Giỗ tổ Hùng Vương: Hướng về đất Tổ nghìn năm linh khí!

Cập nhật lúc 16:42, Thứ Sáu, 19/04/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Cứ mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng vương 10-3 (âm lịch) hàng năm, những người con đất Quảng Bình “hai giỏi” cùng dâng hương thành kính đồng vọng về đất Tổ, tỏ lòng biết ơn các vua Hùng đã có công dựng nước và các thế hệ cha ông đã anh dũng đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cách đây đúng tròn 13 năm, vào ngày đầu xuân tháng 3 năm 2000, những người con đất Quảng Bình anh dũng, kiên cường đã có cuộc hành hương trở về với đất Tổ (Đền Hùng, TP.Việt Trì, Phú Thọ), về với cội nguồn linh thiêng của dân tộc Việt Nam. Và cũng từ chuyến đi này, họ đã mang về mảnh đất miền Trung gió Lào cát trắng những giọt nước tinh ngần từ Giếng Ngọc, những nắm đất mang hồn thiêng sông núi ở Mộ Tổ và những chân hương tượng trưng cho khí thiêng đất trời tại Đền Thượng. Để rồi từ giây phút đó, con rồng cháu tiên từ đất Quảng Bình đã có thể thỏa nỗi mong chờ, cùng dâng hương thành kính đồng vọng về đất Tổ.

Ông Văn Lợi, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin (cũ), Trưởng đoàn rước vật tổ từ Phú Thọ về Quảng Bình, vẫn còn vẹn nguyên sự xúc động, bồi hồi của chuyến về nguồn đó. Quảng Bình là một trong những tỉnh sớm nhất cả nước thực hiện hành trình về nguồn. Ông cho biết dường như trời đất và anh linh các vua Hùng thấu hiểu tình cảm, nỗi mong nhớ của những người con Quảng Bình, cho nên, chuyến đi vô cùng suôn sẻ và may mắn. Với sự giúp đỡ nhiệt tình, trân trọng, không quản vất vả của các đồng nghiệp tỉnh Phú Thọ, phái đoàn tỉnh ta đã nhanh chóng hoàn thành các nghi lễ thành kính xin nước từ Giếng Ngọc, xin đất từ Mộ Tổ và xin chân hương từ Đền Thượng.

Một thành viên trong đoàn, ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình, nhớ lại không khí ấm cúng, linh thiêng khi hòa cùng du khách thập phương tại Đền Hùng và thổn thức: "Như cảm giác về với nơi cội nguồn hồn thiêng sông núi hội tụ của người con nhiều năm lưu lạc chốn phong trần".

Dâng lễ vật lên Tổ Hùng Vương. Ảnh: C. T. S
Dâng lễ vật lên Tổ Hùng Vương. Ảnh: C. T. S

Ngay trong chuyến đi này, nhà thơ Văn Lợi đã cho ra đời một tác phẩm được nhiều bạn yêu thơ biết và rất thích, bởi ông đã có công khám phá ra tại Đền Hùng, tồn tại một hình tượng cây thiên tuế trổ 3 tầng như 3 miền Bắc, Trung, Nam sum họp một nhà và cây Chò xanh mát như bóng dáng tổ tiên:

"Con cháu về đất Tổ ngày xuân
700 năm thiên tuế biếc xanh cành
Cây trổ ba tầng như đất nước
Ba miền hội tụ ánh long lanh
...
Bóng Chò mát rượi hồn Tiên Tổ
Ngỡ dáng cha ông đứng đón chờ..."

Khi đoàn về đến Quảng Bình, một lễ rước nghiêm trang, thành kính đã được tổ chức đưa vật tổ về với Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Và cũng từ đây, vật tổ được chia đôi, tiếp tục làm lễ rước đưa về khu nhà truyền thống Cây Đa Chùa Ông của TP.Đồng Hới. Xin được nói thêm đôi chút về di tích Cây Đa Chùa Ông, để được hiểu thêm lý do vì sao vật tổ được thờ cúng nơi đây.

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, Cây Đa Chùa Ông thuộc địa phận phường Hải Đình, trước đây là hai địa danh Đồng Hải và Đồng Đình. Đồng Đình là phường duy nhất có nhiều cụm đền, miếu, đình, chùa như quần thể, trong đó Chùa Ông được biết đến nhiều hơn cả. Chùa lại được phủ thêm nhiều sự tích, huyền thoại về cây đa cổ thụ sừng sững, uy nghiêm trước chùa, mang đậm nét văn hóa dân gian. Cây đa đã có từ rất lâu đời, chứng kiến bao thăng trầm, đổi thay của thành phố Hoa hồng.

Trong kháng chiến, Chùa Ông còn là nơi cất giấu vũ khí, tài liệu và là nơi hội họp cho cán bộ, dân quân, du kích địa phương. Tiếc thay, bom đạn chiến tranh đã san phẳng ngôi chùa linh thiêng, chỉ có cây đa vẫn đâm chồi nảy lộc, hiên ngang và kiêu hãnh. Năm 2005, do quá già cỗi và bị bão tàn phá, cây đa đã bị gãy và chỉ còn phần gốc. Một cây đa mới trẻ trung, tươi xanh đã được trồng bên cạnh. Nhưng, di tích Cây Đa Chùa Ông vẫn vẹn nguyên trong tâm trí người dân Đồng Hới như minh chứng cho sự ác liệt của chiến tranh, sự phấn đấu vươn lên không ngại gian khổ, giáo dục truyền thống yêu nước cho lớp trẻ và thể hiện tinh thần yêu chuộng hòa bình.

Từ năm 2000, cứ vào Giỗ Tổ Hùng Vương 10-3 hàng năm, nhất là vào những năm chẵn, TP.Đồng Hới lại long trọng tổ chức các hoạt động nhằm tuyên truyền giáo dục truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", lòng biết ơn các vua Hùng đã có công dựng nước và các thế hệ cha ông đã anh dũng đấu tranh xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Phần lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng tại Cây Đa Chùa Ông được tổ chức trang nghiêm, thành kính với sự tham gia của lãnh đạo các cấp, ban, ngành, đoàn thể và đông đảo người dân thành phố. Bà Nguyễn Thị Hồng, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP.Đồng Hới, cho biết mâm lễ cúng không thể thiếu bánh chưng, bánh dày, hương hoa, nước, trầu, cau, rượu và ngũ quả. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi động như biểu diễn võ dân tộc.. được tổ chức, thu hút sự quan tâm của nhân dân.

Ông Trần Đình Dinh, Chủ tịch UBND TP.Đồng Hới, khẳng định đây là nét văn hóa truyền thống nhiều năm qua của thành phố, hướng về cội nguồn, hướng về đất Tổ. Đồng thời, đây cũng là dịp phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tinh thần đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy ý thức tự lực tự cường và tự tôn dân tộc, phát huy nội lực, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội đã đề ra, quyết tâm xây dựng thành phố ngày càng giàu mạnh, văn minh.

                                                                                             Mai Nhân



 

,
.
.
.