Ký ức mùa xuân

  • 07:40 | Thứ Bảy, 27/01/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tháng giêng về mang theo chút nắng mỏng manh. Ánh nắng cựa quậy, nghiêng chao trong hơi thở của gió. Cái lạnh se sẽ lá cành, vương vấn tóc mềm. Nỗi niềm năm cũ như sợi dây tím bạc vắt ngang qua thềm trời.  
 
Khi xuân đến là lúc ấm áp tìm về, bao nỗi âu lo, muộn phiền như lắng dịu để nhường chỗ cho nguồn vui nảy nở. Tôi gom nhặt và tìm kiếm an nhiên, hạnh phúc từ những điều nhỏ nhoi, bình dị nhất. Bởi tôi yêu mùa xuân như yêu chính thanh xuân của mình.  Cứ mỗi mùa xuân trôi qua là thời gian như ngưng đọng. Mỗi mùa hoa lại thêm những đợt trổ bông đâm chồi. Lòng người lại thêm dâng trào hoài niệm mênh mang về những xuân cũ.
 
Dù chưa đến 29, 30 Tết nhưng mọi mặt hàng để phục vụ Tết đã được bày bán la liệt khắp nơi. Từ những hàng quán xá hai bên đường, cho đến lối dẫn vào khu chợ của vùng thị trấn quê tôi, những chậu hoa mai, hoa đào, hoa cúc, thược dược, lay ơn cứ đua nhau khoe sắc; những gói mứt, kẹo, bánh trái cũng được sắp đặt và thắt nơ cẩn thận để người mua có thể lựa chọn làm quà biếu, hoặc dâng lên ông bà, tổ tiên.
 
Nhìn không khí đón Tết rộn ràng xuân này, tôi lại nhớ về những cái Tết còn lắm chật vật, thiếu thốn của ngày còn thơ bé. Thuở đó, nhà tôi còn ở miền núi. Mỗi dịp xuân về là bố mẹ tôi phải lo toan biết bao việc để chuẩn bị đón Tết. Trước Tết chừng một tháng, bố tôi thường xem lại phần mái nhà, tường nhà để tu bổ cho nhà cửa kiên cố hơn. Khi ấy, căn nhà mà gia đình tôi ở chủ yếu được làm bằng đất sét trộn rơm. Mái nhà phần lớn được làm bằng lá tranh, mà bố mẹ tôi phải cất công lên rừng tìm kiếm, cắt tỉa tranh và nhờ người đổi công để lợp. Vì thế, mỗi khi mưa to gió lớn thì nhà rất dễ bị dột và tường nhà đôi khi cũng bị mối mọt “xâm lấn” lúc nào chẳng hay.
 
Làm được căn nhà đất thời đó đã vô cùng vất vả và giữ cho ngôi nhà được vững chãi, kiên cố lại càng nhọc nhằn hơn. Bố tôi vừa tất bật với công việc ở nhà máy, lại phải tranh thủ chạy về nhà để kịp lo sửa sang, tu bổ nhà cửa cũng như phụ mẹ chăm lo, đưa đón hai chị em tôi đi học nên chẳng mấy khi tôi thấy ba được nghỉ ngơi. Ấy thế, mỗi lần hai chị em tôi càu nhàu thì bố lại bình thản mỉm cười: “Nhà mình nhiều việc. Biết làm sao được. Đành phải gắng thôi con”. Thế là bố mẹ tôi cứ quần quật làm lụng, chắt chiu để bao bọc và nuôi dưỡng hai chị em tôi cho đến tận bây giờ. Chẳng một lời thở than nhưng mỗi lần vô tình nhìn thấy cuốn sổ khám bệnh của bố mẹ và những hộp thuốc được đặt trên góc tủ áo quần là tôi cảm giác cổ họng cứ nghẹn ứ lại.
 
Khoảng thời gian gắn bó với núi rừng, những cái Tết của gia đình tôi còn lắm những thiếu thốn, chật vật nhưng luôn ăm ắp dư vị ngọt ngào. Mỗi dịp xuân về, tôi và chị gái lại ngóng chờ mẹ đặt may cho bộ quần áo mới. Bố tôi đưa cả nhà đi mua sắm đồ Tết. Bố sắm cho chị em tôi những chiếc mũ và đôi giày thật xinh xắn, để khi ướm vào người tôi cứ ngỡ mình là công chúa. Còn mẹ thì không quên dẫn hai chị em tôi vào quán may để đo áo quần.
 
Thấy bố mẹ vất vả, có những Tết tôi và chị cùng nhau năn nỉ mẹ đừng sắm áo quần Tết. Nhưng dường như bố mẹ đều tinh ý hiểu chuyện và âu yếm xoa đầu chị em tôi. Bố tôi bảo: “Ba mẹ sao cũng được, nhưng các con phải ăn mặc đàng hoàng không người ta cười ba mẹ”. Thế là, dù điều kiện gia đình tôi còn khó khăn nhưng năm nào cả hai chị em cũng được bộ quần áo mới mặc Tết. Cứ đến mồng 1 Tết là tôi háo hức dậy thật sớm để xúng xính trên mình bộ đồ tinh tươm. Khi được khách ghé thăm nhà khen: “Áo quần Tết đẹp quá!” là tôi hớn hở khoe và vui mừng lắm. Cảm giác như xuân trở nên dịu dàng và thiết tha hơn trước.
 
Thời đó, vì chưa có tủ lạnh để bảo quản đồ Tết, nên mẹ tôi thường làm thịt treo bếp, tai lợn ngâm nước mắm, hành kiệu muối chua… Các thực phẩm để dành mời khách ngày Tết thường phải khô giòn hoặc được muối chua ngọt để tránh bị hư hỏng. Hồi đó, nhà tôi nuôi nhiều gà và trồng rau màu nên mẹ tôi không phải “sốt sắng” chuẩn bị thực phẩm cho gia đình. Cả làng tôi đều thế. Nhà nào cũng tận dụng nguồn thức ăn sẵn có để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Bởi muốn đi chợ, bà con phải “lăn lội” một quãng đường khá dài, mà chợ thường hay đóng cửa vào dịp Tết.
 
Những ngày giáp Tết thời đó, căn bếp nhà tôi lúc nào cũng ăm ắp tiếng cười. Mỗi khi mẹ tôi đổ bánh xoài và làm mứt, tôi và chị gái cứ ngồi quanh bếp lửa nhìn mẹ trổ tài. Nhớ lại những chiếc bánh xoài được mẹ đổ trên bếp than hồng mà thương lắm những cái Tết nhọc nhằn nhưng rộn ràng niềm vui. Trong ký ức của tôi, giây phút cả nhà ngồi quây quần làm bánh với tiếng cười giòn tan, mặt mũi lấm lem nhọ nồi vẫn hiện hữu và lấp lánh như mới vừa hôm qua.
 
Một mùa xuân nữa lại về. Xuân mang theo thương nhớ ngọt ngào của những cái Tết năm nao. Cuộc sống giờ đã sung túc và đủ đầy hơn trước nhưng chắc rằng lòng người sẽ cảm thấy trống trải và thiếu vắng một thứ gì đó rất đỗi mơ hồ. Đó có lẽ là mùi của ký ức mùa xuân vui vẻ và hạnh phúc bên gia đình dẫu vẫn còn bao nỗi lo toan và nhọc nhằn.  
Lê Hương

tin liên quan

TP. Đồng Hới: Gặp mặt các cơ quan thông tấn báo chí

(QBĐT) - Nhân dịp đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, chiều 26/1, TP. Đồng Hới tổ chức gặp mặt các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn thành phố. 

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Trên cánh đồng vụ đông-xuân, bầu không khí rộn rã và ngập tràn hương thơm của lúa mới gieo.

Tiếc xuân

(QBĐT) - Xuân ơi ta đã già rồi
sao mà cứ tiếc cái hồi như em
hôm qua tỉnh dậy nửa đêm
nghe gà gáy cạn cả niềm trăng non