồ. Nga chết đứng chết ngồi. Đi xăm mày, nhuộm tóc. Mày thì đen như 2 vệt mực tàu vắt ngang trán. Tóc thì vàng cháy, khô xác như tổ chim bỏ không từ lâu. Giờ đến cái mặt. Suốt ngày đứng bếp, lại không chăm da, chống nắng, da Nga có những mảng nám nâu sạm, khô nhăn.
Minh họa: Minh quý
Minh họa: Minh Quý
Tôi dành thời gian cùng Nga tìm những sản phẩm phù hợp để trị nám, tôi hướng dẫn em cách bảo vệ da, hướng dẫn em cách dưỡng tóc. Tóc, da con người như cái cây, được chăm bẵm đúng cách thì sẽ mượt mà, tươi trẻ. Phụ nữ, không nên cẩu thả với bản thân mình, không vì ai khác mà nên vì nụ cười của mình lúc soi gương.
 
Chồng Nga về trước Tết sớm hơn thông tin Nga nhận được, sớm hơn trước khi Nga đẹp lên theo dự định. Anh ta về tiến hành thủ tục ly hôn để lấy người phụ nữ kia.
 
- Anh ta không thèm nhìn mặt em lấy một lần chị ạ. Đàn ông là tệ thế hả chị?-Nga ôm mặt khóc rưng rức. Hôm nay, Nga nấu hỏng liên tiếp 2 món ăn cho khách, lúc tôi định rầy la em thì em thốt ra câu đó.
 
Tôi nhìn ra gốc bàng, nơi có Khánh đang ngồi trêu đùa với con mèo đã hết cơn ngái ngủ. Tôi hất mặt ra đó:
 
- Không nên vì vài người mà quy cho cả số đông. Đàn ông cũng như đàn bà, có người tốt kẻ xấu. Em cũng không cần phí cảm xúc cho người không xứng đáng. Nhớ chưa! Hôm nay chị cho em nghỉ sớm đấy. Về thành phố đến chỗ chị giới thiệu mà sửa lại lông mày đi.
 
Mưa lất phất bay trong cái lạnh run rẩy cuối năm. Cây bàng đã làm xong nhiệm vụ trút lá, thản nhiên phô ra khung xương trần trụi giữa tiết đông lạnh giá. Khánh về từ phía Nam sau “cơn bão” Covid-19 năm nào, nên một quản lý nhà hàng 5 sao chịu đầu quân cho nhà hàng tôi-nhỏ, khiêm nhường giữa trung tâm huyện lỵ.
 
Trong căn nhà cổ từ thời cha mẹ Khánh để lại, Khánh và cậu con trai học lớp 7 sống khá ngăn nắp. Một kiểu ngăn nắp có được bởi thiếu vắng bàn tay phụ nữ từ rất lâu. Ở huyện này, dòng họ nhà Khánh rất tiếng tăm, nên những tin đồn về các thành viên bằng cách này hay cách khác cũng bay về làng. Tin đồn thì thường bập bõm và thiếu đầu thừa đuôi. Tôi chỉ nghe đồn Khánh rất lăng nhăng, nhiều phụ nữ muốn gửi mình cho Khánh nhưng Khánh cứ lững lờ như bèo trôi sông. Không muốn mất lòng ai, cũng không muốn cho ai hy vọng. Kỳ thực, từ ngày làm việc cho tôi, tôi thấy Khánh sống khép mình, lại rất nghiêm túc. Không như lời đồn thổi.
 
Khánh ốm, và sự viếng thăm của tôi mới khiến cho Khánh mở lòng.
 
- Cu Minh nhà em mồ côi ngay từ khi lọt lòng chị ạ. Cô ấy mất vì băng huyết. Trong hàng trăm ca, xác suất đen đủi lại rơi xuống đầu gia đình em. Em một mình nuôi con từ đó đến giờ. Bao nhiêu mối tình đến rồi đi, em không dám đi thêm bước nữa vì sợ người phụ nữ ấy không đủ yêu thương dành cho Minh.
 
Tôi nghe có cái gì đó như là nỗi nghẹn ngào, như là niềm thương xót lẫn cảm phục dâng lên trong lòng. Đàn ông hay đàn bà, có mấy người chịu hy sinh hạnh phúc bản thân để vì con như Khánh? Tôi từng xem một bộ phim khoa học làm về loài cá chỉ vàng ở thung lũng Amazon, vào kỳ sinh sản, muốn duy trì nòi giống thành công, cá bố cá mẹ phải đi tìm những phiến lá la đà mặt nước, rồi cả hai cùng nhảy lên sao cho đồng thời trong vài giây cá mẹ bám thành công vào phiến lá và ngay lập tức đẻ trứng, cá bố xòe vây gắn chặt vào đám trứng bắt đầu quá trình trao đổi tình yêu.
 
Sau khi cả hai cùng rơi xuống, cá mẹ liền kết thúc ngay sự sống. Còn lại cá bố ngày ngày quanh quẩn dùng đuôi khoắt nước lên đám trứng con. Sau 3 ngày thì trứng nở, từng con cá bé tí như sợi chỉ tuần tự rơi xuống mặt nước, bắt đầu vòng đời mới. Tôi tua đi tua lại đoạn phim ấy, cứ tự hỏi sao có giống loài đánh đổi mạng sống cho việc duy trì nòi giống khắc nghiệt đến vậy. Giờ nghe chuyện của Khánh, tôi thấy sự đánh đổi chẳng khác nhau là bao. Ngay cả chuyện vò võ nuôi con cũng thế!.
 
Nga ngừng bặt sau cái hất đầu của tôi, em đưa tay áo quệt nước mắt:
 
- Đàn ông như thế tuyệt chủng rồi chị ơi!
 
Có thể trong lúc tổn thương nên Nga buông những lời cay đắng. Hàng ngày đưa con đến trường, tôi chứng kiến không ít cảnh các ông bố bịn rịn chia tay con trước cổng. Hoặc ở khoa sản các bệnh viện lớn, không hiếm ông bố trẻ thức đêm cùng vợ chăm đứa con mới chào đời. Những người đàn ông quyến luyến con say mê như vậy, tôi tin họ không thể là người tệ bạc.
 
Vì sao trong rất nhiều nhân viên, tôi quý Nga nhất? Tôi nhìn thấy sự trìu mến ở em với những con chó, con mèo ở quán. Tôi thấy niềm say sưa, thương quý của em trong cách em nựng nịu những đứa trẻ theo cha mẹ đến đây ăn uống. Tôi thấy em giống tôi. Coi tất cả những đứa trẻ trên thế gian này là đối tượng cần yêu mến và nâng niu, chứ không phải là nơi để chơi đùa lúc vui và trút giận lúc gặp chuyện bực mình. Đàn bà như thế thường là thà để người khác làm mình tổn thương chứ không nỡ làm đau ai bao giờ. Tôi vẫn được nghe em kể về con bằng đôi mắt long lanh, ngập tràn kiêu hãnh khiến tôi vui lây. Khánh có như tôi, nhìn ra Nga ở những giây phút ấy?
 
Thời gian của những ngày cuối năm rất vội. Nhà hàng tôi làm ngày làm đêm cũng không thể giải quyết hết các đơn đặt hàng liên hoan cuối năm. Không có thời gian chuyện trò, đến cả việc nhìn vào mặt nhau để cảm nhận điều gì đó về nhau cũng bị sự tất bật xóa đi.
 
Buổi chiều 30, tôi quyết định đóng cửa nhà hàng để nhân viên về nhà đón Tết. Ở gốc bàng trước sân, hai nhân viên làm tôi bận tâm nhất đang có cử chỉ rất lạ: Họ cùng nhau quét lá. Thực ra đó là những chiếc mày bong ra từ vô vàn mắt lá. Mải việc, giờ tôi mới thấy cây bàng mang áo mới từ bao giờ. Những chiếc lá non nõn, mỏng mềm tựa lụa rung rinh giữa nền trời bàng bạc mây phủ. Việc này là của nhân viên bảo vệ nhưng sao chiều nay…?
 
- Chị ơi! Con mèo mất tích, anh bảo vệ nghe nói có con dính bẫy bên công trường nên sang đó tìm. Bọn em ở lại chờ kết quả, nó mà có làm sao thì Tết này mất vui.
 
Mắt Nga đỏ hoe. Khánh thì quay đi hướng khác. Một lúc thì bảo vệ về với con mèo rướm máu trên tay:
 
- May chỉ bị phần mềm chị ạ!
 
Nga sẽ sàng đỡ lấy con mèo, mắng mỏ:
 
- Cho mi trừa, cái tội ham vui-Và Nga ngẩng lên, đôi má trắng mịn, ửng hồng-Chị để em mang về chăm, cũng cho mấy đứa trẻ vui, ra mùng em đưa lên. Em rảnh chị à!
 
Tôi không thể chối từ với một dáng vẻ thành thực như thế, dù tôi đang rất đắn đo sẽ trả lời bọn trẻ nhà tôi thế nào. Nhưng thôi, với người thân quý như Nga, tôi muốn để em vui.
 
Mưa xuân lơ lửng bay, đọng lên tóc Nga những sợi nước rất mảnh, tóc em đang đen mượt trở lại. Tôi định quay đi thì nhận ra Khánh đang nhìn Nga chăm chăm, cái nhìn tôi chưa thấy Khánh dành cho ai bao giờ!
Nguyễn Hương Duyên

tin liên quan

Xuân mới

(QBĐT) - Mùa đông không còn bẻ cong tiếng động
Chiếc lá bàng màu đồng hun, trong giá rét cũng không còn
Gió lơ đãng nhìn giọt nắng vàng ngoài ngõ
Cây dẫu già cũng thổn thức đón mầm non

Quê tôi

(QBĐT) - Những mùa lũ lở bồi yêu thương
phù sa đắp dày gian khó
dòng Kiến Giang vẽ dấu vết cha ông lập nghiệp
An Mã tụ linh khí đất trời.

Quê xưa Tết cũ

(QBĐT) - Con đang ngồi dưới những tàng cây
Hoài vọng về ngày đã xa và bầy trẻ dại
Vườn nhà cũ hoải hoang vàng hoa cải
Cánh đồng làng hành tỏi rét căm căm