Như những đóa hoa xuân

Cập nhật lúc 10:12, Thứ Hai, 06/02/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Là địa phương có nhiều lễ hội, nhiều loại hình văn hoá gian độc đáo, thời gian qua, toàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hoá trong đời sống sinh hoạt của người dân ở các vùng quê. Từ việc tổ chức tốt các hoạt động văn hoá, thể thao và đẩy mạnh công tác du lịch đã  góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, tạo điều kiện cho các địa phương phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nên những bức tranh quê trù phú, đậm đà bản sắc của quê hương.

Không chỉ người dân trong tỉnh mà du khách thập phương đã được chứng kiến nhiều sự kiện văn hoá đặc biệt được tổ chức trong năm vừa qua. Đó là Tuần văn hoá du lịch Quảng Bình 2011 với các điểm nhấn được tổ chức tập trung ở thành phố Đồng Hới, huyện Bố Trạch. Đây là những địa phương có thế mạnh về phát triển du lịch với các loại hình du lịch sinh thái, du lịch lịch sử - tâm linh khám phá hang động...

Hoạt động của Tuần văn hóa thu hút người dân và khách du lịch bởi những đặc trưng vùng miền của vùng đất và con người Quảng Bình qua phong cách ẩm thực, trò chơi dân gian, lễ hội... Mọi người được thưởng thức món ngon từ biển với đặc sản chép, ngao, sò huyết, cua, ghẹ, hàu non... và cả những món cháo, bánh truyền thống của các địa phương như bánh bột lọc, bánh xèo, bánh cuốn, cháo hàu, cháo canh...

Thành công của hoạt động này đã khơi dậy niềm tự hào trong mỗi người dân đối với quê hương, từ đó gìn giữ nếp nhà, phát huy những nét đẹp văn hoá trong đời sống sinh hoạt thường ngày. Cùng với việc khai thác tốt tiềm năng du lịch hang động, nhất là động Phong Nha, Tiên Sơn, động Thiên Đường, tỉnh ta  đã tập trung khai thác các lợi thế mới để phát triển du lịch. Việc khai trương tuyến du lịch sinh thái sông Chày- hang Tối, bước đầu đã thu hút được khách tham quan ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, làm phong phú thêm bức tranh du lịch của tỉnh.

Tiêu biểu nhất trong các sự kiện văn hoá, du lịch thời gian quan là chương trình truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1, VTV4 về những giá trị tiềm ẩn của hang động Phong Nha-Kẻ Bàng với chủ đề "Du lịch hang động kỳ vĩ Quảng Bình". Chương trình đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách trong và ngoài nước, góp phần tích cực vào việc quảng bá du lịch tỉnh nhà. Tỉnh đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác kỹ thuật Đức (GIZ) tổ chức lễ công bố Quy hoạch phát triển du lịch bền vững khu vực Phong Nha- Kẻ Bàng và ra mắt cổng thông tin điện tử du lịch tỉnh, tiến hành khảo sát tuyến du lịch bản Đoòng-rào Thượng-hang Én, tuyến du lịch hang Sơn Đoòng.

Trong năm, toàn tỉnh đã đón và phục vụ trên 904.920 lượt khách du lịch, tăng 5,49% so với năm trước, trong đó có 18.860 lượt khách quốc tế. Hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch được thực hiện bằng nhiều hình thức như liên kết quảng bá xúc tiến du lịch, tham gia Ngày hội du lịch lần thứ VII tại thành phố Hồ Chí Minh  với chủ đề "Quảng Bình-điểm đến hấp dẫn, độc đáo và mến khách". Sở Văn hoá -Thể thao và Du lịch đã phối hợp hướng dẫn 10 đoàn làm phim trong nước và quốc tế đến tỉnh ta làm phim giới thiệu tiềm năng du lịch, giá trị di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, con người và ẩm thực Quảng Bình, trong đó nổi bật nhất là bộ phim 3D về hang Sơn Đoòng của Nhật Bản được dịch ra 60 thứ tiếng và được phát trên hệ thống truyền hình ở các nước trên thế giới.

Một tiết mục văn nghệ do bà con người Vân Kiều ở xã Trường Xuân (Quảng Ninh) biểu diễn. Ảnh: M.H
Một tiết mục văn nghệ do bà con người Vân Kiều ở xã Trường Xuân (Quảng Ninh) biểu diễn. Ảnh: M.H

Thực hiện Nghị quyết Trung ương V khoá VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, các hoạt động về văn hoá lễ hội, công tác bảo tồn, bảo tàng, biểu diễn nghệ thuật, triển lãm... được diễn ra sôi nổi, đúng quy định, phù hợp với phong tục, tập quán và điều kiện cụ thể của mỗi địa phương. Chương trình truyền hình trực tiếp vở kịch "Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bản giao hưởng Điện Biên" trên sóng VTV1, VTV4 Đài truyền hình Việt Nam cũng để lại nhiều ấn tượng trong lòng người xem.

Ngoài ra, các đợt triển lãm có quy mô khá lớn như: triển lãm mỹ thuật các tỉnh Bắc miền Trung lần thứ XVI, triển lãm mỹ thuật tranh dân gian truyền thống Việt Nam, triển lãm ảnh với chủ đề "Tổng tư lệnh  Đại tướng Võ Nguyên Giáp" được tổ chức trang trọng tại tỉnh ta đã mang đến cho người xem những sắc màu mới về nghệ thuật, đồng thời ghi danh những người nghệ sĩ trên lĩnh vực hội hoạ, nhiếp ảnh, trong đó có những người con của quê hương Quảng Bình.

Hoạt động lễ hội diễn ra sôi nổi, rộng khắp ở các địa phương trong tỉnh. Hầu hết các lễ hội truyền thống được tổ chức trong không khí vui tươi, lành mạnh, trang trọng và tiết kiệm. Các lễ hội lớn như lễ hội đền Liễu Hạnh công chúa ở huyện Quảng Trạch, lễ hội Đập trống của người Ma Coong (Thượng Trạch, Bố Trạch), lễ hội Quan Âm ( Đức Trạch, Bố Trạch), lễ hội Rằm tháng ba (Minh Hoá), lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang (Lệ Thuỷ) và các lễ hội cầu ngư, múa bông, chèo cạn, cướp cù... ở thành phố Đồng Hới đã tạo nên đặc trưng văn hóa của các vùng, miền, thu hút đông đảo người dân và khách du lịch tham gia.

Lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cũng có những bước phát triển đáng kể. Trung tâm văn hóa tỉnh đã xây dựng nhiều chương trình nghệ thuật quần chúng để công diễn vào các dịp lễ lớn trọng đại của tỉnh. Từ phong trào này  đã phát hiện ra nhiều giọng ca mới có triển vọng đến từ các ban, ngành, đoàn thể, địa phương như ngành Giáo dục, Y tế, Cựu chiến binh... trung tâm đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức các đợt tuyên truyền văn hoá và các buổi dạ hội văn nghệ quần chúng tại các xã thuộc vùng biên giới để giúp người dân ở các vùng khó khăn được hưởng thụ văn hóa và có điều kiện để phát triển đời sống văn hoá tại các địa bàn.

Các câu lạc bộ thơ, dân ca, múa cũng hoạt động khá tốt và đã cho ra đời nhiều sản phẩm nghệ thuật khá ấn tượng. Công tác phát hiện, bồi dưỡng hạt nhân phong trào hát dân ca và múa tại các huyện Bố Trạch, Tuyên Hoá, Quảng Trạch, Quảng Ninh được thực hiện khá tốt. Nhờ vậy đã duy trì và phát  triển các làn điệu dân ca, dân vũ, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ được học hỏi, tiếp thu những di sản văn hoá phi vật thể mà thế hệ cha, ông đã dày công gìn giữ. Một trong những hoạt động đáng ghi nhận là Trung tâm văn hoá tỉnh đã phối hợp tổ chức phục dựng và trao truyền lễ hội trỉa lúa cho đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều xã Trường Sơn, Quảng Ninh, tổ chức đoàn biểu diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam và tham gia liên hoan Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam tại Hà Nội.

Hoạt động nghệ thuât chuyên nghiệp đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thưởng thức của người dân và phục vụ các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Đoàn nghệ thuật truyền thống đã dàn dựng nhiều chương trình nghệ thuật có quy mô khá lớn và thực hiện 81 buổi biểu diễn ở các huyện, thành phố. Đoàn đã tham gia và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp tại  Liên hoan ca múa nhạc các tỉnh miền Trung -Tây Nguyên tổ chức tại Phú Yên, Liên hoan ca múa nhạc 3 nước Đông Dương tại Quảng Trị và thực hiện các chương trình nghệ thuật nhằm gây quỹ ủng hộ trẻ em nghèo, nạn nhân chất độc  màu da  cam.

Đặc biệt, đoàn đã xây dựng được một chương trình dân ca, dân vũ truyền thống của Quảng Bình, đây là một trong những hoạt động được đánh giá cao, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá của quê hương.

Đất nước đang sống trong không khí của mùa xuân nhưng với những người làm công tác văn hóa, thể thao, du lịch tỉnh nhà thì mùa xuân đã đến với họ bằng những thành quả đáng tự hào trên nhiều hoạt động. Những thành công đó như những đóa hoa xuân và cũng là tiền đề, động lực để toàn ngành Văn hoá- Thể thao và Du lịch tiếp tục cố gắng nhằm xây dựng nên những công trình mới bằng các tác phẩm nghệ thuật, bằng việc gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống trên mỗi tên đất, tên làng trong bức tranh chung của quê hương Quảng Bình.

                                                                                                     Mỹ Huệ

,
.
.
.