Hải Hà trống mở cờ bay...

Cập nhật lúc 07:28, Thứ Hai, 13/02/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Đó là không khí rộn ràng của ngư dân làng biển Nhân Trạch (Bố Trạch) trong ngày 16 tháng giêng âm lịch, khi làng mở hội cầu ngư. Những điệu hò âm vang trên sóng, thuần phác như tâm hồn người kẻ biển, được xướng lên rộn rã trong ngày hội trọng đại của dân làng. Họ gửi gắm ước mơ bình dị của mình qua từng câu hát, điệu hò...

 

Nghệ nhân dân gian Phạm Thị Niếu. Ảnh: N.M
Nghệ nhân dân gian Phạm Thị Niếu. Ảnh: N.M

Nghệ nhân dân gian Phạm Thị Niếu (thôn Nam, xã Nhân Trạch), người đóng vai trò "mụ cai" trong cuộc hát múa quạt - trống tại lễ cầu ngư, dù đã bước qua tuổi "cổ lai hy" vẫn say đắm như thuở nào. Gần 60 năm đi hát trong những lễ hội làng quê, những câu hát, điệu hò dường như ngấm sâu vào huyết quản của người đàn bà làng biển này.

Bà vừa gõ nhịp vừa say sưa hát, những câu hát mộc mạc, dễ nhớ, dễ thuộc "Nhìn xem phong cảnh làng ta/ Trên sơn dưới thuỷ đậm đà ái ân/ Dân làng mở hội cầu thần/ Ông bà ứng cảm muôn phần vận may/ Hải hà trống mở cờ bay/ Bốn bề nam bắc đông tây rộn ràng/ Thiên văn địa lý hai hàng/ Lên bành cưỡi ngựa, địa quan xuất hành/ Cầu cho làng vạn hai gành/ Thiên hạ đại cát dân an thái bình/ Ngư thần an ngự trước lăng/ Đặt bàn hương án kiệu xanh lộng vàng...". Cùng với âm vang của lời hát là tiếng gõ nhịp của trống, tiếng vỗ tay của người xem và rực rỡ áo lụa, quạt hoa... Những mẹ, những chị làng biển sớm hôm tảo tần với chợ búa, cá tôm, giờ chợt biến hóa kỳ ảo trong ngày lễ trọng...

Cũng như nhiều làng biển khác, lễ hội cầu ngư của người Nhân Trạch đã có từ lâu đời. Lễ vật chỉ là những món bánh trái do người dân tự làm và mang đến. Nét nổi bật trong lễ hội chính là các điệu hò, lời hát, những câu hát giản dị được truyền từ đời này sang đời khác bằng tình yêu biển, yêu quê và yêu văn nghệ của người dân nơi đây. Năm nào cũng vậy, ngay sau lễ tế là đến tiết mục chèo cạn, múa quạt - trống, cuối cùng là múa hoa đăng. Đội múa hoa đăng kết thúc bằng màn xếp chữ "Thiên hạ thái bình".

Người Nhân Trạch không chỉ cầu mong một mùa sóng yên biển lặng, tôm cá đầy thuyền mà gửi mơ ước của mình cho khắp muôn nơi, mong cho "thiên hạ thái bình". Một "kịch bản" truyền thống, không thay đổi từ nhiều đời nay, nhưng mỗi năm, người dân nơi đây đều mong mỏi đến ngày 16 tháng giêng để được sống trong không khí rộn ràng trống giong cờ mở...

Kết thúc phần lễ là phần hội được tổ chức khá chu đáo. Những trò chơi dân gian như xung đu, kéo co, bịt mắt đút bánh, cướp vè, buộc dây xỏ lỗ cổ chai... được trẻ già, trai gái sôi nổi hưởng ứng. Trong tiếng trống giục thùng thùng, tiếng reo hò cổ vũ, một cụ ông và cụ bà mở màn cho trò xung đu. Cứ mỗi lần chiếc đu vút lên cao, người xem lại vỗ tay và "chấm điểm" cho cặp đu. Bên này xung đu, bên kia bịt mắt đút bánh, cướp vè..., xung quanh là trẻ con chạy lăng xăng, trên tay là các loại bánh trái vừa được hạ xuống trên bàn lễ. Cả một vùng biển đầy sắc màu và rộn ràng những âm thanh lễ hội mùa xuân...

Màn xếp chữ "Thiên hạ thái bình" trong tiết mục múa hoa đăng. Ảnh: N.M
Màn xếp chữ "Thiên hạ thái bình" trong tiết mục múa hoa đăng. Ảnh: N.M

Nghệ nhân dân gian Phạm Thị Niếu, người đang góp phần quan trọng trong việc duy trì các làn điệu truyền thống của quê hương trong các lễ hội, cho biết: Câu lạc bộ văn nghệ dân gian của xã hiện có 58 thành viên, gồm 46 nữ và 12 nam.

Để những điệu hát, câu hò của quê hương không bị mai một, hiện tại, bà Niếu và các thành viên của câu lạc bộ đang truyền nghề cho một số em học sinh. Không chỉ hát trong lễ hội cầu ngư, các thành viên của câu lạc bộ còn tham gia biểu diễn trong nhiều lễ hội khác của làng. "Nhưng tất cả chúng tôi đều mong mỏi đến tháng giêng để được hát trong lễ cầu mùa. Phần lớn diễn viên đều là người cao tuổi, từng gắn bó lâu đời với làng quê nên trong những dịp này, không chỉ tham gia biểu diễn, mọi người còn có dịp trổ tài trong các trò chơi dân gian...", bà Niếu tâm sự.

Với 11/14 thôn làm nghề biển cùng với truyền thống ca hát từ lâu đời, lễ hội cầu ngư là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân nơi đây. Biển đã mang lại cuộc sống ấm no, sung túc cho họ. Mang ơn biển, mỗi mùa xuân họ lại sắm sửa lễ vật để tạ ơn thần và múa hát cầu mong một mùa biển mới an lành, sung túc. Sau lễ cầu ngư, tàu thuyền tấp nập rời bến, mang theo niềm tin về một năm mới bội thu từ biển.

                                                                                         Ngọc Mai




,
.
.
.