Đọc "Quảng Bình kỳ thú nước non"

Cập nhật lúc 07:24, Thứ Tư, 24/04/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Xưa tiên thơ Lý Bạch chỉ bằng bốn câu tứ tuyệt mà vĩnh cửu hóa ngọn thác núi  Lư.  Lầu Hoàng Hạc cũng nhờ thơ Thôi Hiệu mà được hàng triệu triệu người trên thế giới từ đời này qua đời khác biết đến. Ở nước ta, tên tuổi của Bà Huyện Thanh Quan gắn liền với bài Qua Đèo Ngang, Chu Mạnh Trinh gắn liền với bài Hương Sơn phong cảnh ca, Vũ Cao gắn liền với bài Núi đôi...

Thời đang là học sinh phổ thông tôi đã đọc thuộc lòng các bài thơ: Năm con sông quê hương của Xuân Hoàng,  Cẩm Ly hồ của Xích Bích, Tuyên Hóa mùa sen của Hà Nhật... Cảm ơn Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã làm một việc hết sức có ý nghĩa là tuyển chọn và cho ra mắt tập thơ Quảng Bình kỳ thú nước non của nhiều tác giả. Ấn tượng chung khi đọc xong Quảng Bình kỳ thú nước non là niềm tự hào về một vùng đất “với biết bao sông, hồ, đèo, núi, động cát, động đá... tạo nên bức tranh thủy mặc phong phú, đa dạng và thấm đẫm chất thơ, chất nhạc chốn sơn thủy hữu tình”.

Phần I là thơ của những nhân vật lịch sử và những nhà thơ tên tuổi thời trung, cận đại như Lê Thánh Tông, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Hàm Ninh, Nguyễn Khuyến... Ở phần thơ này tôi đặc biệt yêu thích các bài Cửa biển sông Gianh của Lê Thánh Tông, Viếng chùa Thần Đinh của Phan Thanh Giản và Mùa xuân từ Lệ Sơn trông ra của Nguyễn Hàm Ninh.

Trong bài Cửa biển sông Gianh, nhà thơ Lê Thánh Tông đã phát hiện những nét đẹp rất riêng của vùng quê Bố Chính thời ấy. Lúc đó vùng đất này đang còn hoang sơ, chỉ có vài xóm nhà tranh vách đất lơ thơ ẩn dưới những khóm tre còi cọc. Nhưng cái hình ảnh “núi bọc chung quanh biển mịt mờ” đã phần nào khái quát vẻ đẹp vừa hùng vĩ vừa nên thơ của quê hương Quảng Bình. Vùng đất Bố Chính thời đó đã nổi tiếng là “miền gái đẹp”: “Gái thắt lưng ong khoe yểu điệu”. Câu thơ này khiến tôi liên tưởng đến hai câu thơ khá hay của Xích Bích sau này: Nơi có những mùa dâu đậm lá/ Cho gái làng cô nào trông cũng xinh (Làng).

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Đọc bài thơ Viếng chùa Thần Đinh của Phan Thanh Giản, tôi cứ ao ước có một ngày nào đó bước vào hang chùa, nâng chén trà ngon, ngồi đàm đạo kinh kệ với sư thầy. Tôi sẽ đi vào thật sâu trong hang tìm cho bằng được trống chiêng của người xưa để lại.

Riêng bài Mùa xuân từ Lệ Sơn trông ra của Nguyễn Hàm Ninh làm cho tôi vô cùng xúc động. Mỗi khi nước ta đứng trước hiểm họa ngoại xâm, những câu thơ của Nguyễn Hàm Ninh âm vang như lời thề “Sát Thát”: “Sông núi nước Nam không lay chuyển!”. Đó là ý chí, là quyết tâm tiêu diệt bất cứ kẻ nào muốn lăm le xâm phạm bờ cõi nước ta.

Thời làm Cai bạ Quảng Bình, Nguyễn Du sáng tác trên 20 bài thơ. Trong số 7 bài tuyển chọn vào Quảng Bình kỳ thú nước non, theo tôi  bài Ngẫu đề cần phải xem lại. Ngẫu đề là tâm trạng nhà thơ khi mới được điều vào làm quan ở Huế. Vì mới vừa nhậm chức, lương hướng chưa được bao nhiêu, lại hay đau ốm nên mới có hai câu: Hồng Lĩnh gào ăn mười miệng đói/ Thành đông nằm bệnh một thân đau. “Thành đông” là góc phía đông kinh thành Huế bây giờ. Toàn bài Ngẫu đề không hề có gì dính dáng đến “nước non kỳ thú” của Quảng Bình cả.

Phần II là thơ của của các tác giả đương đại. Tập thơ quy tụ nhiều tác giả quen thuộc của vùng quê Quảng Bình: Đỗ Hoàng, Lê Đình Ty, Trương Văn Quê,  Văn Tăng, Phan Văn Chương, Đỗ Duy Văn, Cảnh Giang, Văn Lạc...  Ngoài những bài thơ  được nhiều người biết đến như: Đèo Ngang của Văn Lợi, Đá Nhảy của Hồng Thế, Nhật Lệ trăng huyền thoại của Lý Hoài Xuân... tôi đặc biệt yêu thích các bài Trước núi Thần Đinh của Nguyễn Bình An, Với Phong Nha của Hải Kỳ và Huyền thoại với Phong Nha của Hoàng Bình Trọng.

Cái hay của bài Trước núi Thần Đinh là hay về tứ. Tác giả Nguyễn Bình An đã mượn núi Thần Đinh để nói rằng nhân dân quyết không khuất phục trước quyền lực: Vua phán ngàn lần bất nghĩa/ Người đời cứ gọi Thần Đinh. Tôi thấy bây giờ hình như một số người làm thơ không hề quan tâm đến tứ nên cứ nói chuyện nọ xọ chuyện kia, rối rắm, lung tung cả lên. Thơ càng “hiện đại” phải càng có tứ. Có một từ trong bài thơ này, tôi thấy nhẹ quá, không thật phù hợp với cái tứ mạnh mẽ của toàn bài. Đó là từ “phát” trong câu: Đế vương ngầm ghen thế núi/ Vung roi phát Bất Nghĩa Sơn. Giá như tác giả thay từ “phát” bằng từ “quất” như trong câu “Roi vua quất lên đá núi/ Hằn đau tâm tưởng nhân gian” thì hợp hơn.

Cái hay của Với Phong Nha là cái hay về tình. Hải Kỳ đã mượn Phong Nha để khẳng định sức mạnh của tình yêu: Tình yêu thấm đá cũng mềm/ Thấm người ngơ ngẩn trước thềm Thiên Thai. Người xưa nói “Thử thời vô thanh thắng hữu thanh”. Cái vẻ đẹp im lặng chỉ có thể cảm nhận bằng im lặng: Đá thề ngậm nói muôn sau/ Ẩn trong hình khối thẳm sâu tâm hồn/ Người còn biết nói gì hơn/ Thấu trong im lặng mạch nguồn núi sông. Với tôi, đây là những câu thơ rất đỗi tài hoa. Đứng trước vẻ đẹp của Phong Nha, không phải ai cũng viết được những câu thơ tài hoa như thế.

Còn cái hay của Huyền thoại với Phong Nha là sức tưởng tượng bay bổng của tác giả: Tiếng cồng chiêng dẫn lối mòn tiền sử/ Ta ung dung cưỡi ngựa chín hông mao/ Theo Thạch Sanh, ta cứu nàng công chúa/ Theo Quần tiên, ta mở tiệc Vườn Đào. Nhà thơ Hoàng Bình Trọng đã đặt mình trong thời gian ba chiều: Ta là người của nghìn muôn năm trước/ Cũng là người của ức triệu năm sau. Và: Ta hóa đá trái tim này lãng tử/ Để đời đời huyền thoại với Phong Nha.

Người viết bài này cũng may mắn được góp mặt một bài thơ viết về Phong Nha. Nhưng bên cạnh niềm vui là nỗi buồn vì biên tập đã tự ý thay đổi “phông màn” thành “mây ngàn”. Câu thơ đầy đủ của tôi là: Lụa buông lớp lớp, hàng hàng/ Thoạt trông cứ ngỡ phông màn thiên nhiên. Thay “phông màn” thành “mây ngàn” thì từ “thiên nhiên” là thừa. Ở Phong Nha có chỗ hệt như sân khấu bằng đá do bàn tay con người khéo léo sắp đặt. “Phông màn” nhằm gợi cái vẻ đẹp độc đáo của cái “sân khấu” thiên nhiên ấy.

Tôi nghĩ: biên tập phải nên tôn trọng ý đồ tác giả, không nên tùy tiện sửa đổi. Tôi cũng lấy làm tiếc là trong Quảng Bình kỳ thú nước non vắng bóng những bài thơ khá hay viết về “nước non kỳ thú” Quảng Bình của các nhà thơ nổi tiếng như: Xuân Hoàng, Hà Nhật, Hoàng Vũ Thuật, Trần Nhật Thu...

Trên đây chỉ là một vài cảm nghĩ hết sức chủ quan của tôi khi đọc Quảng Bình kỳ thú nước non. Tôi tin là những tập tiếp theo do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tỉnh Quảng Bình biên soạn sẽ đầy đủ, tinh lọc và thận trọng hơn.

Mai Văn Hoan

-----------------------------------------------
(*) Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2013


 

,
.
.
.