Nghĩ thêm về thời đại Hùng Vương

Cập nhật lúc 16:40, Thứ Sáu, 19/04/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Theo sách Việt Sử lược thì khởi đầu của thời Hùng Vương là khoảng cuối thế kỷ VII tr.CN, còn sách Đại việt sử ký toàn thư thì cho rằng: "Kỷ Hồng Bàng Thị, Kinh Dương Vương, tên húy là Lộc Tục, con cháu Thần Nông thị Nhâm Tuất năm thứ nhất".

 

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba

Nhân kỷ niệm ngày giỗ Tổ 10 tháng 3, xin được giới thiệu một vài nét về thời đại Hùng Vương qua một số sưu tập hiện vật nhằm đưa ra một số thông tin làm sáng tỏ đôi chút về thời đại Hùng Vương.
Trước hết nói về cương vực, thời gian tồn tại và cư dân thời các vua Hùng.

Theo huyền sử kể lại "Lộc tục là dòng dõi Viêm đế Thần Nông được phong làm vua cai quản Phương Nam, hiệu là Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương lấy con gái thần Động Đình sinh ra Sùng Lãm, nối ngôi cha hiệu là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ dòng dõi tiên, sinh ra một bọc trăm trứng, nở thành 100 người con trai. Sau một thời gian Lạc Long Quân nói với Âu Cơ ta là giống rồng, nàng là giống tiên, khó bề đoàn tụ lâu dài nên chia  Âu Cơ đưa 50 người con lên núi tôn người con trưởng làm vua hiệu là Hùng Vương, 50 người con theo cha lên xuống biển.

Huyền sử còn nói Lạc Long Quân còn dạy cho dân làm ruộng, cấy lúa, gây dựng xóm làng, trừng trị kẻ ác. Lạc Long Quân còn cho đóng các loại thuyền lớn diệt ngư tinh....Qua màn sương huyền bí của huyền sử, vẫn cho thấy bóng dáng của lịch sử. Sự phân chia con lên rừng xuống biển phải chăng muốn nói lên sự gia tăng dân số của thời kỳ này đòi hỏi phải mở rộng địa bàn sinh tụ phát triển nhưng quan hệ huyết thống vẫn được coi là cơ sở vững chắc để tạo ra sự cố kết cộng đồng. Và câu chuyện của Lạc long Quân cũng đã phản ánh một cuộc di dân của người Việt cổ từ vùng núi xuống trung du và vùng đồng bằng ven biển để khai thác vùng châu thổ, biến thành những cánh đồng màu mỡ.

Những phát hiện về khảo cổ học thì xác định khởi đầu của thời kỳ này là việc phát hiện các di chỉ Phùng Nguyên- Đồng Đậu- Gò Mun có niên đại chừng 4000 năm trước - Khởi đầu cho văn minh Việt cổ. Dựa vào những thành tựu văn hóa khảo cổ học được coi là nền tảng văn hóa sơ khởi chuẩn bị cho sự xuất hiện giai đoạn mở đầu thời kỳ dựng nước: Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun (thuộc giai đoạn văn hóa tiền Đông Sơn khung niên đại từ nửa đầu thiên niên kỷ II trước Công nguyên đến nửa cuối thiên niên kỷ I tr.CN). Bộ sưu tập hiện vật ở các di chỉ trên cho thấy cụ thể con đường mà Tổ tiên ta trải qua tiến tới Văn hóa Đông Sơn phát triển một cách rực rỡ.

Theo sách Việt Sử lược thì khởi đầu của thời Hùng Vương là khoảng cuối thế kỷ VII tr.CN, còn sách Đại việt sử ký toàn thư thì cho rằng: "Kỷ Hồng Bàng Thị, Kinh Dương Vương, tên húy là Lộc Tục, con cháu Thần Nông thị Nhâm Tuất năm thứ nhất". Còn sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng nói về niên đại tương tự như sách Đại Việt sử ký toàn thư. Theo truyền thuyết thì thời Hùng vương gồm 18 đời vua tồn tại khoảng 200 năm. Sau đó nhường ngôi cho Thục Phán vào năm 258 tr. CN. Như vậy thời gian tồn tại của thời các vua Hùng là trong khoảng từ thế kỷ VII tr.CN đến giữa thế kỷ III tr. CN.

Dân cư thời Hùng Vương là cư dân Việt cổ. Sự phát hiện các sưu tập hiện vật thuộc văn hóa Đồng thau- Đông Sơn và thời đại kim khí (ứng với đồ đồng và sắt sớm) với đầy đủ loại hình đã phác vẽ toàn cảnh về sự phân bố dân cư thời đại Hùng Vương: dọc theo địa hình trung du xen kẻ gò đồi vùng núi, vùng đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ, vùng ven biển  đầm phá đã có cư dân sinh sống. Với sự hiện diện của hàng trăm di tích khảo cổ học phân bố từ bắc đến Trung bộ cho một khối lượng lớn sưu tập hiện vật: Rìu tứ giác, rìu xòe cân các loại, lưỡi cuốc, lưỡi cày đồng, đục, dao găm, mũi tên, lẩy nỏ, bao tay,... dụng cụ: như thạp, thố đồng, bình, đèn đồng, các loại khuyên tai, lục lạc,...

Đặc biệt hiện vật trống đồng - loại nhạc khí chủ đạo được phát hiện nhiều nơi chứng tỏ địa bàn nhà nước Văn Lang thời các vua Hùng đã kéo dài cương vực. Cư dân thời các Vua Hùng đã có cuộc sống với đủ loại ngành nghề. Trong đó đã có dấu tích của các lễ hội văn hóa, dấu tích của làng nghề trên các hiện vật trống đồng. Như vậy thời đại Hùng Vương đã có những mỏ đồng lộ ra, được khai thác với số lượng đáng kể để đưa vào luyện đúc thành các loại dụng cụ khác nhau. Có công cụ phức tạp về mặt kỹ thuật, mỹ thuật như đúc trống, thạp đồng.

Quá trình đúc cho thấy kỹ thuật và công nghệ hoàn chỉnh, từ khai thác nguyên liệu, tuyển chọn và vận chuyển vật liệu. Quy trình luyện đúc đồng trong những lò chuyên môn để đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ và nghệ thuật. Kỹ thuật pha chế hợp kim, chế tạo khuôn mẫu, xây cất lò nung bảo đảm nhiệt độ cần thiết, hoàn chỉnh sau khi đúc xong. Các công đoạn dường như ăn khớp với một sự tổ chức điều hành thống nhất và có hiệu quả. Qua đó cho thấy sự xuất hiện lao động thủ công theo kiểu công trường thủ công để sản xuất hàng loạt công cụ, đồ dùng, nhạc khí...

Trống đồng thì được đúc với khuôn 2 mang, 2 mặt khuôn nhẵn và kín, có đánh dấu giáp khuôn, trên khuôn có đậu rót, đậu ngót, đậu hơi, một số khuôn có lỗ thông hơi. Khuôn đúc rìu đồng được làm bằng đá sa thạch cũng có lỗ đậu ngót, đậu hơi.Chứng tỏ trình độ đúc đã đạt đến trình độ cao. Cư dân thời các Vua Hùng đã nhanh chóng chiếm lĩnh được kỹ nghệ khai thác và chế tạo đồng thau. Công cụ đồng ra đời đã thúc đẩy nghề trồng lúa nước, chăn nuôi và săn bắn cùng một số loại hình kinh tế khác. Với các công cụ bằng đồng như cuốc đồng, cày đồng, cư dân thời Hùng Vương đã sử dụng để làm đất gieo trồng lúa. Cư dân Văn Lang đã làm đất trên các đồng ruộng Lạc.

Với truyền thuyết Vua Hùng dạy dân cày cấy, cho thấy thời kỳ Hùng vương đã biết thuần dưỡng các con vật nuôi như trâu, bò. Đó là bằng chứng thuyết phục về cày ruộng với sức kéo của trâu bò còn được khắc chạm trên trống đồng làng Vạc I (Nghệ An). Đó là một thành tựu có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế thời Hùng Vương. Nền kinh tế đã chuyển từ phương thức chiếm đoạt sang phương thức khai thác tự nhiên mà chủ yếu là nông nghiệp. Dưới thời các Vua Hùng, cư dân đã biết khai phá và sử dụng nhiều loại đất ở nhiều địa hình khác nhau. Kỹ thuật làm đất được coi như là khâu đầu tiên của nghề nông, Có thể tùy vào từng loại đất để có được trình độ kỹ thuật làm đất thích hợp.

Từ làm đất thô sơ bằng chọc lỗ tra hạt đến cuốc và cuối cùng là cày. Họ đã biết gieo trồng các giống cây lương thực: Lúa, khoai, ngoài ra còn trồng tỉa các loại ngũ cốc:kê, đậu mè,... và hoa màu khác.Các loại quả như quả dưa hấu  qua truyền thuyết của Mai An Tiêm. Trong sản xuất cư dân Hùng Vương còn đúc rút kinh nghiệm qua quá trình, chu kỳ sinh trưởng của cây để chăm sóc, thuần dưỡng: như kinh nghiệm chăm sóc, tưới nước, thu hoạch, bảo quản và chế biến nông sản.

Một công đoạn không kém phần quan trọng phản ánh trung thực trình độ riêng của nghề nông là chế biến và xay xát lương thực của cư dân Hùng Vương. Họ dùng chày nghiền, bàn nghiền để xát thóc, dùng cối giã thóc với hai ba người giã chày tay, hình ảnh đó đã được lưu lại, đưa vào trong cảnh sinh hoạt trên trống đồng Đông Sơn, trống  đồng Ngọc Lũ và nó còn bảo lưu cho đến ngày nay. Với những chiếc cối giã họ có thể chế biến các loại bánh chưng, bánh dày như truyện Lang Liêu con trai thứ sáu của Hùng Vương đã làm bánh chưng bánh dày dâng lên vua cha. Đó cũng là lời tuyên cáo" lấy nghề nông làm gốc" ở thời vua Hùng.

Với sự phát triển của nghề nông, nghề thuần dưỡng vật nuôi, chăn nuôi cũng đã hình thành. Lợn là con vật nuôi lấy thịt đầu tiên trong nghề nuôi. Ngoài ra họ còn thuần dưỡng gia súc, gia cầm: chó, gà, vịt... những con vật này đều được cư dân Hùng Vương đưa vào các tác phẩm chạm đúc như đĩa đèn dầu, trống, thạp... Các nghề mộc với các công cụ từ đồng đã giúp họ đóng những con thuyền đi trên sông, trên biển, họ làm nhà ở, làm cán các công cụ cuốc, mai thuổng... Nghề dệt vải, đan lưới cũng đã có để phục vụ cho họ đan lưới, may áo quần,... Thời Hùng Vương đã có sự phân công ở mức độ nhất định và có điều kiện tạo sự chuyên môn hóa cao với các tay thợ lành nghề.

Trên cơ sở kinh tế phát triển, đời sống vật chất nâng cao, xã hội thời các vua Hùng đã có sự biến chuyển. Đó là sự phân công trong các ngành kinh tế. Có những nhóm người chuyên làm những công việc khác nhau: nhóm chuyên khai thác đồng, nhóm chuyên đúc... dẫn đến sự phân chia tài sản vật chất một cách rất tự nhiên giữa các nhóm và phân chia quyền hạn đối với tư liệu lao động sản xuất để làm ra của cải. Mặc dù chưa rõ ràng nhưng đã có sở hữu tư nhân xuất hiện. Có tầng lớp thống trị mà trên cùng là vua, dưới vua là các lạc hầu, lạc tướng. Dưới bộ có các kẻ, chiềng, chạ do các già làng quản lý điều hành công việc. Một dạng thức của "hội đồng" bao gồm các đại biểu do các Lạc dân cử ra để bàn một số công việc chung: Thủy lợi, khai phá đất hoang, động viên dân binh...

Cuộc sống xã hội "Vua tôi gần gũi yêu thương, lề lối kéo dài mấy ngàn năm vẫn y vậy" (Theo Đại Việt sử lược, Đại Việt sử Ký toàn thư). Dưới thời các Vua Hùng, gia đình nhỏ theo chế độ phụ hệ đã trở nên phổ biến, đảm nhiệm tế bào của xã hội. Tuy nhiên địa vị của phụ nữ vẫn được tôn trọng. Công xã thị tộc nhường chỗ cho công xã nông thôn với tên gọi cổ xưa: Kẻ, chạ. Gia đình và dòng họ thời vua Hùng là những kết cấu kinh tế  và huyết thống đảm bảo cho quá trình phát triển của các thành viên cộng đồng.

Mỗi đơn vị Kẻ- làng Việt cổ có địa vực riêng gồm các thành viên là các gia đình lấy địa vực cư trú làm nguyên tắc cấu thành. Làng Việt cổ dưới thời các Vua Hùng là cơ sở kinh tế  của xã hội, là địa bàn bảo lưu, duy trì phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc. Với thực trạng kinh tế- xã hội như trên cho thấy lúc này nhà nước Văn Lang đã xuất hiện. Với nhu cầu lịch sử lúc đó đòi hỏi phải đồng tâm hiệp lực cả cộng đồng cư dân, cùng nhau xây dựng nền Văn minh Đông Sơn nhằm tạo ra khối đoàn kết thống nhất đặt dưới sự quản lý điều hành của tổ chức nhà nước, để từ đó huy động sức mạnh toàn dân chống lại thiên tai, giặc giã.

Với các sưu tập hiện vật, các di chỉ khảo cổ học và qua các tài liệu thành văn, bất thành văn đã minh chứng hùng hồn về sự hiện diện của thời đại Hùng Vương. Ngày nay chúng ta có quyền tự hào về công lao của các vua Hùng đã có công dựng nước. Chúng ta phải gìn giữ bảo vệ những tài sản văn hóa vật thể và phi vật thể mà cha ông xưa đã tạo dựng như Bác Hồ đã từng dạy:

“Các Vua Hùng đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

                                                                                  T.T.D.H
                                                                    (Bảo tàng Quảng Bình)





 

,
.
.
.