Con ốc đực với... Hội rằm tháng Ba

Cập nhật lúc 10:08, Thứ Hai, 22/04/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Từ xưa đến nay ốc đực là một món ăn quen thuộc hàng ngày của người dân Minh Hóa. Và bây giờ, ốc đực đã trở thành món ăn đặc sản mà người dân nơi đây dùng để tiếp đãi bạn bè, du khách. Thế nhưng, con ốc đực xuất phát từ đâu, vì sao gọi là ốc đực, người ta bắt ốc đực như thế nào, ở đâu, con ốc đực về với Hội Rằm tháng Ba ra sao... thì không phải ai cũng biết.

Sự tích con ốc đực

Nhiều người Nguồn cao tuổi kể lại rằng: ngày xưa, có vợ chồng nhà nọ sống với nhau rất hạnh phúc. Một hôm, người vợ đi hái rau, hái quả bên một con suối về làm bữa ăn cho hai vợ chồng. Trong lúc đang hái rau thì trời đổ mưa rất to khiến nước suối lên nhanh và chảy xiết. Vóc dáng nhỏ bé của một phụ nữ không thể chống chọi lại được con nước dữ và người vợ  bị nước cuốn trôi. Chờ lâu không thấy vợ về, người chồng ở nhà sốt ruột lo lắng chạy ra bờ suối tìm. Tìm mãi nhưng vẫn không thấy vợ ở đâu, người chồng bắt đầu nghĩ đến chuyện không hay đã xảy ra với vợ, cứ chạy xuôi theo bờ suối đi tìm. Anh tìm hết ngày này qua ngày khác.

Hơn một tuần trôi qua, người chồng vẫn không thấy vợ mình anh kiệt sức vì đói rét. Anh đến một tảng đá to nằm thì phát hiện xác vợ mình nằm ngay bên cạnh. Thương vợ quá, anh khóc ròng rã cho đến khi chết. Anh biến thành những con ốc bám chặt vào tảng đá, còn người vợ biến thành một cây ngô mọc bên cạnh.

Bắt ốc đực ở khe Sòn, xã Trọng Hóa.
Bắt ốc đực ở khe Sòn, xã Trọng Hóa.

Về sau, người dân đến vùng đó thấy ốc rất nhiều. Họ bắt ốc đem về luộc ăn thấy ngon và nhớ đến câu chuyện người chồng vì thương vợ quá mà chết và biến thành con ốc. Mặc dù loại ốc đó vẫn đẻ con nhưng người dân trong vùng gọi là ôốc tực (ốc đực). Thấy cây ngô phát triển xanh tốt, dân trong vùng nghĩ đó là cây ăn được nên mang về nhà trồng và nhân giống lên. Thời gian sau, đã phát triển thành một vùng ngô rộng lớn và đơm hoa kết trái. Người ta lấy quả ngô non để luộc ăn, còn quả nào già thì tách hạt, giã, đồ lên làm thức ăn hàng ngày và đặt tên món ăn đó là pồi (bồi). Họ lấy pồi ăn với ốc đực thấy ngon, hợp khẩu vị và no lâu. Hai món ăn đó được người dân Minh Hóa lưu giữ mãi cho đến tận bây giờ.

Săn ốc đực

Con ốc đực sống nhiều nơi trên đất nước ta. Nhưng có lẽ không nơi nào có nhiều ốc đực như ở huyện Minh Hóa. Hầu hết tất cả các khe suối ở trong huyện đều có ốc đực, nhưng nhiều nhất vẫn tập trung ở nước sông Rào Nậy chảy qua vùng Tú Làn, Cao Mại huyện Tuyên Hóa và những con nước ở thượng nguồn sông Gianh, vùng Hóa Sơn, Trung Hóa...

Theo nhiều thợ săn ốc ở Tân Hóa và Minh Hóa kể: muốn săn ốc đực phải chọn mùa nắng nóng từ tháng 2 đến tháng 7 âm lịch. Vì thời điểm này là mùa khô, thời tiết ấm áp, các khe suối cạn hơn những mùa khác. Dụng cụ săn ốc đực là một kính lặn để lặn ban ngày và một cái đèn pin để soi ban đêm. Ngoài ra cần phải có một cái oi (cái giỏ dưới đáy to, trên miệng nhỏ) để đựng ốc. Sau khi ốc đầy oi thì cho vào một cái bao tải.

Nghề săn ốc cũng vất vả nhọc nhằn như bao nghề khác. Bởi gặp những con nước sâu, thợ săn ốc phải lặn ngâm mình dưới nước cả ngày. Nhưng để săn được ốc nhiều, đòi hỏi thợ săn phải có sự kiên trì, thức ngủ tốt để săn vào ban đêm. Vì buổi ngày ốc thường "ngủ" ở dưới những chỗ nước sâu hay ẩn vào các hang đá. Muốn bắt được ốc chỉ có cách phải lặn hay lật những tảng đá to mới có ốc. Săn ốc ban đêm nhẹ nhàng hơn khi chỉ cần một cái đèn pin đeo trên đầu và một cái oi đeo bên hông là có thể bắt ốc được. Ban đêm, ốc đực đi ăn thường lên những chỗ nước cạn hay bám vào tảng đá nên người săn chỉ có việc hốt, nhặt ốc cho vào oi. Đầy oi thì cho vào bao tải rồi chở xe hay gánh về bán.

Anh Cao Văn Minh, một thợ săn ốc có tiếng ở xã Minh Hóa kể: "Tôi đã theo nghề bắt ốc đực hàng chục năm nay rồi. Trước kia, chỉ cần ra sông Rào Nậy trước nhà là có ốc rồi. Nhưng giờ ốc cũng đã khan hiếm nên phải về vùng Tú Làn hay Cao Mại mới có nhiều ốc đực". Có những chuyến đi thuận lợi (khoảng 2 ngày một đêm), vợ chồng anh Minh cũng bắt được khoảng hai trăm lon ốc. Ốc bắt xong đưa về chợ Quy Đạt bán mỗi lon từ 6-7 ngàn đồng. Như thế, vợ chồng anh cũng đã kiếm được bạc triệu sau một chuyến đi. Anh Minh nói tiếp: "Đó là những ngày may mắn thôi, còn khi gặp trời mưa gió hay những ngày nước đục thì coi như mất công, lỗ cả chi phí".

Theo kinh nghiệm của những thợ săn ốc, muốn săn được ốc to và ngon, sạch thì phải chọn thời điểm trăng non, tìm đến những nơi nước chảy, nhất là các thác ghềnh có nhiều đá. Ở huyện Minh Hóa, có rất nhiều người biết săn ốc. Những thợ săn có tiếng thường đến những vùng xa xôi như Lòm, Cá Bời, Tú Làn, Cao Mại... để săn ốc. Còn những cụ già hay các em nhỏ lại săn ốc những nơi gần nhà bằng cách lặn.

Ốc đực được bán tại Hội rằm tháng ba.
Ốc đực được bán tại Hội rằm tháng ba.

Em Cao Thị Như Trà, học sinh lớp 11 ở xã Minh Hóa tâm sự: "Để có tiền đi học, em thường tranh thủ đi săn ốc đực vào những ngày nắng. Nghề lặn ốc cũng vất vả lắm, nhưng bù lại em có một khoản tiền mua sách vở, đóng học phí". Ở xã Tân Hóa, Minh Hóa, Trung Hóa, Thượng Hóa vẫn còn nhiều em học sinh theo nghề săn ốc để kiếm tiền giúp đỡ cha mẹ, làm thực phẩm cho gia đình hàng ngày...

Con ốc đực về với Hội Rằm tháng Ba

Ông Đinh Thanh Dự, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian người Nguồn cho biết: "Con ốc đực có vị trí rất quan trọng trong đời sống, văn hóa của người Minh Hóa nói chung và người Nguồn nói riêng. Đối với cuộc sống, con ốc đực trở thành món ăn quen thuộc từ xa xưa. Còn về giá trị văn hóa, con ốc đực có một vị trí rất quan trọng trong tâm thức của mỗi người dân.

Người Nguồn ở Minh Hóa luôn bảo nhau rằng, khi ăn ốc đực thì nhớ và biết ơn người chồng thương vợ mà chết để hóa thành con ốc. Tiếp khách bằng món ốc đực còn thể hiện được lòng hiếu khách của người Minh Hóa. Thậm chí, họ còn đưa hình ảnh con ốc đực vào văn học: "Trôông cho mau tếêng mùa pồi/ Nhớ con ôốc tực tang ngồi trên vâm" (Trông cho mau đến mùa bồi/ Nhớ con ốc đực đang ngồi trên mâm).

Ngày xưa, đời sống người dân Minh Hóa còn gặp nhiều khó khăn nên phải ăn bồi với ốc đực thay cơm. Từ khi đất nước đổi mới, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống của đồng bào ngày càng đi lên. Gạo làm ra đã đủ ăn. Nhiều hộ không làm lúa nhưng vẫn làm nghề khác để có tiền mua gạo hoặc được Nhà nước hỗ trợ. Vậy là món bồi không còn thịnh hành như xưa mà nhường chỗ cho những bữa com ngon. Thế nhưng, con ốc đực vẫn được người dân làm thực phẩm trong các bữa ăn như là món đặc sản, nhất là trong dịp rằm tháng ba âm lịch. Vì thời gian này là đầu mùa nên ốc đực rất nhiều.

Mặt khác, trong thời gian diễn ra Hội rằm tháng ba, Minh Hóa đón nhiều khách du lịch. Để tỏ lòng hiếu khách, người Minh Hóa chế biến các món ăn từ ốc đực để chiêu đãi. Nắm bắt được điều này, nhiều thợ săn ốc trong huyện lại đổ về các khe suối bắt ốc đực như những mùa vụ năm trước.

Ốc đực thường được luộc chín lên chấm với muối lá chanh, muối ớt, khều bởi gai bưởi ăn rất thơm ngon. Nước luộc ốc có thể nấu canh rau khoai hay các món canh chua khác ăn rất đậm đà, bắt miệng trong mùa nắng nóng. Ngoài ra, ốc đực còn được chế biến thành món ốc chiên, nước ốc chấm với bánh tráng (bánh đa) khiến thực khách ăn một lần sẽ nhớ mãi.

Hội rằm tháng ba năm nay thị trường ốc đực ở Minh Hóa lại sôi động kẻ bán người mua. Có nhiều thương lái mua ốc để tích trữ bán trong những ngày diễn ra lễ hội. Còn người dân thì mua ốc về nuôi để đón tiếp khách quý ở xa. Đến với Hội rằm tháng ba, du khách còn được thưởng thức những món ăn đặc sản lạ miệng mang đặc trưng riêng của Minh Hóa như: trứng kiến, cà lào, măng, mật ong rừng pha với nước chè xanh, bồi... Nhưng có lẽ, ốc đực vẫn là món ăn khoái khẩu làm cho thực khách khó quên nhất mỗi khi đến đây.

                                                                   Xuân Vương - Tiến Hùng







 

,
.
.
.