Khi toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

Cập nhật lúc 16:06, Thứ Ba, 07/02/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Những năm qua, từ việc thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (TDĐKXDĐSVH) đã tác động tích cực tới các phong trào thi đua yêu nước ở các đơn vị, địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, giữ vững trật tự xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao...

Từ việc chú trọng phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, nhiều làng quê đã thực sự khởi sắc. Ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương người tốt việc tốt trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hoạt động nhân đạo. Việc xây dựng nếp sống văn minh, kỉ cương xã hội được triển khai rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là việc thực Quy chế dân chủ ở cơ sở. Đã có hàng loạt công trình ra đời từ sự đóng góp của nhân dân làm cho bức tranh nông thôn ở các miền quê ngày càng khang trang, hiện đại. Từ khi triển khai  thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" đã khơi dậy tinh thần đoàn kết trong các cộng đồng dân cư để làm nên những thành quả đáng mừng trong phong trào xây dựng đời sống mới. Một trong những nhiệm vụ được các cấp, các ngành và toàn dân hết sức chú trọng là xây dựng đời sống văn hoá, trong đó phong trào xây dựng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị và gia đình văn hoá đã thực sự đi vào đời sống của người dân, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đã có những việc làm cụ thể, thiết thực, sáng tạo nên đã huy động được sức dân trong mọi lĩnh vực hoạt động. 

Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã phát động và chỉ đạo các địa phương thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư". Từ cuộc vận động này đã có nhiều khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư tiên tiến. Nhân dân đã tự nguyện đóng góp tiền của, công sức để xây dựng đường giao thông nông thôn, các thiết chế văn hoá nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt và nâng cao mức hưởng thụ văn hoá cho người dân.  Các tổ chức, đoàn thể  như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh... cũng nỗ lực vào cuộc với những cách làm hay phù hợp với mô hình hoạt động của tổ chức mình: Hội nông dân với phong trào xây dựng gia đình hội viên văn hoá với những chỉ tiêu cụ thể như phát triển kinh tế, áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Lực lượng thanh niên trong tỉnh đã xây dựng nhiều phong trào và hành động cụ thể như: Tổ chức đám cưới văn minh, tiết kiệm; xây dựng câu lạc bộ hạnh phúc gia đình trẻ; thành lập đội thanh niên xung kích; nhân rộng điển hình mô hình làng không ma tuý; phát động phong trào sáng tạo trẻ... Đến nay, toàn tỉnh đã có 517 làng văn hoá, và nhiều khu dân cư tiên tiến. Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị văn hoá đã có những chuyển biến rõ rệt, thu hút được sự quan tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ngành, tạo sự hưởng ứng nhiệt tình trong các cơ quan, đơn vị.

Sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân tộc Vân Kiều tại huyện Lệ Thủy. Ảnh: M.H
Sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân tộc Vân Kiều tại huyện Lệ Thủy. Ảnh: M.H

Hiện tại, có 552 cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu đơn vị văn hoá, chiếm khoảng 70% số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Phong trào xây dựng đời sống văn hoá trong công nhân, viên chức, lao động được triển khai thực hiện nhằm vận động đội ngũ cán bộ công nhân, viên chức, lao động thi đua xây dựng gia đình văn hoá, cơ quan, đơn vị văn hoá, xây dựng nếp sống văn minh công sở... Từ sự nỗ lực đó, đã có  95% hộ gia đình công chức, viên chức đạt danh hiệu gia đình văn hoá. Các chuẩn mực đạo đức về gia đình truyền thống được gìn giữ và phát huy góp phần bảo vệ truyền thống văn hoá tốt đẹp của quê hương. Nhận thức được rằng, gia đình là tế bào, là thiết chế xã hội bền vững nhất để giữ gìn phát huy bản sắc dân tộc, toàn tỉnh đã có những việc làm thiết thực để đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hoá. Các địa phương đã chủ động chỉ đạo hướng dẫn xây dựng mô hình câu lạc bộ phát triển gia đình bền vững và triển khai Đề án Tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam. Với chủ đề "Giữ vững và phát huy những giá trị văn hoá gia đình Việt Nam", nhiều địa phương đã tổ chức toạ đàm, hội nghị biểu dương các gia đình văn hoá tiêu biểu trong phong trào xây dựng gia đình "No ấm, tiến bộ, bình đẳng và hạnh phúc". Tiêu biểu cho các hoạt động trên là thành phố Đồng Hới, huyện Lệ Thuỷ, huyện Minh Hoá với việc tổ chức thành công hội thi Gia đình văn hóa. Nhờ sự nỗ lực đó, toàn tỉnh đã có 138.969  hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá. Các giá trị văn hoá truyền thống được giữ gìn và phát huy, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt.

Phong trào văn hoá, văn nghệ, phát triển rộng khắp, tạo điều kiện cho người dân có những sân chơi lành mạnh, bổ ích. Hầu hết các địa phương đều thành lập được những đội văn nghệ, thể thao và xây dựng các đội văn nghệ truyền thống để giữ gìn và truyền dạy các tinh hoa văn hoá văn hoá của làng quê. Nổi bật là xã Quảng Phương (Quảng Trạch) với câu lạc bộ Ca trù làng Đông Dương; xã Nhân Trạch, Bố Trạch với việc xây dựng và phát triển đội văn nghệ truyền thống và nhiều làng quê khác.

Phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" đã có bước phát triển mới về chất lượng, tỷ lệ người tham gia luyện tập thể thao ở các xã phường, thị trấn tăng dần hàng năm.  Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở các huyện, thành phố đã chỉ đạo cơ sở từng bước thực hiện mỗi thôn, bản xây dựng được 1 câu lạc bộ thể dục thể thao, mỗi xã, thị trấn có sân thể dục thể thao và quy hoạch đất cho hoạt động này theo tinh thần Chỉ thị 274/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các trường học trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt giờ học thể dục chính khoá và ngoại khoá. Mỗi người dân ở các cộng đồng dân cư đã chú trọng hơn đến việc rèn luyện thân thể thông qua các hình thức thể dục thể thao như đi bộ, tập dưỡng sinh, cầu lông, bóng chuyền... Những năm gần đây, nhiều bộ môn thể dục có tính chuyên nghiệp cao như aerobic, yoga, câu lạc bộ thể hình cũng được người dân ở các độ tuổi tham gia khá đông ở khu vực thành thị như thành phố Đồng Hới, các trung tâm huyện lỵ trong tỉnh, từng bước đa dạng hoá các loại hình tập luyện thể thao ở các địa phương. Toàn tỉnh hiện có 383 câu lạc bộ thể dục thể thao, có 1.235 điểm tập, 100% trường học thực hiện tốt bộ môn giáo dục thể chất.

Công tác xã hội hoá về văn hoá đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tại các địa phương, nhân dân đã đóng góp tiền của, công sức để xây dựng nhà văn hoá thôn, sân thể thao, trùng tu, tôn tạo các di tích văn hoá, lịch sử. Hệ thống nhà văn hoá ở các địa phương đã phát huy tác dụng trong trong việc tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, sinh hoạt câu lạc bộ... góp phần tích cực trong việc bảo tồn vốn văn hoá truyền thống độc đáo, đa dạng của từng vùng, miền trong tỉnh.

Những thành tích mà tỉnh ta đạt được đã thể hiện rõ nét sự đồng thuận giữa ý đảng lòng dân và đây chính là tiền đề, là động lực để các địa phương tiếp tục gặt hái những thành tựu mới tươi đẹp hơn trong thời gian tới.

                                                                                       M.H

 

 

 

 

,
.
.
.