Bảo đảm quyền được tiếp cận với pháp luật của người nghèo, đối tượng chính sách

Cập nhật lúc 08:37, Thứ Năm, 06/09/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong những năm qua, hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và có sự chỉ đạo sát sao nên ngày càng phát huy hiệu quả; tổ chức và những người thực hiện TGPL trở thành chỗ dựa tin cậy cho người nghèo, đối tượng chính sách...

Năm 1995, khẳng định quyết tâm chính trị trong việc bảo đảm quyền được tiếp cận với pháp luật của người nghèo và đối tượng chính sách, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chỉ đạo Chính phủ "cần nghiên cứu lập hệ thống dịch vụ tư vấn pháp luật không lấy tiền để hướng dẫn nhân dân sống và làm việc theo pháp luật".  Năm 1997, thuật ngữ "trợ giúp pháp lý" chính thức được khẳng định trong pháp luật với việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 734/TTg ngày 6-9-1997 về việc thành lập hệ thống tổ chức TGPL cho người nghèo, đối tượng chính sách.

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XI, Luật Trợ giúp pháp lý được thông qua (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2007) đã đánh dấu bước chuyển về chất, đưa hoạt động TGPL lên một tầm cao mới phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước và xu thế thời đại.

Ở tỉnh ta, ngay khi Luật TGPL có hiệu lực thi hành, Trung tâm TGPL tỉnh đã tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ người thực hiện TGPL. Đội ngũ được chú trọng phát triển cả về số lượng và chất lượng; thường xuyên được gửi đi đào tạo nhằm nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động TGPL trên địa bàn. Hiện trên địa bàn tỉnh có 10/12 tổ chức hành nghề luật sư đăng ký tham gia TGPL; có 58 câu lạc bộ TGPL được hình thành và đi vào hoạt động tại các địa phương. Trong đó, 16/16 số xã của huyện Minh Hóa (huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ) đã thành lập câu lạc bộ; 21/35 xã thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2 đã thành lập câu lạc bộ, góp phần không nhỏ cho sự lớn mạnh của bộ máy tham gia TGPL.

Để công tác TGPL ngày càng hiệu quả, sâu sát với tình hình, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm TGPL tỉnh tiến hành thành lập các chi nhánh. Đến nay, ở tỉnh ta đã có 4 chi nhánh TGPL ở các huyện Minh Hóa, Quảng Trạch, Lệ Thủy, Bố Trạch. Sở Tư pháp đang hoàn tất các thủ tục để thành lập chi nhánh TGPL số 5 ở huyện Tuyên Hóa. Các chi nhánh TGPL ra đời có thể xem như những "cánh tay nối dài", đưa hoạt động TGPL đến gần hơn với người dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.

Qua 5 năm (từ 1-1-2007 đến 31-3-2012), Trung tâm TGPL Nhà nước đã thực hiện 8.072 vụ việc TGPL (trong đó 7.418 vụ tư vấn, 644 vụ tham gia tố tụng, 3 vụ đại diện ngoài tố tụng, 5 vụ kiến nghị) cho 2.085 người nghèo, 2.085 người có công với cách mạng, 134 người già, 51 người tàn tật và 600 trẻ em. Ngoài ra còn có 2.059 vụ việc do cộng tác viên, câu lạc bộ TGPL thực hiện. Nhìn chung, các vụ việc TGPL đều đạt chất lượng, bảo đảm về thời hạn thực hiện, đáp ứng yêu cầu hợp pháp của người được TGPL. Người được trợ giúp hài lòng về thái độ phục vụ, cách thức thực hiện của đội ngũ người thực hiện TGPL.

Trung tâm cũng đã tổ chức TGPL lưu động tại 222 thôn, bản, xã với 4.542 vụ việc cho 4.542 trường hợp, kết hợp tuyên truyền, phổ biến một số nội dung pháp luật mới ban hành; đặc biệt tập trung ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có "điểm nóng" về tranh chấp đất đai, giải phóng mặt bằng như: xã Nam Hóa, Sơn Hóa... Tiến hành đặt biển thông tin về TGPL tại 22 cơ quan tố tụng trên địa bàn tỉnh; UBND các huyện, thành phố; trại tạm giam, trại giam và một số cơ quan khác nhằm đáp ứng nhu cầu TGPL miễn phí của nhân dân ở cơ sở. Các hoạt động truyền thông về TGPL được tăng cường trên các chuyên mục, chuyên trang của Báo Quảng Bình, Đài PT- TH Quảng Bình.

Với những kết quả đó, Trung tâm TGPL Nhà nước của tỉnh đã thực hiện tốt chức năng là cầu nối của người dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách với pháp luật; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, người có công với cách mạng. Thông qua hoạt động TGPL cũng đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân; giúp các cơ quan chức năng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân từ cơ sở, nhất là những nguyện vọng chính đáng của người nghèo và đối tượng chính sách.

Từ đó, Nhà nước sẽ có những chủ trương, quyết sách đúng đắn trong việc thực hiện các chức năng xã hội của mình. Đánh giá về tác động của TGPL trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, ông Nguyễn Minh Thuận, Phó chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho rằng: "Trong những năm qua, đặc biệt năm 2010- 2011, trên địa bàn huyện Bố Trạch, công tác TGPL đã tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người nghèo, người có công với cách mạng tiếp cận nhiều hơn với dịch vụ pháp lý, góp phần quan trọng vào việc củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân vào pháp luật.

Sự phát triển của xã hội sẽ kéo theo nhu cầu TGPL của nhiều diện đối tượng có xu hướng tăng lên, như: phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình, bị nhiễm HIV-AIDS, là nạn nhân của tệ nạn mại dâm; trẻ em là nạn nhân của bạo hành, tình dục... Dự kiến trong thời gian sắp tới, nhu cầu cần TGPL tại tỉnh ta sẽ còn tăng và tính chất vụ việc cũng sẽ phức tạp hơn. Bởi vậy, hoạt động TGPL còn phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa.

Ông Trần Văn Lê, Phó giám đốc Sở Tư pháp cho biết: "Để tăng cường năng lực quản lý, điều hành hoạt động, sắp tới, Sở sẽ củng cố, kiện toàn bộ máy lãnh đạo của Trung tâm TGPL; thành lập thêm chi nhánh TGPL tại các huyện. Chúng tôi cũng chỉ đạo trung tâm cần chú trọng công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao năng lực thực tiễn cho CBCCVC; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng TGPL cho trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên, thành viên ban chủ nhiệm và hội viên các câu lạc bộ TGPL. Bên cạnh đó, trung tâm cần triển khai có hiệu quả các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ trong kế hoạch đã đề ra, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động TGPL trên địa bàn".

                                                                         Hương Lê

 

,
.
.
.