Làm giàu từ vườn hoa cây cảnh

  • 08:35 | Thứ Hai, 29/01/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những ngày cuối năm, vườn phong lan rừng của chị Đinh Thị Kim Tình (SN 1983) ở tổ dân phố 4, thị trấn Quy Đạt (Minh Hóa) luôn tấp nập người ra vào, không khí nhộn nhịp và ngập tràn sắc hoa. Với niềm say mê và đôi bàn tay khéo léo, chị Tình là một trong những người tiên phong trong xây dựng mô hình trồng hoa, cây cảnh tại địa phương với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
 
Nói về “nhân duyên” với hoa, chị Tình cho hay, trước đây chị là cô giáo, 8 năm bám trường bám lớp và đam mê với nghề giáo nhưng đến khi lập gia đình, con cái hay đau ốm nên chị xin nghỉ nghề giáo để tiện chăm lo cho gia đình. Năm 2012, chị Tình quyết định ra Hà Nội, tìm đến một trang trại trồng hoa cây cảnh để xin họ làm thuê, chấp nhận làm không lương chỉ để học hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại hoa, cây cảnh. Sau 3 tháng kiên trì, chị trở về và thực hiện ý tưởng khởi nghiệp khi quyết định cải tạo vườn để phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh.
 
Được gia đình ủng hộ, chị Tình dốc hết vốn để quy hoạch vườn, mua giống hoa về trồng. Ban đầu, chị lựa chọn các loại hoa đơn giản, dễ trồng, dễ nhân giống, chi phí đầu vào thấp, đầu ra có giá ổn định, lại phù hợp với nhu cầu thị trường như hoa giấy, hoa ly, thạch thảo, đồng tiền…, vừa làm vừa áp dụng kỹ thuật ươm giống, tạo dáng, ghép cành cho hoa. Với đôi bàn tay khéo léo cùng vốn kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được, vụ hoa đầu tiên, gia đình chị Tình thu lãi hơn 30 triệu đồng.
Chị Đinh Thị Kim Tình tại vườn hoa.
Chị Đinh Thị Kim Tình tại vườn hoa.
Tiếp tục nắm bắt nhu cầu, xu hướng của thị trường, đến nay, chị Tình đã mở rộng diện tích đất vườn lên tới hơn 2.000m2, trồng 150 loại hoa. Đồng thời, đầu tư khung lưới che, hệ thống tưới tiêu tự động, nhỏ giọt và phun sương, trang bị đèn điện thắp sáng quanh vườn để tiện cho việc chăm sóc cây. Hiện, chị Tình chủ yếu lấy bầu hoa về chăm thuần rồi bán ra thị trường nên hoa luôn có dáng đẹp, thời gian ra hoa kéo dài từ 1-2 tháng; tỷ lệ cây chết thấp.
 
Theo chị Tình, việc trồng và chăm sóc hoa, cây cảnh không đơn giản. Từ những bầu hoa bình thường, để tạo thành cây bon sai có thế, có "hồn", màu sắc tươi mới và giá trị cao, đòi hỏi người trồng phải thực sự đam mê, hiểu đặc tính từng loại cây; phải có đôi bàn tay khéo léo, con mắt thẩm mỹ và phải nhanh nhạy, kịp thời nắm bắt sự phát triển của công nghệ, xu hướng thị trường để có phương pháp chăm sóc, tạo hình phù hợp.
 
Đến mùa hoa phục vụ thị trường Tết, chị Tình hầu như ăn không đúng bữa, ngủ không đúng giờ, chăm sóc cây tỉ mẩn. Nhìn những “đứa con” mình dày công chăm sóc lớn lên từng ngày, được khách hàng trong và ngoài huyện đón nhận và ưa chuộng, những người trồng hoa, cây cảnh như chị Tình như được tiếp thêm động lực để tiếp tục gắn bó với nghề, góp phần mang lại hương sắc rực rỡ cho mọi người, mọi nhà.
 
Không chỉ bán hoa tại vườn, chị Tình còn đảm nhận thiết kế và trồng hoa, cây cảnh cho các cơ quan, doanh nghiệp, các công trình xây dựng. Chị tư vấn cho khách hàng các loại hoa hợp phong thủy, vị trí trồng hoa hợp lý để hài hòa với không gian nhà của gia chủ. Những tháng cao điểm, thu nhập của chị Tình đạt 35-40 triệu đồng, tạo việc làm cho 5 nhân công thời vụ với thu nhập trung bình từ 4-6 triệu đồng. Trong năm 2023 và dự kiến sau vụ hoa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, gia đình chị Tình sẽ thu lãi trên 250 triệu đồng.
 
Thời gian rảnh rỗi, chị Tình thường livestream trực tiếp trên facebook để giới thiệu sản phẩm và hướng dẫn cách chăm sóc hoa, cây cảnh nhằm tạo thêm kênh bán hàng trên mạng xã hội. Nói về ý định trong thời gian tới, chị Tình cho biết: Ngoài duy trì nghề trồng hoa, cây cảnh, chị sẽ khai thác hết đất vườn để trồng các loại rau củ sạch theo mô hình VietGAP, nuôi gà thả vườn khép kín, nhằm cung cấp thực phẩm sạch ra thị trường; đồng thời đầu tư thêm công nghệ tiên tiến vào khâu chăm sóc để giảm thiểu sức lao động.
 
Từ khu vườn chỉ trồng rau khoai lang hoặc để hoang, chị Tình đã xây dựng được cơ ngơi với vườn hoa rực rỡ sắc màu và có thu nhập mỗi ngày, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Đặc biệt, chị luôn sẵn sàng chia sẻ bí quyết trồng hoa cho những ai đam mê và muốn khởi nghiệp từ hoa. Vườn hoa của chị đang là địa chỉ tin cậy cho rất nhiều người, nhất là thanh niên, phụ nữ đến học hỏi, tham quan mô hình.
Thùy Linh
(Trung tâm VH-TT-TT Minh Hóa)

tin liên quan

"Cầu nối" đưa vốn vay ưu đãi đến phụ nữ nghèo

(QBĐT) - Được sự ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội-Chi nhánh Quảng Bình về tín dụng chính sách, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh luôn đồng hành, sát cánh với hội viên để đưa nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến với phụ nữ nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp họ phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

"Điểm tựa" của người nghèo

(QBĐT) - Những năm qua, từ nguồn vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện Quảng Ninh, nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện đã được vay vốn phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập.

Tầm quan trọng của các vùng đất ngập nước

(QBĐT) - Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, hưởng ứng Ngày đất ngập nước (ĐNN) thế giới (2/2) năm 2024, UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về giá trị và tầm quan trọng của các vùng ĐNN.