Tình người phố thị

  • 07:41 | Thứ Ba, 06/02/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tôi và nhiều bạn bè vẫn gọi đùa nơi mình ở là “làng” dù thật sự làng đã lên phố từ lâu. Không phải là làng sao được khi một buổi chiều đang chạy xe ngon lành thì chị hàng xóm gọi giật lại kêu đợi tí chị lấy con cá mang về ăn. Rồi có những hôm đi làm quên khóa cửa, ở nhà đối diện, bác hàng xóm mang ghế ra sân ngồi kiên nhẫn canh cửa đợi chủ nhân đãng trí tan làm. Và mới đầu tháng chạp, hàng xóm đã dặn dò đừng mua tôm chua, bánh chưng, dưa hành, củ kiệu nha, đợi gần Tết mang sang ăn cho vui!
 
Chẳng riêng gì Tết người làng tôi mới mang thứ này thứ nọ sang “ăn cho vui”, mà một buổi sáng buổi chiều nào đó, khi biển hào phóng cho nhiều tôm cá thì không khí xóm làng chộn rộn. Bên hiên nhà, mọi người hồ hởi kể chuyện và nấu những món ăn quen thuộc mời nhau.
 
Rồi những ngày mải miết buông câu từ tờ mờ sáng đến xế trưa chỉ lèo tèo dăm ba con cá, lúc tình cờ gặp nhau, hàng xóm chìa cái xô nhựa nho nhỏ ra bảo: "O mang về nấu canh đi, hôm nay ít cá, ngại đi bán. Mà đợi tí để tui hái thêm mấy quả khế, cá ni phải nấu khế mới ngon!" Mấy lúc nhận “combo” của nhà làm được, tôi hay nghĩ vẩn vơ chắc kiếp trước mình đã từng là cư dân của làng nên gặp ai cũng đều thấy thân quen và được đối đãi tử tế tới vậy!
 
Nhiều năm trước, dù làng đã lên phố nhưng vẫn còn không ít gia đình nghèo và cả tập quán người dân làng biển nên con trai nghỉ học sớm đi biển cùng cha anh, con gái theo mẹ chợ búa tảo tần. Rồi khi đất nước mở cửa, nhiều cư dân của làng đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, sang Nhật Bản, sang Đức, sang Anh... Bôn ba xứ người, năm hết Tết đến, con trai con gái của làng dù khá giả hay chật vật đều gửi quà cáp về cho mẹ cha và cả xóm giềng. Quà là thuốc bổ, thỏi son, kem chống nắng hay áo lạnh... chắt chiu từ những tháng ngày lao động cực nhọc nơi xứ người.
 
Tôi làm “cán bộ” nên hay được “người làng” tặng son, tặng kem chống nắng, thi thoảng là chiếc túi xách hay áo quần mà “cán bộ” mặc mới hợp. Những khi ghé chơi nhà hàng xóm, gặp lúc con trai con gái gọi zalo về, mẹ cha hỉ hả kể chuyện rồi đưa máy cho tôi để xác nhận xem màu son, màu kem hôm nọ tặng hợp không. Ngày này qua tháng khác, tôi dần trở nên thân thuộc với những chàng trai cô gái xa xôi chỉ mới gặp đôi lần, thậm chí là chưa từng gặp mặt.
Nét làng trong phố
Nét làng trong phố.
Phố nơi tôi ở hệt như ngôi làng nhỏ. Ngoại trừ những ngôi nhà “mặt tiền” đường lớn thường kín cổng cao tường, thì hầu hết những ngôi nhà còn lại đều rộng cửa, tựa như tấm lòng của cư dân nơi đây. Ngôi làng có nhiều người chăm chỉ, thích nghe nhạc bolero, thích trồng hoa, thích hỏi han, giúp đỡ hàng xóm. Ngôi làng mà khi Tết đến, dù giàu, dù nghèo cũng hẹn hò nhau giăng đèn kết hoa lộng lẫy, nôn nóng đợi tối đến để bật điện lên ngắm con đường thân thuộc hàng ngày giờ được mang áo mới lung linh đủ mọi sắc màu.
 
Nhiều năm làm cư dân của làng, tôi được chứng kiến bao đổi thay, được ngắm trẻ con lớn lên, người lớn già đi và nhiều người trong số họ lần lượt đi về miền cổ tích. Có những cuộc tiễn đưa, ban đầu ngỡ cũng bình thường bởi sinh ly tử biệt là chuyện không tránh khỏi trên đời này. Mà ngờ đâu mỗi ngày đi qua đoạn đường quen thì nhớ lại bao nhiêu chuyện cũ...
 
Cứ như vậy rồi thảng thốt nhận ra ông già hàng xóm đã làm cho nhà mình biết bao nhiêu chuyện. Đó là từ ngày đầu bước chân vào ngõ nhỏ, nơi có ngôi nhà mới của mẹ, lúc con Nâu với biệt danh “sủa cả thế giới” gầm gừ nhe nanh vuốt, ông đã chạy ra mắng nó. Những ngày tiếp theo là chặt cây, sửa điện, bắt sâu, trồng hoa, bẫy chuột... Khi không còn việc gì cần giúp, thì ông ngồi bên hiên nhà đầy nắng, đầy hoa, uống trà và nghe nhạc bolero.
 
Tôi hay kể với bạn về những món quà người làng mang tặng tôi “ăn cho vui”. Bạn cười bảo bà đã làm chi mà có số hưởng quá chừng. À thật ra thì tôi chẳng làm chi cả, chỉ qua ngõ gặp hàng xóm thì vui vẻ chào nhau. Đôi bận đi công tác về hay ai đó thơm thảo tặng chút quà, nhà ăn ít nên tôi mang chia cho hàng xóm. Rồi cũng vì cái nghề “cán bộ” hay đi đó đi đây nên đôi khi tôi cũng thường nhanh nhảu giúp người làng đôi việc nho nhỏ, vậy thôi...
 
Nhưng những gì mà “ngôi làng” này mang lại cho tôi dường như quá nhiều. Ấy là một ngày khi đang mệt nhoài và tuyệt vọng, tôi loay hoay bên mấy chậu xương rồng. Lúc này ông già hàng xóm bảo để đó ông trồng cho, xương rồng nhiều gai, làm “cán bộ” đừng để tay bị thương. Ông mặc nhiên xem chăm cây xương rồng là việc của mình, cho đến một ngày ông bất ngờ tạm biệt xóm nhỏ mà không kịp chào ai, không kịp ngắm xương rồng trổ hoa mùa đầu tiên!
 
Rồi có hôm tôi buồn rũ và kể chuyện đôi người tệ bạc, chị hàng xóm ngồi yên lặng thật lâu rồi khoát tay: “Thôi bỏ đi em, đời có người ni người khác, không phải ai cũng xấu, “buồng” làm chi!”. Mấy việc nhỏ nhoi vậy thôi mà khiến tôi lại tin cuộc đời vẫn đẹp và không còn tuyệt vọng!
 
Nhiều năm trôi qua, làng bây giờ đã thật sự là phố thị sầm uất, đông vui, chỉ những cư dân của làng là vẫn vậy, luôn hiền lành, thơm thảo. Chậu xương rồng năm nào vẫn nở hoa rực rỡ dù người trồng nó đã hai mùa xuân xa vắng. Con Nâu biệt danh “sủa cả thế giới” giờ cũng đã già đi và trở nên thân thiện. Và tôi, dẫu nhiều tất bật lo toan, đã quên nhiều chuyện, nhưng mấy chuyện nho nhỏ nơi ngôi làng này, tôi biết mình sẽ luôn nhớ, dù đi đâu thì cũng sẽ mang theo...
Diệp Đồng

tin liên quan

Bảo đảm nếp sống văn minh trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết

Ngày 30/1, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 11/CĐ-TTg về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024.

Khai mạc Hội báo Xuân Giáp Thìn và lễ hội không gian xưa "Chợ Tết quê" năm 2024

(QBĐT) - Sáng nay, 30/1, tại Trung tâm Văn hóa-Thể thao-Truyền thông TX. Ba Đồn, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh phối hợp với Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN TX. Ba Đồn tổ chức Hội báo Xuân Giáp Thìn và lễ hội không gian xưa "Chợ Tết quê" năm 2024.
 

Đi lấy cát nhang ngày giáp Tết

(QBĐT) - Cát nhang là cách bố tôi gọi thứ cát bỏ vào những bình nhang trên bàn thờ tổ tiên.