Ca trù Phong Châu và những giá trị cần lưu giữ

Cập nhật lúc 07:09, Thứ Năm, 16/02/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Tháng 10-2009, ca trù đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới cần được lưu giữ và bảo tồn. Thế nhưng trong dòng chảy mạnh mẽ của tân nhạc hiện đại, ca trù đang có nguy cơ mất dần chỗ đứng của mình.

Như  một món ăn tinh thần không thể  thiếu trong đời sống văn hóa của người Việt xưa kia, ca trù, hay còn gọi là hát nhà trò, luôn chiếm một vị trí quan trọng trong tâm hồn con người trước đây. Nét đặc trưng cũng như sự độc đáo của loại hình nghệ thuật này đã gây ấn tượng mạnh mẽ với đông đảo bạn bè thế giới.

Chúng tôi tìm đến xã Châu Hóa (Tuyên Hóa), nơi có đội ca ca trù Phong Châu vẫn còn lưu giữ được môn nghệ thuật độc đáo này. Chúng tôi đã gặp ông Trần Văn Duể, hiện là chủ nhiệm đội ca trù Phong Châu. Theo lời kể của ông, đội ca trù Phong Châu đã tồn tại được trên 200 năm, theo chân một vị quan Chưởng ấn triều Nguyễn là Nguyễn Đình Hanh về đây. Kể từ đó, trải qua nhiều thế hệ và sự thăng trầm của lịch sử, đội ca trù Phong Châu vẫn tồn tại cho tới tận bây giờ.

Ca trù xưa kia là một loại hình nghệ thuật  được các vua chúa ưa thích. Nó thường xuất hiện trong các ngày lễ trọng đại của đất nước cũng như ngày hội của làng xã. Một chầu hát thường có ba thành phần chính: Một nữ ca sĩ còn gọi là "đào" hay "ca nương" sử dụng bộ phách gõ lấy nhịp, một nhạc công chơi đàn đáy phụ họa còn gọi là "kép" và người thưởng ngoạn gọi là "quan viên" sử dụng trống gõ.

Đội ca trù Phong Châu.
Đội ca trù Phong Châu.

Các bài hát của thể loại này thường có chủ đề ca ngợi non sông đất nước, chiến công của các vị anh hùng dân tộc hoặc là công đức của những vị vua chúa. Mỗi bài hát thường mang một làn điệu khác nhau tạo nên sự phong phú và đặc trưng của loại hình nghệ thuật này. Có thể kể đến một số làn điệu như: hát phú, hát bắc, hát nam, hát lãy, hát luyến, hát kim tiền... Theo ông Trần Văn Duể thì trên toàn quốc có khoảng trên dưới 50 làn điệu khác nhau nhưng hiện chỉ còn duy trì 34 làn điệu, số còn lại đã bị thất lạc và mai một đi theo thời gian.

Bà  Nguyễn Thị Xảo là một trong những nghệ nhân cao tuổi nhất của đội ca trù Phong Châu đã có thâm niên hơn 60 năm trong nghề cho biết: "Tui đi hát từ năm mới 15 tuổi. Cho đến giờ đã gần 80 tuổi rồi nhưng nếu được mời đi hát, dù xa, tui cũng sẵn sàng!". Ông Duể còn cho biết thêm: Đội ca trù Phong Châu đã từng sang Lào biểu diễn và ở trong tỉnh hầu như không ai là không biết đến đội ca trù Phong Châu. Không chỉ trình diễn rất chuyên nghiệp mà các bài hát đội trình bày còn mang ý nghĩa sâu sắc.

Trong cuộc thi văn nghệ toàn tỉnh sau ngày đất nước thống nhất, bài hát với nhan đề "Nước đại thắng", đội đã đạt giải nhì toàn đoàn. Và tháng 4 năm 2010, đội ca trù Phong Châu đã vinh dự đón nhận bằng khen của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch bởi những đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh hát ca trù vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ.
Đội ca trù Phong Châu hiện nay còn 25 thành viên.

Trong đó người cao tuổi nhất năm nay đã ngoài 90 tuổi và người trẻ nhất mới 32 tuổi. Hầu hết các anh chị em trong đội đều là nông dân nên đội gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động. Từ thời gian tập luyện cho đến kinh phí đều do các thành viên trong đội tự sắp xếp và đóng góp. Mỗi cây quạt cho đến những bộ áo quần đều do các thành viên trong đội tự sắm sửa lấy. Bà Nguyễn Thị Xảo tâm sự: "Nhiều khi đến buổi diễn rồi mà các chị em còn phải chạy đi mượn từng bộ áo quần, thế nhưng mà khi nghĩ đến việc biểu diễn cho bà con mình xem, ai cũng thấy vui chú à!". Khó khăn là vậy nhưng vẫn không làm cho một ai trong đội nản lòng.

Ngoài việc tập luyện và biểu diễn cho bà con trong tỉnh xem thì đến nay đội đã truyền dạy nghệ thuật ca trù cho 8 chị em trẻ khác trong độ tuổi từ 30 đến 40, để trong tương lai, môn nghệ thuật này không bị mai một đi. Khi được hỏi về nguyện vọng của đội ca trù Phong Châu, ông Duể nói:  "Chúng tôi chỉ mong sao các cấp chính quyền có sự quan tâm, giúp đỡ và tạo điều kiện cho các anh chị em trong đội để phong trào hát ca trù của địa phương phát triển mạnh mẽ hơn."

Thiết nghĩ, trong xu thế phát triển của xã hội hiện đại ngày nay, khi mà tân nhạc đang ngày càng chiếm ưu thế thì việc lưu giữ và phát huy thể loại nghệ thuật truyền thống này là một yêu cầu hết sức cấp thiết. Và ước mong của ông Duể cũng như các thành viên của đội ca trù Phong Châu là vô cùng chính đáng. Vì vậy, các cơ quan, ban, ngành chức năng cần có những hướng phát triển phù hợp để ca trù lấy lại được chỗ đứng của mình trong lòng người hâm mộ, khi mà những giá trị của nó đã được cả thế giới thừa nhận.

                                                                                     Lê Duy Khánh

,
.
.
.