Bộ Y tế yêu cầu không để xảy ra khan hiếm, thiếu thuốc dịp Tết

  • 07:34 | Thứ Hai, 22/01/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Bộ Y tế yêu cầu không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh, nhất là các thuốc điều trị các bệnh như: Cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi...
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị yêu cầu tăng cường công tác y tế nhằm đảm bảo đón Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024.
 
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc bộ, giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị y tế ngành xây dựng và triển khai kế hoạch tăng cường công tác y tế, phân công trực 24/24h đối với lãnh đạo và nhân viên của đơn vị theo quy định; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh; tổ chức lực lượng, phương tiện ứng trực, theo dõi, giám sát diễn biến dịch và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.
 
Cục Quản lý Dược chỉ đạo các sở y tế tỉnh, thành phố, bệnh viện, viện trực thuộc Bộ Y tế và các công ty xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất thuốc có kế hoạch đảm bảo cung ứng đủ thuốc, triển khai kế hoạch dự trữ đầy đủ, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh, nhất là các thuốc điều trị các bệnh thường xảy ra trong mùa Đông-Xuân như: Cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, rubella, tiêu chảy do virus rota, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa...
 
Sở y tế tỉnh, thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến, xử lý nghiêm các trường hợp được phát hiện…
 
Sở y tế tỉnh, thành phố, tham mưu uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo phòng chống dịch bệnh dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn; huy động nguồn lực, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể với công tác y tế.
 
Các đơn vị y tế tiếp tục theo dõi, giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây lan, bùng phát lan rộng ra cộng đồng; tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu để phát hiện sớm, cách ly, xử lý kịp thời những trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan vào Việt Nam.
 
Về công tác khám, chữa bệnh, Bộ Y tế yêu cầu các sở y tế chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn: Tổ chức thực hiện ứng trực 24/24 giờ; bảo đảm đủ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế, ôxy y tế; chuẩn bị phương án cấp cứu trong các sự kiện tập trung đông người; bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện, sẵn sàng đáp ứng, phục vụ công tác điều trị, cấp cứu, nhất là cấp cứu tai nạn giao thông, cháy nổ, thương tích, ngộ độc thực phẩm và điều trị người bệnh mắc các bệnh truyền nhiễm trong dịp Tết.
 
Tại Chỉ thị, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Cục An toàn Thực phẩm tham mưu Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm trung ương chỉ đạo địa phương, cơ quan chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian trước, trong và sau Tết, tập trung vào các nhóm sản phẩm thực phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn.
 
Cục Y tế Dự phòng thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong nước, quốc tế; kịp thời báo cáo Bộ Y tế và cấp có thẩm quyền diễn biến dịch bệnh, tham mưu các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.
 
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc: Tổ chức ứng trực 24/24 giờ; chủ động các phương án sẵn sàng nhân lực, thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm y tế bảo đảm khám, cấp cứu, nhất là cấp cứu tai nạn giao thông, pháo nổ, thương tích, ngộ độc thực phẩm và điều trị người bệnh mắc các bệnh truyền nhiễm trong dịp Tết...
 
Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế nâng cao năng lực thu dung, điều trị; rà soát cơ sở vật chất, xây dựng và triển khai phương án bảo đảm đủ nhân lực, cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế, ôxy y tế; chuẩn bị phương án cấp cứu trong các sự kiện tập trung đông người; bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện, sẵn sàng đáp ứng, phục vụ công tác điều trị, cấp cứu, nhất là cấp cứu tai nạn giao thông, cháy nổ, thương tích, ngộ độc thực phẩm và điều trị người bệnh mắc các bệnh truyền nhiễm trong dịp Tết.
Theo (Vietnam+)

tin liên quan

Vì sao đột quỵ dễ gia tăng vào mùa lạnh?

Tỷ lệ người bị đột quỵ tăng cao vào thời điểm giao mùa và thời tiết lạnh, khoảng 20-30 % so với những ngày thời tiết bình thường.

Vaccine 5 trong 1 sẽ được tiêm tại trạm y tế xã, phường từ tháng 1/2024

Ngày 27/12, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã có văn bản gửi các viện vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, trung tâm kiểm soát bệnh tật 63 tỉnh, thành về việc phân bổ vaccine.

Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh có giám đốc mới

(QBĐT) - Ngày 28/12, Sở Y tế tổ chức lễ công bố và trao quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về việc điều động, bổ nhiệm Giám đốc Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh.