Để Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào cuộc sống

Cập nhật lúc 09:06, Thứ Ba, 18/09/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20-6-2012 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2013. Luật này ra đời có ý nghĩa như thế nào? Ở tỉnh ta, việc triển khai thực hiện để sớm đưa luật đi vào cuộc sống ra sao? Phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với bà  Nguyễn Thị Lài, TUV, Giám đốc Sở Tư pháp xung quanh vấn đề này.

* P.V: Thưa bà, sự ra đời của Luật PBGDPL có ý nghĩa như thế nào đối với công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh ta trong thời điểm hiện nay?

- Bà Nguyễn Thị Lài (N.T.L): Đây là đạo luật mới, quan trọng, có giá trị pháp lý cao. Luật PBGDPL được ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho công tác PBGDPL; tạo chuyển biến căn bản, bền vững về hiệu quả của hoạt động PBGDPL, huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia công tác PBGDPL, trong đó phát huy vai trò nòng cốt của Nhà nước; xác lập trách nhiệm và cơ chế phối hợp, huy động các nguồn lực của các cơ quan, tổ chức; tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ PBGDPL; tạo cơ sở pháp lý trong việc huy động nguồn kinh phí triển khai công tác PBGDPL; thúc đẩy, khuyến khích và thu hút sự quan tâm nhà nước và toàn xã hội theo hướng xã hội hóa công tác PBGDPL và tranh thủ các nguồn hỗ trợ, tài trợ của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước đối với công tác này.

Việc thực hiện Luật PBGDPL góp phần bảo đảm sự công khai, minh bạch của các chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đều có quyền và được tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận thông tin về pháp luật, qua đó nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật.

* P.V: Với những ý nghĩa quan trọng đó, để Luật PBGDPL đi vào cuộc sống, chúng ta cần triển khai thực hiện những nhiệm vụ nào, thưa bà?

- Bà N.T.L: Trước hết, cần ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ PBGDPL.

Theo đó, cần tổ chức rà soát các văn bản hiện hành liên quan đến công tác PBGDPL do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành; phân loại, lên danh mục các văn bản còn phù hợp để tiếp tục thực hiện; sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các văn bản không còn phù hợp. Trên cơ sở đó xây dựng, ban hành mới các văn bản để triển khai thi hành luật và các văn bản của các cơ quan nhà nước ở Trung ương về công tác PBGDPL.

Hai là, đẩy mạnh phổ biến, quán triệt luật và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật về công tác PBGDPL với nhiều hình thức phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đơn vị, địa bàn và nhóm đối tượng cụ thể.

Đặc biệt chú trọng tuyên truyền, phổ biến chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của các ngành, địa phương; đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL (cán bộ tư pháp các cấp; cán bộ được phân công thực hiện nhiệm vụ PBGDPL của các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật) và đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công tác PBGDPL (cán bộ pháp chế, trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên, luật sư, tư vấn viên pháp luật, giáo viên dạy môn giáo dục công dân và giáo dục pháp luật trong các cấp học).

Ba là, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ PBGDPL. Cụ thể: Thường xuyên kiện toàn tổ chức của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực hoạt động của lực lượng chuyên trách thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật của Sở Tư pháp; cán bộ pháp chế của sở, ngành cấp tỉnh và doanh nghiệp do tỉnh quản lý; phòng Tư pháp các huyện, thành phố và cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã bảo đảm đủ biên chế, có năng lực, trình độ và bảo đảm về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc.

Kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở theo hướng chuyên nghiệp; quan tâm tạo điều kiện, có chính sách hỗ trợ cho các đối tượng này thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật. Thường xuyên tập huấn kỹ năng nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức nhằm nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn cho đội ngũ những người thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thực hiện sơ kết, tổng kết, kịp thời khen thưởng đối với những cá nhân, tập thể có nhiều thành tích trong hoạt động PBGDPL; gắn việc thực hiện nhiệm vụ PBGDPL với việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

* P.V: Hiện Sở Tư pháp đã có kế hoạch triển khai những hoạt động gì nhằm sớm đưa Luật PBGDPL vào cuộc sống?

- Bà N.T.L: Với tư cách là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL tỉnh, Sở Tư pháp đã tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 923/KH-CT ngày 7-8-2012 về triển khai thực hiện Luật PBGDPL trên địa bàn tỉnh, trong đó đã hướng dẫn cụ thể về nội dung, hình thức, tổ chức thực hiện và chế độ báo cáo để các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện. Sở cũng đã tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt luật cho lãnh đạo các sở, ngành, tổ chức, đoàn thể, cán bộ pháp chế, báo cáo viên pháp luật.

Tuy nhiên, đây chỉ là những hoạt động ban đầu. Để luật thực sự đi vào đời sống, đòi hỏi phải có sự quan tâm đầu tư đúng mức của các cấp, các ngành; mỗi công dân phải tự giác và có thói quen tìm hiểu pháp luật. Mỗi công dân, mọi ngành, mọi cấp cần có những hoạt động thiết thực, cụ thể, thường xuyên để hưởng ứng và hướng đến “Ngày pháp luật Việt Nam”- ngày 9-11 hàng năm nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật; giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

Bên cạnh việc triển khai thi hành luật, sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2-1-2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới; Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9-12-2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân"; Kế hoạch số 19-KH/TU, ngày 7-6-2004 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9-12-2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân; các chương trình, đề án về PBGDPL của Chính phủ, của UBND tỉnh. Trước mắt, sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở- đây được coi là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống.

* Xin cảm ơn bà!

                                                              Hương Lê (thực hiện)


 

,
.
.
.