Hiệu quả từ phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" ở Đồng Hới

Cập nhật lúc 14:00, Thứ Tư, 17/04/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Nhờ triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" (TDĐKXDĐSVH), thành phố Đồng Hới đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực đời sống và xã hội. Không chỉ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần cho người dân, đẩy lùi và bài trừ các tệ nạn xã hội, phong trào TDĐKXDĐSVH đã khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tinh thần tương thân tương ái của nhân dân trên địa bàn thành phố Đồng Hới.

Phong trào "TDĐKXDĐSVH" là cuộc vận động sâu rộng được triển khai liên tục và lâu dài, có tác dụng tích cực và sâu sắc đến nhiều phong trào thi đua khác. Phát huy tốt hiệu quả phong trào là góp phần tích cực vào việc xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Từ rất lâu, phong trào đã được triển khai thực hiện ở các cấp xã, phường, thôn, tiểu khu của thành phố Đồng Hới và đến nay đã  đạt được kết quả quan trọng. Phong trào có bước phát triển mới về chất, được các cấp uỷ Đảng, chính quyền và dư luận xã hội đánh giá cao. Thông qua phong trào, xuất hiện các điển hình tiên tiến; các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Xác định phong trào xây dựng gia đình văn hóa có ý nghĩa quan trọng đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi cá nhân, hàng năm, Ban chỉ đạo phong trào "TDĐKXDĐSVH" thành phố đã chỉ đạo các ngành liên quan, UBND các xã, phường  tổ chức kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam 28-6, đồng thời chỉ đạo thực hiện tốt đề án tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam tại xã Đức Ninh và phường Bắc Nghĩa, từng bước nhân rộng ra các địa phương khác. Thành phố đã tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết dân tộc” và công bố danh sách các gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa trong năm, biểu dương các gia đình văn hóa tiêu biểu trong phong trào "TDĐKXDĐSVH" và phát động phong trào thi đua đăng ký gia đình văn hóa năm tiếp theo nhằm tôn vinh ý nghĩa, vai trò của gia đình trong sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước.

Nhờ vậy, phong trào xây dựng gia đình văn hóa thực sự đi vào mỗi hộ gia đình, thôn và tiểu khu. Qua thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, chất lượng cuộc sống của hầu hết các gia đình đã được nâng lên, ý thức trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình ngày càng cao nên đã góp phần đẩy lùi và bài trừ các tệ nạn xã hội. Công tác bình xét gia đình văn hóa tại các khu dân cư ngày càng chặt chẽ và có chất lượng. Hàng năm, các địa phương đều tổ chức sơ kết và rút kinh nghiệm, động viên khen thưởng kịp thời nên phong trào đã đi vào chiều sâu và bền vững.

Lễ hội truyền thống múa bông chèo cạn được thành phố Đồng Hới tổ chức vào dịp Tuần Văn hóa-Du lịch hàng năm, thu hút gần 200 diễn viên quần chúng tham gia.
Lễ hội truyền thống múa bông chèo cạn được thành phố Đồng Hới tổ chức vào dịp Tuần Văn hóa-Du lịch hàng năm, thu hút gần 200 diễn viên quần chúng tham gia.

Năm 2000, toàn thành phố có 15.000/21.295 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa (chiếm 70%) thì đến năm 2012 có 23.675/25.539 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa (chiếm 92,7%). Từ năm 2000 đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 21.579 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa 3 năm liên tục, chiếm 86,5%; trong đó có 21 gia đình được UBND tỉnh tặng bằng khen, 5 gia đình được tham dự hội nghị gia đình văn hóa tiêu biểu toàn quốc.

Song song với phong trào xây dựng gia đình văn hóa, việc xây dựng “Làng  văn hóa”, “Khu phố văn hóa” luôn được các cấp, các ngành trên địa bàn Đồng Hới quan tâm và được nhân dân tích cực hưởng ứng. Thông qua phong trào này, tính tự nguyện, tự quản, ý thức trách nhiệm của mọi cá nhân, của cộng đồng ngày càng được nâng cao. Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, nhân đạo từ thiện, tình làng nghĩa xóm, giúp nhau phát triển kinh tế để giảm nghèo cũng được khơi dậy và phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Từ con số 14 thôn, tiểu khu đạt chuẩn làng văn hóa, khu phố văn hóa vào năm 2000 (đạt 10%), đến nay Đồng Hới đã có 111 thôn, tiểu khu đạt chuẩn làng văn hóa, khu phố văn hóa (chiếm 71,6%). Riêng trong năm 2009, thôn Thuận Hòa, xã Thuận Đức là 1 trong 3 làng văn hóa tiêu biểu của tỉnh vinh dự được chọn tham gia hội nghị tổng kết 20 năm xây dựng làng văn hóa toàn quốc.

Một nét mới trong phong trào xây dựng "Đơn vị văn hoá" ở Đồng Hới hiện nay là các cơ quan, đơn vị đã lồng ghép xây dựng văn minh đô thị vào phong trào xây dựng "Đơn vị văn hoá" của mình. Việc làm này đã có tác dụng tích cực đến việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả lao động, góp phần giúp các đơn vị hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch công tác và sản xuất kinh doanh của mình. Các chế độ, chính sách đối với người lao động cũng được thực hiện chặt chẽ theo quy định, đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ công nhân viên chức không ngừng được cải thiện và nâng cao, cơ sở vật chất hạ tầng và các thiết chế văn hoá ở các đơn vị được xây dựng đồng bộ khang trang, nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội được thực hiện nghiêm túc, nhiều hủ tục đã được hạn chế.

Phong trào văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao trong các cơ quan, đơn vị được duy trì thường xuyên, nhiều đơn vị đã tổ chức hội diễn, hội thi nhân dịp kỷ niệm ngành, các ngày lễ lớn của dân tộc với nhiều hoạt động phong phú.

Các ngành, đơn vị đã bám sát kế hoạch của Ban chỉ đạo thành phố và các tiêu chuẩn xây dựng đơn vị văn hoá, lồng ghép triển khai phong trào bằng các nội dung thiết thực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành mình như các đơn vị lực lượng vũ trang đã tăng cường đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng môi trường văn hoá gắn với công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Lực lượng công an triển khai các biện pháp giáo dục chính trị tư tưởng, gương mẫu thực hiện xây dựng đơn vị công an có đời sống văn hoá tinh thần phong phú, nếp sống văn minh lành mạnh, giữ gìn phẩm chất đạo đức người chiến sỹ công an, lồng ghép vào các phong trào của ngành như "Phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự an ninh thôn xóm". Ngành giáo dục đào tạo đã gắn nội dung các phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt", "Xây dựng mái trường bình yên không có tôi phạm", "Nói lời hay, làm việc tốt" vào việc thực hiện cuộc vận động, đã thu hút đông đảo cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh tích cực tham gia.

Các đơn vị sản xuất kinh doanh đã lồng ghép các nội dung của phong trào với phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, an toàn trong lao động sản xuất, bảo đảm lợi ích của khách hàng, từng bước xây dựng thương hiệu doanh nghiệp gắn với thương hiệu Đồng Hới. Năm 2005, trên địa bàn thành phố có 54 cơ quan, đơn vị đạt "Đơn vi văn hoá" thì đến nay con số đó đã tăng lên trên 130 đơn vị. Riêng giai đoạn từ năm 2000 đến 2010, cơ quan Công an thành phố là đơn vị văn hóa tiêu biểu toàn quốc được Bộ Văn hóa thông tin và Du lịch khen thưởng. 

Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 có 92% hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa; 75% thôn, tiểu khu đạt danh hiệu làng văn hóa, khu phố văn hóa; 92% cơ quan, đơn vị, trường học đạt danh hiệu đơn vị văn hoá... UBND thành phố Đồng Hới đang tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, thủ trưởng cơ quan, các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị đối với các phong trào. Thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả các nội dung, tiêu chí xây dựng đời sống văn hoá phù hợp với tính chất, đặc điểm từng loại hình cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp. Trong đó nội dung trọng tâm là đề cao trách nhiệm cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức gương mẫu thực hiện cuộc vận động nhằm đưa các phong trào phát triển toàn diện, rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội của thành phố.

                                                                            Hiền Chi










 

,
.
.
.