Để dành ăn Tết

  • 07:40 | Thứ Bảy, 03/02/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đối với mỗi người dân Việt Nam, Tết là dịp lễ thiêng liêng và quan trọng nhất năm, là dịp mà biết bao người con tha hương mong mỏi chờ ngày được trở về đoàn tụ... Bởi thế, nên Tết dù chỉ có ba, bốn ngày, nhưng người ta đã bắt đầu thu xếp, tất bật chuẩn bị từ những ngày đầu tháng chạp... Với mẹ tôi, Tết được lên kế hoạch chuẩn bị ngay từ khi cái Tết trước vừa xong.
 
Có lẽ, Tết ở những vùng quê như quê tôi, Tết của những bà mẹ quê như mẹ tôi vẫn còn giữ nguyên những nét xưa, vẫn bánh tự nấu và mứt tự làm. Mâm cơm ngày Tết dâng cúng trên bàn thờ gia tiên phải có những món ăn ngon và đẹp, chế biến từ các nông sản do chính bàn tay mình làm ra.
 
Số nông sản đó là những loại ngon nhất, tốt nhất, đẹp nhất được mẹ cha lên kế hoạch chăm chút, chọn lựa trong cả năm trời qua mấy mùa lam lũ. Đó vừa là cách tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên, cũng là để cho con cháu sau một năm bôn ba xa xứ, nhiều khi phải chịu cảnh cơm đường cháo chợ, ngày trở về được thưởng thức những món ngon thấm đẫm vị quê nhà.
 
Những hạt đỗ, hạt vừng mẹ cẩn trọng gieo mầm từ tháng giêng, lựa ngày nắng chang vàng tháng năm mẹ hái về phơi khô, tỉ mỉ chọn lựa những hạt chắc mẩy, tròn đều cho vào hũ sành đậy kỹ bằng lá chuối khô. Số đỗ, vừng này mẹ để dành riêng ăn Tết. Lúa nếp tháng tám vụ mới vẫn còn thơm mùi nắng mẹ cũng để riêng, giữ gìn cẩn thận không để một hạt gạo tẻ nào lẫn vào. Chỗ nếp này cũng để dành ăn Tết! Xôi có ngon, bánh chưng, bánh ít có dẻo thơm hay không đều nhờ vào số gạo nếp này. Những thứ để dành ăn Tết mẹ đều thận trọng, tỉ mỉ như giữ gìn của quý.
 
Khi mùa mưa bão đi qua, khi tháng ngày dần ngắn lại sau những lần bấm đốt ngón tay, mẹ lại tất tả trồng mấy luống gừng nơi vạt đất đầu ngõ. Căn tính thời gian thật cẩn thận để đến tháng chạp, gừng không quá non cũng chẳng già, vừa để làm mứt Tết. Đàn lợn trong chuồng mẹ mua giống từ tháng sáu, nhắm một con đẹp mã nhất, mông nở tai to, chăm chút thật kỹ càng, dành đến Tết đụng thịt.
Minh họa: Minh Quý
Minh họa: Minh Quý
Đàn gà líu ríu trong sân, cắm cúi tìm giun dưới mấy bụi chuối lùn, không biết chúng có nghe những lần mẹ nhìn từng con mà lẩm nhẩm tính toán. Con để cúng rằm tháng mười, con cúng rằm tháng chạp, mấy con để dành ăn Tết. Bụi chuối sau nhà, qua mùa heo may gió xé tả tơi để mẹ tiếc ngẩn người. Hôm nào cũng ra vườn sau nhòm ngó, miệng thì thầm tha thít lo Tết này không đủ lá gói bánh chưng. Vậy đó, mẹ cứ tỉ mẩn chuẩn bị Tết suốt cả mấy mùa, mùa nào thức nấy mẹ đều chọn thứ tốt nhất từ thảo thơm của ruộng nương vườn tược, từ mồ hôi công sức để dành cho Tết.
 
Những ngày gần cuối năm, khi Tết đã cận kề, mẹ lại cẩn thận lấy số gạo nếp, đỗ, vừng cất kỹ đó ra phơi. Mẹ bảo, bánh trái ngày Tết kiểu gì cũng phải hứng chút hanh hao nắng gió mùa chạp mới ngon mới dẻo được. Tôi tin Tết đã về thật rồi, ngay từ khi trên sân nhà tràn lan những mẹt to, mẹt nhỏ mẹ dàn ra để phơi đỗ, vừng, gạo nếp, cà rốt, củ gừng, lá dong, lá chuối… Để rồi những ngày sau đó gian bếp luôn có mẹ với mùi thơm ngào ngạt của các loại bánh trái, mứt gừng. Khói bếp ấm áp mà thơm ngào ngạt suốt những ngày cuối chạp xao xác gió heo may.
 
Mâm cơm ngày Tết là những món ăn quen thuộc mẹ đã làm như bao mùa Tết đã qua. Dân dã bình dị vậy thôi nhưng đó chính là công sức, là tâm huyết mà mẹ cha qua mấy mùa chăm chút, giữ gìn. Cái gì ngon nhất, tốt nhất cũng để dành cho Tết, để dành cho mâm cơm ngày gia đình đoàn tụ, con cháu sum vầy. Bởi thế mà, dù ta có thể dễ dàng mua được chiếc bánh chưng, gói mứt, dĩa thịt gà… bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi đâu, nhưng không phải ở đâu cũng ngon như đồ của mẹ và không phải khi nào chúng cũng ngon như đồ Tết mẹ làm!
 
Tự nhủ lòng, mấy ngày Tết ngắn ngủi lắm, đừng để bị cuốn đi theo những cuộc vui gặp gỡ bạn bè, những chuyến du xuân ròng rã, đừng để bản thân mệt rã rời mà quên cả những bữa cơm. Hãy quay về nhà để được ăn những món ngon mẹ nấu, để ta gần gũi với mẹ cha, để thấy được ánh mắt vui mừng những đấng sinh thành trong những ngày gia đình đoàn tụ.
 
Tháng chạp cạn dần khi heo may mùa chạp đã dần thôi xao xác, gió xuân khẽ loang theo những đợt mưa phùn. Tết đã cận kề ở trong sân, ngoài ngõ. Của để dành ăn Tết giờ đã là những bánh trái dẻo thơm đậm vị, là những mâm cơm đủ đầy, đẹp mắt. Mắt mẹ vui hơn khi thấy bóng xuân về.
 Đoàn Thị Thu Hương

tin liên quan

Bảo đảm nếp sống văn minh trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết

Ngày 30/1, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 11/CĐ-TTg về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024.

Đi lấy cát nhang ngày giáp Tết

(QBĐT) - Cát nhang là cách bố tôi gọi thứ cát bỏ vào những bình nhang trên bàn thờ tổ tiên.

Khai mạc Hội báo Xuân Giáp Thìn và lễ hội không gian xưa "Chợ Tết quê" năm 2024

(QBĐT) - Sáng nay, 30/1, tại Trung tâm Văn hóa-Thể thao-Truyền thông TX. Ba Đồn, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh phối hợp với Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN TX. Ba Đồn tổ chức Hội báo Xuân Giáp Thìn và lễ hội không gian xưa "Chợ Tết quê" năm 2024.