Quảng Bình trong thơ Ý Nhi

Cập nhật lúc 09:53, Thứ Tư, 08/02/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong lĩnh vực sáng tác thơ ca, lệ thường người ở vùng quê nào thì làm thơ hay về vùng quê ấy (như Tố Hữu làm thơ hay về Huế, Tế Hanh làm thơ hay về miền duyên hải Nghĩa Bình, Nguyễn Đình Thi làm thơ hay về Hà Nội...), nhưng cũng không hiếm trường hợp ngược lại (Hàn Mặc Tử tuy không là người Huế vẫn làm thơ hay về Huế, Bà Huyện Thanh Quan quê không ở Đèo Ngang vẫn làm thơ hay về Đèo Ngang...). Ấy là vì như cố thi sĩ Chế Lan Viên đã đúc kết: "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn.../Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương".

Việc làm thơ hay hoặc không hay về nơi nào đó, phụ thuộc nhiều vào sự gắn bó tình cảm của nhà thơ với vùng đất đã sống và độ chín tâm hồn cũng như tài năng của họ.

Bài thơ Quảng Bình của Ý Nhi nằm trong trường hợp thứ hai này.

Quê gốc của Ý Nhi ở Quảng Nam. Từ tuổi thơ chị đã theo cha tập kết ra Bắc và nhiều năm sống ở Hà Nội. Tuy vậy nhờ những tháng năm đầy ắp nghĩa tình lăn lộn với Quảng Bình, chị đã có được tình cảm nồng nàn khi trở lại:

Chỉ mình tôi nhận biết Quảng Bình

Và chợt hiểu đây miền ta yêu mến

Sau xa cách lặng im, không hò hẹn

Bỗng sững sờ, chính đất của mình

đây

Ý Nhi cảm nhận Quảng Bình từ chiều sâu của những kỷ niệm xúc động:

Đã trở về những động cát gió bay

Nơi em chết giữa năm mười tám

tuổi

Nơi bom nổ, trơ vơ thành Đồng Hới

Em đắp đường, áo vá, tóc vàng

hoe

Thiên nhiên và cảnh tượng chiến tranh mảnh đất Quảng Bình hiện lên trong thơ chị vào thời ấy thật sinh động:

Đã trở về đồi sỏi vắng cây che

Nắng gay gắt trên bờ công sự

Anh khẽ hát bài ca ngọn cỏ

Mắt xa xăm dõi phía chân trời

Đọc Quảng Bình  của  Ý Nhi, chúng ta như được thức tỉnh lại; có khi tự trách mình là người quê hương mà không hiểu hết quê hương bằng Ý Nhi. Nhà thơ nữ ấy đã từng uống "ngụm nước lá sim qua buổi chiều Quảng Trạch". Đã từng "đợi thuyền bên biển đêm không ngủ được", đã từng "đi qua gai gốc những chặng đường", hiểu rõ "hoa mẫu đơn đỏ tươi, hoa chạc chìu tím ngát"... Từ dải đất này, Ý Nhi phát hiện ra "hoa lau trắng theo dấu người phơ phất", "gió biết làm đổi hướng bờ thông" v.v... Viết được những câu thơ hay cho Quảng Bình như vậy đâu dễ gì; phải sống máu thịt với Quảng Bình như thế nào mới có thơ như thế chứ! Chính Ý Nhi đã thừa nhận:

Tôi hoà lẫn trong sắc màu

giọng nói

Sắc màu ở đây vừa là sắc màu của thiên nhiên lại vừa là sắc màu của cuộc đời, sắc màu tâm hồn cao đẹp của con người Quảng Bình. Còn giọng nói, phải chăng trùng hợp với cách nghĩ của Xuân Thủy ở một bài thơ?:

Ngọt lịm yêu thương giọng Quảng

Bình

Ôi "Những đêm dài nghe súng giặc ở bờ Nam/ Lòng theo mãi về nguồn sông Bến Hải"! Ý Nhi cũng như bao người khác đều rất hiểu tấm lòng, con người và trời đất Quảng Bình:

Đất ấy mở dưới bàn chân nhẫn nại

Trời ấy xanh khao khát mắt ta nhìn

Thời tấm lòng tin cẩn yêu thương

Bàn tay mở trước bàn tay bè bạn

Từ đây - từ mảnh đất Quảng Bình ác liệt, gian khổ nhưng anh dũng và chứa chan tình nghĩa, Ý Nhi rút ra những triết lý cuộc đời:

Tôi chợt hiểu giữa cuộc đời ta sống

Có những điều chẳng dễ nhận ra

đâu

Có những điều hệ trọng lớn lao

Bỗng nhận biết khi về miền đất cũ

Cũng như Tố Hữu, Xuân Quỳnh, Thanh Hải... đã làm thơ rất hay về Quảng Bình, Ý Nhi lại góp thêm cho Quảng Bình một bài thơ hay không dễ vùng đất nào cũng có!

                                                                               Lý Hoài Xuân

 

 

 

 

,
.
.
.